Italia:

Nhà báo bị đánh thập tử nhất sinh vẫn kịp đưa mafia ra ánh sáng

Thứ Sáu, 28/10/2016, 11:01
Người ta ước tính mafia Italia có thể kiếm khoảng 130.000 bảng Anh mỗi phút từ việc bảo kê và tống tiền, được cho kiểm soát 80% hoạt động buôn bán cocaine của châu Âu. Nhưng việc nói ra sự thật và chống lại các tổ chức tội phạm tồn tại cả thế kỷ nay là rất nguy hiểm.


Thị trấn Partinico bên bờ biển phía Bắc của đảo Sicily mang một vẻ hiện đại châu Âu, nhưng người dân ở đây vẫn sống trong sự kìm kẹp của mafia vùng Sicily - những băng nhóm Cosa Nostra.

Tám trong số 10 doanh nghiệp ở đây muốn tồn tại phải nộp tiền bảo kê nhưng một số ít dám tố cáo điều đó. Để đấu tranh với thực trạng này, một chương trình truyền hình cộng đồng nhỏ bé đã dám nêu tên, lên án mafia và truyền cảm hứng cho sự thách thức.

Nhà báo Pani Maniaci.

Telejato là đài truyền hình tư nhân do nhà báo Pani Maniaci đứng đầu, sát cánh cùng ông là vợ và một nhóm tình nguyện viên. Nội dung chương trình thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả chính là thông điệp khuyến khích người dân chống lại mafia, trong đó khuyến khích không trả tiền bảo kê cho chúng.

Được hỏi về điều gì đã thúc đẩy ông làm điều đó, Pino Maniaci cho biết: “Vùng đất này thật tuyệt vời với biển, trời và những công trình kiến trúc hấp dẫn. Nhưng nơi đây cũng nổi tiếng thế giới là vùng đất của mafia. Điều đó làm tôi cảm thấy trăn trở”.

Pino Maniaci bắt đầu mỗi ngày làm việc bằng một ly cà phê trong quán nhỏ yêu thích của ông tại thị trấn Partinico, gần Palermo, Italia. Chủ quán cà phê đã lắp cửa sổ chống đạn đắt tiền, dày khoảng 5cm để bảo vệ khách hàng quen thuộc Pino Maniaci và đồng nghiệp của ông.

Chuyện đó lạ đời bởi nhà báo Pino Maniaci luôn là mục tiêu nhắm đến của mafia địa phương. Ông liên tục nhận được các cuộc gọi, thư nặc danh hay những lời đe dọa.

Mỗi buổi sáng, Pino tổ chức họp nhóm làm việc của mình ngay tại quán Bar Alessi, trung tâm của Partinico về những gì xảy ra đêm hôm trước, nhưng mọi thứ đều diễn ra dưới tầm quan sát của cảnh sát bảo vệ.

Họp nhóm xong, Pino lên đường, với tư cách là chủ đầu tư, biên tập viên và người dẫn chương trình truyền hình. Mỗi chương trình của Telejato dài 2 tiếng, một tuần 6 buổi và phát trực tiếp trên khắp miền Bắc Sicily.

Đó có thể là một đài truyền hình nhỏ nhưng lại có một lượng khán giả địa phương đông đảo. Francesco Billici là người ủng hộ Pino Maniaci nhiệt tình.

“Tôi thích Pino vì anh ấy vui tính, nóng nảy, mạnh mẽ nhưng trên hết là người đấu tranh cho công lý”, Francesco Billici nói. Francesco làm trong ngành xây dựng, một trong những lĩnh vực bảo kê quan trọng của mafia.

Với mỗi hợp đồng trúng thầu, mafia đòi 3% tổng chi phí đầu tư, nhưng Francesco là một trong số ít người từ chối thẳng thừng. “Một ngày, tôi đến công trường thì chứng kiến cảnh nhà cửa, xe tải, dụng cụ đều bị đốt hết. Tôi hiểu ra đó là lời nhắn nhủ của mafia và tôi đã quyết định chống lại chúng”.

Francesco biết ông cần được tiếp thêm sức mạnh nên đã kết hợp với Pino thuyết phục các ông chủ doanh nghiệp khác. Hiện đã có 13 công ty địa phương gồm 100 người đăng ký “nói không” với tiền bảo kê.

Với Pino Maniaci, khoảnh khắc đáng tự hào nhất của Telejato chính là ê-kip của ông là nhóm đầu tiên và duy nhất được quay cảnh bắt giữ tên trùm mafia Salvatore Lo Piccolo, được coi là “ông trùm của những ông trùm”, bị truy nã vì đã gây ra nhiều vụ giết người.

“Cảnh sát đã tin tưởng chúng tôi, vì thế chúng tôi là những người duy nhất được gọi đi cùng”, nhà báo này hào hứng kể.

“Ở đây, chúng tôi đã có 8 nhà báo thiệt mạng. Có lần, tôi đã bị con trai một ông trùm mafia đánh gãy 4 xương sườn, gãy răng, bầm tím mắt. Nhưng chỉ sau 1 ngày, tôi vẫn trở lại công việc như thường”, ông nói.

Hôm đó, Pino Maniaci trở lại chương trình với lời mở đầu: “Chào mừng các bạn trở lại với chương trình Telejato. Như bạn có thể thấy, Pino Maniaci không bỏ cuộc”.

Năm 2014, mafia đã giết 2 con chó mà ông yêu quý hết mực. “Những chuyện xịt lốp xe, đốt xe hơi, thư đe dọa hay thậm chí tấn công tôi đều không có kết quả, nhưng với việc làm đó, bọn chúng thực sự đã bắn vào trái tim tôi”, ông tâm sự.

“Ở Sicily này, nơi mọi người không dám nói ra sự thật vì họ sợ hãi cảnh bắn giết. Không phải tôi không sợ bị giết, nhưng vẫn có những kẻ làm việc dơ bẩn và tôi quyết định phải vạch mặt những kẻ đó”, Pino Maniaci chia sẻ.

Trường Vân (Tổng hợp)
.
.
.