Kết cục thảm của môi giới tung tin nhảm

Chủ Nhật, 09/10/2016, 16:40
Nhằm kích thích lượng giao dịch, các môi giới bất động sản Trung Quốc đã không ngần ngại tung ra những tin đồn thất thiệt khiến người dân hoang mang. Bằng cách đó, họ đã chứng kiến lượng giao dịch tăng kỷ lục. Nhưng kết cục, các môi giới bị ngồi tù, trong khi sàn giao dịch bị đưa vào danh sách đen.

Tung tăng đi ly dị

Bạn đã nghe về những cặp đôi hạnh phúc xếp hàng dài để kết hôn ở Las Vegas (Mỹ), nhưng ở Thượng Hải (Trung Quốc) lại có cảnh tượng ngược lại: những cặp vợ chồng hồ hởi xếp hàng dài để chờ ly hôn.

Theo các báo cáo, có một sự gia tăng đột biến số cặp vợ chồng nộp đơn xin ly dị tại thành phố đông dân nhất Trung Quốc trong tuần lễ đầu tháng 9. Lý do đằng sau sự khác thường này có thể khiến bạn phải ngạc nhiên: Họ lo sợ bỏ lỡ việc lợi dụng một kẽ hở pháp luật có thể giúp họ mua căn nhà thứ 2 dễ dàng hơn.

Trong việc mua bán nhà, pháp luật Trung Quốc xem 2 vợ chồng đã kết hôn cũng giống như một người độc thân. Hiện nay, những người mua nhà lần đầu ở Thượng Hải có thể mua 1 căn nhà với số tiền trả trước 30% và 10% lãi suất chiết khấu. Nhưng nếu họ mua căn nhà thứ 2, số tiền trả trước lên tới 50-70%. Vì vậy, bằng việc ly hôn (dù chỉ là trên giấy) các cặp vợ chồng có thể mua được 2 căn nhà với số tiền trả trước thấp như những người độc thân.

Quy định này đã tồn tại nhiều năm qua. Điều này một phần bởi thị trường bất động sản đang bùng nổ ở Thượng Hải, nơi việc mua căn nhà đầu tiên cũng đã là ngoài tầm với của nhiều người có thu nhập trung bình, chứ chưa nói đến căn nhà thứ 2. Nhưng sở dĩ có sự gia tăng đột biến số đơn xin ly hôn gần đây do có tin đồn cho rằng các cơ quan kiểm soát nhà ở Trung Quốc đã thấy được lỗ hổng trên và chuẩn bị sửa lại.

Thông báo của cơ quan xử lý đơn ly hôn: "Từ hôm nay chỉ tiếp nhận 50 đơn/ngày".

Tin đồn phổ biến nhất được loan truyền trên các mạng xã hội là từ 1-9, các cặp vợ chồng phải ly hôn ít nhất 12 tháng trước khi có thể mua thêm 1 ngôi nhà với tư cách cá nhân. Mặc dù các quan chức khẳng định hoàn toàn không có bất kỳ thay đổi quy định nào như tin đồn, nhưng cũng không ngăn chặn được sự hỗn loạn của thị trường.

Caixin, tạp chí chuyên về kinh tế ở Trung Quốc, ghi nhận việc các cặp vợ chồng xếp hàng rồng rắn tại Trung tâm Đăng ký kết hôn ở một quận của Thượng Hải vào ngày 30-8 để bảo đảm được ly hôn. Những hình ảnh tương tự cũng xuất hiện trên các trang web truyền thông xã hội, cho thấy những hàng người dài chờ đợi được ly dị.

Theo số liệu Trung tâm Giao dịch Bất động sản thành phố Thượng Hải, tính đến 15 giờ 50 ngày 30-8, có thêm 1.470 căn nhà mới được bán. 4 ngày trước đó, có bình quân 1.000 căn được bán ra mỗi ngày - gần gấp đôi so với kỷ lục bán hàng ngày. Kỳ lục bán nhà vượt con số 1.000 căn/ngày trước đó là vào ngày 24-3. Lúc đó, cũng có những tin đồn trên mạng nói bóng gió về những thay đổi trong quy định về sở hữu nhà đất. Tương tự, Trung tâm Giao dịch Bất động sản Thượng Hải cho biết trang web của họ đã bị tê liệt khoảng 1 tiếng đồng hồ hôm 26-8, do số lượng người truy cập gia tăng đột biến.

Peng Jinling, một nhà môi giới bất động sản ở Thượng Hải, cho biết ông đã gặp qua các cặp vợ chồng ly dị vì lý do tài chính, mặc dù họ đã lên kế hoạch vẫn tiếp tục sống với nhau. "Người ta rất thường ly dị chỉ vì để mua căn nhà thứ hai. Sự khác biệt giữa việc phải trả trước tiền mua nhà 30% với 50%, hoặc thậm chí 70%, là rất lớn. Ly dị sẽ mang đến thay đổi lớn khi bạn muốn mua một căn nhà khác. Tôi nghĩ rằng trong số những cặp vợ chồng ly hôn để mua nhà, có tới 95% là ly hôn giả mạo. 5% còn lại là ly hôn giả nhưng cuối cùng lại thành thật" - ông Peng nói.

Một quan chức Cục Dân sự chuyên phụ trách đơn ly hôn ở quận Từ Hối, Thượng Hải đã phải dán thông báo yêu cầu các cặp vợ chồng trở lại vào ngày hôm sau. "Hơn 70 cặp đến nộp đơn ly dị, vượt quá khả năng xử lý của cơ quan", vị quan chức giải thích. Hình ảnh những thông báo tương tự từ các văn phòng đăng ký kết hôn ở các huyện khác cũng đã được chia sẻ trên các mạng truyền thông xã hội như Sina Weibo. 

Ngày 29-8, tài khoản Sina Weibo của Văn phòng tin tức chính quyền Thượng Hải đã thông báo các quy định về mua bán bất động sản sẽ giữ nguyên như những thay đổi gần đây nhất (ngày 25-3) và chính quyền hiện chưa bàn tới việc thay đổi tiền trả trước khi mua nhà.

Nhưng phản ứng trên mạng xã hội khá lẫn lộn. Một số người tin rằng các quy định sẽ không thay đổi và cơn sốt ly dị thật ngu ngốc. Nhưng những người khác vẫn cảnh giác. "Không có gì đang được thảo luận không có nghĩa là sẽ không có chính sách mới sắp được ban hành", một người viết. Một số người lại cho rằng việc ly hôn để mua nhà là vô đạo đức. 

Tài khoản Bierjiang ở Thượng Hải viết: "Những cặp vợ chồng đáng xấu hổ! Đối với những người đã ly hôn giả để mua một căn nhà khác. Hệ thống đáng xấu hổ! Nếu hàng trăm hàng ngàn cặp vợ chồng đang làm như vậy, nghĩa là có vấn đề với bất cứ ai xây dựng chính sách quốc gia. Và như vậy là cả quốc gia đáng xấu hổ!".

Tuy nhiên, một số người cảm thấy với giá nhà đất đang cao như hiện nay, các cặp vợ chồng không có lựa chọn khác. Theo Cục Thống kê quốc gia, giá bất động sản ở Thượng Hải đã tăng 27% từ tháng 7-2015 đến 7-2016. "Tôi hy vọng chính phủ có thể chịu trách nhiệm và điều chỉnh giá nhà, nếu không, người dân bị mất niềm tin và sẽ tiếp tục hoảng sợ, vội vàng đổ xô mua nhà để tránh luật mới", tài khoản lewis617_pkr viết.

Kết quả tất yếu

Sau đó chỉ vài ngày, truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết cảnh sát đã bắt 7 nhân viên môi giới nhà đất, những người bị tình nghi đã tung tin đồn về việc chính quyền sắp sửa thay đổi Luật mua bán bất động sản. Bộ Nhà ở và phát triển nông thôn (MHUD) Trung Quốc cho biết ngoài việc bắt giữ các môi giới, những phòng giao dịch nhà đất có liên quan đến việc tung tin đồn nhảm cũng sẽ bị đưa vào danh sách đen, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đóng cửa hoàn toàn. 

“Những tin đồn kiểu này đánh lừa người dân, phá hỏng trật tự thị trường và gây tác động xấu cho xã hội. Chúng tôi sẽ gia tăng lực lượng điều tra và truy tố hành vi phi pháp của các môi giới bất động sản, và kết hợp với các cơ quan chức năng khác để phát hiện và điều tra không khoang nhượng”, MHUD viết trên trang web của bộ.

Ngoài việc bắt giữ người, các nhà quản lý không gian mạng địa phương cũng cho biết đã khóa 5 tài khoản công cộng trên WeChat, một nền tảng mạng xã hội và nhắn tin di động. Trung Quốc đã có nhiều động thái kiểm soát tin tức và truyền thông xã hội kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013. Một nhà báo của Caijing bị bắt giữ hồi năm ngoái với cáo buộc gây “hoảng loạn và mất trật tự” trên thị trường chứng khoán bằng việc viết rằng một nhóm các định chế tài chính thuộc sở hữu nhà nước đang chuẩn bị kế hoạch bán ra cổ phiếu, sau khi chi hàng ngàn tỷ NDT để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong cơn hoảng loạn mùa hè năm 2015. Lời nhận tội và xin lỗi của nhà báo nọ đã được phát trên truyền hình nhà nước.

Năm ngoái, cảnh sát tuyên bố đã khóa tài khoản của hơn 15.000 người vì nhiều vi phạm không gian ảo, đặc biệt do loan truyền tin đồn. Ranh giới giữa kiểm duyệt và thực thi pháp luật có thể bị xóa nhòa ở Trung Quốc. Các nhân viên môi giới nhà đất hưởng lợi trực tiếp từ những tin đồn kích thích gia tăng giao dịch và những động thái vô lương tâm của các nhà môi giới vẫn thường bị các cư dân thành thị Trung Quốc phản ánh.

Mặt khác, các phân tích thị trường cho rằng nhà cầm quyền Thượng Hải trước sau gì cũng áp những quy định khắt khe hơn để ngăn chặn xu hướng được coi là bong bóng bất động sản. Tương tự, “nhóm quốc gia” cũng đã giảm lượng cổ phiếu nắm giữ trong năm qua, theo hồ sơ trên thị trường.

Vĩnh Ðông
.
.
.