Indonesia phá âm mưu đánh bom Phủ Tổng thống

Thứ Bảy, 19/08/2017, 15:14
"Đây có lẽ là lần đầu tiên hình thức như vậy được sử dụng ở Tây Java, liên quan tới các hóa chất rất nguy hiểm", người phát ngôn lực lượng cảnh sát tỉnh Tây Java, ông Yusri Yunus đã tuyên bố như vậy khi đề cập tới vụ bắt 5 đối tượng nghi là phiến quân Hồi giáo đang chế tạo bom để tấn công Phủ Tổng thống vào cuối tháng này.


Tuy nhiên, ông Yusri Yunus không nói rõ về các hóa chất bị thu giữ cũng như kế hoạch tấn công Phủ Tổng thống của các đối tượng này. Theo hãng Reuters, vụ bắt giữ diễn ra hôm 15-8 tại tỉnh Tây Java, và 2 trong số 5 đối tượng kể trên là vợ chồng, đã bị trục xuất khỏi Hongkong vì truyền bá tư tưởng cực đoan.

Được biết, 5 đối tượng đã nghiên cứu kỹ thuật chế tạo bom trên mạng do một đối tượng người Indonesia, được cho là đang chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Syria, điều hành. Và cảnh sát quan ngại về việc những người nghi là phiến quân kể trên hoạt động ngày càng tinh vi hơn sau khi xảy ra 2 vụ đánh bom bằng nồi áp suất khiến 3 cảnh sát thiệt mạng tại một bến xe buýt ở Jakarta hồi tháng 5 vừa qua.

Cảnh sát Indonesia tăng cường kiểm soát.

Theo giới truyền thông, cảnh sát chống khủng bố tìm thấy số hoá chất trong cuộc đột kích vào một căn nhà ở thành phố Bangdung, và họ có cảm giác bị bỏng và da đỏ tấy khi bước vào nhà. Hơn 1 tháng trước (8-7), cảnh sát đã bắt Agus Wiguna, 21 tuổi, bị nghi là thành viên phiến quân Hồi giáo âm mưu đánh bom một số địa điểm công cộng tại Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java.

Tên này bị bắt ngay sau khi xảy ra các vụ nổ tại căn hộ hắn thuê ở Bandung, khi cảnh sát xác định thiết bị gây nổ đều là bom tự tạo phục vụ các âm mưu tấn công khủng bố. Cảnh sát phát hiện Agus Wiguna đã sử dụng thông tin thu thập từ một trang thông tin điện tử của một nhóm phiến quân phục vụ mục đích tự chế tạo bom.

Mấy ngày trước (14-8), người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia, Chuẩn tướng Rikwanto cho biết, Cơ quan chống khủng bố (BNPT) và cảnh sát sẽ thẩm vấn 18 công dân nước này (có cả trẻ vị thành niên, phụ nữ và em bé) trốn thoát khỏi IS tại Syria.

"Những người này được đưa thẳng tới thị trấn Sentul thuộc thành phố Bogor", ông Rikwanto thông báo. Theo tờ The Strait Times, số người kể trên là những phần tử trung thành với IS. "Họ đã thề trung thành với IS khi ở đó, và đã bị tổ chức này truyền bá tư tưởng, bởi vậy chúng tôi muốn tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng", tờ Strait Times dẫn lời một sỹ quan giấu tên của Đơn vị chống khủng bố (Densus 88).

Còn theo Bộ Ngoại giao Indonesia, 18 người kể trên đã trốn khỏi IS từ thành phố Raqqa ở Syria sau khi bị tổ chức khủng bố này đưa vào một nhà giam vì từ chối chiến đấu cho chúng. Họ được hồi hương từ Syria và đến sân bay quốc tế Soekarno-Hatta của Thủ đô Jakarta trên một chuyến bay của hãng hàng không Qatar Airways.

Giới chuyên môn cho rằng, tuy nhiều vụ tấn công quy mô nhỏ lấy cảm hứng từ IS vẫn diễn ra ở Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, nhưng đa số đều được lên kế hoạch hay tiến hành nghiệp dư. Và các cuộc tấn công chủ yếu dùng vũ khí tự chế và gây thương vong cũng như thiệt hại chỉ ở mức tối thiểu.

Cảnh sát cũng đang truy tìm kẻ gửi thư đe dọa sẽ biến thủ đô Jakarta thành chiến trường như Marawi, nơi đang xảy ra chiến sự giữa quân đội Philippines với phiến quân trung thành với IS. Indonesia lo ngại các tay súng IS đang tràn sang Đông Nam Á, khi chúng thất bại ở Trung Đông.

Gần 1 tháng trước (19-7), Chính phủ Indonesia đã ban hành sắc lệnh cấm hoạt động đối với Hizbut Tahrir, một tổ chức Hồi giáo đang có ý định thiết lập sự cai trị của thể chế Hồi giáo trên thế giới. Theo Bộ Tư pháp và Quyền con người Indonesia, việc cấm hoạt động đối với Hizbut Tahrir nhằm bảo vệ sự đoàn kết dân tộc.

Cảnh sát đặc nhiệm Indonesia.

Và theo sắc lệnh do Tổng thống Joko Widodo ký, cho phép chính phủ cấm mọi tổ chức chống lại hiến pháp và Pancasila - tư tưởng nhà nước chính thức của Indonesia. Hizbut Tahrir cùng với Mặt trận Người bảo vệ Hồi giáo (IDF), bị coi là những tổ chức đã kích động các cuộc biểu tình ở Jakarta, chống lại Chính phủ Indonesia.

Và để ngăn chặn truy cập ứng dụng tin nhắn mã hóa Telegram do lo ngại ứng dụng này được sử dụng để truyền bá tư tưởng khủng bố, Bộ Thông tin Indonesia đã công bố một số biện pháp mạnh.

Theo đó ứng dụng dành cho điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn của Telegram (ứng dụng phổ biến được các phần tử ủng hộ IS sử dụng để liên lạc với nhau) đều bị phong tỏa trên khắp đất nước Indonesia. Cục trưởng Cục ứng dụng tin học Bộ Truyền thông Samuel Pangerapan cho biết, họ chuẩn bị đóng hoàn toàn chương trình Telegram tại Indonesia nếu như nhà phát triển ứng dụng không chặn các nội dung bất hợp pháp.

Trịnh Huyền My
.
.
.