Kẻ mang tội giết người 17 năm sống trong vỏ bọc người chồng mẫu mực

Thứ Năm, 21/11/2013, 11:00

Gã, mang tội giết người. Thay vì ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật thì gã lại hèn hạ trốn chạy trách nhiệm, thay tên đổi họ sống chui lủi qua nhiều địa phương trong cả nước, trước khi đến một vùng đất xa xôi của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) ẩn nấp. Tại đây, gã giấu được hành tung, cưới được cô gái quê làm vợ, sinh ra hai đứa con.

17 năm trời sống trong sợ hãi, gã vẫn tự tạo được vỏ mình là một người chồng, người cha mẫu mực. Lưới trời lồng lộng, ngày gã bập tay vào còng số 8 để đền tội cho hành vi tước đi mạng sống của người khác, vợ con chết đứng như trời trồng trước sự thật phũ phàng.

1. Thực ra thì gã không muốn giấu vợ con về quá khứ của mình. Đã trăm lần vạn lần gã định nói chuyện nghiêm túc về bản thân, với vợ và con nhưng gã có hai nỗi sợ hãi thường trực. Ấy là sợ đối diện với quá khứ, sẽ phải chịu trách nhiệm. Và nỗi sợ thứ 2, lớn hơn, ấy là sợ sẽ mất vợ con khi sự thật được phơi bày.

Dù biết rằng, ngày hôm nay sớm muộn gì cũng xảy ra, đó là kết cục tất yếu, song gã cố gắng níu kéo. Đó, là lời tâm sự của gã, có lẽ là thật tâm nhất ngay khi được dẫn giải từ nhà riêng về cơ quan điều tra, trước khi được di lý vào Đắk Lắk để bàn giao cho Công an tỉnh này, phục vụ cho công tác phục hồi vụ án giết người xảy ra cách đây 17 năm về trước, mà gã là hung thủ. Nhưng mọi toan tính của kẻ ác đều không mang lại kết quả có hậu, gã của hiện tại cũng giống như gã của 17 năm về trước, đã mất hết tất cả. Thậm chí, cái mất lớn nhất của đời người, mất đau nhất chính là niềm tin. Tình yêu, sự kính trọng của người vợ và hai đứa con gã trong suốt 17 năm qua đã hoàn toàn sụp đổ. Dù có độ lượng, bao dung trăm vạn ngàn lần thì người đàn ông trong tâm họ, đã chết theo một cách đột ngột và đau đớn nhất.

2. 21 năm về trước, vào năm 1992, Phạm Hữu Thực, là tên khai sinh của gã, rời quê hương bản xứ ở xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào các tỉnh Tây Nguyên tìm cơ hội đổi đời. Năm ấy, gã tròn 20 tuổi. Không nghề nghiệp, không bằng cấp, lại không có bà con họ hàng thân thích, gã đi theo nhóm bạn đồng trang lứa, cùng quê nên công việc cũng hết sức bấp bênh, từ hái cà phê, trông coi nương rẫy đến đi săn bắt thú rừng. Vậy nhưng gã cũng bám trụ được suốt 4 năm, tại một trang trại cà phê của ông chủ gốc Nghệ ở buôn Gi. Được cái, bản tính thật thà, cộng với siêng năng, cần cù nên gã rất được lòng mọi người. Với một người làm công ăn lương, thiết nghĩ cũng chỉ cần đến vậy.

Nhưng rồi cuộc sống không phải bao giờ cũng được như mình mong muốn, biến cố cuộc đời xảy ra với gã vào năm 1996. Một đêm, gã đi chơi về muộn, có chút hơi men trong người. Lúc về gần đến trang trại cà phê thì đụng phải một nhóm thanh niên làng và bị nhóm này quây lại đòi đánh. Gã xông vào quật ngã một tên trong số đó để giải vây, rồi bỏ chạy thục mạng liền bị đuổi theo. Để phòng thân, gã chạy vào nhà một người dân, tìm được một con dao liền quay ra chống cự. Gã huơ loạn xạ về phía đám thanh niên, làm cả hội này bỏ chạy tán loạn. Được đà, gã cầm dao đuổi theo, chém loạn xạ, làm một tên trong số đó ngã xuống. Sáng hôm sau, tỉnh rượu và tỉnh giấc, nghe tin nạn nhân đã chết, gã hoảng loạn bỏ trốn khỏi địa bàn. Vụ án được Công an tỉnh Đắk Lắk thụ lý.

Ngày 30/12/1996, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định truy nã số 08  đối với gã trên toàn quốc. Đồng thời, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng gửi công văn đề nghị Công an tỉnh Nghệ An phối hợp truy tìm. Năm 1998, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An (lúc này Đội Truy nã tội phạm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự chưa tách ra) lập chuyên án mang bí số 197N để tiến hành các biện pháp phối hợp xác minh, truy bắt Phạm Hữu Thực. Song, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm, bóng dáng của gã vẫn bặt vô âm tín nên vụ án tạm thời bị gác lại.

Căn nhà, nơi 17 năm là mái ấm, giờ ngập tràn nỗi đau.

Về phần gã, sau khi rời khỏi buôn Gi, gã sống lang thang, chui nhủi nhiều nơi, mỗi lần dừng chân gã lại dùng một cái tên giả, chứ không dám khai tên thật của mình, sợ bị phát hiện. Thông qua bạn bè và các phương tiện truyền thống đại chúng, gã biết mình bị phát lệnh truy nã toàn quốc nên càng hoang mang hơn. Trong khoảng thời gian gần 2 năm, tính từ khi gây ra án mạng đến lúc về quê nhà Nghệ An vào cuối năm 1997, gã đã có một hành trình trốn chạy mỏi mệt, qua rất nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An đến Cần Thơ, Đồng Nai… mỗi nơi, trước khi đến gã có ý định ẩn nấp song nỗi sợ hãi cứ bủa vây mỗi khi nhìn thấy bóng dáng của lực lượng Công an nên lại tiếp tục chạy trốn. Khi đã quá mỏi mệt, gã quyết định về quê.

Gã không về nhà ở huyện Nghi Lộc mà tìm đến vùng núi rừng hẻo lánh tại huyện Tân Kỳ, nơi có Trại giam số 3 của Bộ Công an đóng chân. Gã chạy lên xã Tân Hợp, một xã vùng sâu, xa trung tâm, lại có địa hình tương đối phức tạp, chủ yếu là núi đồi, tập trung phần lớn bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây, gã xin vào làm thuê cho một hộ gia đình có trang trại trong núi, nói tên mình là Phan Văn Dũng.

Để che mắt thân phận mình, gã bảo bố mẹ đều đã mất, không còn anh em thân thích nên phải tha hương cầu thực kiếm sống. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, chẳng mấy chốc gã đã lấy lòng được nhiều người, trong đó có cô gái bản Phạm Thị Oanh. Thường chàng trai “mồ côi” xa xứ, Oanh đã đồng ý làm vợ gã. Sống đời vợ chồng với nhau gần 20 năm trời, Oanh đã sinh hạ cho gã hai đứa con, có nếp có tẻ. Lúc cuộc sống khó khăn đi qua, những tưởng được hưởng an nhàn, hạnh phúc thì cũng là lúc gã phải tra tay vào còng, trả giá cho hành vi nông nổi thời trai trẻ của mình.

Khi gã đang sống hạnh phúc với vợ con, căn nhà khá khang trang ở xóm núi thì các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an Nghệ An đã mất nhiều thời gian để dò tìm tung tích gã. Mãi đến đầu tháng 10/2013, một nguồn tin đáng tin cậy báo về có một người quê gốc Nghi Lộc, giống người bị truy nã nhưng lại có tên khác xuất hiện tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. 4 trinh sát dạn dày kinh nghiệm Phòng PC52 Công an Nghệ An được cử đến địa bàn huyện Tân Kỳ, phối hợp với Công an địa phương. Kết quả rà soát, thấy xuất hiện trường hợp Phạm Văn Dũng, quê gốc huyện Nghi Lộc, hiện đang thường trú tại xóm Đông Hạ, xã Tân Hợp có nhiều đặc điểm, thông tin giống với gã. Các trinh sát đã vào vai là những người lái buôn, sau khi xác định chính xác người đàn ông tên Dũng và gã chính là một, sáng 24/10, khi biết gã chở vợ xuống thị trấn huyện lỵ Tân Kỳ cắt thuốc, các trinh sát đã lặng lẽ bám theo. Khi đến địa điểm thuận lợi tại địa bàn thị trấn, được sự phối hợp của Công an Tân Kỳ, gã đã bị bắt giữ lặng lẽ mà không gây kinh động đến vợ cũng như mọi người.

3. Một ngày sau khi gã bị bắt, chúng tôi ngược về huyện Tân Kỳ, tìm đến căn nhà cấp 4 khá khang trang của vợ chồng gã ở xóm Đông Hạ. Chị Oanh, người vợ tội nghiệp nhất trong những người vợ bị chồng lừa dối, khóc cạn hết nước mắt sau biến cố bất ngờ của gia đình. Chị không muốn trải lòng, nhưng những dòng cảm xúc cứ thế bật ra, một cách không ý thức. Chị Oanh, như bao thôn nữ chân chất khác của vùng quê này, chưa một lần rời chân khỏi bản làng, nên tiếp xúc với xã hội cũng hạn chế. 19 tuổi đầu, được một người đem lòng yêu thương, chị và bố mẹ đã nhanh chóng gật đầu làm vợ mà không đòi hỏi môn đăng hộ đối. Kể cả việc ngày cưới, đại diện họ nhà trai không có bất cứ ai thân thích.

Để rồi, 17 năm qua, chị sống trọn vẹn nghĩa vợ chồng với người mà chị rất mực yêu thương, gắn bó. Chị Oanh cũng không có giây phút nào thấy chồng mình có biểu hiện khác thường, ngoại trừ Dũng (tức Thực), thỉnh thoảng giật mình giữa đêm khuya, lâu dần chị quen nên coi như cố tật khó chữa. Sống ở đây, chồng chị được địa phương tạo điều kiện làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân, tất nhiên mang tên Phạm Văn Dũng.

Thời điểm cuộc sống khó khăn, vợ chồng còn được địa phương tạo điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế. Cưới nhau một năm thì vợ chồng chị sinh cậu con trai đầu lòng. 8 năm sau, có thêm bé gái, vậy là đủ nếp đủ tẻ, cuộc sống gần như viên mãn. Chị không ngờ, bấy lâu nay tất cả chỉ là giả tạo. Giờ, gã phải vào tù, chị với hai đứa con, chẳng biết phải làm thế nào để đối diện với sự thật, và cả những chuỗi ngày khó khăn đã và đang hiện hữu tương lai phía trước. Phận đàn bà, mỗi lần rơi vào nỗi đau mà họ không phải là căn nguyên, thấy thương đến nao lòng

Thiên Thảo
.
.
.