Interpol và 3 "vấn nạn lớn"

Chủ Nhật, 13/11/2016, 14:18
Indonesia đã triển khai hơn 3.800 nhân viên cảnh sát và an ninh để đảm bảo an toàn cho kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 85 của Interpol diễn ra trong 4 ngày (từ 7 đến 10-11), với chủ đề "Đặt ra lộ trình toàn cầu cho hoạt động giám sát quốc tế" tại thành phố Bali.


Bởi Cảnh sát Indonesia vừa bắt giữ 10 người biểu tình chống Thị trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama với lý do kích động bạo lực, và cuộc biểu tình quy mô lớn đã khiến Tổng thống Joko Widodo phải hủy chuyến thăm Australia.

Và sự có mặt của khoảng 1.200 đại biểu đến từ 164/190 quốc gia thành viên Interpol tại Đại hội đồng lần thứ 85 cho thấy mối quan tâm của các nước đối với 3 chủ đề chính: tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm an ninh mạng và chống khủng bố lớn tới mức nào.

Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock.

Tham dự kỳ họp có Chủ tịch Interpol Mireille Ballestrazzi và Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock cùng nhiều quan chức cao cấp khác.

Theo Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, Cảnh sát đang phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn và kỳ họp lần này sẽ đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, không phải là một sự kiện mang tính hình thức.

Đồng thời cho rằng, Internet là công cụ truyền bá nhanh chủ nghĩa cực đoan, do đó các nước thành viên Interpol cần tăng cường chia sẻ thông tin chính xác.

Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock cũng cho rằng, Internet giúp các nhóm khủng bố truyền bá chủ nghĩa cực đoan và thiết lập một mạng lưới quốc tế rộng hơn, khiến hoạt động chống khủng bố trở nên khó khăn, phức tạp ngay cả đối với những người thực thi pháp luật.

Do đó, Interpol sẽ tăng cường hợp tác giữa các nước để đấu tranh chống khủng bố có hiệu quả. Ông Jurgen Stock từng yêu cầu cảnh sát 190 quốc gia thành viên hợp tác tích cực và sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư và chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Đồng thời khẳng định vai trò điều phối, chia sẻ thông tin và hợp tác của Interpol trong cuộc chiến chống các loại tội phạm và khủng bố.

Chủ tịch Interpol Mireille Ballestrazzi.

Tập đoàn Bảo hiểm Lloyd's của Anh mới công bố kết quả nghiên cứu chung với Đại học Cambridge, theo đó nguy cơ ngày càng gia tăng các vụ tấn công an ninh mạng trên thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu, Sydney xếp thứ 12/301 thành phố trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị tấn công mạng và có thể thiệt hại khoảng 3,73 tỷ USD về kinh tế trong giai đoạn 2015-2025. Và các vụ tấn công mạng sẽ khiến Australia có thể thiệt hại khoảng 12,27 tỷ USD.

Lời cảnh báo của Lloyd's được đưa ra sau khi Trung tâm An ninh mạng Australia cho biết, hệ thống của các cơ quan chính phủ nước này, trong đó đáng chú ý nhất là Cục Khí tượng, Cục Thống kê, Ngân hàng Dự trữ và một số cơ quan an ninh-quốc phòng, đã xảy ra 1.095 vụ tấn công an ninh mạng nghiêm trọng.

Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh mạng mới, trong đó siết chặt nhiều quy định khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại. Bởi từ khi có bản dự thảo về luật an ninh mạng mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đã lo ngại vì nó ngăn cản họ được tiếp cận nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, luật mới còn đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với quá trình lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng vừa cảnh báo, xứ sở sương mù dễ bị tấn công mạng do hệ thống công nghệ thông tin thương mại yếu kém, thiếu chuyên gia máy tính, trong khi quy mô và tốc độ các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng.

Do đó, London sẽ chi khoảng 2,3 tỷ USD nhằm chuẩn bị và đối phó với các cuộc tấn công mạng trong tương lai; để Anh trở thành quốc gia có môi trường mạng an toàn nhất thế giới.

Mấy ngày trước, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Công ty Viễn thông Singtel đã khai trương phòng thực nghiệm chung về an ninh mạng để bảo vệ khách hàng chống lại các mối đe dọa về an ninh mạng như rò rỉ dữ liệu và các cuộc tấn công trực tuyến.

Trước đó, Chính phủ Singapore đã công bố chiến lược an ninh mạng quốc gia nhằm thúc đẩy sự chuyên nghiệp của quốc đảo này trong lĩnh vực an ninh mạng.

Gần 4 tháng trước (26-7), Hội nghị Tư lệnh cảnh sát ASEAN lần thứ 36 đã họp trong 4 ngày tại thành phố Putrajaya của Malaysia và chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tham dự hội nghị còn có đại diện cảnh sát từ các nước đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và đại diện Interpol. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, các vụ tấn công có liên quan tới khủng bố đang diễn ra trên thế giới là bằng chứng cho thấy, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn so với trước đây.

Thiện Lân
.
.
.