Italia: Thị trưởng thành phố Venice bị bắt vì cáo buộc tham nhũng

Thứ Tư, 18/06/2014, 08:00

Ông Giogio Orsoni, 67 tuổi, thị trưởng thành phố Venice bị bắt vì cáo buộc tham nhũng trị giá 16 triệu bảng Anh liên quan đến xây dựng đê cản lũ gây xôn xao dư luận. Đây được coi là bước tiến tiếp theo trong cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng ở Italia.

"Chết" vì dự án tham vọng cứu thành phố Venice trước lũ lụt

Tờ Telegraph (Anh) hôm 4/6 đưa tin, ông Giogio Orsoni là một trong số 35 người bị bắt giữ vì các cáo buộc tham nhũng trong dự án nhiều tỷ bảng để bảo vệ thành phố Venice trước triều cường và nước dâng do bão. Các công tố viên nói rằng, 16 triệu bảng Anh đã được trả cho các đảng phái chính trị ở nước ngoài. Công tố viên Luigi Delpino và Carlo Nordio cho biết "một phần lớn kinh phí đã được sử dụng để tài trợ cho các lực lượng chính trị tại thành phố, cấp khu vực, quốc gia và hối lộ các quan chức cấp cao". Đây là vụ bê bối gần nhất "góp phần" làm hoen ố thế giới chính trị và kinh doanh ở Italia. Ông Orsoni bị cáo buộc nhận tiền bất hợp pháp từ Consorzio Venezia Nuova - tập đoàn đứng đằng sau dự án xây dựng mà sau đó, ông Orsoni đã sử dụng số tiền này trong chiến dịch tranh cử thị trưởng. Tuy nhiên, ông Orsoni phủ nhận cáo buộc và nói rằng, "đó là cáo buộc không có cơ sở", trong khi đó, phát ngôn viên của thị trưởng thành phố không trả lời các cuộc điện thoại của phóng viên báo chí.

Các vụ bắt giữ là kết quả phối hợp điều tra kéo dài ba năm của Guardia di Finanza, cảnh sát thuế Italia nhằm vào các vụ việc có liên quan đến hối lộ, tống tiền và rửa tiền. Vào tháng 7 năm ngoái, cảnh sát tiến hành điều tra các doanh nghiệp tham gia dự án Moses trên khắp cả nước. Hơn 500 nhân viên cảnh sát đã được huy động trong cuộc điều tra hơn 140 doanh nghiệp có liên quan ở Venice, Tuscany và Rome. Những người bị bắt, trong đó có các doanh nhân và cảnh sát về hưu bị nghi ngờ biển thủ kinh phí dành cho dự án Moses - dự án nhằm xây dựng các hàng rào bảo vệ thành phố Venice trước hiện tượng nước dâng cao do triều cường và bão lụt. Dự án "Moses" được khởi xướng vào năm 2003 dưới thời của ông Silvio Berlusconi, dự kiến hoàn thành vào năm 2012 nhưng bây giờ, thời gian dự kiến đưa vào hoạt động là năm 2016 và kinh phí "đội" lên hơn 5 tỷ euro.

Dự án Moise nhằm "cứu" thành phố Venice trước hiện tượng nước dâng cao do triều cường và bão lụt sẽ làm nhiều quan chức mất ghế.

Ngoài ông Giorgio Orsoni, người được bầu làm thị trưởng thành phố xinh đẹp Venice vào năm 2010, ông Giancarlo Galan, cựu chủ tịch vùng Veneto cũng bị thẩm vấn. Một cựu Bộ trưởng Bộ văn hóa cũng bị cáo buộc đã nhận 163 nghìn bảng Anh để chấp thuận hợp đồng. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng phủ nhận cáo buộc. Giovanni Mazzacurati, cựu giám đốc của tập đoàn xây dựng được coi là "chủ mưu", đứng đằng sau vụ án tham nhũng. Ông và một số người khác bị cáo buộc đã lập "quỹ đen" để hối lộ các chính trị gia. Sau đó, những chính trị gia này sử dụng tiền hối lộ phục vụ các chiến dịch bầu cử hoặc lợi ích cá nhân, công tố viên Carlo Nordio cho biết. Theo các nhà điều tra thì số tiền thất thoát được gửi vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, trong đó có cả ngân hàng ở nước cộng hòa độc lập nhỏ San Marino.

Cuộc chiến chống tham nhũng chưa có hồi kết

Đây là vụ án mới nhất trong loạt điều tra hối lộ liên quan đến quan chức cấp cao và các dự án công trình công cộng ở Italia thời gian gần đây. Các cơ quan chức năng của Italia đã tiến hành điều tra các quan chức cấp cao có dấu hiệu nhận hối lộ hoặc biển thủ công quỹ. Nhiều công trình công cộng lớn đã bị điều tra, trong đó có cả dự án Hội chợ triển lãm quốc tế ở Milan năm 2015 và dự án công trình dưới nước mà Italia tài trợ cho Iraq. Trong chiến dịch này, gần đây nhất, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ bị cáo buộc giúp một doanh nhân chạy trốn khỏi Italia để thoát tội câu kết với giới mafia.

Chuỗi các vụ bắt giữ đã khiến nhiều người liên tưởng đến chiến dịch chống tham nhũng rất "mạnh tay" ở nước này vào những năm 1990 làm nhiều quan chức bị mất ghế. Quyết liệt chống tham nhũng cũng là chủ trương của tân Thủ tướng Premier Matteo Renzi. Trong lễ nhậm chức diễn ra hồi đầu năm, Thủ tướng Premier Matteo Renzi đã vạch ra chương trình làm việc tiến hành những cải cách cần thiết để đưa Italia ra khỏi khủng hoảng, chống tham nhũng, cải cách luật bầu cử, thị trường lao động, cải cách hành chính công và thuế.

Cuối tuần qua, Ủy ban châu Âu đưa ra nhận định, tham nhũng là nguyên nhân sâu xa cản trở đầu tư và đổi mới kinh tế ở Italia. Theo đánh giá của tổ chức minh bạch quốc tế vào năm ngoái, Italia xếp thứ 69 về mức độ tham nhũng trong khu vực công, sau Montenegro và trước Kuwait

Tường Phạm
.
.
.