Kẻ được xử trắng án cúi đầu nhận tội Có tội hay vô tội?

Thứ Năm, 27/03/2014, 20:57
Trên thế giới mỗi ngày xảy ra biết bao vụ án và không phải tất cả những vụ án đó đều tìm ra thủ phạm. Mỗi ngày lại có thêm những tên tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nhưng dù thế nào chúng ta vẫn tin vào luật nhân quả và tin vào lưới trời “tuy thưa mà khó thoát”.

Đêm 30 tháng 12 năm 1978, cô gái 19 tuổi Sharon Zellers sau ca trực tại khu vui chơi giải trí Walt Disney World đã gọi điện về nhà cho mẹ thông báo rằng cô sẽ về nhà và đón giao thừa cùng gia đình nhưng mẹ của Sharon sẽ không bao giờ có thể ngờ được đó là cuộc điện thoại cuối cùng của con gái. Sharon đã không bao giờ trở về nhà.

Cha mẹ cô gái đã đợi rất lâu và cảm thấy lo lắng khi con gái không về đón giao thừa như đã hứa. Linh cảm có điều không lành, họ đã gọi điện báo cảnh sát về việc mất tích của con gái. Mặc dù là đêm giao thừa nhưng một lực lượng lớn cảnh sát đã được lệnh tìm kiếm cô gái trẻ. Có vẻ cô gái đã thực sự biến mất khi không có một dấu vết nào của cô để lại ngoại trừ thông tin từ một người đồng nghiệp cho biết đã nhìn thấy trong xe của Sharon có một người đàn ông.

Cảnh sát dự đoán đó có thể là bạn trai của Sharon và họ đã đi đâu đó để cùng nhau đón năm mới nhưng cha mẹ cô gái khẳng định không thể có chuyện đó bởi Sharon đã chia tay bạn trai và tại thời điểm đó cô bé chưa có người yêu mới. Họ tin rằng nếu đi đâu ngoài dự kiến cô cũng sẽ thông báo cho bố mẹ vì Sharon là một cô gái ngoan.

Hình ảnh chiếc xe và cô gái đã được in và dán khắp nơi trong thị trấn để tìm sự giúp đỡ từ những người dân quanh đó. Ngày 4 tháng 1 năm 1979, một người dân đã thông báo cho cảnh sát về chiếc xe giống như chiếc xe của Sharon đỗ ở gần trạm bơm Lake Road. Ngay lập tức cảnh sát tới hiện trường chiếc xe và thấy bên trong có rất nhiều vết máu nhưng không có cô gái.

Ngày hôm sau, cảnh sát tìm thấy thi thể của Sharon ở gần một cửa cống đổ ra biển gần rừng cam. Thi thể của cô gái trẻ đang bị phân hủy khá nhiều và cảnh sát đã phải xác định bằng xét nghiệm mẫu ADN. Theo bác sĩ khám nghiệm cho biết Sharon đã bị hãm hiếp và bị đánh đến chết với rất nhiều vết thương trên đầu do một vật cùn gây ra.

Vì nạn nhân bị vứt xuống nước và thi thể đang trong quá trình phân hủy nên rất khó khăn để lấy mẫu tinh trùng của thủ phạm. Nhưng trong chiếc xe của nạn nhân, cảnh sát đã thu thập được hai mẫu máu khác nhau, một của nạn nhân và một của thủ phạm để lại. Có thể cả hai đã có một cuộc vật lộn trước khi nạn nhân bị giết chết.

Vết máu để lại trên xe của thủ phạm thuộc nhóm máu O, vì thế nghi phạm đầu tiên trong danh sách của cảnh sát chính là Dustin Reckler, bạn trai cũ của Sharon bởi anh chàng này cũng thuộc nhóm máu O. Nhưng Dustin Reckler lại có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng vì anh ta đang bị bắt giam vì tội trộm cắp ở nghĩa trang vào đêm Sharon mất tích.

Các nhà điều tra vấp phải khó khăn khi không một ai nhìn thấy rõ người đàn ông đi cùng xe với nạn nhân đêm hôm đó và các mối quan hệ của cô gái cũng không có nhiều bởi Sharon được mọi người đánh giá là một cô gái ngoan ít giao thiệp với những thanh niên hư hỏng. Tất cả những thanh niên có tiền án ở khu vực Orlando đều được triệu tập và xét hỏi nhưng họ đều có chứng cớ ngoại phạm tốt. Vấn đề xác định nghi phạm làm đau đầu phía cảnh sát.

Trong khi cảnh sát đang bối rối tìm hướng điều tra thì nhận được một thông tin từ khách sạn Days Inn. Quản lý khách sạn cho biết, đêm 30 tháng 12 năm 1978, một phụ nữ đã gọi khẩn cấp nhân viên của khách sạn giúp bà gọi xe cứu thương vì con trai bà ta vừa trở về khách sạn với be bét máu trên khuôn mặt, một phần lưỡi bị đứt và không thể nói chuyện. Ngay lập tức khách sạn gọi xe cứu thương và đưa anh chàng đó tới bệnh viện chữa vết thương ở lưỡi.

Người quản lý khách sạn sau khi biết tin về vụ án đã nghĩ tới khả năng người thanh niên đó có liên quan bởi anh ta bị thương vào đúng đêm mà Sharon mất tích. Khách sạn của họ lại gần với cửa cống nơi thi thể của cô gái bị vứt lại. Vì thế anh ta ngay lập tức gọi điện cho cảnh sát để báo cáo.

Nhận được tin báo, cảnh sát nhanh chóng tiếp cận người đàn ông tên Robert C. Cox đang nằm trong bệnh viện nhưng anh ta chưa thể nói chuyện mà phải giao tiếp bằng giấy. Cox cho biết anh ta bị thương là do xô xát với một nhóm thanh niên địa phương ở sân trượt băng World Skate. Cox nói rằng anh ta bị đánh vào mặt nên đã tự cắn vào lưỡi của mình.

Mặc dù theo như Cox mô tả thì đã có một cuộc ẩu đả lớn bên ngoài sân trượt băng nhưng không một ai quanh khu vực đó chứng thực hay biết đến cuộc ẩu đả vì thế cảnh sát vẫn có điều để nghi ngờ. Họ tiến hành lấy mẫu máu của Cox để xét nghiệm và trùng hợp là Cox thuộc nhóm máu O giống với mẫu máu của hung thủ để lại trong xe nạn nhân.

Ngoài ra, Cox nói rằng sau cuộc ẩu đả đã lên ôtô của mình về khách sạn nhưng kỳ lạ là không có một vết máu nào trên xe của anh ta trong khi những nhân viên khách sạn cho biết anh ta bị chảy máu rất nhiều khi về đến khách sạn.

Các nhân viên giám định y khoa cũng cho biết với hình dạng vết cắt ở lưỡi của Cox thì giống như bị một người khác cắn hơn là tự cắn vì vết rách có hình vòng vào trong chứ không phải vòng ra ngoài theo khung răng tự nhiên. Với những lập luận và bằng chứng gián tiếp, tòa án Orlando đã tuyên án Robert C. Cox tù chung thân vì tội giết người.

Bản chất thật sự

Bố mẹ Cox luôn tin rằng con trai mình vô tội và Cox cũng luôn khẳng định như vậy nên trong nhiều năm liền họ đã dùng phần lớn tài sản của mình để đấu tranh, kêu oan cho con trai nhưng tất cả đều vô vọng vì tòa án Orlando cho rằng những bằng chứng đó đủ để kết tội Cox. Không có một cuộc điều tra lại hay một phiên tòa phúc thẩm nào diễn ra.

Phải đến đầu năm 1989, một luật sư của ủy ban xem xét các vụ án hình sự biết đến trường hợp của Cox đã chỉ cho cha mẹ Cox nộp đơn kháng cáo lên tòa án tối cao với hy vọng kêu oan cho con trai và đã được tòa án tối cao đồng ý xem xét lại vụ án.

Ngày 3 tháng 10 năm 1989, sau nhiều tháng nghiên cứu, xem xét lại hồ sơ vụ án, tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng tòa án Orlando đã làm việc thiếu trách nhiệm, không đúng quy trình của một bản án khi không cho phép bị cáo khiếu nại và không điều tra lại vụ án. Ngoài ra những bằng chứng của vụ án đều là bằng chứng gián tiếp không thể chắc chắn Robert C. Cox là thủ phạm bởi có đến 45% dân số Mỹ thuộc nhóm máu O, phần lưỡi bị cắn đứt của Cox không hề được tìm thấy trong miệng nạn nhân cũng như xung quanh hiện trường. Với kết luận không đủ bằng chứng kết tội, Robert C. Cox đã được thả tự do và tuyên bố trắng án. Cox trở về sống cùng cha mẹ ở California và bắt đầu lại cuộc đời. Nhưng có lẽ những gì thuộc về bản chất thì không thể che đậy mãi cũng khó có thể mất đi.

 Tháng 5 năm 1985, một phụ nữ tên Kathleen Boice đến nhà chị gái ở California đã bị một người đàn ông đi nhờ xe sau đó uy hiếp bằng một con dao và lấy tài sản. Tháng 12 năm 1985, một cô gái trẻ là y tá trong quân đội Mỹ đóng quân ở Fort Ord, California cũng bị một người đàn ông đi nhờ xe khống chế bằng một khẩu súng bắt cô lái xe lên núi sau đó hãm hiếp và cướp tài sản.

Cả hai người phụ nữ đều có những mô tả giống nhau về thủ phạm và những mô tả đó rất giống với Robert C. Cox. Cox bị triệu tập lên trụ sở cảnh sát nhưng anh ta đã phủ nhận mình liên quan đến hai vụ trên và nói đã ở bên bạn gái trong thời gian xảy ra những vụ án trên.

May mắn không đến lần thứ hai với Cox khi bạn gái hắn đã phủ nhận ở cùng Cox vào thời điểm diễn ra hai vụ cướp. Hai nạn nhân được đưa tới phòng kính nhận dạng thủ phạm và cả hai đều khẳng định đó chính là Cox. Không thể chối cãi, Cox thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Với ba tội danh bắt cóc, hãm hiếp và cướp có vũ trang, Robert C. Cox phải nhận mức án tù chung thân cho những gì mình đã làm. Cảnh sát nhớ tới vụ án cũ mà Robert C. Cox đã được cho là vô tội và tin rằng có thể lại có một sự “nhầm lẫn” khác trong vụ án đó. Nhưng dù sao thì cuối cùng Robert C. Cox cũng đã phải trả giá và lộ nguyên hình một tên tội phạm

Ngọc Mai
.
.
.