Iran chịu ảnh hưởng nặng nề vì nội tệ lao dốc

Chủ Nhật, 08/07/2018, 15:05
Cuối tháng 6, thủ đô của Iran đã rơi vào căng thẳng bởi các cuộc biểu tình do tình trạng lao dốc giá trị đồng tiền nội tệ. Đám đông có một số thời điểm đã đóng cửa Grand Bazaar, một trung tâm kinh tế và là nơi diễn ra cuộc cách mạng năm 1979 ở Tehran.


Những người biểu tình kêu gọi các chủ cửa hàng đóng cửa tiệm khi các cuộc biểu tình dâng cao vào ngày 25-6. Họ diễu hành đến các cổng của tòa nhà Quốc hội Iran, và cảnh sát đã cố gắng giải tán đám đông bằng khí cay. 

Đồng rial của Iran đã giảm xuống mức thấp 90.000 rial ăn 1USD trên các thị trường chợ đen, theo các phương tiện truyền thông Iran, bất chấp những nỗ lực của chính phủ để kiểm soát tỷ giá tiền tệ. Tỷ giá hối đoái chính thức hiện nay khoảng 42.000 rial cho 1USD.

Trước đây, các cuộc biểu tình chống chính phủ do những khó khăn kinh tế cũng từng nổ ra vào 12-2017 và tháng 1 năm nay. Nhưng các cuộc biểu tình vào hạ tuần tháng 6 tại thủ đô là lớn nhất trong nhiều năm qua, theo nhiều phương tiện truyền thông địa phương. Abbas Milani, Giám đốc nghiên cứu về Iran tại Đại học Stanford, nói với NPR rằng cuộc biểu tình hiện nay có tính chất khác với các cuộc biểu tình trước.

Người dân biểu bình trên đường phố ở thủ đô Tehran, Iran.

Tổng thống Hassan Rouhani đã có bài kêu gọi giải tán biểu tình trên Truyền hình nhà nước hôm 25-6. Ông nói với người dân Iran rằng Mỹ chính là bên phải chịu cho những khó khăn kinh tế của đất nước. Ông khẳng định các cuộc biểu tình tự phát là do "tuyên truyền truyền thông nước ngoài". 

Ông cũng nói rằng chính phủ vẫn đủ khả năng chống chịu sự tuột dốc của đồng rial và các biện pháp trừng phạt sắp tới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà Trắng có kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt mới sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5. 

"Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, tôi hứa sẽ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân. Chúng tôi có đủ đường, lúa mì và dầu ăn. Chúng tôi có đủ ngoại tệ để bơm vào thị trường", Tổng thống Rouhani cho biết.

Trong thực tế, nền kinh tế Iran đã sa sút trước khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran, và càng trở nên suy yếu hơn khi giới chuyên môn dự báo Mỹ sẽ áp thêm các biện pháp trừng phạt. Sức mua và ngành bán lẻ của đất nước đã phải chịu đựng những tác động nặng nề nhất. 

Ngân hàng Trung ương Iran thông báo sẽ tạo ra một thị trường tiền tệ thứ cấp để giảm áp lực lên đồng tiền của quốc gia. Iran cũng đang giảm bớt các sản phẩm nước ngoài bằng cách cấm nhập khẩu hơn 1.300 mặt hàng, theo Reuters.

Hiện vẫn không rõ ai đã lãnh đạo các cuộc biểu tình ở Tehran. Một số nhà quan sát cho rằng các phe phái bảo thủ trong chính phủ có thể đã khuyến khích các cuộc biểu tình trong một nỗ lực để làm suy yếu chính phủ ôn hòa của Tổng thống Rouhani. 

Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình đã “tiến hóa” thành những bài hát với khẩu hiệu chống chính phủ, theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). 

Ông Abbas Milani nói chính phủ Rouhani phải đối mặt với áp lực không chỉ từ sự giận dữ của công chúng, mà từ những nhà bảo thủ cấp tiến như các nhà lãnh đạo của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo.

"Phe cứng rắn rõ ràng nghĩ rằng họ có thể lợi dụng sức mạnh của quần chúng để tiếp sức cho chính họ", ông Abbas Milani nói. "Nhưng họ cũng có thể đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng và những hậu quả tiềm tàng của nó".

Kim Thu
.
.
.