Italia:

Phá đường dây làm hộ chiếu giả

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:18
Trung tuần tháng 7, Italia phát hiện và triệt phá một đường dây tội phạm quốc tế chuyên bán hộ chiếu giả, đưa người di cư bất hợp pháp từ Syria, Iraq và Afghanistan tới các quốc gia ở châu Âu.

11 kẻ đã bị bắt giữ và bị cáo buộc tội danh bán hộ chiếu giả Italia ra thị trường đen quốc tế. Công tố viên ở Rome Paola Ielo cho biết, các nhà điều tra cũng đã tìm thấy nhiều mối liên hệ giữa mạng lưới buôn bán hộ chiếu giả này với kẻ khủng bố là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Chẳng hạn, các nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở Pháp và Bỉ hồi cuối năm ngoái, trong đó có chủ mưu là Abdelhamid Abaaoud đã mua hộ chiếu giả của đường dây này để đi từ Trung Đông sang châu Âu rồi ẩn náu ở thị trấn Hồi giáo Molenbeek. Đáng chú ý là trong số 11 kẻ bị bắt có 3 tên mang quốc tịch Algeria, Morocco và 2 người là nhân viên cấp cao làm việc trong Bộ Tài chính Italia.

Ước tính châu Âu có khoảng 20.000 hộ chiếu giả.

Cũng theo nguồn tin mà cảnh sát thu thập được thì hoạt động chính của đường dây này là ở thủ đô Rome, ngoài ra chúng còn có cơ sở ở Naples và một số thành phố khác ở châu Âu như Paris (thủ đô của Pháp) và thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Người đứng đầu cơ quan cảnh sát vùng biên giới của Italia Giuseppe De Angelis cho biết, với hộ chiếu giả, những kẻ khủng bố đã xâm nhập vào châu Âu qua đường bộ và đường hàng không một cách dễ dàng. Điều này càng làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ mất an toàn trên các chuyến bay cũng như khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố.

Hơn nữa, với công nghệ mới, đường dây làm hộ chiếu giả này đã chế tạo ra những hộ chiếu giả rất công phu mà nếu không cẩn thận thì cả cơ quan chức năng cũng dễ bị lừa. Nguồn tin từ Bộ Nội vụ Italia cho hay, trong 18 tháng qua, cảnh sát nước này đã trục xuất 96 người nhập cư sử dụng hộ chiếu giả. Tuy nhiên, con số này được cho là rất nhỏ so với thực tế.

Cảnh sát Italia cho biết, những kẻ nói trên sau khi bị bắt đã khai chúng bán hàng chục ngàn hộ chiếu giả trên thị trường đen ở Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho người di cư, trong đó có 4.000 người dùng hộ chiếu này đã vào châu Âu.

Hồi cuối năm ngoái, cảnh sát Italia cũng đã bắt giữ hàng chục người Syria dùng hộ chiếu giả lên tàu đi từ Ancona tới Milan để xin tị nạn. Nhiều người trong số này đã khai rằng, họ mua những hộ chiếu này ở Thổ Nhĩ Kỳ với giá 1.000 Euro/chiếc.

Sau đó, họ trốn trong một container để vượt biển trên một tàu vận tải từ Thổ Nhĩ Kỳ tới cảng Bari của Italia. Theo Frontex, ngoài mạng lưới làm hộ chiếu Syria giả ở Thổ Nhĩ Kỳ, còn có nhiều cơ sở khác, kể cả ở chính lãnh thổ châu Âu.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu cho hay, số người tị nạn đổ về Châu Âu sau khi các nước thành viên EU mở rộng cánh cửa đối với họ ngày càng gia tăng. Vì có quá đông người xin tị nạn nên công tác kiểm tra, giám sát cũng khá lỏng lẻo. Nhờ đó, hộ chiếu giả lại càng có cơ hội phát huy tác dụng của nó.

Ước tính trên toàn châu Âu hiện có ít nhất 20.000 hộ chiếu giả. Một phóng viên của tờ Telegraph (Anh) mới đây đã thực hiện một phóng sự về đường đi của hộ chiếu giả. Đáng chú ý là với sự phát triển ngày càng cao của khoa học kỹ thuật thì thị trường đen về hộ chiếu giả ở châu Âu cũng "bắt kịp nhịp điệu của thời đại".

Giờ đây, những người di cư từ Bắc Phi và Trung Đông không cần mất công và chờ đợi lâu để tìm mua một hộ chiếu Syria. Họ chỉ cần vào mạng xã hội Facebook sẽ có được một con đường đi "tương đối an toàn tới châu Âu".

Giám đốc Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) Fabrice Leggeri cho biết, cơ quan này đã phát hiện một mạng lưới làm hộ chiếu Syria giả được thiết lập tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo điều kiện cho người di cư vào EU.

Cảnh sát Italia mở rộng chiến dịch truy quét hộ chiếu giả.

Những người sử dụng hộ chiếu Syria giả thường nói tiếng Arab, có nguồn gốc từ Bắc Phi, Trung Đông và họ sẵn sàng bỏ ra từ 1.000 Euro đến 3.000 Euro để có một cuốn hộ chiếu làm hành trang đến châu Âu.

Giá của mỗi cuốn hộ chiếu phụ thuộc vào chất lượng của hộ chiếu. Những người mang hộ chiếu chất lượng kém hơn thường bị nhà chức trách châu Âu chặn lại nhưng đôi khi họ vẫn được cơ quan hữu quan linh động cho qua.

Ông Fabrice Leggeri còn cho biết thêm rằng, ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải thừa nhận rằng, chỉ có tối đa là 30% người Syria nhập cảnh vào nước này có hộ chiếu hợp lệ. Còn ở Bulgaria, mới đây, nhà chức trách đã thu giữ được 1.000 cuốn hộ chiếu giả.

Chi Anh
.
.
.