Kẻ tống tiền tinh quái

Thứ Sáu, 06/06/2014, 17:11

Funken tên đầy đủ là Arno Martin Franz Funken sinh ngày 14/3/1950 tại Berlin-Rudow, mẹ là người gốc Na Uy và bố là người Đức. Nhưng Funken đã ở với mẹ từ nhỏ. Funken là một cậu bé thông minh, có tài năng về hội họa, văn chương.

Dagobert là ai

Arno Martin Franz Funken là tác giả của cuốn tiểu sử tự thuật “Cuộc đời tôi với tư cách là Dagobert” và cuốn sách “Ente kross” với nhân vật chính là Dagobert. Cuốn sách nói về cuộc chiến giữa công lý và tên tội phạm tống tiền bậc nhất nước Đức lúc đó, cùng cốt chuyện sinh động, và loạt tranh biếm họa sâu sắc. Nhưng ít ai biết được rằng trước khi trở thành một nhà viết văn, một họa sĩ vẽ tranh biếm họa tài năng như thế, Funken đã là một tên tống tiền tinh quái, gây bao khó khăn, phiền phức cho các tập đoàn lớn và lực lượng cảnh sát nước Đức lúc bấy giờ.

Khi học phổ thông, Funken đã bị đúp hai lớp liền. Là một người đam mê, thích thú với hội họa nhưng lại không có duyên với chúng, Funken đã theo học ngành nhiếp ảnh nhưng rồi cũng bỏ dở để theo học nghề làm biển và đèn quảng cáo. Nhưng công việc này cũng không mang lại được một cuộc sống ổn định. Sau đó Funken đã làm nhiều việc khác nhau như lái xe, vẽ biển hiệu, chỉnh nhạc,... Rồi là một phóng viên, một nhiếp ảnh gia. Funken cũng đã tự tổ chức cho mình một vài buổi triển lãm tranh nhưng kết quả đều không mấy khả quan.

Cái tên họa sĩ, nhiếp ảnh gia, phóng viên Funken dường như quá mờ nhạt đối với công chúng cho đến khi trở thành nhân vật chính của các tờ báo, là đối tượng được quan tâm lớn nhất của sở cảnh sát và người dân nước Đức. Nhưng lúc này mọi người biết đến Funken là một Dagobert - một kẻ tống tiền tinh quái và gây hao tổn nhiều tiền của nhất trong lịch sử các vụ tống tiền nước Đức chứ không phải là một Funken đa tài chưa được công nhận. Funken vì quá muốn khẳng định mình và kiếm một khoản tiền để có thể tồn tại, nên đã tiến hành nhiều vụ tống tiền tinh ranh kéo dài hàng năm trời, và gây tổn thất hơn 10 triệu D-mark. Funken đã lấy biệt danh là Dagobert - tên một chú vịt trong bộ phim hoạt hình của hãng Walt Disney. Nạn nhân của Dagobert là các cửa hàng bách hóa lớn.

Nạn nhân lớn và khó nhằn nhất của Dagobert là Karstadt - một tập đoàn có chuỗi cửa hàng lớn nhất tại Berlin và nhiều thành phố khác. Funke đã yêu cầu ông chủ tập đoàn này chi trả cho Funke 1,4 triệu D-mark. Ngoài việc chi trả số tiền trên, tập đoàn này còn phải đăng các quảng cáo trên báo với nội dung “Dagobert gửi lời chào các cháu”, còn nếu không tất cả sẽ cùng nổ tung. Như để minh chứng cho lời nói của mình, Funken đã tiến hành 5 vụ nổ bom tại các cửa hàng trong chuỗi cửa hàng của Karstadt và gây ra một vụ cháy.

Arno Martin Franz Funken và cuốn sách của mình sau khi ra tù.

Liên tiếp theo đó vào tháng 6 năm 1992 Funken đã cho nổ một quả bom ống gây thiệt hại lớn về vật chất cho Tập đoàn Karstadt. Sau đó 3 tháng, Funken đã gây ra một vụ cháy lớn trong một cửa hàng tại TP Bremen, làm thiệt hại gần 6 triệu D-mark. Chỉ một tuần sau đó, một quả bom đã phát nổ ngay trong thang máy của một cửa hàng ở TP Hannover, nhưng rất may mắn đã không gây thiệt hại về người. Không dừng lại ở đó, trong tháng 11, Funken đã gây cháy nhà kho một cửa hàng trong chuỗi cửa hàng của Karstadt. Không thu về được một đồng xu nào. Trong tháng 5 và tháng 6 của năm 1993, Funken đã liên tiếp cho nổ bom tại các cửa hàng ở thành phố Bielefeld và Berlin.

Trò chơi mèo vờn chuột

Đôi khi người ta còn có thiện cảm, nể phục và ngưỡng mộ tài năng của Funken, một kẻ quá khéo léo, tinh xảo khi đã tự chế tạo ra các thiết bị kỹ thuật để đánh lạc hướng cảnh sát và trốn thoát trong hơn 30 lần tìm cách trao tiền. Trong một số cuộc điều tra đã cho thấy rằng, IQ của Funken ở mức 120 và có một nghiên cứu đã lên tới 145.

Funke quá tinh ranh trong mỗi lần tống tiền, Dagobert thường chỉ dẫn địa điểm, lối đi bằng các cú điện thoại không hẹn trước, Funken thu âm nội dung và phát lại qua điện thoại công cộng. Cảnh sát Berlin cũng thường biết trước được thời gian Funken sẽ gọi điện lại nên đã cho giám sát gần như toàn bộ hệ thống điện thoại công cộng, nhưng đều uổng công. Funke quá may mắn và tinh ranh khi đã sử dụng một chiếc điện thoại không bị giám sát.

Một lần nọ, khi thực hiện cuộc giao dịch nhận tiền, Dagobert đã yêu cầu nạn nhân đặt tiền vào một chiếc hộp gắn trên thành tàu hỏa. Nhưng mấy ai đã biết được rằng, Funken đã thông minh đến nỗi chế ra một bộ điều khiển bằng vô tuyến để chiếc hộp có thể tự rơi khi cần. Thật không may cho Funken, khi chiếc hộp rơi, đã có một số người trên tàu nhìn thấy và la lên. Thấy động, Dagobert đã phải bỏ chạy thoát thân. Có hai viên cảnh sát mật theo dõi Funken đã dượt đuổi theo nhưng đã để Funken trốn thoát.

Do Funken thường chế các quả bom và vật dụng gây nổ, nắm bắt được Funken sẽ phải đến Conrad - một cửa hàng linh kiện điện tử để mua các thiết bị, cảnh sát đã theo dõi suốt nhiều tháng. Vào tháng 5/1993, khi Funken đến mua một chiếc đồng hồ hẹn giờ điện tử thì đã bị phát hiện. Mặc dù bị theo dõi, nhưng Dagobert vẫn trốn thoát một cách ngoạn mục.

Một lần khác, Funken đã chế tạo ra một chiếc tàu hỏa mini, có thể chạy trên đường ray. Trong một lần lấy 1,4 triệu D-mark, Funken đã yêu cầu nạn nhân đặt bọc tiền vào chiếc tàu hỏa mini kia. Khi bọc tiền vừa đặt xuống chiếc tàu ngay lập tức chuyển bánh. Funken đã ở cách đó không đầy 1km để điều khiển chiếc tàu bằng vô tuyến. Việc đuổi theo của cảnh sát đã gặp phải vô số khó khăn khi trời quá tối và không thể nhìn thấy đường ray, cùng với những bẫy ngang dọc do Dagobert cài dọc đường. Tuy nhiên, chiếc tàu thông thái kia chỉ còn cách đích có chưa đầy 30m thì trật bánh. Funken chỉ kịp chạy thoát thân, và mất tong số tiền 1,4 triệu D-mark.

Một chút may mắn và sự thông minh, xảo quyệt tinh ranh đến vô cùng như thế, Funken đã chơi trò mèo vờn chuột với cảnh sát suốt 2 năm trời, hơn 30 lần hẹn trao tiền nhưng rồi lại bất thành, Funken không thể nhận được tiền, nhưng cảnh sát cũng không thể làm gì Funken. Nhiều vụ nổ bom tự chế, gây cháy mà Funken là thủ phạm. Cả nước Đức xôn xao về Funken, những trang báo không khi nào ngừng nóng trước sự xuất hiện của chú vịt thân thiện Dagobert - tên tội phạm tinh ranh, cảnh sát bất lực và nóng lòng muốn gô cổ Funken vào trại. Những tên tội phạm trong trại tung hô Funken như một anh hùng cái thế, muôn phần đáng kính nể, các tờ báo lá cải được dịp nhạo báng các sai lầm, thất bại của lực lượng cảnh sát suốt hai năm qua.

Trò chơi kết thúc

Andreas Grosses, 35 tuổi, một thanh tra hình sự và ba cộng sự trong đội đặc nhiệm của cảnh sát Berlin đã bền bỉ theo dõi từng hành động của Funken suốt hai năm. Anh đã phỏng đoán rằng Funken chính là Dagobert chứ không phải một ai khác. Nhưng thật không may, anh đã bị giao nhiệm vụ khác trước khi sự thật được phanh phui.

Sáng hôm đó, sau khi trò chuyện với vợ của mình - cô Malu, Funken đã quyết định sẽ phải kết thúc mọi chuyện, dù kết quả có thế nào đi nữa. Funken quá sốt ruột vì gần như các ý tưởng xuất sắc nhất của Funken đã đều được thực hiện nhưng đều bị thất bại. Rồi Funken quyết định gọi điện cho ông chủ tập đoàn Karstadt để chốt về việc trao tiền. Lần này những quy tắc thông minh của Funken mọi khi đã đi đâu hết. Funken đã kéo dài cuộc “tống tiền” của mình quá lâu, Funken còn nói đùa về đám cưới của con gái ông chủ tập đoàn Karstadt, mặc dù Funken thừa biết đầu dây bên kia đang là một nhân viên điều tra loại giỏi. 

Cuối cùng Dagobert cũng lấy lại được tinh thần, Funken vác chiếc xe đạp địa hình vào trong xe ôtô. Nhưng phát hiện chiếc ghế cho đứa con bé của Funken vẫn còn ở xe, Funken bực dọc tháo nó ra. Cảm thấy đây đúng là báo hiệu của một ngày chẳng lành, nhưng Funken vẫn quyết định sẽ kết thúc mọi chuyện trong ngày hôm nay: tìm bốt điện thoại, đặt thư chỉ dẫn, đi bằng xe đạp, tất cả đã được lên kế hoạch.

Viên thanh tra Andreas Grosses đã cho theo dõi tất cả những bốt điện thoại ở TP Berlin, nhưng thật trớ trêu, lần này Funken lại gọi điện từ Postdam. Ít phút sau, Andreas Grosser nhận được thông tin có một chiếc xe khả nghi, trong xe có một chiếc xe đạp địa hình. Cảnh sát nhanh chóng tìm ra được chiếc xe này được thuê đúng vào ngày Karstadt nhận được điện thoại của Dagobert, người thuê là Arno Funken. Thế là tất cả đã rõ ràng, những lập luận của cảnh sát hoàn toàn chính xác.

Ngôi nhà của Funken bị theo dõi 24/24h, điện thoại bị gắn thiết bị nghe lén, chiếc xe bị gắn các thiết bị định vị. Cảnh sát tin chắc rằng, ngày mai - ngày mà Funken tiến hành nhận tiền giao dịch, Funken sẽ bị bắt sống tại bốt điện thoại.

Trên đường đi tìm kiếm chiếc xe của Funken, hai viên cảnh sát Frank L. và Dirk F đã nhìn thấy chiếc xe khả nghi bên vệ đường. Có một bóng người xuất hiện từ lùm cây đi vội về phía chiếc xe kia, rút chìa khóa mở cửa xe. Trong xe là một chiếc xe đạp. Mọi thứ hoàn toàn trùng khớp với chiếc xe Dagobert lái. Họ lao ra, vây quanh kẻ khả nghi. Lúc này Arno Funken biết rằng mọi việc đã chấm hết, cơ hội tẩu thoát quá mong manh, Funken chợt nghĩ tới gia đình mình. Phải chăng Funken đang cảm thấy có lỗi và ân hận với những việc mình đang làm. Funken đứng yên, không chống cự để cảnh sát còng tay đưa về đồn.

Vụ tốn tiền giữa Dagobert và Karstadt đã thất bại, tuy nhiên Funken đã gây tốn kém của nhà nước và Karstadt hơn 10 triệu D-mark.

Thưc ra, Karstadt không phải nạn nhân đầu tiên của Funken, trước đó Funken đã thực hiện nhiều cuộc tống tiền khác. Kadewe - một cửa hàng lớn, sang trọng với nhiều thương hiệu đắt tiền cũng đã từng là nạn nhân của Funke. Năm 1988, Funken đã yêu cầu ông chủ cửa hàng 500,000 D-mark, một là Funken sẽ có số tiền trên hai là tất cả sẽ nổ tung. Để chứng minh rằng mình không nói chơi, Funken đã đặt một quả bom trong cửa hàng nhưng vụ nổ đã thất bại. Sau một lần giao dịch không thành, như để chứng minh rằng mình không nói đùa với Kadewe, Funken đã phát nổ tại cửa hàng, thiệt hại ước tính khoảng 250,000 D-mark. Không còn cách nào khác, ông chủ của Kadewe đã phải trả cho Funken đúng 500,000 D-mark. Cùng số tiền trên Funken đã im hơi với cuộc sống sung túc của mình suốt mấy năm trời.

Khi số tiền trên đã cạn, Funken bị rơi vào tình trạng trầm cảm nặng - một phần nguyên nhân của sự trầm cảm được xác định là do Funken đã hít phải quá nhiều aceton khi còn làm việc tại xưởng sửa chữa ôtô, một phần não bộ đã bị ảnh hưởng. Ngựa quen đường cũ Funken lại tiếp tục thực hiện các vụ tống tiền các ông chủ tập đoàn lớn để có tiền duy trì cuộc sống và hưởng thụ.

Kết

Sau vụ tống tiền Karstadt, năm 1995, Funken đã bị kết án 9 năm tù nhưng do cải tạo tốt, Funken đã ra tù năm 2000. Funken tiếp tục theo đuổi nghệ thuật và làm một người lương thiện. Năm 2004, Funken xuất hiện trên kênh truyền hình của Anh với vai diễn một kẻ tống tiền của chương trình truyền hình thực tế “Kẻ cắp”. Funken còn là tác giả của nhiều bức tranh biếm họa nổi tiếng của báo Eulenspiegel, là tác giả viết sách cho NXB Eulenspiegel.

Một số cuộc điều tra đã cho thấy rằng, IQ của Funken ở mức 120 và trong một nghiên cứu đã lên tới 145. Funken là một người rất khôn ngoan, có bộ óc thông minh và có kiến thức tốt về điện tử cũng như hóa học. Câu chuyện về cuộc đời Arno Funken đã được dựng thành phim với tiêu đề “Cuộc săn lùng Dagobert”

Thanh Thủy
.
.
.