Kẻ sát nhân 15 tuổi làm thay đổi hệ thống luật pháp Mỹ

Thứ Bảy, 07/12/2013, 09:01

Willie Bosket, 15 tuổi đã trở thành một tên tội phạm máu lạnh với hàng loạt vụ cướp có vũ khí đầy hung hãn, thậm chí giết người không ghê tay. Chính trường hợp của Willie đã khiến các nhà làm luật Mỹ phải thay đổi hệ thống luật pháp dành cho tội phạm vị thành niên để phù hợp hơn với tình trạng bạo lực trong giới trẻ.

Kẻ tội phạm không biết sợ

Từ năm 9 tuổi, Willie Bosket đã trở nên nhẵn mặt với tòa án thanh thiếu niên New York bởi nhiều vụ ăn cắp và tội phạm nhỏ khác. Gia đình Willie đã có truyền thống bạo lực, cha của Willie là Butch đã phải ngồi tù vì tội giết người và có nhiều dấu hiệu tâm thần. Người mẹ không muốn dính dáng gì tới đứa con mà bà nghĩ cũng sẽ đi theo con đường của cha nên đã bỏ bê Willie. Khi 15 tuổi, Willie được một cặp vợ chồng nhận nuôi.

Vụ giết người đầu tiên của Willie Bosket là vào một ngày tháng 3-1978. Với khẩu súng mua được bằng tiền móc túi, Willie quyết định lên tàu điện ngầm tìm kiếm nạn nhân. Hắn thấy một người đàn ông ngủ gật trên một toa tàu trống và định lấy cắp chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng của ông ta. Người đàn ông đó còn đeo một chiếc kính râm giống một luật sư mà Willie rất ghét khi phải ra tòa. Điều này khiến hắn cảm thấy bực bội. Bất ngờ người đàn ông tỉnh dậy, Willie lấy khẩu súng từ trong túi ra, bắn xuyên qua mắt phải của người đàn ông. Sợ rằng ông ta còn có thể sống sau phát súng, Willie bắn thêm một lần nữa rồi xuống tàu, lấy theo chiếc đồng hồ vàng, 15 đôla và chiếc nhẫn của nạn nhân.

Không có nhân chứng, cảnh sát không thể làm gì để tìm ra thủ phạm vụ án. Đối với Willie, vụ giết người này càng khiến hắn thêm coi thường luật pháp và cảm thấy không còn gì phải sợ hãi. Hắn biết pháp luật không thể quá mạnh tay đối với những kẻ tội phạm còn trong độ tuổi thành niên như hắn. Chỉ trong vòng vài ngày sau đó, Willie lại cùng với người anh họ là Herman Spates tiếp tục gây ra hàng loạt vụ cướp bạo lực khác. Một người đi xe máy bị bắn vào lưng khi bỏ chạy khỏi hai tên cướp. Một người đàn ông khác bị cướp khi vừa xuống tàu, hai tên tội phạm chỉ thu được 12 đôla. Nạn nhân 57 tuổi Matthew Connolly bị bắn khi chống trả lại hai tên này. Cảnh sát đã khám người Willie sau đó, nhưng vì Connolly không thể nhận diện kẻ đã tấn công mình, Willie đã được thả. Tuy nhiên, cảnh sát cũng đã ghi tên Willie vào danh sách cần theo dõi.

Một tuần sau vụ giết người đầu tiên, Willie và Herman lên một chuyến tàu điện ngầm và thấy một hành khách duy nhất. Willie lấy súng ra và ra lệnh cho người đàn ông đưa tiền. Khi ông ta trả lời rằng mình không có tiền, Willie ngay lập tức bắn chết người này. Lục túi nạn nhân, hắn chỉ tìm thấy 2 đôla.

Hai vụ giết người trên tàu điện ngầm trong một thời gian ngắn khiến lực lượng cảnh sát New York phải dồn lực vào điều tra. Họ quyết định sẽ thẩm tra lại Willie và Herman. Herman sau khi bị tra khảo kỹ càng đã khai ra Willie là kẻ cầm súng bắn các nạn nhân. Khám nhà Willie, cảnh sát đã tìm ra khẩu súng gây án.

Hệ thống pháp luật không phù hợp

Willie không hề xa lạ gì với tòa án thanh thiếu niên. Từ lúc 9 tuổi, Willie đã phải vào trại giáo dưỡng vì nhiều tội khác nhau. Mức độ giới hạn cho thời gian vào trại đối với trẻ vị thành niên là 18 tháng. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng bạo lực trong giới trẻ tăng cao vào những năm 70, bang New York đã thông qua bộ luật sửa đổi vào năm 1976, trong đó trẻ từ 14 tuổi trở lên phạm phải những tội nặng có thể bị gửi tới trường giáo dưỡng với thời gian từ 3 đến 5 năm.

Tuy nhiên, ngay cả với mức án như vậy cũng không còn phù hợp với Willie. Hắn từng nhiều lần khẳng định rằng, hắn sẽ đi theo con đường của cha và sẽ giết người. Đối với Willie, bạo lực là cách mà hắn có được sự tôn trọng từ người khác. Hắn không hề biết sợ hãi và thậm chí không quan tâm tới sự sống chết của chính mình. Thêm vào đó, Willie đã được chẩn đoán mắc chứng hành vi thù địch xã hội, mặc dù không phải là tâm thần, nhưng cũng chứng tỏ hắn rất nguy hiểm. Cuối cùng, Willie bị kết vào mức án nặng nhất là 5 năm tù cho hai tội giết người và một tội chủ ý giết người. Hắn sẽ được thả tự do vào năm 21 tuổi.

Willie Bosket tự bào chữa tại tòa án.

Vụ án của Willie Bosket trở thành điểm nóng của công luận và báo chí tại New York vào thời điểm đó. Thống đốc bang New York là Hugh Carey phẫn nộ trước mức án quá nhẹ mà Willie Bosket nhận được, tuyên bố rằng, hệ thống pháp luật cần phải được sửa đổi. Carey là người đảng Dân chủ. Trước đó, phía đối lập đảng Cộng hòa luôn chỉ trích rằng, Carey quá nhẹ tay đối với tội phạm và đề nghị một bộ luật mới nghiêm khắc hơn, trong đó tội phạm vị thành niên có thể bị xử như người lớn nếu phạm phải tội nghiêm trọng. Carey vốn luôn thận trọng với vấn đề này, nhưng sau trường hợp của Willie, ông đã thay đổi quan điểm của mình.

Chỉ vài ngày sau khi bản án dành cho Willie được tuyên, Carey triệu tập nghị viện bang New  York để thông qua một bộ luật hình sự thanh thiếu niên mới. Với bộ luật này, trẻ từ 13 tuổi có thể bị xử trong tòa dành cho người trưởng thành nếu phạm tội giết người và có thể bị áp dụng hình phạt tương ứng. Bộ luật này đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm đã có truyền thống từ 150 năm trong hệ thống pháp luật Mỹ, đó là trẻ vị thành niên có thể giáo dục được và có thể trở lại cuộc sống bình thường nếu được cho cơ hội. Kể từ đó, pháp luật Mỹ đã có thêm lập luận rằng, có những đứa trẻ thực sự nguy hiểm và cần được cách ly khỏi xã hội. Bộ luật này được đưa ra quá muộn nên không thể áp dụng với trường hợp của Willie Bosket, nhưng đã làm thay đổi hẳn số phận của những kẻ tội phạm vị thành niên khác.

Kết cục xứng đáng

Willie được thả vào năm 21 tuổi và bắt đầu làm lại cuộc đời. Hắn kết hôn và theo học đại học tại một trường cộng đồng. Thậm chí, Willie đã bắt đầu tìm việc làm. Tuy nhiên, cuộc sống của hắn không yên ổn được lâu. Trong một lần đến thăm người chị, Willie bị một người đàn ông tố cáo định cướp ông ta. Willie ngay lập tức bị bắt và đưa ra tòa.

Mặc dù tất cả những hồ sơ tội phạm của hắn khi còn là vị thành niên đã được xóa bỏ, Willie vẫn còn tiếng xấu đối với lực lượng cảnh sát. Cả cảnh sát lẫn những nhân viên đại điện cho luật pháp của bang đều không nhân nhượng đối với Willie, không cho hắn hưởng bất cứ sự khoan hồng nào. Willie bị kết án mức nặng nhất là 7 năm tù giam. Willie nhận thấy rằng, hệ thống pháp luật sẽ không buông tha hắn và quyết định chống trả tới cùng. Trước tòa, hắn tự nhận phần bào chữa cho mình và chối bỏ thẩm quyền của tòa án. Khi vào tù, hắn tấn công những người gác tù. Hành vi này khiến hắn phải ngồi tù thêm một lần nữa và lần này nhận mức án bằng với tội giết người, đó là tù chung thân.

Willie Bosket chống trả lại cảnh sát khi bị dẫn ra tòa.

Vẫn không nhận thức được hành vi bạo lực của mình, Willie một lần khác lại đâm một người gác tù bằng dao tự chế, gần trúng tim người đàn ông này. Hắn nhận thêm một bản án chung thân nữa cho tội cố ý giết người. Một vài tháng sau, hắn tiếp tục nhận bản án chung thân lần thứ ba vì đánh người gác tù. Willie trở thành tên tội phạm nguy hiểm nhất tại New York và bị giam tại phòng giam riêng biệt. Không ai được phép nói chuyện với hắn. Trong phòng giam của hắn không có thiết bị điện, không có tivi hay báo và bị quan sát liên tục với bốn máy quay. Hắn bị xích mỗi khi được ra khỏi phòng giam.

Từ trường hợp của Willie Bosket, các nhà làm luật Mỹ đã nhận ra mối nguy hiểm từ tội phạm vị thành niên. Số lượng thanh thiếu nhiên phạm tội nghiêm trọng đã tăng mạnh trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Một số bang tại Mỹ đã giảm mức tuổi trẻ có thể bị xử tại tòa án dành cho người lớn để phù hợp hơn với tình trạng này. Bang Florida đã có mức án tử hình dành cho thanh thiếu niên. Willie Bosket đã khiến bộ mặt hệ thống pháp luật Mỹ thay đổi hoàn toàn

PV
.
.
.