Kẻ kế vị và giải thưởng trị giá 10 triệu USD

Chủ Nhật, 19/04/2020, 10:59
Mới đây, Chính phủ Mỹ đã treo thưởng 10 triệu USD cho bất cứ ai có thông tin về Muhammad Kawtharani, thủ lĩnh mới của tổ chức khủng bố gốc Li Băng Hezbollah.


Khác với cố "đồng nghiệp" là Osama Bin Laden, tiểu sử và hình ảnh về Muhammad Kawtharani không được tiết lộ nhiều với báo chí phương Tây.

Tên của hắn chỉ được nhắc đến hai lần với công chúng ở Mỹ: một lần vào năm 2007, khi hắn bị Bộ Tài chính ra lệnh trừng phạt cùng 3 chỉ huy cấp cao khác của Hezbollah, và một lần nữa vào năm 2020. Liệu đây có phải là lý do khiến Muhammad Kawtharani được phía Mỹ "định giá" cao như vậy?

Hezbollah và Mỹ

Hezbollah trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "Đảng của Thánh", và đúng với ý nghĩa của cái tên này, đảng Hezbollah là một đảng Hồi giáo cực đoan với sức ảnh hưởng rất lớn ở Li Băng. Đảng Hezbollah được thành lập vào những năm đầu thập niên 80 của thế ký trước dưới sự bảo trợ của chính quyền Iran trong cuộc xâm lược Li Băng.

Núp dưới vỏ bọc là một đội quân tiêu diệt khủng bố trong nước, Hezbollah đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào người Israel, người Mỹ và người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới.

Dù luôn luôn tự nhận rằng mục đích tồn tại là bảo vệ quê hương khỏi những mối đe dọa quốc tế, Hezbollah thực chất được tài trợ và bảo vệ bởi các thế lực thù địch ngoại quốc, trong đó có chính quyền hồi giáo Iran.

Iran đã vận chuyển một khối lượng khổng lồ vũ khí, đạn dược, binh lính… cho Hezbollah và sử dụng Syria như một điểm trung chuyển. Hezbollah đã nhận được hàng nghìn tên lửa qua con đường này, sử dụng chúng để tàn sát người dân Israel vô tội và gây ra cuộc nội chiến Li Băng lần 2 vào năm 2006.

Hezbollah coi Mỹ và Israel là hai kẻ thù số 1, và đã tiến hành vô số cuộc tấn công khủng bố nhắm vào công dân của hai nước.

Hezbollah bị tình nghi là thủ phạm của vụ tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Li Băng năm 1983, giết chết 241 binh lính Mỹ, vụ đánh bom tự sát ở Đại sứ quán Israel tại Argentina năm 1992 và ở Liên hiệp người Do Thái - Argentina năm 1994, và một cuộc đánh bom xe chở khách du lịch Israel tại Bulgaria năm 2012.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Hezbollah chính là thủ phạm của vụ đánh bom năm 2005 trên lãnh thổ Li Băng, giết chết 23 nạn nhân, bao gồm cựu Thủ tướng nước này là ông Rafik Hariri.

Tướng Soleimani.

Điều khiến Hezbollah trở nên khác biệt với nhiều tổ chức khủng bố ẩn dật, chỉ lộ mặt trên truyền hình và báo chí phương Tây khi đưa ra lời đe dọa hoặc nhận trách nhiệm cho những tội ác kinh hoàng… đó là Hezbollah đã tự đưa mình vào đời sống xã hội ở Li Băng suốt 3 thập kỉ vừa qua.

Tổ chức khủng bố này đã thành lập một hệ thống trường học uy tín, bệnh viện chất lượng cao và vô số cơ sở xã hội khác hòng mua chuộc và kiểm soát người dân ở khu vực phía Nam đất nước.

Đặc biệt hơn, nhờ vào nguồn tài chính do Iran tài trợ, Hezbollah có thể chi tiền đền bù thiệt hại cho dân lành và trợ cấp cho gia đình những "chiến sĩ" Hezbollah "tử vì đạo".

Tinh vi hơn, những trường học chúng lập ra thực chất là những mỏ vàng để tuyển chọn và đào tạo binh lính. Hezbollah cử những người tuyển quân tới những ngôi làng nơi tổ chức này có sức ảnh hưởng to lớn, sau đó những người này củng cố quan hệ vô cùng khăng khít với các em nhỏ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Song song với việc này, họ còn yêu cầu trẻ em phải học tập những lễ nghi tôn giáo của đạo Hồi, tập trung cầu nguyện một cách nghiêm túc mỗi ngày cho những chiến binh Hezbollah, và gieo vào đầu chúng tư tưởng bằng hữu và kỉ luật kiểu quân nhân… ở độ tuổi rất nhỏ.

Sau khi quá trình "nhồi sọ" kết thúc, Hezbollah sẽ chọn ra những thiếu niên thông minh, ngoan ngoãn và dũng cảm nhất để tiếp tục huấn luyện về mặt tư tưởng trong một năm. Ở giai đoạn tiếp theo, các em bắt đầu rèn luyện về mặt thể chất và quân sự trong suốt 1 năm.

Giai đoạn tập luyện quân sự nâng cao kéo dài trong 33 ngày, tập trung vào những kĩ năng chiến đấu du kích, tại khu rừng Bekaa.

Các tân binh phải tự tìm đường ra khỏi rừng mà không được sử dụng la bàn hay bản đồ, và không được mang theo đồ ăn thức uống gì, ngoại trừ một chai nước nhỏ. Đôi khi, họ còn phải vác theo một balo đầy đá xanh.

Buổi tối, sau khi đã trải qua bài tập trèo đèo và chống đẩy hàng trăm cái, các tân binh phải thay nhau canh gác doanh trại. Các chiến binh của Hezbollah còn được tập tháo lắp súng khi bịt mắt, bắn trúng mục tiêu vào ban đêm, cài mìn, chống lại vũ khí hoá học và sinh học; học đủ các kĩ năng sơ cứu cơ bản cũng như kiểm tra giáo lý mỗi ngày.

Đương nhiên, từ giáo án tới chi phí của quy trình huấn luyện cực khổ này đều được Iran tài trợ. Cho tới năm 2011, Hezbollah không cho phép trẻ em dưới 18 tuổi cầm súng chiến đấu, nhưng các em vẫn phải tập sử dụng vũ khí và trải qua những kì huấn luyện quân sự. Vào năm 2014, Hezbollah đã giảm độ tuổi chiến đấu xuống còn 16.

Những chiêu trò kể trên đã giúp Hezbollah được nhân dân Li Băng yêu quý và tôn trọng đến mức kể từ cuộc bầu cử toàn quốc năm 1992 trở đi, các ứng cử viên từ đảng Hezbollah luôn có ghế, thậm chí chiếm đa số ghế.

Đỉnh điểm là vào tháng 10/2016, Chính phủ Li Băng đã đưa Michael Aoun, một ứng cử viên thuộc đảng Hezbollah, lên làm Thủ tướng, và vào tháng 6/2018, đảng Hezbollah đã giành được 70 trên 128 ghế trong Thượng viện Lebanon.

Sức ảnh hưởng của tổ chức khủng bố này lên Li Băng lớn đến mức, cho dù EU đã phân loại Hezbollah là một tổ chức khủng bố, họ vẫn tách tổ chức Hezbollah khỏi đảng chính trị Hezbollah. Điều này đồng nghĩa với việc EU công nhận đảng chính trị Hezbollah là một tổ chức trong sạch, bất chấp mối liên hệ rõ ràng của đảng với đội quân Hezbollah.

Lực lượng Hezbollah.

Kẻ kế vị

Khác với liên minh EU, vốn luôn e ngại hiềm khích với các nước Trung Đông, Mỹ đã có những động thái dứt khoát hòng trừng phạt Hezbollah.

Năm 2013, Mỹ chính thức xếp Hezbollah vào danh sách khủng bố. Tiếp đó, Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh trừng phạt bốn thủ lĩnh của tổ chức Hezbollah bằng cách đóng băng mọi tài sản mà bốn người sở hữu tại Mỹ và cấm không cho cả bốn được liên quan đến bất kì hoạt động gì trên lãnh thổ nước này. Đây là nỗ lực trừng phạt thứ 3 của Mỹ hướng đến Hezbollah kể từ tháng 6 đến tháng 8/2013.

Ông David S. Cohen, một trong những người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ năm 2013, và người về sau đã đảm nhiệm chức Giám đốc CIA, cho biết, 4 thủ lĩnh khủng bố cấp cao này không chỉ trợ giúp kẻ đứng đầu Hezbollah là Assad, mà còn tài trợ cho phiến quân ở Yemen và liên tục hỗ trợ các hoạt động khủng bố ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ai Cập, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp, Israel, Palestine, và Iraq.

Tuyên bố chính thức được đưa ra bởi Bộ Tài chính Mỹ công khai buộc tội "những hành vi hòng gia tăng sức ảnh hưởng hiểm ác của Hezbollah và của chính Chính phủ Iran tại Trung Đông, và còn xa hơn thế nữa".

Một trong bốn kẻ này là Khalil Harb, người đã đóng vai trò rất lớn trong các hoạt động quân sự của Hezbollah kể từ cuối thập niên 80 của thế ký trước.

Một cái tên đáng chú ý khác là Ali Musa Daqduq, kẻ từng phải ngồi tù ở Iran vì chủ mưu hàng loạt vụ tấn công chết người nhắm vào 5 binh sĩ Mỹ tại thành phố Karbala năm 2007, tuy nhiên hắn đã được thả tự do.

Giới chức Mỹ vô cùng phẫn nộ trước quyết định này, và cho rằng nó là một phép thử cho sức ảnh hưởng của Mỹ lên Chính phủ Iran, nơi mà nhánh Shiite của đạo Hồi thống trị. Trùng hợp thay, Hezbollah dựng xây toàn bộ tôn chỉ hoạt động của chúng cũng theo dòng Shiite.

Hai cá nhân còn lại là Muhammad Yusuf Ahmad Mansur và Muhammad Qabalan, những kẻ chịu trách nhiêm lên kế hoạch cho hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhắm vào du khách Israel tại Ai Cập.

Ảnh Mỹ treo thưởng 10 triệu USD để tìm Kawtharani.

Cái tên mờ nhạt nhất ở thời điểm đó là Muhammad Kawtharani. Nhiệm vụ của hắn được giới chức Mỹ mô tả khá đơn giản: bảo trợ cho lợi ích của Hezbollah tại Iraq và từ đó giúp thả tự do cho Ali Musa Daqduq. Tuy nhiên, đòn tấn công dữ dội nhất và đồng thời cũng gây tranh cãi nhất của nước Mỹ lại xảy ra vào tận 7 năm sau, dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Vào đầu tháng 1-2020, quân đội Mỹ đã tổ chức một cuộc không kích nhắm vào sân bay quốc tế Baghdad và giết chết Trung tướng Qasem Soleimani, Iran.

Lý do được quân đội Mỹ đưa ra là họ muốn nỗ lực chặn đứng những cuộc tấn công mà Qasem Soleimani dự định thực hiện lên những nhà ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, lý do đó đã bị nhiều chuyên gia phủ nhận, đơn giản vì Qasem Soleimani chính là một thành phần chủ chốt của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và là người lãnh đạo lực lượng tình báo Quds, cả hai đều có mối liên hệ mật thiết với Hezbollah.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thậm chí còn chịu trách nhiệm gây dựng, củng cố và tài trợ cho Hezbollah kể từ ngày đầu thành lập.

Vào tháng 4/2020, Muhammad Kawtharani, một trong bốn đầu lĩnh được gọi tên trong lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ năm 2007, được gọi tên để "kế vị" Tướng Soleimani.

Theo như thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, "Muhammad Kawtharani hiện đang trợ giúp cho nhiều tổ chức hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Iraq, nhằm đàn áp dã man các cuộc biểu tình, tấn công các nhiệm vụ ngoại giao và tham gia vào những mạng lưới phạm tội có tổ chức".

Sở dĩ Kawtharani được Mỹ "định giá" 10 triệu USD vì theo hai nguồn tin ở Iran và một thủ lĩnh Hồi giáo dòng Shiite cấp cao, thì Kawtharani sở hữu một mạng lưới quan hệ rất có giá trị với đa số nhóm vũ trang, và là người được Soleimani sinh thời vô cùng tin tưởng.

Nhiệm vụ chính của Kawtharani và Hassan Nasralahh, một thủ lĩnh khác của Hezbollah, bao gồm việc đập tan sức ảnh hưởng của Tehran và Washington tại Iraq.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền Iraq sẽ khó mà tìm được cá nhân nào có sức ảnh hưởng như Tướng Soleimani, và để tiếp tục cuộc chiến với Iran và Mỹ, Iraq cần phải tạo ra một tập thể bao gồm nhiều tướng lĩnh giàu kinh nghiệm, trong đó không thể thiếu thủ lĩnh trầm lặng Kawtharani.

Song Thi
.
.
.