Vụ tấn công khủng bố tại Tunisia:

Khẩn trương truy tìm hung thủ bỏ trốn

Thứ Sáu, 20/03/2015, 18:00
Ngay sau khi biết tin về vụ tấn công tại bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis (đa số nạn nhân là người nước ngoài), lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt lên án mạnh mẽ vụ khủng bố và bắt cóc con tin ở Tunisia.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vừa lên án vụ tấn công khủng bố tại Bảo tàng Bardo, vừa gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã chỉ trích vụ tấn công khủng bố bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, đồng thời khẳng định tình đoàn kết của Paris đối với Tunis.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Washington kịch liệt lên án vụ tấn công đẫm máu nói trên; đồng thời hoan nghênh phản ứng kịp thời của Tunisia khi giải quyết vụ việc.

Lực lượng an ninh được huy động tới hiện trường.

Phát biểu sau khi lực lượng an ninh kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở Bảo tàng Bardo, Tổng thống Tunisia Beji Caid đã gọi vụ tấn công là "tội ác kinh hoàng", đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Tổng thống Beji Caid cũng cho biết, chính phủ đã tiến hành các biện pháp có thể để ngăn chặn một thảm kịch tương tự tái diễn; đồng thời khẳng định, Tunis sẽ không khoan nhượng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Về phần mình, Thủ tướng Tunisia Habib Essid coi vụ tấn công là âm mưu nhằm vào nền kinh tế cũng như ngành công nghiệp du lịch nước này. Bộ Nội vụ Tunisia cho biết, đang xác định danh tính 2-3 đối tượng bị tình nghi là đồng phạm với 2 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt trong vụ tấn công, cũng như làm rõ động cơ gây án của các đối tượng. Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ, ông Mohamed Ali Aroui, có ít nhất 2 kẻ khủng bố dùng súng AK tiến hành vụ tấn công.

Theo đài truyền hình quốc gia Tunisia, vụ tấn công Bảo tàng Bardo hôm 18/3 đã khiến 17 người chết, trong đó có 5 du khách Nhật Bản, 4 công dân Italia, 2 người Colombia, và khoảng 50 người khác bị thương. Các nước Australia, Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha đều có 1 công dân thiệt mạng trong vụ tấn công này. 2 nạn nhân còn lại là công dân Tunisia, trong đó một người là cảnh sát. 2 tên khủng bố đã bị bắn hạ.

Trong khi đó, hãng Reuters lại cho biết, có ít nhất 19 người thiệt mạng, trong đó có 2 tay súng. Còn theo hãng AP, có 21 người thiệt mạng, trong đó có 17 du khách nước ngoài. Thủ tướng Tunisia Habib Essid cũng thông báo, có ít nhất 19 người chết, trong đó có 17 du khách.

Lực lượng an ninh sơ tán con tin khi tấn công vào Bảo tàng Bardo.

Tại thời điểm xảy ra vụ tấn công (vào cuối buổi sáng 18/3, theo giờ địa phương), trong Bảo tàng Bardo đang có khoảng 100 du khách tham quan. Và vụ tấn công đã khiến cơ quan chức năng phải sơ tán khẩn cấp những người có mặt trong tòa nhà Quốc hội gần đó. Theo hãng tin TAP (Tunisia), lúc xảy ra vụ tấn công, tại dinh Bardo (tòa nhà Hạ viện), 217 nghị sĩ đang thảo luận về Luật Chống khủng bố. Nghị sĩ Sayida Ounissi là một trong những người đầu tiên thông báo trên trang Twitter thông tin bọn khủng bố tấn công Bảo tàng Bardo.

Được biết, các sát thủ đã mặc trang phục của quân đội và xả súng tại trạm xe bus bên ngoài Bảo tàng Bardo, sau đó bắt giữ nhiều con tin vào trong để cố thủ khi bị lực lượng an ninh bao vây. Lực lượng an ninh Tunisia đã quyết định tấn công vào Bảo tàng Bardo (huy động khoảng 150 cảnh sát), và sau hơn 3 tiếng đấu súng, họ đã tiêu diệt 2 sát thủ, giải cứu toàn bộ số con tin. Đây là lần đầu tiên Tunis bị tấn công khủng bố và cũng là lần đầu tiên ở Tunisia, bọn khủng bố trực tiếp nhắm đến dân thường.

Q. Trung
.
.
.