Indonesia:

Mạnh tay chống tham nhũng

Thứ Tư, 22/03/2017, 21:27
Dư luận Indonesia đang có những phản ứng khác nhau sau khi Hạ viện nước này kêu gọi mở cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc tham nhũng xung quanh dự án chứng minh nhân dân điện tử (e-ID), trong đó có nhiều nhà lập pháp bị liên đới.


Phó Chủ tịch Hạ viện Agus Hermanto (thuộc đảng Dân chủ) cho rằng, cần phải mở một cuộc điều tra nếu đa số các nhà lập pháp ủng hộ. Lời kêu gọi được đưa ra trong khi có một số thành viên đảng Dân chủ bị coi có dính líu tới bê bối kể trên, trong đó có cựu Chủ tịch Anas Urbaningrum và Muhammad Nazaruddin. Trong khi đó, Phó phát ngôn của đảng Công bằng Thịnh vượng Fahri Hamzah cho rằng, cần phải "làm sáng tỏ hình ảnh của cơ quan lập pháp".

Vụ bê bối tham nhũng e-ID bị cho đã gây thiệt hại lên tới 2.300 tỷ Rupiah (khoảng 172,25 triệu USD), trong khi ngân sách dành cho dự án này ở mức 5.900 tỷ Rupiah. Chính vì sự “quá tải” của số tiền bị thiệt hại nên phiên tòa xét xử liên quan đến vụ tham nhũng e-ID đã tiết lộ một bản “danh sách đen”, bao gồm nhiều nhà lập pháp bị cáo buộc từng nhận tiền “bôi trơn" để đồng ý thông qua dự án này.

Trong số những cái tên được đề cập, dư luận đặc biệt quan tâm tới Chủ tịch Hạ viện Setya Novanto (đồng Chủ tịch đảng Golkar) cùng khoảng 40 thành viên và cựu thành viên của Ủy ban II (Ủy ban phụ trách vấn đề nhà ở) giám sát việc mua sắm của Chính phủ.

Chủ tịch Hạ viện Setya Novanto.

Tờ Jakarta Post vừa dẫn lời một số nhân vật có tên tuổi, yêu cầu phải mở cuộc điều tra để làm rõ những cáo buộc tham nhũng xung quanh dự án e-ID. 

Ngoài những cái tên kể trên, giới truyền thông còn cho biết, Bộ trưởng Tư pháp, cựu Bộ trưởng Nội vụ, người phát ngôn hiện thời của Quốc hội và một số thống đốc tỉnh, thành cũng có tên trong “danh sách đen” được gửi tới một tòa án đặc biệt chuyên thụ lý án tham nhũng ở Indonesia.

Trước đó (9-3), tòa đã khai đình xét xử 2 quan chức thuộc Bộ Nội vụ liên quan tới vụ tham nhũng e-ID. Cơ quan chức năng cho biết, 2 người này bị cáo buộc tham nhũng 4,4 triệu USD. Theo cáo buộc của cảnh sát chống tham nhũng, mạng lưới tham nhũng có khoảng 80 nhân vật cùng một số công ty và họ đã lấy hơn 1/3 số tiền từ các quỹ được dùng để triển khai dự án e-ID (trị giá 440 triệu USD) vào năm 2011 và 2012.

Tướng Budi Gunawan.

Trong khi vụ án tham nhũng xung quanh dự án e-ID còn đang trong giai đoạn tranh cãi, dư luận quan tâm tới tuyên bố của người phát ngôn Hội đồng Tư vấn Nhân dân Zulkifli Hasan (đồng Chủ tịch đảng Trách nhiệm Quốc gia) bởi cho rằng, vấn đề này nên để cho Ủy ban chống tham nhũng giải quyết.

Hơn 2 năm trước (20-2-2015), Tổng thống Joko Widodo đã bổ nhiệm ông Tufiequrahman Ruki làm Chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPK). Quyết định này được đưa ra sau khi Chủ tịch KPK phải ra đi do bị cảnh sát điều tra về tình nghi tham nhũng.

Khi đó, ngoài việc điều tra Chủ tịch KPK, cảnh sát còn bắt Phó Chủ tịch KPK Bambang Widjojanto. Theo người phát ngôn cảnh sát Indonesia Ronny Sompie, ông Bambang Widjojanto đã bị bắt vì có liên quan tới vụ bê bối bầu cử cấp tỉnh năm 2010.

Việc điều tra và bắt giữ lãnh đạo cấp cao của KPK diễn ra trong bối cảnh Tướng Budi Gunawan, ứng cử viên duy nhất cho chức Cảnh sát trưởng quốc gia do Tổng thống Joko Widodo đề cử, bị tình nghi tham nhũng.

Ngày 17-1-2015, Chủ tịch KPK Abraham Samad thông báo sẽ phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật như Văn phòng Tổng Công tố, Tòa án Tối cao, Tòa án Hiến pháp và các nhân chứng để điều tra nghi án tham nhũng của Tướng Budi Gunawan.

Tướng Budi Gunawan bị cáo buộc vi phạm một số điều theo Luật số 31 năm 1999, đã được sửa thành Luật số 20 năm 2001, trong đó điều chỉnh các hành vi tham nhũng của các quan chức liên quan đến vị trí của họ.

KPK được thành lập từ năm 2003 với chức năng làm rõ các quan chức cấp cao có liên quan tới tham nhũng ở Indonesia. Và ông Tufiequrahman Ruki từng là Chủ tịch đầu tiên của KPK, khi ủy ban này mới được thành lập (nắm quyền từ 2003-2007). 

Ngày 11-12-2015, tại buổi khai mạc lễ hội chống tham nhũng ở Bandung, đại diện KPK cho biết, Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Sudirman Said vừa nộp lại món quà tặng là chiếc nhẫn kim cương trị giá 4 tỷ rupiah (286.000 USD). 

Điều đáng nói là ngoài việc nộp lại quà tặng, Bộ trưởng Sudirman Said còn tố cáo Chủ tịch Hạ viện Setya Novanto về hành vi "vòi tiền hoa hồng” lên tới hàng chục triệu USD của công ty khai thác vàng Freeport. 

Phó chủ tịch KPK Pahala Nainggolan đã khen ngợi Bộ trưởng Sudirman Said là quan chức gương mẫu, thường xuyên nộp lại các "món quà có vấn đề" do các đối tác phần lớn là giới kinh doanh khoáng sản tặng. KPK liên tục khuyến khích quan chức chính phủ báo cáo quà tặng hoặc các hành vi hối lộ.

Thiện Lân
.
.
.