Kẻ chủ mưu vụ 11-9: Sẵn sàng giúp nạn nhân kiện Saudi Arabia

Thứ Ba, 06/08/2019, 16:12
Nghi phạm bị cáo buộc là chủ mưu vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, Khalid Sheikh Mohammed, đã đề nghị giúp các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố trong các vụ kiện chống lại Ả Rập Saudi nếu Chính phủ Mỹ cho y thoát án tử hình tại Ủy ban Quân sự vịnh Guantanamo, tài liệu của tòa án cho biết.


Cố gắng thoát án tử

Lời đề nghị của Mohammed đã được tiết lộ trong một hồ sơ vào ngày 27-7 trong vụ kiện liên bang của nạn nhân ở New York, nơi cáo buộc Chính phủ Saudi đã giúp điều phối các cuộc tấn công liều chết năm 2001. 

Gần 3.000 người đã thiệt mạng khi những kẻ khủng bố đâm máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và xuống một cánh đồng ở Pennsylvania. Riyadh đã phủ nhận cáo buộc đồng lõa trong các cuộc tấn công. 

Tổng thống Trump đã ký luật hôm 29-7, sẽ chu cấp chi phí y tế cho các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11-9-2001 cho đến hết cuộc đời.

Trong vụ kiện chống lại Ả Rập Saudi, các luật sư của nguyên đơn đã yêu cầu lấy lời khai từ 3 trong số 5 tù nhân Guantanamo bị buộc tội trong âm mưu ngày 11-9. 

Trong hồ sơ gửi Thẩm phán Mỹ Sarah Netburn hôm 27-7, các luật sư cho biết luật sư của Mohammed đã nói với họ rằng khách hàng của ông ta không đồng ý cung cấp lời khai tại thời điểm hiện tại. 

Tuy nhiên, luật sư của Mohammed nói "nhân tố quyết định" chính là phán quyết của tòa án và rằng "nếu không có bản án tử hình thì có thể hợp tác rộng rãi hơn nhiều".

Một luật sư của Chính phủ Saudi, Michael Kellogg, đã từ chối bình luận.Các luật sư của Mohammed cũng không đưa ra bình luận, nhưng luật sư của cháu trai và đồng phạm của Mohammed, Ali Abdul Aziz Ali (còn được gọi là Ammar al-Baluch), cho biết đã có những thay đổi trong các vị trí bị cáo. 

Luật sư Alka Pradhan cho biết: "Tôi nghĩ rằng Mohammed cảm thấy sẵn sàng hỗ trợ cho vụ kiện ngày 11-9 của nạn nhân, nhưng tôi nghĩ rằng anh ta cần phải vượt qua câu hỏi tử hình trước tiên".

Mohammed, người cũng bị nghi ngờ trong vụ sát hại phóng viên Daniel Pearl của tạp chí Phố Wall năm 2002, đã tỏ ý thách thức hơn trong thời gian ở Guantanamo. Tại một phiên tòa vào tháng 6-2008, Mohammed đã ngắt lời khi một thẩm phán quân sự mô tả vụ kiện là "một vụ án tử hình". 

Khi đó, Mohammed cắt ngang: "Đây là một vụ án tử vì đạo của người Hồi giáo. Đây là những gì tôi muốn.Tôi đã tìm cách tử vì đạo trong một thời gian dài".

Năm 2017, quan chức của Bộ Quốc phòng giám sát quá trình tố tụng, Harvey Rishikof, bắt đầu tìm kiếm một thỏa thuận bào chữa với các bị cáo ngày 11-9, theo đó sẽ trao đổi lời khai của họ với bản án chung thân. 

Ông Rishikof đã lo ngại vụ truy tố bị hủy hoại bởi tình trạng tra tấn đối với Mohammed và các bị cáo khác tại các cơ sở bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương ở nước ngoài. 

Sau khi lan truyền các cuộc thảo luận, ông Rishikof đã bị Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sa thải vì những gì ông Mattis nói là những lý do không liên quan.

Một trong những mục tiêu chính của các cuộc đàm phán là có được sự hợp tác từ các bị cáo, người quen thuộc với thủ tục tố tụng Guantanamo nói.“Một trong những điều chủ yếu mà các bị cáo 11-9 phải đưa ra là sự chấm dứt, đặc biệt là chấm dứt cho các nạn nhân.Mọi chuyện đã qua lâu, đây là cơ hội để kể câu chuyện về ngày 11-9 một lần và mãi mãi”, nguồn tin cho biết.

Đạo luật JASTA

James Kreindler, luật sư của các nạn nhân ngày 11-9 trong vụ kiện Ả Rập Saudi, cho biết nhóm của ông đã liên lạc với Mohammed và các đồng phạm của y như một phần của việc tìm hiểu trên diện rộng trong vụ án, vốn đang trong giai đoạn tiền xử án và có thể tiếp tục trong nhiều năm. Nói chung, các chính phủ nước ngoài không thể bị kiện tại một quốc gia khác. 

Tuy nhiên, vào năm 2016, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bác phủ quyết của Tổng thống Obama, thông qua luật được thiết kế để cho những yêu sách đó được tiến hành, vượt qua sự phản đối mạnh mẽ của Ả Rập Saudi. Đạo luật chống lại các nhà tài trợ khủng bố (JASTA) có thể khiến chính phủ nước ngoài phải chịu trách nhiệm về sự đồng lõa trong các cuộc tấn công xảy ra trên đất Mỹ.

Khalid Sheikh Mohammed qua những bức ảnh được FBI công bố.

Chính nhờ đạo luật này, những luật sư mới có thể tiến hành vụ kiện chống lại Riyadh. “Mặc dù chúng tôi đã kiện tụng 17 năm với các ngân hàng và tổ chức từ thiện, nhưng chỉ khi JASTA được thông qua, chúng tôi mới có thể bắt đầu vụ kiện chống lại Ả Rập Saudi”, ông Kreindler nói.

Tại Tòa nhà Quốc hội vào cuối tháng 7 vừa qua, Giám đốc FBI Chris Wray đã được hỏi về việc hợp tác với cơ quan của ông với vụ kiện của các nạn nhân. “Có nhiều bằng chứng cho thấy Saudi đã hỗ trợ và tiếp tay những kẻ tấn công vụ 11-9”, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal nói với ông Wray tại phiên điều trần giám sát của Thượng viện. Ông kêu gọi giám đốc Chris Wray chuyển các tài liệu có thể chứng minh cho tuyên bố đó.

Giáo sư Kreindler cho biết hôm 29-7 đã cố gắng “không để sót bất kỳ hòn đá nào không được lật. Nhưng ai biết liệu Mohammed và những người bị giam giữ khác có làm chứng trung thực hay hợp tác không?”.

Các luật sư của các nạn nhân ngày 11-9 cũng yêu cầu các khoản bồi thường từ hai đồng phạm của ông Mohammed.Hồ sơ hôm 27-7 cho biết các luật sư của al-Baluchi nói rằng khách hàng của họ đã từ chối. Họ lưu ý điều đó do “những khó khăn về trí nhớ và nhận thức, trong số những vấn đề khác, gây trở ngại cho sự tham gia của ông al-Baluchi”.

Luật sư của ông al-Baluchi, bà Pradhan, nói rằng tình trạng của ông là kết quả trực tiếp của sự tra tấn. “Anh ta được chẩn đoán bị chấn thương sọ não do bị đập vào tường năm 2003, anh ta được chẩn đoán mắc PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương), anh ta bị chóng mặt và rối loạn giấc ngủ".

Việc đối xử của CIA đối với ông al-Baluchi là cơ sở cho các cảnh tra tấn trong bộ phim năm 2012, “Zero Dark Thirt”, theo các tài liệu của CIA được phát hành theo Đạo luật Tự do Thông tin. Trước sự phản đối của các công tố viên, các luật sư bào chữa đã trình chiếu bộ phim tại phiên điều trần của Ủy ban Quân sự Guantanamo năm 2016. Một luật sư của bị cáo thứ ba, Mustafa al-Hawsawi, cho biết ông đang chờ khách hàng của mình hướng dẫn về vấn đề này, hồ sơ cho biết.

Kim Sang
.
.
.