Kết luận vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập:

Quyết truy bắt kẻ đặt bom

Thứ Hai, 23/11/2015, 14:51
Ngày 17/11, Tổng thống Putin tuyên bố, sẽ tìm ra và trừng phạt hung thủ đánh bom khủng bố chiếc máy bay Airbus 321 mang số hiệu 7K9268, chở theo 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Nga Kogalymavia (Metrojet) hôm 31/10, đồng thời coi đây là một trong những tội ác đẫm máu nhất.

Và nhấn mạnh, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch không kích tại Syria để tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Putin đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Giám đốc cơ quan an ninh Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov thông báo, chiếc máy bay của hãng hàng không Kogalymavia đã bị đặt bom có sức công phá tương đương với 1 kg thuốc nổ TNT.

Ngay sau tuyên bố của ông Aleksandr Bortnikov, FSB đã treo giải thưởng 50 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin về hung thủ đứng sau vụ đánh bom khủng bố nhắm vào chiếc máy bay Airbus A321. Cũng trong ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, Moskva vừa triển khai một phi đội máy bay ném bom tầm xa (Tu-95, Tu-22 và Tu-160) đến Syria nhằm tăng cường gấp đôi hoạt động không kích IS. Và Ai Cập đã tuyên bố hợp tác toàn diện với Nga chống khủng bố.

Nga tìm lời giải cho vụ máy bay rơi ở Sinai.

Trước khi Moskva đưa ra tuyên bố chính thức kể trên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng thừa nhận, có khả năng khủng bố là nguyên nhân khiến máy bay Nga rơi. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng từng khẳng định, có khả năng một phần tử khủng bố đã đặt bom khiến máy bay của Nga rơi trên bán đảo Sinai. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cũng có nhận định tương tự - tôi sẽ ngạc nhiên nếu đây không phải là vụ tấn công khủng bố.

Và tuyên bố của người đứng đầu điện Kremlin đã tái khẳng định thông tin trước đó của Đài Fox News khi dẫn nguồn tin điều tra cho biết, đã tìm thấy một thiết bị hẹn giờ và chiếc máy bay Nga rơi tại bán đảo Sinai đã bị đặt bom, thiết bị này được đặt thời gian kích hoạt sau 2 giờ. Theo đó, quả bom đã được đặt gần ống dẫn nhiên liệu máy bay hoặc động cơ, nên khi phát nổ, nhiên liệu sẽ đốt cháy lượng thuốc nổ còn lại và đây là nguyên nhân khiến người ta không tìm thấy dư lượng thuốc nổ trong đống đổ nát.

Trước đó, tờ Cursor của Israel từng dẫn lời chuyên gia chống khủng bố Israel Ronen Solomon cho rằng, vụ nổ trên chiếc máy bay của hãng hàng không Kogalymavia có thể là do "bom lỏng" gây ra - chỉ cần không quá 400g chất nổ lỏng là có thể làm nổ một chiếc máy bay như vậy. Và quả bom này có thể được đưa lên máy bay thông qua hành lý ký gửi, hay do một tên khủng bố cầm theo trong một chai nước uống thông thường.

Mảnh vỡ máy bay của Nga ở Sinai, Ai Cập.

Trước đó (13/11), Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Hossam Kamal thông báo, sẽ gửi bản sao ghi âm hộp đen của chiếc máy bay xấu số ra nước ngoài để phân tích, song không nói rõ quốc gia nào sẽ tiếp nhận. Nhưng cho biết, đoạn ghi âm 7 giây cuối cùng sẽ được gửi đến một trong những quốc gia sản xuất chiếc máy bay Airbus 321 (được lắp ráp tại Đức, do Pháp thiết kế và động cơ được sản xuất tại Mỹ). 

Cũng trong ngày 13/11, Cơ quan hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsiya) đã ra lệnh cấm hãng hàng không EgyptAir của Ai Cập thực hiện các chuyến bay tới Nga, sau khi ngừng tất cả các chuyến bay tới Ai Cập sau thảm họa kể trên. Cùng thời điểm kể trên, một công ty bảo hiểm của Anh đã gửi một nhóm công tác tới kiểm tra những mảnh vỡ tại hiện trường trước khi được đưa tới một trong các nhà kho của sân bay Cairo để kiểm tra thêm.

Được biết, kể từ khi xảy ra vụ tai nạn, ủy ban điều tra gồm các thành viên đến từ Ai Cập, Nga, Pháp, Ireland và Đức đã cân nhắc tới tất cả các khả năng, trong đó có hành động phá hoại. Và đội tìm kiếm và cứu nạn gồm 48 thành viên đã rời Cairo sau khi kiểm tra các thi thể và tiến hành nhận dạng tại hiện trường. Tuy nhiên, các điều tra viên người Nga thuộc Ủy ban điều tra vụ tai nạn máy bay vẫn ở lại Ai Cập để tiếp tục xác minh nguyên nhân.

Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN tuyên bố, Ai Cập đã cho phép Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các chuyên gia của nước này tham gia điều tra vụ tai nạn. Còn Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi từng cam kết, sẽ minh bạch trong quá trình điều tra, cùng cảnh báo không vội vàng kết luận về vụ tai nạn.

Việc này diễn ra sau khi tờ Wall Street Journal chỉ trích Ai Cập mập mờ thông tin trong điều tra vụ rơi máy bay Nga bởi "nhiều mảnh vỡ máy bay vẫn bị bỏ tại hiện trường trên sa mạc bán đảo Sinai, trong khi chúng có thể cung cấp thông tin quan trọng về nguyên nhân rơi máy bay". Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Hesham Zaazou cho biết, quốc gia Bắc Phi này thiệt hại khoảng 280 triệu USD/tháng sau khi Anh và Nga quyết định đình chỉ các chuyến bay tới Ai Cập.

Thiện Lân
.
.
.