Italia:

Nguy cơ phá sản của các ngân hàng lớn

Thứ Hai, 03/07/2017, 15:45
"Hoạt động của các quầy giao dịch tại 2 ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza sẽ trở lại bình thường trong ngày 26-6", tuyên bố hôm 25-6 của Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan nhằm trấn an khách hàng của 2 ngân hàng kể trên.

Bởi trước đó (tối 23-6) Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã chấm dứt cung cấp tài chính cho Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza, bởi 2 ngân hàng này luôn phải vật lộn với các khoản nợ xấu.

Trong tuyên bố hôm 25-6, Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan cho biết, Chính phủ Italia sẽ chi 17 tỷ euro để giải cứu 2 ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza, đang bên bờ phá sản.

Theo đó, khoảng 4,8 tỷ euro được giải ngân ngay tức thì để "duy trì nguồn vốn" cho ngân hàng bán lẻ lớn nhất Italia là Intesa Sanpaolo để mua lại các tài sản tốt của 2 ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza. Sau đó, 400 triệu euro sẽ được chi để làm "khoản đảm bảo" cho Intesa Sanpaolo.
Ngân hàng Veneto Banca.

Và gần 12 tỷ euro còn lại sẽ được sử dụng để bù vào lỗ hổng tài chính của Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza do các khoản nợ xấu từ 2 ngân hàng tạo ra. Thủ tướng Paolo Gentiloni đã bảo vệ kế hoạch kể trên của Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan, đồng thời cảnh báo, sự hỗn loạn tại 2 ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza có thể gây nguy hiểm cho đà phục hồi kinh tế vốn đã chậm chạp của Italia.

Tuy nhiên, ông Paolo Gentiloni cũng cho biết, từ 3.500 đến 4.000 nhân viên ngân hàng có thể bị mất việc làm để tái cơ cấu 2 ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza.

Theo giới chuyên môn, tổng nợ xấu của các ngân hàng Italia đang ở mức 360 tỷ euro, tương đương gần 1/3 tổng nợ xấu của Eurozone. Hơn 4 tháng trước (16-2), với 246 phiếu thuận và 147 phiếu chống, Hạ viện Italia đã bỏ phiếu thông qua lần cuối khoản ngân sách của Chính phủ trị giá khoảng 20 tỷ euro để giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn ở nước này.

Trước đó, Thủ tướng Paolo Gentiloni tuyên bố, Chính phủ sẽ chi 20 tỷ euro để cải tổ lại ngành ngân hàng Italia. Ủy ban Châu Âu (EC) cũng vừa thông qua kế hoạch của Italia để giải cứu Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza, nhằm tạo thuận lợi để 2 ngân hàng này thanh toán các khoản nợ theo luật phá sản quốc gia.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker và Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis từng tuyên bố, EC sẵn sàng thảo luận với Italia về một số lựa chọn để giải quyết các vấn đề của ngành ngân hàng nước này.

Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) từng bày tỏ quan ngại về các khoản cho vay đầy rủi ro của một số ngân hàng Italia. Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch giải cứu Banca Monte dei Paschi di Siena (BMPS), ngân hàng lâu đời nhất thế giới (thành lập năm 1472 tại Siena, Italia) và lớn thứ ba Italia.

Trước đó, Italia phải tuyên bố cứu trợ ngân hàng BMPS, với khoản nợ hơn 26 tỷ USD. Chính phủ Italia phải chi 6,5 tỷ euro cho BMPS sau khi ECB tuyên bố, ngân hàng này cần 8,8 tỷ euro để tránh rơi vào phá sản.

Ngày 9-2, BMPS công bố khoản lỗ ròng 3,38 tỷ euro trong năm 2016, cao hơn nhiều so với mức lỗ ước tính 2 tỷ euro của các nhà phân tích. Chính phủ Italia đang cân nhắc khả năng quốc hữu hóa BMPS và đây sẽ là vụ quốc hữu hóa lớn nhất nước này kể từ những năm 1930 của thế kỷ trước.

BMPS cho biết, tính đến ngày 31-12-2016, ngân hàng này chỉ còn 7 tỷ euro tiền mặt, giảm 17 tỷ euro so với một năm trước. Theo BMPS, khoản lỗ của họ trong năm 2016 xuất phát từ việc phải bút toán giảm giá trị danh mục các khoản cho vay.

Trong năm 2015, BMPS từng đạt mức lợi nhuận 390 triệu euro và đó là lần đầu tiên ngân hàng này có lợi nhuận dương trong vòng 5 năm liên tiếp. Trong giai đoạn 2011-2015, BMPS điêu đứng vì khoản thua lỗ lên đến 14 tỷ euro.

Theo giới chuyên môn, BMPS rơi vào tình trạng khó khăn 10 năm trước (2007-2017), thời điểm ngân hàng này quyết định mua lại ngân hàng Antonveneta với mức giá gấp đôi so với giá trị ước tính. Sau đó, BMPS còn bị cuốn vào một vụ bê bối khi nhóm quản lý của ngân hàng này bị buộc tội gian lận và sử dụng sai ngân quỹ.

Ngân hàng lớn nhất Italia UniCredit cũng lỗ gần 12 tỷ euro trong năm 2016. Việc này diễn ra sau khi UniCredit cơ cấu lại các khoản nợ khó đòi. Thượng tuần tháng 1-2017, các cổ đông của UniCredit đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 13 tỷ euro. Theo tân Chủ tịch UniCredit Jean-Pierre Mustier, kế hoạch tăng vốn diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này thúc đẩy chiến lược cải tổ quan trọng.

Theo đó, từ nay cho đến cuối năm 2019, UniCredit sẽ cắt giảm khoảng 14.000 việc làm và đó là một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí. Ước tính kế hoạch cắt giảm nhân công kể trên sẽ giúp UniCredit tiết kiệm được 1,1 tỷ euro. UniCredit đặt mục tiêu đạt mức lợi nhuận ròng 4,7 tỷ euro trong năm 2019.

Tuệ Sỹ
.
.
.