Ngày 31/10/2011, khai mạc Kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80 tại Hà Nội:

Kết nối cảnh sát toàn cầu

Thứ Sáu, 18/11/2011, 10:45

Những ngày này trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những thông tin và hình ảnh về Interpol - Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế. Chuyện những tên tội phạm người nước ngoài và đối tượng người Việt Nam phạm tội rồi trốn ra nước ngoài đã bị Công an Việt Nam phối hợp với cơ quan hữu quan các nước truy bắt, dẫn độ, xử lý không còn là chuyện lạ với người dân.

Đó chính là kết quả trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của Công an Việt Nam nói chung và Cảnh sát Việt Nam nói riêng những năm qua.

Interpol và Interpol Việt Nam

Với tên gọi đầy đủ "Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế-Interpol", viết tắt là ICPO-INTERPOL từ năm 1956 và đặt trụ sở ở thành phố Lyon, Pháp, nhưng thực ra tổ chức này được ra đời từ những năm đầu của thế kỷ 20. Do tình hình hoạt động của các loại tội phạm ở một số nước châu Âu, châu Mỹ diễn biến phức tạp, với nhiều tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Năm 1923, các nhà lãnh đạo cảnh sát một số nước châu Âu đã có sáng kiến thành lập một Ủy ban châu Âu về chống tội phạm với tên gọi là "Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế", đặt trụ sở tại thành phố Viên, Áo.

Interpol là tổ chức quốc tế lớn nhất về lĩnh vực hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc công nhận là tổ chức quốc tế liên chính phủ vào năm 1971. Năm 2005, Interpol đã thiết lập 6 văn phòng liên lạc khu vực tại 5 châu lục và có 188 quốc gia thành viên. Về tổ chức, Interpol có: Đại Hội đồng (13 người), Ban lãnh đạo thường trực, Ban Tổng Thư ký (hơn 400 nhân viên) và các Văn phòng Interpol các quốc gia.

20 năm Interpol Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 45 nghìn lượt thông tin liên quan đến tội phạm

Lực lượng Cảnh sát Việt Nam trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức Interpol từ ngày 4/11/1991 tại Kỳ họp thứ 60 Đại hội đồng Interpol diễn ra tại Urugoay. Ngày 28/5/1993, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập Văn phòng  Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát. Trong 20 năm qua, Interpol Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 44.749 lượt thông tin có liên quan đến tội phạm; đã phối hợp với lực lượng chức năng xác minh làm rõ nhân thân lai lịch, tiền án, tiền sự, hoạt động phạm tội của trên 1.000 đối tượng liên quan đến các chuyên án lớn về hình sự của các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương, Cảnh sát các nước.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an động viên lực lượng Công an Hà Nội tham gia diễn tập bảo vệ Kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80.

Tham gia phối hợp điều tra, xác minh hơn 2.500 vụ việc liên quan đến hoạt động phạm tội giết người, cướp tài sản, nhập cư bất hợp pháp, mua bán người, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… Đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị chức năng mở rộng điều tra vụ án, phát hiện, bắt giữ những đối tượng liên quan đến các vụ án ở trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.

Kỳ họp 80: Nâng cao vị thế Công an Việt Nam

Với chủ đề "Kết nối Cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình hơn; Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới", Kỳ họp lần thứ 80 Đại hội đồng Interpol diễn ra từ ngày 31/10 đến 3/11/2011 tại Hà Nội sẽ thu hút hơn 1.200 đại biểu chính thức cùng hàng trăm thân nhân và phóng viên báo chí trong, ngoài nước tham dự. Đây là hội nghị quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ ở số đông các đại biểu tham dự mà còn ở tính chất quan trọng của tổ chức Interpol trong cộng đồng quốc tế.

Việc chọn Việt Nam là điểm đến của Kỳ họp thứ 80 được quyết định từ kỳ họp thứ 78 tại Singapore. Từ cuối năm 2010, tổ chức Interpol đã cử 3 đoàn công tác đến khảo sát tại Việt Nam và khẳng định Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh và tổ chức thành công Kỳ họp. Việc đăng cai tổ chức Kỳ họp thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hội nhập quốc tế; đồng thời cam kết thực hiện nghĩa vụ nước thành viên của tổ chức Interpol trong hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm xuyên quốc gia…

Những ngày này công tác chuẩn bị của Việt Nam đã được hoàn tất. Lãnh đạo Bộ Công an cùng các ngành và thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo những công việc cuối cùng cho Kỳ họp. Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cho biết mọi việc từ công tác đảm bảo an ninh, chuẩn bị địa điểm diễn ra Kỳ họp, các buổi tọa đàm, lễ tân, hậu cần, nơi nghỉ của đại biểu, đảm bảo trật tự giao thông… đã sẵn sàng cho Kỳ họp

Trường Minh
.
.
.