Iran: Gia tăng án tử hình tội phạm vị thành niên

Thứ Hai, 20/11/2017, 12:58
"Tình hình rất khủng khiếp và đáng lo ngại" - Raha Bahreini, người chịu trách nhiệm chính cho bản báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế, chia sẻ với trang WorldPost. "Thật chấn động khi biết rằng, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đã bãi bỏ hình phạt tử hình nhưng Iran vẫn tiếp tục xử tử những cô bé chín tuổi và những cậu bé 15 tuổi".

"Chính quyền Iran đang hoan hô những cải cách nửa vời vốn không tuân theo công ước quốc tế của nước này" - Bahreini chia sẻ với WorldPost. "Chúng tôi đang hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu và các nước trên thế giới nâng cao vấn đề này và buộc nhà chức trách Iran phải ngưng áp dụng hình phạt tử hình lên tội phạm vị thành niên".

Một báo cáo gây sửng sốt do Tổ chức Ân xá quốc tế tiến hành cho biết, có ít nhất 160 phạm nhân trẻ người Iran đang đợi xét xử và 73 người đã bị xử tử trong 10 năm qua (2005-2015). Là quốc gia dẫn đầu về xử phạt tội phạm vị thành niên và đồng thời là nước áp dụng hình phạt tử hình nhiều nhất thế giới, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, Iran đã xét xử 700 người.

Trong số các phạm nhân trẻ bị xử tử có Makwan Moloudzadeh, bị kết án vào năm 13 tuổi và thi hành án vào năm 2007. Moloudzadeh bị buộc tội có hành vi giao cấu với một cậu bé nhưng sau đó người này đã rút lại lời thú tội trước khi tòa sơ thẩm diễn ra, với lý do bị ép buộc và tra tấn để nhận tội. Hai cậu bé khác từng tố cáo Mloudzadeh cưỡng hiếp họ cũng rút lại lời cáo buộc của mình. Chúng nói rằng mình đã nói dối và bị cảnh sát bắt phải đưa ra lời buộc tội.

Đám tang một bé trai sau khi bị tử hình.

Iran cũng đã treo cổ Janat Mir, một thiếu niên người Afghanistan chỉ khoảng 15 tuổi vào năm 2014. Mir bị bắt vì tàng trữ, sử dụng và buôn bán ma túy sau nhà một người bạn, nơi hắn sống và đã bị cảnh sát vây bắt bất ngờ. Người này được cho từ chối quyền thuê luật sư bào chữa và sự trợ giúp từ phía lãnh sự quán Afghanistan, Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết.

Iran đã ký Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em ngày 5-9-1991 và phê chuẩn quyền này ngày 13-7-1994. Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em nghiêm cấm tuyên án tử hình và tù chung thân không khoan hồng đối với tội phạm vị thành niên.

Tại Yemen, Saudi Arabia và Sudan những năm gần đây cũng có các án vị thành niên nhưng con số rất thấp so với của Iran. Mỹ, dù vẫn chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em nhưng đã bãi bỏ hình phạt tử hình trẻ vị thành niên từ năm 2005, tuy nhiên nước này vẫn áp dụng án chung thân, không khoan hồng đối với tội phạm vị thành niên.

Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, rất nhiều tội phạm trẻ tuổi người Iran đã bị giam trong tù khoảng bảy năm cho đến khi bị thi hành án tử. Còn một số khác sống cả một thập niên trong tù trước khi bị treo cổ. Đa số các tội phạm vị thành niên Iran phạm tội giết người, cưỡng hiếp hoặc các tội liên quan đến ma túy.

Báo cáo trên đã dựng một bức tranh ảm đạm về tội phạm vị thành niên, họ sợ hãi chờ đến phiên bị xử tử - thường là sau khi bị tuyên án tử trong những phiên xử bất công, do bị ép, tra tấn, hành hạ để nhận tội. Boumedouha, phó giám đốc chương trình Ân xá quốc tế tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết trong một bài phát biểu.

Người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Navi Pillay, kêu gọi Iran xóa bỏ án tử hình cho một cô dâu vị thành niên đã phạm tội giết chồng khi người đàn ông này đang ngủ sau nhiều năm bị lăng nhục cả về thể xác lẫn tinh thần. "Hình phạt dành cho Razieh Ebrahimi lại một lần nữa gây chú ý mạnh mẽ về vấn đề áp dụng án tử hình lên một đứa trẻ vị thành niên tại Iran" - Pillay cho biết.

Iran đã làm dấy lên tia hy vọng khi tiến hành sửa đổi dự luật "Islamic Penal Code" vào năm 2013 (dự luật quy định những ai bỏ đạo Hồi, nếu là đàn ông sẽ bị treo cổ, còn đàn bà sẽ bị tù chung thân). Vào năm đó, tòa án có quyền miễn án tử và áp dụng hình phạt nhẹ hơn dựa trên năng lực nhận thức và mức độ trưởng thành của tội phạm vào thời gian gây án. Năm sau đó, Tòa án Tối cao Iran tuyên bố rằng, tội phạm tử hình có quyền kháng cáo.

Nguyễn Lai
.
.
.