Israel: Người nhiễm HIV vẫn được vào quân đội, cảnh sát

Thứ Bảy, 29/12/2018, 10:25
Lực lượng quân đội và cảnh sát các nước thường không tuyển những công dân bị mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là nhiễm HIV. Tuy nhiên, chính quyền Israel tuyên bố, họ sẽ bắt đầu tuyển cả những người bị mắc HIV vào lực lượng an ninh và quân đội, một thay đổi lớn trong chính sách tuyển dụng nhằm tránh sự kỳ thị trong cộng đồng đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS. DK ngày 20-12 cho hay.


Một bước đi tiên phong

Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc với tất cả người Do Thái, nhưng cho đến nay, người mắc HIV được mặc nhiên miễn đi lính vì lý do y tế. Đại tá Moshe Pinkert, lãnh đạo bộ phận quân y cho rằng, chính sách tuyển dụng sẽ thay đổi, cho phép những người nhiễm HIV có thể đi lính và phục vụ trong tất cả các vị trí, trừ vị trí trực tiếp chiến đấu.

Những người mắc HIV sẽ được gọi nhập ngũ hay tham gia các lực lượng an ninh nếu họ đáp ứng đủ những tiêu chuẩn sức khỏe, có ý chí vượt qua khó khăn, chịu khó rèn luyện thân thể. Chính sách mới này sẽ được thực hiện ngay trong vài tuần tới. Ông Pinkert cho biết, sự thay đổi trong công tác nhân sự của quân đội và lực lượng an ninh Israel là nhờ những tiến bộ khoa học, giúp cho việc điều trị HIV/AIDS đơn giản và tốt hơn.

Ông nói rằng, sẽ chỉ có một số ít binh sĩ được nhận, nhưng đó là một "bước đi rất quan trọng... cho sự chấp nhận người mắc HIV gia nhập với cộng đồng và giảm sự kỳ thị trong xã hội". Lãnh đạo lực lượng an ninh Israel cho rằng, hành động của nước ông là bước đi "tiên phong" trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS.

Phụ nữ Israel trong lực lượng an ninh.

Chính sách trước đây không cho người mắc HIV đi lính và gia nhập lực lượng cảnh sát, an ninh vì lo ngại sức khỏe của họ có thể bị xấu đi, nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đồng nghiệp, các binh sĩ khác trong quân đội... Ông Pinkert khẳng định rằng, những binh sĩ mắc HIV có thể phục vụ ở tất cả các vị trí trong quân đội, trừ những vị trí có thể bị thương.

Còn những thành viên tham gia lực lượng cảnh sát, an ninh có thể đảm đương ở nhiều đơn vị khác nhau trong lực lượng, ngoại trừ đương đầu với các băng đảng tội phạm. Trước đây, Israel là quốc gia đầu tiên cho phép người đồng tính phục vụ trong quân đội. Ít nhất một trường hợp chuyển giới đã đăng ký đi lính tại Israel và quân đội nước này tuyên bố sẽ hỗ trợ nhiều hơn với binh sĩ chuyển giới nếu họ nhập ngũ.

Tuy nhiên, ở Mỹ, quân đội nước này không cho phép người mắc HIV có thể nhập ngũ. Một binh sĩ đang tại ngũ trong quân đội Mỹ nếu bị mắc HIV sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế để xác định xem người đó có đủ sức khỏe để phục vụ quân đội hay không.

Sức mạnh quân sự của quốc gia Trung Đông

Khi nhắc đến một quốc gia nhỏ nhưng có quân đội mạnh, Israel là cái tên đầu tiên xuất hiện trong ý nghĩ của phần lớn mọi người. Mặc dù có diện tích chỉ 20.770km2, dân số chưa đầy 8 triệu người, nhưng do luôn phải đối đầu với mối đe dọa từ các nước Arab xung quanh nên nhà nước Do Thái buộc phải duy trì một lực lượng quân đội mạnh nhất khu vực.

Đây cũng là lực lượng quân sự thường xuyên trải qua thực chiến. Về vũ khí thông thường, Israel chủ yếu mua của Mỹ hoặc do ngành công nghiệp vũ khí rất phát triển của nước này sản xuất.

Quân đội Israel có quy mô lên tới 160.000 người với trên 4.170 xe tăng, 10.185 xe bọc thép, 684 máy bay và trực thăng các loại, 360 tên lửa đạn đạo. Hải quân Israel hiện vận hành 3 chiếc tàu ngầm hạng Dolphin, loại được cho là có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân.

Với khoảng 200-300 đầu đạn như vậy, Israel được coi là cường quốc hạt nhân thứ 6 trên thế giới và có khả năng dùng tên lửa hoặc máy bay để phóng đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu.

Hiện, có nhiều nghi ngờ rằng, nước này có kho chứa vũ khí hóa học và sinh học. Israel có kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh phi đối xứng với kẻ thù đông gấp nhiều lần như Chiến tranh Sáu ngày, chiến tranh Yom Kippur…, cũng như kinh nghiệm chống chiến tranh du kích từ các cuộc chiến tại Liban và Palestine.

Kể từ những năm 1960, Israel đã phát triển cơ sở sản xuất tên lửa tiên tiến nhất khu vực và hiện giờ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo hiện đại nhất vùng. Israel hiện cũng có một chương trình vũ trụ quốc gia, trước đây chia sẻ công nghệ với chương trình tên lửa. Israel đã phát triển các phương pháp tiếp cận đa phương, nhiều tầng trong công nghệ tên lửa phòng thủ và tấn công.

Quân đội Israel dường như đã triển khai tên lửa tầm ngắn Jericho 1 vào năm 1973, tiếp sau đó lại triển khai loại tên lửa tầm ngắn tinh vi hơn là Jericho 2 vào năm 1990. Trong khi thử nghiệm tên lửa tầm trung Jericho 3 vào năm 2008, nước này cũng trình diện tên lửa 3 tầng.

Quốc gia Trung Đông được cho là đã chế tạo thiết bị hạt nhân đầu tiên vào tháng 5/1967 trước thềm cuộc chiến 6 ngày.

Nguyễn Lai
.
.
.