Khả năng chiến đấu bền bỉ của những “con quái vật đen” KV

Thứ Năm, 24/05/2012, 17:19
Những cỗ xe tăng được ví như những con quái vật đen cứ chầm chậm lao vào quân địch. Không ào ào như vũ bão nhưng bền bỉ, uy lực và dũng mãnh…

Quái vật đen trên đường trường

Tướng Đức Reinhardt, Binh đoàn trưởng Binh đoàn xe tăng 41, thuật lại trận đánh bên sông Dubissa diễn ra ngày 23 tháng 6 năm 1941 giữa 80 xe tăng BT và 20 chiếc KV thuộc Sư đoàn thiết giáp Xô viết số 2 với toàn bộ Sư đoàn xe tăng số 6 (Đức) trang bị xe tăng PzKpfw IV (tăng hạng trung) và PzKpfw 35t (tăng hạng nhẹ). Giọng nói của ông hào sảng và vang lên đầy dũng khí của một người lính chiến.

Trong thời kỳ đó, được sử dụng những loại vũ khí hiện đại trong các cuộc chiến đấu là một vinh dự của những người lính như ông: Một trăm xe tăng của quân ta, trong đó khoảng một phần ba là PzKpfw IV, chiếm lĩnh vị trí chuẩn bị chống lại đợt phản công của địch. Một phần lực lượng ta đối mặt với chính diện của địch, nhưng phần lớn lực lượng bố trí bên sườn đối phương. Họ bắn trúng những con quái vật thép từ cả ba phía, nhưng những cố gắng để tiêu diệt chúng đều không thành công. Ngược lại, chính xe tăng của ta là những người bị hạ. Sau một hồi lâu chiến đấu với đám khổng lồ Xô viết, các đơn vị thiết giáp Đức bắt đầu phải rút lui để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn.

Một chiếc trong số chúng là chiếc xe KV99 tiến gần một xe tăng của ta đang bị mắc kẹt. Không hề chần chừ, con quái vật đen ngòm lăn bánh qua chiếc xe tăng Đức đầy uy lực và dũng mãnh. Với sức mạnh cùng với tinh thần chiến đấu hết sức bền bỉ và kiên cường của mình, chiếc KV99 đã nghiền nát chiếc xe tăng của Đức một cách đáng thương. Tới lúc này, một khẩu đại bác 105mm Đức đã được đưa tới; chỉ huy của nó vừa trông thấy xe tăng địch ngay đấy, đã hạ lệnh nã đạn cấp tập, nhưng với loạt đạn đó cũng không hề gây thiệt hại gì cho địch.

Một chiếc trong số chúng là loại KV tiến lại gần cách khẩu 105mm khoảng 100m, khi nó vừa bắn tiếp một phát đạn và viên đạn đập trúng chiếc xe tăng với toàn bộ sức công phá mạnh nhất. Chiếc xe tăng dừng lại sau khi trúng quầng chớp của phát đạn. “Ta hạ được nó rồi!” đám pháo thủ hét lớn. "Đúng, ta đã hạ được nó!!!", viên đại uý chỉ huy khẩu pháo nói. Nhưng sắc mặt của họ lập tức thay đổi khi một người trong bọn hét lên: "Nó lại chuyển động!!!". Không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc xích sắt lấp lóa lăn tới gần khẩu đại bác và nghiền nát nó như một thứ đồ chơi, rồi tiếp tục di chuyển như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra”.

Tất cả những hình ảnh uy nghi oai vệ của chiếc xe tăng này đã khiến không ít kẻ cảm thấy sợ hãi. Mặc dù không lướt như bay trên không trung, không ào ào như vũ bão, chậm chạp nhưng lừng lững một cách chắc chắn và tự tin. Chiếc xe tăng này không chịu khuất phục trước bất cứ một thử thách nào. Nó cứ từ từ tiến vào mục tiêu khiến không một đối thủ nào có thể tin được sức mạnh phi thường của nó.

Những người lái chiếc xe tăng này cũng là những người thực sự bình thản, tự tin và chắc chắn trong từng đường lái của mình y như bản tính của cỗ xe tăng lỳ lợm này vậy.

KV là tên một dòng tăng hạng nặng lấy từ tên của nhà chính trị-quân sự nổi tiếng Kliment Voroshilov. KV phục vụ cho quân đội Liên Xô từ trước Thế chiến II và đây là một trong những loại tăng hạng nặng hiếm thấy ở thời điểm bấy giờ, chúng được đặc biệt tận dụng vào những năm đầu Thế chiến II.

Nhiều đối thủ mới nhìn cỗ xe tăng KV đã tỏ ra nghi ngờ và có phần xem thường sức mạnh của nó, bởi họ cho rằng, sự ì ạch, chậm chạp này sẽ dễ dàng bị bắn hạ. Nhưng sự thực đã khiến nhiều kẻ thù ngạc nhiên đến khiếp sợ. Chậm chạp nhưng lỳ lợm, rắn rỏi xông pha mọi mặt trận đã là một điểm mạnh để có thể thắng được nhiều loại vũ khí có phần hiện đại, nhỏ gọn nhưng không có sự bền bỉ.

Cuộc thử nghiệm thực tế

Loại xe tăng này lần đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh Phần Lan, đó là một cuộc tổng thử nghiệm loại tăng này. Có hệ thống bảo vệ chắc chắn tuyệt vời và động cơ diezen cực mạnh, trang bị sức bắn phá mạnh với pháo 76,2mm, ba khẩu súng máy: hai khẩu đằng trước và một đằng sau. Chiếc xe tăng đã là “Vua chiến trường” cho đến khi quân Đức “giới thiệu” loại pháo mới 75mm. Bộ khung của xe tăng này còn được dùng cho một số loại xe tăng và pháo tự hành khác. Sau này loại tăng này còn được nâng cấp thành loại cải tiến KV-1s.        

Tháng 10/1938, một nhóm đông các sinh viên đến thực tập tại Phòng Thiết kế SKB-2 của Nhà máy xe tăng Ki-rốp-xki. Một kiểu xe tăng mới có hai tháp pháo được thực hiện trong thời gian này là SMK (Xéc-gây Mi-rô-nô-vích Ki-rốp). Các sinh viên trẻ được giao nhiệm vụ thiết kế một kiểu xe tăng mới dựa trên mẫu SMK, nhưng chỉ có một tháp pháo.

Trong quá trình thực hiện công việc, họ đã gặp vô số những khó khăn, như tính ít tin cậy của hệ thống cơ cấu truyền lực hành trình. Trong thời gian này, Bộ Tư lệnh Hồng quân đã đặt mua chiếc S-2a của Cộng hòa Séc và thử nghiệm nó ở bãi thử nghiệm xe tăng Ku-bin-ca. Một số sinh viên được lệnh đến nghiên cứu những chiếc tăng đó và đã rút ra được vô số kinh nghiệm quan trọng. Không chỉ những người lính đã trực tiếp tham gia chiến trường mới hiểu hết được những công năng mà cỗ xe này mang lại, những sinh viên thực tập sau khi được nghiên cứu và tiếp xúc đã cảm thấy tự tin và yêu quý những cỗ xe này như một thứ quý giá.          

Trong tháng 11/1938, kế hoạch sản xuất loại SMK hai tháp pháo đã gần như được quyết định, nhưng tổng công trình sư J.Y. Kô-tin (Giám đốc Phòng Thiết kế SKB) và Giám đốc I.M.Zaltzman của Nhà máy xe tăng Ki-rốp-xki đề xuất một ý tưởng mới: Chế tạo một loại xe tăng mới trên cơ sở chiếc SMK, nhưng chỉ có một tháp pháo duy nhất. Đây là một ý tưởng hay, nhưng dự án chỉ được đi vào thực hiện bằng Lệnh tối mật số 45 của Bộ Dân uỷ Quốc phòng Liên Xô ngày 27/2/1939. Loại xe mới này sẽ được mang tên KV (Kliment Voroshilov).

Thực tế, công việc đã bắt đầu từ ngày 1/2/1939, trước cả khi được chính thức cho phép. Công việc chạy nhanh, ngày 9 tháng 4, một mô hình đã được hoàn thành và ngày 1 tháng 9, chiếc xe tăng đầu tiên đã được chế tạo sẵn sàng để thử nghiệm.

Chiếc KV được thừa hưởng một số chi tiết của SMK: vỏ xe, thiết bị của hệ thống truyền động, các thiết bị quang học… Chiếc xe được trang bị động cơ diezen mạnh V-2. Có hai pháo được lắp trên một tháp pháo duy nhất: một khẩu 76,2mm và một khẩu 45mm. Chỉ có duy nhất một khẩu súng máy ở thân xe phía trước.

Ngày 5/9/1939, chiếc KV được gửi tới Mátxcơva để giới thiệu trước chính phủ vào ngày 25/9. Sau đó, chiếc KV được gửi lại Leningrad ngày 8/10 để tiếp tục được thử nghiệm ở cấp quốc gia. Tuy vậy, lúc này cuộc chiến với Phần Lan bắt đầu, cuộc thử nghiệm bị huỷ bỏ và chiếc xe tăng được gửi ra thử nghiệm ngay trên chiến trường, trong thực tế chiến đấu.

Mặc dù không được thử nghiệm mà đã ra ngay chiến trường nhưng chiếc xe tăng đã hoàn thành được mọi nhiệm vụ của mình. Những khẩu pháo đã phát huy tối đa tác dụng cùng với sự oai hùng của cỗ xe đã khiến cuộc thử nghiệm trên chiến trường thành công ngoài sức mong đợi của nhiều người nhưng không vì thế mà mọi người chủ quan.

Những chiếc KV, SMK và T-100 phục vụ trong tiểu đoàn xe tăng 91, Lữ đoàn xe tăng hạng nặng 20, nơi những chiếc KV là chủ lực. Chỉ có khác là những chiếc KV này không còn pháo 45mm nữa, thay bằng một đại liên DT TMG 7,62mm lắp đồng trục và một khẩu nữa lắp ở phía sau để chống bộ binh.

Những chiếc KV-1 được chính thức phục vụ trong lực lượng thiết giáp Hồng quân bởi mệnh lệnh số 443 ngày 19/12/1939. Từ trước đó, 5/1940, một kế hoạch sản xuất được đề ra, trong đó sản lượng hằng năm được tăng từ 50 đến 200 đơn vị. Tổng cục xe tăng và cơ giới của Hồng quân vẫn lo lắng chiếc xe tăng chưa qua thử nghiệm quốc gia này trong chiến đấu sẽ bộc lộ nhiều nhược điểm còn ẩn giấu.

Mặc dù cỗ xe hoạt động tốt nhưng tất cả đều muốn thực hiện lại một cuộc thử nghiệm để rà soát lại tìm ra những chỗ còn sai sót cho dù đó là những lỗi nhỏ nhất. Vì vậy, trong tháng 5 năm 1940, cuộc thử nghiệm lại được tiếp tục tại Ku-bin-ca, gần Leningrad. Sau khi chạy được 2.648km, phát hiện một số vấn đề trong hệ thống truyền động, khung xe và hộp số. Các kỹ sư của SKB đề xuất dừng dự án sản xuất hàng loạt cho đến khi tất cả những nhược điểm đó được khắc phục. Tuy nhiên, trên thực tế thì mệnh lệnh đã ký và dự án sản xuất vẫn được tiếp tục, bất chấp tất cả những vấn đề đó.

Cuối năm 1940, những khẩu pháo L-11 76,2mm được thay thế bằng loại pháo tăng mới, hiện đại hơn cùng cỡ F-32. Kiểu KV-1 này được biết đến với tên gọi KV-1 kiểu 1940. Đồng thời, sê-ri này còn được trang bị động cơ diezen V-2 cải tiến công suất 600 mã lực. Trong mùa xuân năm 1941, để chuẩn bị đối mặt với hiểm hoạ phát-xít, một quyết định mới được đưa ra: những chiếc KV-1 được trang bị thêm những tấm giáp thép xung quanh xe, kiểu mới này được gọi là KV-1e.

Vào lúc bắt đầu cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, Hồng quân được trang bị chiếc 639 chiếc KV-1. Trong năm 1941, KV-1 có thể hạ gục bất kỳ xe tăng nào của phát-xít Đức. Đã có rất nhiều chuyện về những chiếc KV-1 đơn độc còn lại ở phía sau quân Đức, tiếp tục chiến đấu trong nhiều ngày gây cho chúng những thiệt hại nặng nề. Chỉ một chiếc KV-1 bên cạnh đường gần Ốt-xtrốp (Vùng Ban-tích) và giam chân cả một quân đoàn xe tăng Đức.     

Kết quả của trận chiến: 7 xe tăng Đức, một khẩu pháo chống tăng, trọn một khẩu đội pháo cao xạ 88mm, 4 chiếc bọc thép nửa bánh xích “Hanomag”, 12 xe tải bị tiêu diệt. Xe tăng KV-1 chỉ có thể bị tiêu diệt bởi pháo cao xạ hạng nặng 88mm hoặc lựu pháo 105mm. Tuy lựu pháo 105mm không thể xuyên được vỏ thép của KV nhưng có thể diệt được nó bằng cách bắn đứt xích trước, để “chốt” KV một chỗ trước khi tiêu diệt.

Đáng buồn, trên thực tế, hầu hết KV hùng dũng và uy nghiêm không bị quân thù tiêu diệt mà bị tổ lái bỏ lại trên chiến trường bởi nhiều lý do khách quan mang lại. Những chiếc KV trên chiến trường không được bảo dưỡng thường xuyên nên một số bộ phận bị hỏng hóc và điều quan trọng lại không có phụ tùng thay thế. Chính vì vậy mà nhiều lính lái xe tăng đã nản chí vì không có cách nào để khắc phục, vì vậy mà họ đã phải “bỏ của chạy lấy người”, để lại những cỗ xe như những tảng sắt vô tri vô giác.

Nhiều nhà nghiên cứu đã có nhiều quyết định thay đổi trong thiết kế để những chiếc xe này ngày một hiện đại và phát huy tối đa được công năng cũng như độ bền của chúng. Trong tháng 7/1941, pháo F-32 được thay thế bằng loại mới ZIS-5 76,2mm, một kiểu cải tiến mạnh hơn. Kiểu này tương tự loại F-34 được trang bị trên xe tăng hạng trung T-34-76. Loại KV-1 cải tiến này còn có được thay tháp pháo loại mới, bằng thép đúc thay thế cho loại cũ được hàn bằng thép tấm, dày hơn và bảo vệ tốt hơn.

Mùa thu năm 1941, Nhà máy Khác-cốp phải sơ tán, việc cung cấp động cơ gặp nhiều khó khăn nên phải trang bị cho KV loại động cơ xăng M-17, loại vẫn được dùng để trang bị cho xe tăng T-35.

Trong suốt cuộc chiến tranh, có khoảng 500 chiếc KV tham chiến trong tổng số hơn 22.000 xe tăng của quân đội Liên Xô. Khi KV bắt đầu tham chiến, nó ngay lập tức trở thành loại tăng hạng nặng mạnh nhất thời bấy giờ.

Những ưu điểm của KV bao gồm: lớp giáp cực dày của nó không thể nào bị xuyên thủng trừ khi ở những điểm đen và ở khoảng cách quá gần, hỏa lực mạnh và sự di chuyển êm của xích trên mặt đất. Nhưng dù sao nó cũng có một số nhược điểm quan trọng: hơi khó để lái, hệ truyền động hoạt động không êm, hệ thống công thái học hoạt động yếu và hầu như không có gàu/lồng tháp pháo. Thêm nữa là trọng lượng 45 tấn là quá nặng. Nó hoạt động cũng như tác chiến không được linh động cho lắm, mặc dù hoạt động tối đa công suất của động cơ và còn không thể vượt qua đa số cầu như các loại tăng hạng trung có thể làm được một cách dễ dàng.

KV là loại tăng nặng nhất tính đến thời điểm đó và về sau thì Đức cũng có thiết kế một số loại tăng hạng nặng khác. KV không bao giờ được trang bị hệ thống ống lặn để vượt qua sông bằng phần dưới, thế nên nó phải đi qua các loại cầu có đủ khả năng cho nó đi qua. Một vài cải tiến về sau có cố tìm cách nâng cấp động cơ và thêm giáp nhưng KV vẫn không thể đạt được đến tốc độ của các loại xe tăng hạng trung và càng ngày càng gặp nhiều vấn đề khi di chuyển ở các địa hình khác nhau.

Vượt qua mọi nhược điểm

Được trang bị hỏa lực cực mạnh, nhưng yếu điểm của KV nằm ở hệ thống truyền động, vì vậy sức cơ động của nó cực kỳ chậm chạp. Nắm được những ưu, nhược điểm của KV nên những chiến sĩ quân đội Liên Xô đã sử dụng cực kỳ hiệu quả phương tiện chiến đấu này. Điển hình là trung úy Zinoviy Kolobanov, người đã trở thành huyền thoại trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Vào ngày 14 tháng 8 năm 1941, đội tiên phong của Sư đoàn tăng thiết giáp Panzer số 8 tiếp cận Krasnogvardeysk (Gatchina) gần Leningrad (St Petersburg) và lực lượng Xô viết duy nhất còn lại ở đó chỉ là 5 chiếc KV-1 được cho ẩn náu kỹ lưỡng, được chôn bên dưới bề mặt của một bãi đầm lầy. Trong đó có chiếc KV-1 số hiệu 864 có chỉ huy là trung úy huyền thoại Zinoviy Kolobanov.

Quân Đức tấn công Krasnogvardeysk theo ba hướng. Ở gần Noviy Uchkhoz chỉ có một lối đi duy nhất để vượt qua bãi đầm lầy và chỉ huy của 5 chiếc KV quyết định chọn địa điểm này để ấn nấp và đột kích bất ngờ. Trung úy Kolobanov đã nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình và các bước đi của quân Đức, ông đã phân công lực lượng của mình chiếm lĩnh các hiểm địa từ đêm hôm trước. Mỗi chiếc KV-1 mang theo gấp đôi cơ số đạn xuyên giáp hạng nặng.

Kolobanov yêu cầu các phân đội không được khai hỏa khi chưa có lệnh và phải đặc biệt lắng nghe kỹ lưỡng, không được manh động. Dù cuộc phục kích đã có kế hoạch được vạch sẵn của cấp trên, nhưng Kolobanov quyết định chiến đấu theo kế hoạch do ông vạch ra, vì vậy ông đã không thông báo cho cả đội theo như kế hoạch định sẵn của cấp trên mà quyết định hành động một mình. Bởi ông cho rằng chỉ cần một chiếc KV-1 khi hành động đúng lúc có thể cho cả đội bên Đức bị tiêu diệt. Ông là người rất tự tin vào tính công phá của cỗ xe ông chỉ huy.

Đội tiên phong phe Đức đi đúng ngay hướng mà lực lượng Liên Xô đã mai phục sẵn một cách kỹ càng, ngay phát đạn đầu tiên chiếc KV của Kolobanov đã hạ gục chiếc tăng chỉ huy đi đầu. Những chiếc còn lại trong đội tiên phong tưởng rằng chiếc dẫn đầu đã bị vấp mìn. Cả đoàn tăng Đức dừng lại quan sát, vô tình biến mình thành con mồi béo bở cho Kolobanov, ngay lập tức chiếc KV-1 do trung úy chỉ huy bắn nát chiếc tăng đi cuối cùng.

Đoàn xe tăng Đức bị hai chiếc xe đang cháy khóa đầu và đuôi loay hoay tìm cách thoát ra khỏi hàng, nhưng xung quanh chúng là đầm lầy, việc thoát ra khỏi ổ phục kích đó vô cùng khó khăn. Ngay khi phát hiện bị bắn lén, quân Đức bắn lung tung vì chúng không phát hiện được hướng bắn của Kolobanov, chiếc KV-1 của ông tiếp tục hạ nốt chiếc xe tăng còn lại, như một xạ thủ bắn tỉa ngắm vào những tấm bia bất động.

Khi quân Đức phát hiện được hướng bắn nhưng họ chỉ có thể quay xe tăng và bắn lung tung về hướng đó trong khi xe tăng của Kolobanov vẫn có thể ngắm bắn chính xác vào kẻ thù và chỉ cần một phát đạn duy nhất. Xe tăng của phe Đức tiếp tục di chuyển ra khỏi đường chính, nhưng chúng lại bị sa lầy xuống vùng đất mềm càng tạo điều kiện cho chiếc tăng của Kolobanov tiêu diệt nhiều hơn.

Tới lúc đó có tổng cộng 22 chiếc xe tăng và thêm 2 khẩu pháo kéo tới bị tiêu diệt bởi chiếc tăng số 864 của Kolobanov. Để ghi công nhiều hơn, Kolobanov ra lệnh cho lực lượng tăng của mình tiêu diệt thêm 21 chiếc xe tăng Đức nữa trong khi chỉ còn có 30 phút nữa là trận đấu kết thúc. Có tổng cộng 43 chiếc xe tăng Đức bị tiêu diệt chỉ bởi 5 chiếc KV-1.

Sau chiến công vang dội đó trung úy Kolobanov được trao tặng Huy chương Lenin, trong khi đó người lái tăng Usov được trao tặng Huy chương Đỏ. Về sau, trong trận chiến mùa đông, trung úy Kolobanov lại một lần nữa ghi công vang dội và được sách báo ca ngợi không ngớt lời. Trận đánh tại Krasnogvardeysk được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng của Liên Xô rất nhiều.

Một đài tưởng niệm đã được xây dựng tại làng Noviy Uchkhoz vào năm 1980 để kỷ niệm về trận đánh huyền thoại này, tại nơi do chiếc KV-1 của Kolobanov đã bị chôn vùi dưới bùn không thể tìm được nên người ta đành phải sử dụng xe tăng hạng IS-2 để thay thế.

Chiến thắng vang dội này một phần là do sự chuẩn bị khéo léo của Kolobanov, một phần là do đa phần số tăng Đức trong trận này là Panzer II (trang bị pháo 20mm) và một vài chiếc Panzer III (trang bị pháo 37mm KwK 36 L/46.5). Pháo chính của tăng Đức không có tầm bắn xa và cũng không có uy lực như pháo 76mm của KV và sự bố trí chật hẹp giữa xích di chuyển cũng làm cho số tăng này kẹt khi di chuyển qua bùn lầy.

Những cỗ xe tăng chiến đấu KV đã thể hiện hết sức công phá của nó mặc dù phải vượt qua rất nhiều những nhược điểm về kỹ thuật, nhưng trên thực tế thì những gì chúng đã làm được thì không ai có thể phủ nhận được sức mạnh, sự lỳ lợm cũng như sức chiến đấu bền bỉ của nó

Trần Tú – Nam Phong
.
.
.