Iran rò rỉ biên bản các cuộc họp chống biểu tình

Chủ Nhật, 14/01/2018, 09:43
Một báo cáo rò rỉ cho thấy nội dung bàn bạc giữa lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và các lãnh đạo chính trị, lãnh đạo các lực lượng an ninh của đất nước về làn sóng biểu tình toàn quốc đang ngày một dữ dội hiện nay.


“Tình hình rất phức tạp”

Báo cáo ghi chép nội dung một số cuộc họp đến ngày 31-12-2017 và đã được gửi cho Hội đồng Quốc gia về Kháng chiến của Iran (NCRI) từ những nguồn cấp cao từ bên trong chế độ.

Các biên bản cuộc họp đã được dịch sang tiếng Anh từ tiếng Farsi, cho biết tình trạng bất ổn đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và "đe doạ đến an ninh của chế độ. Vì vậy,  bước đầu tiên là phải tìm ra cách giải quyết vấn đề này".

Bản báo cáo nói thêm: "Các nhà lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo phải đến nơi càng sớm càng tốt và ngăn chặn tình hình xấu đi", tiếp đó, "Chúa giúp chúng ta, đây là một tình huống rất phức tạp và khác với những lần trước".

Khi các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng, tổng số người chết đã tăng từ ngày 1-1-2018 lên ít nhất 13 người, trong đó có một cảnh sát bị người biểu tình bắn chết bằng súng săn ở thành phố trung tâm Najafabad.

Theo nguồn tin của NCRI và các báo cáo từ bên trong Iran, ít nhất 40 thành phố trên khắp Iran đã chứng kiến những cuộc biểu tình hôm 1-1, kể cả ở thủ đô Tehran. Các báo cáo này nói rằng những khẩu hiệu của người biểu tình đại loại như "Cái chết đối với nhà độc tài", và "lãnh đạo sống như Thượng đế trong khi người dân sống như những người ăn xin"…

Các ghi chép của những cuộc họp cho biết người biểu tình "bắt đầu hô vang những khẩu hiệu cuối cùng từ ngày đầu tiên. Tại Tehran hôm nay, người ta hô khẩu hiệu chống lại Khamenei và những khẩu hiệu được sử dụng ngày hôm qua đều chống lại Khamenei".

Các ghi chú cho biết thêm rằng bộ phận thông tin tình báo của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đang "theo dõi tình hình" và "làm việc hết mình để ngăn chặn các cuộc biểu tình", và một "cảnh báo đỏ" vẫn chưa được tuyên bố, điều này sẽ dẫn đến sự can thiệp quân sự trực tiếp vào các cuộc biểu tình. Nhưng sau đó, dự đoán rằng việc gửi IRGC hoặc lực lượng Bassij sẽ "phản bội" và sẽ tiếp tục "làm phiền những người biểu tình".

Bình luận của Tổng thống Mỹ

Các thông điệp hỗ trợ người biểu tình từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức chính quyền khác cũng đã được đề cập trong các báo cáo: "Mỹ chính thức hỗ trợ người dân trên đường phố". Các ghi chép cho rằng Mỹ và phương Tây "đã thống nhất ủng hộ những người Hypocrites".

Ngày 2-1, Tổng thống Trump đã hoan nghênh những người biểu tình Iran về hành động chống lại chính quyền "tàn bạo và thối nát" của Tehran sau tình trạng bất ổn nhiều ngày qua khiến 21 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt giữ.

Trên trang mạng Twitter, ông Trump viết: "Người dân Iran cuối cùng cũng đang hành động chống lại chính quyền tàn bạo và thối nát Iran. Tất cả tiền mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa cho họ một cách ngốc nghếch đều rơi vào tay khủng bố và trong túi của chúng. Người dân có ít lương thực, lạm phát cao và không có nhân quyền. Mỹ đang giám sát tình trạng này".

Văn bản từ các cuộc họp ghi nhận rằng lãnh đạo của NCRI, Maryam Rajavi và "Infidels", mà bản dịch nói là "phương Tây", đã đạt "sự thống nhất lần đầu tiên". Maryam Rajavi hy vọng thay đổi chế độ, cho rằng các cuộc biểu tình được "tổ chức chắc chắn" và "các lực lượng an ninh báo cáo MEK rất năng động và đang lãnh đạo và chỉ đạo họ.

Các ghi chú cũng cảnh báo rằng tất cả những người liên kết với lãnh đạo "phải cảnh giác và theo dõi tình hình liên tục"; “lực lượng an ninh và tình báo phải thường xuyên theo dõi tình hình tại hiện trường và tiến hành giám sát và báo cáo với văn phòng của lãnh đạo".

Theo Reuters, đây là làn sóng biểu tình chống chính phủ lớn nhất tại Iran, từ sau vụ nổi loạn ủng hộ dân chủ trên toàn Iran hồi năm 2009. Từ việc phản đối giá cả sinh hoạt tăng vọt, những cáo buộc tham nhũng cùng với nỗi lo Iran quá lún sâu vào những cuộc chiến khu vực, như ở Syria và Iraq, dân Iran ở nhiều thành phố đã xuống đường biểu tình chống chính phủ, thậm chí trương biểu ngữ đòi giết chết Giáo chủ Ali Khameni, lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Cuộc nổi loạn bắt đầu vào ngày 28-12-2017, sau khi hàng trăm người tập hợp ở Mashhad (thành phố lớn thứ nhì Iran) để phản đối giá sinh hoạt tăng, hô khẩu hiệu chống chính phủ.

Thùy Dương
.
.
.