Vụ khủng bố ở Paris: Kéo dài tình trạng khẩn cấp lên 3 tháng

Thứ Ba, 17/11/2015, 14:15
Mặc dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tuyên bố, IS đứng sau các vụ tấn công ở Paris, làm ít nhất 129 người chết và hơn 350 người khác bị thương, nhưng giới chuyên môn vẫn có những nhận định khác nhau. 


Theo tờ Tấm gương (Đức) và tờ Le Figaro (Pháp), Tổng thống Francois Hollande muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp hiện nay ở Pháp lên khoảng 3 tháng, và việc này sẽ được nội các thảo luận vào ngày 18/11. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian còn tuyên bố, Paris sẽ điều chỉnh chiến lược an ninh để ứng phó hiệu quả hơn với các cuộc tấn công khủng bố.

Tổng thống Francois Hollande thề không khoan nhượng với IS, và lực lượng an ninh và cảnh sát nước này đã được triển khai ở cấp độ cao nhất. Thủ tướng Manuel Valls cho biết, hiện mới có 103 nạn nhân thiệt mạng được xác định danh tính, số còn lại phải chờ kết quả điều tra và giám định. Thủ tướng Manuel Valls còn tuyên bố, có thông tin về nguy cơ khủng bố từ các nhóm Hồi giáo cực đoan nhằm vào Pháp và đều xuất phát từ những khu vực mà IS đang kiểm soát.

Dốc sức bắt nghi phạm

Cũng trong tối 15/11, cảnh sát Pháp đã công bố trên trang xã hội Twitter bức ảnh đầu tiên của Abdeslam Salah, 26 tuổi, nghi can trong các vụ khủng bố ở Paris. Hiện đã có thông tin về 4 nghi can và có tới 3 anh em người Pháp sống ở Bỉ được coi tham gia các vụ tấn công này. Cảnh sát còn phát hiện trên chiếc xe Seat màu đen được tìm thấy ở Montreuil, khu vực ngoại ô phía Tây Paris, có 3 khẩu súng AK-47. Cảnh sát Pháp coi chiếc xe này đã được dùng để chở những kẻ tấn công ở Paris chạy trốn.

Cùng ngày 15/11, tờ Blitz xuất bản tại Belgrade (Serbia) cho rằng, đối tượng có tên Ahmad Mohammad mang quốc tịch Syria, là kẻ bị tình nghi tổ chức các vụ tấn công, khủng bố tại Paris. Còn hãng AFP dẫn lời cảnh sát cho biết, kẻ tấn công thứ hai là Ahmadul Hamd và tên thứ ba là Abbdulakbak. Cảnh sát các nước châu Âu được kêu gọi hỗ trợ điều tra những đối tượng này.

Cảnh sát Pháp kiểm soát xe cộ đi qua biên giới Bỉ-Pháp ở Crespin sau những vụ tấn công ở Paris.

Theo nguồn tin từ cảnh sát và tòa án Pháp cho biết, có 6 người có quan hệ gần gũi với tên Ismael Omar Mostefai, đối tượng tham gia các vụ tấn công tại nhà hát Bataclan và là kẻ đầu tiên trong số những tên khủng bố ở Paris được xác định danh tính, đã bị bắt giữ trong đó có bố, anh trai và chị dâu.

Được biết, căn cứ vào mẩu ngón tay còn lại sau khi tên khủng bố tự kích hoạt chất nổ mang theo người, cảnh sát Pháp đã xác định hắn là Ismael Omar Mostefai, sinh ngày 21/11/1985 tại ngoại ô Paris, là người Pháp gốc Algeria, sống trong khu vực Chartres, Tây Nam Paris. Ismael Omar Mostefai từng 8 lần bị bắt vì các vụ phạm pháp trong giai đoạn 2004-2010, là một trong ba tên mặc toàn đồ đen, mang theo súng AK-47 và áo khoác gắn thuốc nổ xông vào rạp hát Bataclan, xả súng bừa bãi vào đám đông, và bắt một số người làm con tin.

Còn theo công tố viên Francois Molins, Trưởng ban điều tra vụ khủng bố tại Paris cho biết, các tay súng chia làm 3 nhóm nhỏ, đều cầm súng AK-47, mặc áo khoác gài bom và âm mưu tấn công được lên kế hoạch tại Bỉ. Và có 2 tên đánh bom tự sát ở sân vận động và một trong hai là người di dân Syria.

Ông Francois Molins cũng cho biết, các tay súng tham gia các cuộc tấn công đã chết bằng cách tự sát hoặc bị cảnh sát tiêu diệt. Cảnh sát Pháp cũng thông báo, đã xác định có 3 nhóm vũ trang mặc áo chống đạn đồng loạt tham gia tấn công khủng bố tại thủ đô Paris và chúng đều mặc áo khoác gài bom giống hệt nhau.

Theo cảnh sát cho biết, nếu không có sự cảnh giác cao của lực lượng bảo vệ tại sân vận động Stade de France, kẻ đánh bom tự sát sẽ khai hỏa khối thuốc nổ trên người ở trong sân và khi đó hậu quả khôn lường. Mỹ coi vụ đánh bom bên ngoài sân vận động Stade de France là một "tuyên ngôn", bởi trong sân khi đó có đội tuyển bóng đá của 2 quốc gia Thiên Chúa giáo (Pháp và Đức) và Tổng thống Francois Hollande cũng có mặt tại đó. Vì không vào được bên trong, nên tên này đã cho nổ bom ở bên ngoài sân vận động.

Tờ Daily Mail vừa dẫn nghi vấn của giới chuyên gia, theo đó, vụ khủng bố liên hoàn tại Paris có thể được "kích hoạt" sau khi Mỹ sử dụng máy bay không người lái tiêu diệt Mohammed Emwazi, một trong những "đao phủ" nổi tiếng của IS.

Giới chuyên môn cho rằng, sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi đầu năm, chính phủ Pháp đã triển khai hàng nghìn binh sĩ nhằm bảo vệ những khu vực nhạy cảm và quan trọng, nhưng các vụ tấn công khủng bố ngay giữa thủ đô Paris tối 13/11 cho thấy, những lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ của lực lượng an ninh và cảnh sát vẫn chưa được lấp kín.

Theo thống kê, có khoảng chục công dân Pháp tới Syria mỗi tháng và cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi hoạt động của công dân khi ra nước ngoài.

Châu Âu gồng mình chống khủng bố

Ngay sau khi biết tin về các vụ tấn công tại Paris khiến 129 người chết và hơn 350 người bị thương, ngày 14/11, chính phủ nhiều nước châu Âu đã họp khẩn để đánh giá mức độ đe dọa, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh nhằm đối phó với nguy cơ tương tự. Những quốc gia có chung biên giới với Pháp như Bỉ, Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ đã siết chặt an ninh bằng cách hạn chế đi lại, đồng thời khuyến cáo người dân không nên đến Paris thời điểm này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, sẽ làm tất cả để hỗ trợ Pháp truy tìm các đối tượng đã thực hiện và tiếp tay  các vụ khủng bố ở Paris. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nhận định, tình hình hiện rất nghiêm trọng và nước này đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh công cộng.

Theo ông Thomas de Maiziere, các vụ tấn công khủng bố ở Paris không chỉ nhằm vào Pháp, mà còn cả Đức; đồng thời kêu gọi chính trị gia và người dân không nên liên hệ giữa các vụ tấn công khủng bố ở Paris với các cuộc tranh luận về chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Ngay sau khi xảy ra các vụ khủng bố ở Paris, cảnh sát liên bang Đức đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới Đức-Pháp và kể từ sáng 14/11, các sân bay và nhà ga quốc tế ở nước này cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác cao. Ngoài ra, cảnh sát liên bang cũng tăng cường sự hiện diện và kiểm soát an ninh tuyến đường sắt đi và đến từ Pháp.

Thủ hiến bang Bayern Horst Seehofer khẳng định, có lý do tin rằng đối tượng bị bắt giữ hôm 5/11 tại bang này khi đang vận chuyển một số lượng vũ khí lớn có liên quan tới những kẻ tấn công khủng bố ở Paris tối 13/11.

Binh sĩ Pháp tuần tra gần tháp Eiffel ở thủ đô Paris.

Trong khi đó, Bộ trưởng Hy Lạp phụ trách vấn đề bảo vệ công dân Nikos Toskas khẳng định, đối tượng mang hộ chiếu Syria thuộc dòng người di cư đã đi qua đảo Leros của Hy Lạp hôm 3/10, nơi tên này đăng ký tị nạn theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Cảnh sát Hy Lạp cũng cho biết, có ít nhất một nam giới liên quan tới các vụ tấn công Paris đã khai báo là người tị nạn với giới chức nước này. Ngoài ra, vân tay của một người đàn ông khác cũng được đề nghị rà soát xem liệu có hồ sơ đăng ký tại Hy Lạp hay không, bởi quốc gia này là điểm đến chủ yếu của người tị nạn Syria trước khi tiến sâu vào châu Âu.

Cảnh sát Hy Lạp cũng không loại trừ khả năng cuốn hộ chiếu Syria của một tên khủng bố bị chết trong vụ tấn công tối 13/11 ở Paris đã qua tay nhiều người trước khi tới hắn. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp khẩn với Thủ tướng Alexis Tsipras, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos nhấn mạnh, có thể khẳng định rằng những phần tử cực đoan đang vượt biển vào châu Âu cùng với những nạn nhân của chủ nghĩa Hồi giáo phát xít tại Trung Đông.

Theo tờ Daily Mail, trong số 2 phần tử bị nghi xâm nhập vào châu Âu qua ngả Hy Lạp, có một tên mới 15 tuổi.

Phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp với Ủy ban Khẩn cấp (COBRA), Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo, cho dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì nước Anh cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa tương tự, nhưng ông không nâng mức cảnh báo khủng bố tại xứ sở sương mù.

Cũng trong ngày 14/11, khi phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Italia Matteo Renzi khẳng định, nước này không đánh giá thấp các nguy cơ có thể xảy ra, đồng thời yêu cầu tăng cường kiểm soát trên toàn lãnh thổ, nhất là các mục tiêu nhạy cảm ở Rome và những thành phố lớn.

Cùng ngày 14/11, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens cho biết, chiếc ôtô Seat mang biển kiểm soát Bỉ bị tình nghi có liên quan tới các vụ khủng bố đêm 13/11 ở thủ đô nước Pháp đã được tìm thấy tại nghĩa trang Pere-Lachaise ở Paris. Và cảnh sát Bỉ cũng đang truy tìm một đối tượng thuê chiếc VW Polo màu xám tại Bỉ và được tìm thấy gần nhà hát Bataclan ở Paris.

Cũng trong ngày 14/11, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens cho biết, lực lượng an ninh và cảnh sát nước này đã bắt giữ nhiều đối tượng được cho là có liên quan tới các vụ tấn công khủng bố tại Pháp.

Về phần mình, Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga thông báo (14-11), các cơ quan an ninh và cảnh sát Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris.

Theo tờ The Guaridan, những kẻ tấn công có hộ chiếu Pháp, Ai Cập và Syria - hộ chiếu Syria và Ai Cập phát hiện trên xác 2 kẻ đánh bom liều chết gần sân Stade de France. Cảnh sát châu Âu cũng cho biết, tại một số khu vực thuộc EU có thể mua súng AK-47 hay súng phóng rocket chỉ với giá từ 300-700 euro và đa phần đến từ Nga qua các nước Balkan vào EU, trong đó có Pháp.

Quốc Dũng - Thiện Lân
.
.
.