Iran trong cảnh “tứ bề thọ địch”

Thứ Tư, 21/08/2019, 18:54
Liên tiếp những diễn biến bất lợi đã xảy ra với Iran trong thời gian gần đây, đẩy tình hình ở khu vực vùng Vịnh vào tình trạng căng thẳng hơn.


Mỹ ra lệnh bắt tàu chở dầu siêu cấp

Ngày 16-8, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra lệnh bắt 'siêu tàu dầu' Grace 1 của Iran vì liên quan đến Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, sau khi lãnh thổ Gibraltar của Anh cho phép thả tàu. Lệnh bắt yêu cầu tàu Grace 1, cùng toàn bộ số dầu mang theo và 995.000 USD cần bị tịch thu do vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), gian lận ngân hàng, rửa tiền và hỗ trợ khủng bố. Tàu Grace 1 đang neo đậu ở Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh, vào ngày 16-8. Hiện chưa rõ Mỹ tiến hành lệnh bắt như thế nào.

Mỹ đã đưa Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố hồi tháng 4. Nay, Washington cáo buộc IRGC có "âm mưu truy cập bất hợp pháp vào hệ thống tài chính Mỹ để hỗ trợ các chuyến hàng trái phép từ Iran đến Syria". Washington cáo buộc nhiều bên liên quan đến IRGC đã sử dụng các chuyến tàu như Grace 1 để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp và "một mạng lưới công ty bình phong" đã rửa hàng triệu USD qua các lô hàng này.

Siêu tàu chở dầu Grace 1 hiện đang neo đậu tại eo biển Gibraltar chuyên chở 2,1 triệu thùng dầu.

"Siêu tàu dầu" Grace 1 treo cờ Panama, thuộc quản lý của Công ty IShips Management trụ sở tại Singapore, có trọng tải 300.000 tấn. Nó chở 2,1 triệu thùng dầu cho Iran khi bị Thủy quân lục chiến Anh và Cảnh sát biển Gibraltar bắt ngày 4-7 ở ngoài khơi vùng lãnh thổ này với cáo buộc chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Iran bác cáo buộc, khẳng định dầu đang tới cảng Basra của Iraq.

Grace 1 sau đó bị kéo về Gibraltar. Để đáp trả, hôm 19-7 Iran đã bắt tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh gần eo biển Hormuz. Các vụ bắt tàu dầu qua lại giữa Anh và Iran đã khiến căng thẳng Vùng Vịnh leo thang đáng kể. Tòa án Gibraltar ngày 15-8 cho thả tàu Grace 1, nói rằng "Iran đã đảm bảo bằng văn bản rằng đích đến của tàu Grace 1 không phải là quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu". Iran có kế hoạch đổi tên Grace 1 và cho phép tàu này treo cờ Iran trong các hành trình tiếp theo. Tuy nhiên, con tàu đang chờ thủy thủ đoàn mới trước khi rời khỏi Gibraltar.

Tàu ngầm Israel đến Hormuz

Trước đó, tin cho biết những tàu ngầm thông thường mang đầu đạn hạt nhân Dolphin của Israel có thể đã đến eo biển Hormuz để răn đe Tehran. Theo giới phân tích, trước những căng thẳng của cái gọi là “cuộc chiến tàu chở dầu” ở eo biển Hormuz, sự tham gia của Israel vào Lực lượng An ninh Vùng Vịnh (hộ tống thương thuyền, đặc biệt là tàu chở dầu qua eo biển Hormuz) sẽ mở ra mặt trận thứ 5 chống lại Iran.

Trong nhiều năm, Tehran đã chú ý đến các tuyên bố của phương Tây rằng, các tàu ngầm tấn công hạt nhân Dolphin của Israel đã thiết lập sự hiện diện thường trực ở vùng biển đối diện bờ biển Iran như một “nguồn lực tấn công thứ hai” trong trường hợp Iran tấn công Nhà nước Do Thái. Chưa có chiếc tàu ngầm nào như vậy đã từng được nhìn thấy ở eo biển Hormuz; các tuyên bố về sự hiện diện của chúng cũng chưa bao giờ được chứng minh, khiến người Iran có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ trong bối cảnh tình hình vịnh Ba Tư không nổi sóng gió.

Thế nhưng, điều này không còn có thể xảy ra kể từ khi Mỹ tuyên bố Israel sẽ tham gia vào lực lượng bảo đảm an ninh Vùng Vịnh. Các quy tắc của trò chơi đã thay đổi. Sự thay đổi này đã bắt đầu trong cuộc tấn công đầu tiên của Israel vào Iraq vào nửa cuối tháng 7 đối với trung tâm chỉ huy và điều khiển tên lửa mới thành lập của Iran. Israel là nước duy nhất sở hữu tàu ngầm thông thường có khả năng tấn công hạt nhân. Tehran coi vai trò của Israel là bước tiếp theo trong trò chơi mới của Mỹ và đồng minh là mở ra mặt trận thứ năm chống lại Iran, sau Syria, Iraq, Liban và Dải Gaza.

Nếu Tel Aviv thực sự đưa tàu chiến từ vịnh Hồng Hải đến tham gia vào liên minh tuần tra hàng hải của Mỹ ở vịnh Ba Tư thì khi đó, các tàu ngầm Dolphin của Israel sẽ thực sự xuất hiện ở eo biển Hormuz. Một cục diện mới đầy sóng gió đã mở ra ở vịnh Ba Tư. Nguy cơ chiến tranh Vùng Vịnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Tel Aviv chưa bao giờ thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giới quân sự khẳng định, Israel đang nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân với sức công phá khủng khiếp.

Anh Kiệt
.
.
.