Iraq - Bùng nổ dịch vụ bắt cóc, tống tiền và kinh doanh nỗi sợ hãi

Thứ Ba, 26/08/2014, 15:00

Chẳng cần thành lập doanh nghiệp và cũng không cần cổ đông, những nhóm Hồi giáo nổi dậy tại Iraq vẫn kiếm được những khoản tiền tưởng chừng chỉ dành cho các công ty.

Hơn 10.000 hoạt động khủng khiếp

Kể từ năm 2012, lực lượng tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (thường gọi là ISIL hoặc ISIS), công bố báo cáo thường niên, trong đó có ghi chi tiết mọi hoạt động: từ các vụ đánh bom, ám sát, chiếm thành phố tới đánh bom liều chết...

Năm 2013, ISIL đứng ra nhận trách nhiệm hơn 10.000 hoạt động tại Iraq. Nhiều sự kiện trong số này được Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) phân tích và xác nhận. Thông qua báo cáo, ISIL muốn "khoe" kết quả hoạt động và tìm kiếm các nhà tài trợ tiềm năng.

Báo cáo trên phác họa bức tranh về một nhóm được tổ chức theo cấu trúc quân đội, có chiến lược chính trị rõ ràng thay vì là tập hợp những kẻ khủng bố xuất thân từ nghèo khổ. Jessica Lewis, Giám đốc nghiên cứu ISW cho biết: "ISIL khẳng định, họ là tổ chức vận hành như một đội quân có tham vọng".

Nigel Inkster, Giám đốc phụ trách hiểm họa xuyên quốc gia của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) cho biết: "ISIL biến mình giống như một công ty, cung cấp chi tiết các chiến dịch tử vì đạo và mục tiêu. Nhìn vào báo cáo, bạn sẽ thấy rõ sách lược và kế hoạch của nhóm này".  Nigel từng là trợ lý trưởng mảng tình báo của cơ quan Tình báo Anh (MI6) nhận định.

2014 có thể là một năm thành công của ISIL về mặt tài chính sau khi các chiến binh của họ thu được hàng trăm triệu USD từ các ngân hàng ở thành phố Mosul (Iraq). Nhóm này từng tống tiền nhiều doanh nghiệp khác tại đây và kiếm được khoảng 8 triệu USD mỗi tháng.

Là nhóm kế thừa của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Iraq, ISIL chọn phương thức hoạt động hiện đại hơn nhằm phát đi những thông điệp của mình, trong đó có cả việc sử dụng mạng xã hội. Bà Lewis nhận định, ISIL sẽ là một phiên bản khó xử lý hơn al-Qaeda.

Quan tòa tuyên án tử hình cựu Tổng thống Saddam Hussein bị xử tử ?

Chính phủ Iraq chưa xác nhận thẩm phán Raouf Abdul Rahman đã bị giết, nhưng cũng không chối việc ông này bị phe nổi dậy ISIL bắt giữ mới đây. 

Thẩm phán Rahman hồi năm 2006 là chánh án Tòa án hình sự tối cao Iraq, tuyên án tử hình Tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein, bằng hình thức treo cổ. Có thông tin vị quan tòa 69 tuổi này bị ISIL xử tử để trả thù cho Hussein.

Thông tin khác nêu ông bị ISIL bắt mới đây và bị giết chết ngay sau đó. Nghị sĩ Khalil Attieh người Jordan viết trên Facebook của ông rằng, thẩm phán Rahman bị bắt và bị tuyên án tử hình. Ngoài ra, ông Attieh cho hay, ông Rahman không thành công trong việc trốn chạy khỏi Baghdad, dù đã hóa trang thành một nữ vũ công.

Thẩm phán Rahmann chào đời ở Halabja, được giao việc xét xử Hussein hồi đầu năm 2006, sau khi thẩm phán Rizgar Amin bị chỉ trích là đối xử quá nhẹ tay với cố Tổng thống Hussein và các đồng bị cáo. Ông tuyên Hussein phạm tội ác chống nhân loại, qua việc thảm sát 148 người dân ở Dujail tiếp sau một vụ mưu sát Hussein năm 1982.

Bản án ông Rahman dành cho Hussein là phải bị treo cổ. Bản án được thi hành cuối năm 2006.

Thẩm phán Rahman đối mặt với những tố cáo rằng, ông đã hành xử thiên vị, vì nơi ông chào đời đã bị tấn công bằng khí độc năm 1988, được cho là theo lệnh của Hussein. Nhiều người thân của ông Rahman đã chết trong vụ thảm sát 5.000 người này. Còn có tin trong những năm 1980, ông bị nhân viên mật vụ của Hussein bắt và tra tấn dã man.

Hồi tháng 3.2007, sau khi ông Rahman cùng gia đình đến Anh với hộ chiếu du lịch, có thông tin ông làm đơn xin tỵ nạn ở đây với lý do mạng sống của ông bị đe dọa. Rahman không bình luận về thông tin này, còn Tòa án hình sự tối cao Iraq phủ nhận, nói ông và gia đình chỉ đi nghỉ phép ở Anh.

Năm 2008, có tin thẩm phán Rahman đã chỉ trích việc xử tử hình Hussein, nói rằng, lẽ ra không được treo cổ Hussein ở nơi công cộng. Ông gọi hành vi này là "không văn minh và lạc hậu". Thực tế là việc xử treo cổ diễn ra vào lúc cộng đồi Hồi giáo dòng Sunni mừng sự kiện tôn giáo Eid al-Adha, và một video clip quay cuộc xử tử chiếu cảnh những người theo đạo Hồi dòng Shiite nhục mạ ông Hussein.

Ông Rahman có 3 con, từng tốt nghiệp khoa luật đại học Baghdad năm 1963, làm luật sư trước khi được phong làm Chánh án tòa phúc thẩm Kurdistan năm 1996

Minh Trường (tổng hợp)
.
.
.