Kết thúc vụ bê bối "treo thịt bò, bán thịt ngựa"

Thứ Năm, 16/04/2015, 15:30
Sau gần 2 năm bị Tòa án thành phố Den Boschc tuyên bố phá sản (16/4/2013) và bị bắt giữ (23/5/2013), ngày 7/4/2015, Giám đốc Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV của Hà Lan đã bị một tòa án Hà Lan tuyên phạt 2,5 năm tù giam do liên quan đến vụ bê bối "treo thịt bò, bán thịt ngựa" hồi tháng 1/2013 tại nhiều nước châu Âu. 

Theo phán quyết của tòa, ông Willy Selten, chủ của 2 doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thịt bò Willy Selten BV đã phạm tội giả mạo và gian lận trong việc dán nhãn mác trên các sản phẩm thịt bò, đồng thời sử dụng giấy tờ giả mạo trong kinh doanh sản phẩm này.

Bởi trong 167 mẫu thịt bò của Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV được đưa đi giám định, cơ quan chức năng Hà Lan đã phát hiện 35 mẫu chứa ADN ngựa. Kết quả này đã khiến cơ quan chức năng phải thu hồi hàng triệu suất thịt viên tại chuỗi cửa hàng Ikea, xúc xích Nga và bánh kẹp thịt đông lạnh ở Anh. Tuy thừa nhận đã trộn lẫn thịt ngựa với thịt bò, nhưng ông Willy Selten vẫn bác bỏ việc giả mạo nhãn mác.

Giám đốc Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV của Hà Lan.

Bộ Kinh tế Hà Lan cho biết, Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV đã cung cấp thịt cho 132 công ty bán lẻ tại Hà Lan và 370 công ty khác tại 15 nước châu Âu. Và sau khi tiếp cận với tất cả các nguồn cung, cơ quan an toàn thực phẩm Hà Lan cho biết, số thực phẩm do Willy Selten BV cung cấp đã tới 1.722 khách sạn và nhà hàng, 184 siêu thị và 290 công ty bán lẻ, cùng các nhà máy chế biến đồ ăn sẵn.

Theo giới truyền thông, sau khi bị Cơ quan Kiểm soát thực phẩm Hà Lan (NVWA) đình chỉ hoạt động do bị tình nghi cung cấp sản phẩm thịt bò trộn thịt ngựa dưới nhãn thịt bò nguyên chất, Công ty thương mại thực phẩm Willy Selten BV còn bị 3 công nhân kiện vì không trả tiền lương từ tháng 2/2013. Đến tháng 4/2013, NVWA tuyên bố thu hồi 50.000 tấn thịt bò do Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV cung cấp cho 130 công ty Hà Lan và 370 công ty nước ngoài (từ 1/1/2011 đến 15/1/2013).

Thứ trưởng Kinh tế Hà Lan Sharon Dijksma cho biết, quan chức của NVWA đã điều tra các lò giết mổ gia súc và siêu thị trên cả nước, lấy 200 mẫu sản phẩm thịt bò và thực phẩm khác chế biến từ thịt nhằm xác định xem có đúng các sản phẩm này chứa thịt ngựa hay không. 

Công ty kinh doanh thực phẩm Hà Lan Draap Trading cũng bị nghi ngờ là tác giả của vụ làm giả này sau khi thừa nhận mua thịt ngựa từ Romania và bán sang Pháp, Bỉ, Hà Lan, nhưng khẳng định: đã ghi rõ tên mặt hàng khi xuất đi là thịt ngựa.

Trước đó (26/2/2013), Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiến hành xét nghiệm ADN đối với tất cả các sản phẩm thịt để xác định có thịt ngựa pha lẫn thịt bò hay không. Ngoài ra, EU cũng áp dụng nhiều biện pháp khác nhằm nhanh chóng dập tắt vụ bê bối "treo thịt bò, bán thịt ngựa".

Ngày 23/2/2013, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi thực hiện việc ghi nhãn bắt buộc và truy nguồn gốc của thịt được sử dụng trong thực phẩm chế biến tại châu Âu để ngăn chặn vụ bê bối này. 

Ngoài Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV của Hà Lan, vụ bê bối "treo thịt bò, bán thịt ngựa" cũng khiến Cơ quan chống gian lận DGCCRF của Pháp vào cuộc và đã chỉ rõ: Công ty Spanghero đã kiếm 550.000 euro bằng việc bán thịt ngựa giả thịt bò cho chuỗi cung ứng thực phẩm gồm 28 công ty ở 13 nước. Công ty Spanghero đã cố tình bán 750 tấn thịt ngựa dán mác thịt bò, trong đó 500 tấn được chuyển tới Công ty Comigel cũng của Pháp, nơi chuyên sản xuất đồ ăn đông lạnh tại nhà máy Tavola ở Luxembourg. 

Nhà chức trách Pháp cho rằng, các lò giết mổ tại Romania cùng những công ty kinh doanh tại Hà Lan và Síp là những mắt xích chính trong chuỗi cung ứng, đưa thịt ngựa gắn mác thịt bò đi khắp châu Âu.

Khi đó người tiêu dùng châu Âu rất quan tâm tới tuyên bố của Bộ trưởng Nông nghiệp Anh David Heath bởi một loại thuốc thú y có thể gây hại cho con người đã bị phát hiện trong thịt ngựa xuất khẩu từ Anh sang Pháp.

Thông báo này được đưa ra sau khi FSA xét nghiệm mẫu từ 206 con ngựa được giết mổ tại Anh và có 8 mẫu phản ứng dương tính với phenylbutazone, một loại thuốc thú y có thể gây rối loạn tuần hoàn máu nghiêm trọng ở người. Ngay lập tức, EU đồng ý để Europol phối hợp với các nước hữu quan làm rõ vụ bê bối "treo thịt bò, bán thịt ngựa".

Còn Bộ trưởng Nông nghiệp Irelands Simon Coveney cũng từng cố gắng trấn an người dân châu Âu rằng, các sản phẩm từ thịt ngựa không gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cam kết sẽ thực thi nhiều biện pháp để đảm bảo vụ việc này không tái diễn.

Trọng Hậu
.
.
.