Interpol phá mạng lưới buôn người ở châu Phi

Thứ Ba, 28/11/2017, 22:50
Có 236 vị thành niên trong khoảng 500 người vừa được Interpol giải cứu trong các chiến dịch chống nạn buôn người được phát động ở Cộng hòa Chad, Mali, Mauritania, Niger và Senegal.


Trong thông báo hôm 23-11, đại diện Interpol cho biết, ngoài việc giải cứu khoảng 500 người khỏi mạng lưới buôn người quy mô lớn ở Tây Phi, 40 đối tượng được cho là những kẻ buôn người đã bị bắt và sẽ bị truy tố trong thời gian tới. Những đối tượng này sẽ bị truy tố với các tội danh như buôn người, sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. 

Theo giới truyền thông và giới chuyên môn, chiến dịch chống nạn buôn người kể trên của Interpol đã nhấn mạnh tới những thách thức mà cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan đang phải đối mặt trong việc giải quyết vấn nạn này ở khu vực Sahel.

Thông báo của Interpol diễn ra trong bối cảnh cả Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều cam kết và thông qua Nghị quyết về chống buôn người. Trong bức thư trao đổi với hãng AFP hôm 24-11, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề người di cư Dimitris Avramopoulos cho biết, ông chia sẻ quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi lên án mạnh mẽ tình trạng buôn bán nô lệ tại Libya và gọi cuộc đấu giá nô lệ này là tội ác chống lại loài người. 

Đồng thời nhấn mạnh, tình trạng này không thể kéo dài và EU đang nỗ lực để hợp tác mang tầm quốc tế để tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn nạn này. Trước đó, ông Emmanuel Macron còn khẳng định, Chính phủ Pháp có thể thực hiện những biện pháp mạnh tay với bất kỳ người nhập cư bất hợp pháp nào nếu họ phạm tội. 

Ngày 22-11, Paris đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về vấn đề kể trên. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian còn đề nghị Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn công bố báo cáo chi tiết về nạn buôn người tại Libya. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lưu ý tới sự tàn bạo không giới hạn của các nhóm buôn người. Và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết ngăn chặn tình trạng buôn người tại các vùng xung đột. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm tập thể trong việc chấm dứt nạn buôn người. 

Nghị quyết vừa được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua còn hối thúc các nỗ lực phát hiện và triệt phá các hoạt động buôn người, trong đó thông qua cơ chế nhận diện nạn nhân và tạo điều kiện để bảo vệ và trợ giúp họ. 

Và kêu gọi đấu tranh với những loại hình tội phạm có liên quan tới nạn buôn người tại những khu vực đang bị ảnh hưởng do xung đột như rửa tiền, tham nhũng, buôn bán người di cư và các loại tội phạm có tổ chức khác.

Người di cư châu Phi tại chợ nô lệ ở Tripoli.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vừa cho biết, các nước EU sẽ cung cấp tài chính đầy đủ cho các nước Bắc Phi thông qua Quỹ ủy thác châu Âu, để giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp. Các nhà lãnh đạo EU cũng quyết định quay trở lại thảo luận trong tháng 12-2017 để cải tổ Hệ thống tiếp nhận người tị nạn theo quy tắc Dublin. 

Về phần mình, Liên minh châu Phi (AU) ngoài việc lên án nạn buôn người di cư châu Phi ở Libya, còn kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ họ. Gần 10 ngày trước (19-11), khi phát biểu tại cuộc họp báo chung với 14 Đại sứ các quốc gia châu Phi ở Tripoli, quan chức Bộ Ngoại giao Libya phụ trách các vấn đề châu Phi Salah Abu-Rgiga cho biết, Chính phủ bắt đầu điều tra sau khi giới truyền thông đưa tin về các hoạt động buôn người và đưa họ ra bán đấu giá tại Libya. 

Ông Salah Abu-Rgiga cho rằng, các băng nhóm tội phạm đã lợi dụng các điểm yếu về trật tự trị an để thực hiện các hoạt động phạm pháp như trung gian vận chuyển lậu người di cư qua Địa Trung Hải hoặc tuyển mộ người di cư cho mạng lưới khủng bố. 

Theo ông Salah Abu-Rgiga, cộng đồng quốc tế cần hợp tác với Libya trong cuộc chiến chống buôn người. Phó Thủ tướng Libya Ahmad M'etig đã lên án mạnh mẽ hoạt động buôn người, đặc biệt là việc người di cư châu Phi bị đưa tới các "chợ nô lệ" bên ngoài Tripoli.

Lực lượng cảnh sát và an ninh Libya cũng mới bắt hơn 3.000 người di cư tại thành phố Sabratha, địa điểm được coi là trung tâm của hoạt động buôn người, cách Thủ đô Tripoli 75 km về phía Tây. 

Được biết, nhiều đối tượng bất hảo địa phương đã lợi dụng tình hình, kiểm soát hầu như các khu vực của thành phố, thậm chí xây dựng những bến cảng riêng, được trang bị đầy đủ để có thể xuất cảng hàng chục tàu chở người di cư bất hợp pháp mỗi ngày. 

Theo giới truyền thông, bất ổn, loạn lạc, nghèo đói khiến số người dân chạy trốn khỏi châu Phi tăng đột ngột trong những năm qua và Agadez đã trở thành tụ điểm buôn người giữa sa mạc lớn nhất châu Phi. Bởi theo lời hứa của những kẻ buôn người, từ Agadez, họ sẽ tới Libya để vượt biển Địa Trung Hải sang châu Âu…

Thiện Lân
.
.
.