Khi COVID-19 trở thành cơ hội của kẻ tham nhũng

Thứ Ba, 26/05/2020, 16:37
Hiện tại, Bolivia vẫn đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19 khi quốc gia này đã ghi nhận 4.481 ca dương tính và 189 trường hợp tử vong. Tuy nhiên Bolivia còn đang phải đối mặt với một "đại dịch" dai dẳng hơn: tham nhũng.


Vào ngày 20-5, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Marcelo Navajas cùng 4 cựu quan chức khác bao gồm người phụ trách các vấn đề pháp lý của Bộ Y tế là ông Fernado Valenzula, Cục trưởng Cục Y tế và Thiết bị y tế là ông Giovani Pacheco và 2 giám đốc ngân hàng Liên châu Mỹ… đã bị cảnh sát Bolivia bắt giữ do bị tình nghi nâng giá 170 máy thở nhập khẩu từ Tây Ban Nha hòng ăn tiền chênh lệch. Tuy nhiên, ngoài Bolivia, tham nhũng trong mùa dịch đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia.

Khi dịch COVID-19 thành cơ hội vàng để tham nhũng

Sau vụ bắt giữ, Thủ tướng lâm thời Jeanie Anez đã phải lên tiếng trấn an nhân dân trên Twitter rằng tuy Chính phủ Bolivia đã chi trả 2 triệu USD để mua máy thở bị khống giá nhưng họ sẽ hoãn ngay khoản thanh toán trị giá 2,8 triệu USD còn lại. Tuy vậy, dòng tuyên bố ngắn ngủi này không thể nào làm yên lòng nhân dân Bolivia trong khi phần lớn dân chúng đang phải sống dựa vào khoản trợ cấp trị giá 73 USD/một người. 

Vụ tham nhũng này tiếp tục đẩy Bolivia chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2019, khi cựu Tổng thống Evo Morales từ chức sau những cáo buộc gian lận bầu cử và buộc phải đáp máy bay chạy trốn sang Mexico. 

Hiện ông Navajas đang bị tạm giam để chờ xét xử ít nhất 7 cáo buộc, trong đó bao gồm tham ô và gây nguy hại tới sức khoẻ cộng đồng. Được biết ông Navajas mới chỉ nhận chức được 5 tháng, ngay sau khi người tiền nhiệm là ông Anibal Cruz từ chức vì lý do cá nhân.

Bolivia không phải quốc gia Nam Mỹ duy nhất đang phải chống lại nạn tham nhũng giữa thời đại dịch khi mà đất nước cách Bolivia vài tiếng đi máy bay là Colombia cũng đang phải chiến đấu với vấn nạn đội giá thực phẩm cứu trợ để ăn chênh lệch. 

Sau khi nhận được gói thực phẩm hỗ trợ từ chính phủ dành cho các hộ gia đình ở Colombia giữa lúc toàn quốc đang thực hiện giãn cách xã hội, ông Ricardo Quintero đã tìm hiểu và bị sốc khi biết được mức giá cắt cổ mà nhà nước phải chi trả cho các nhà cung cấp. Sau đó, ông đã ra siêu thị địa phương, mua đúng các loại đồ ăn nhận được từ nhà nước với mức giá… rẻ hơn một nửa. 

Cụ thể hơn, chính phủ đã phải bỏ ra 5 USD để mua một… hộp cá ngừ, 8 USD cho một bánh xà phòng diệt khuẩn và 2.840 USD cho một cáng cứu thương trong khi trên thực tế, giá của các mặt hàng này lần lượt là 1,8 USD, 1,7 USD và 1.420 USD… có nghĩa là các mặt hàng đều bị nâng giá gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần. 

Phát hiện này của ông Quintero đã gây xôn xao dư luận và là nguồn cơn của 14 cuộc bắt giữ liên quan đến các cáo buộc hối lộ và tham nhũng ở Colombia. Kiểm soát viên tài chính của chính phủ là ông Carlos Felipe Cordoba cho biết tổng số tiền được khai khống trị giá 20,6 triệu USD, chiếm khoảng 10% gói cứu trợ. 

Trắng trợn hơn, Chính phủ Colombia còn bị phát hiện đã có tới 16.000 tài khoản ma được nhận mức hỗ trợ 41 USD/ người, có nghĩa là Cục Quy hoạch Quốc gia đã làm thất thoát 660.000 USD vốn được dùng để hỗ trợ người dân nghèo vượt qua đại dịch. Sau khi sự việc bại lộ, Cục Quy hoạch Quốc gia ngay lập tức đóng cổng thông tin điện tử - vốn là nơi người dân có thể đăng nhập và kiểm tra xem họ đã nhận được trợ cấp hay chưa - để "bảo trì phần mềm". 

Quân đội Colombia cũng bị điểm mặt chỉ tên khi kí một hợp đồng trị giá 50.000 USD để mua các thiết bị phòng hộ, bao gồm mặt nạ được bán ngoài cửa hàng với giá 0,6 USD một chiếc nhưng lại được thổi lên thành 15 USD… 

Kiểm soát viên tài chính của chính phủ tiếp tục công bố điều tra cả Giám đốc Quỹ Phát triển Nông nghiệp Finargo, Airo Estrada và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Rodolfo Zea sau khi nhận được nhiều cáo buộc rằng 90% số tiền trong quỹ đã chảy vào túi các doanh nghiệp nông nghiệp lớn thay vì các nông trại cỡ vừa và nhỏ cũng như nông dân - tầng lớp nghèo khổ nhất của Colombia. 

Cụ thể hơn, quỹ Firgo đã hỗ trợ các doanh nghiệp lớn 52,8 triệu USD, các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ nhận được 2 triệu USD, còn các hộ nông dân chỉ nhận được vỏn vẹn… 1 triệu USD, trong khi người đại diện cho quỹ đã phát biểu rằng các doanh nghiệp lớn sẽ chỉ được nhận 20% gói hỗ trợ trị giá 56 triệu USD này, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các hộ nông dân sẽ nhận được ít nhất là 40%. 

Tại thời điểm hiện tại, Toà án tối cao Bolivia đã mở 1.200 cuộc điều tra các nghi phạm tham nhũng, trong đó có 11 thống đốc và 1 bộ trưởng. Nếu bị kết tội thì ông Rodolfo Zea sẽ là vị Bộ trưởng Nông nghiệp thứ 2 xộ khám chỉ trong vài năm gần đây.

Cựu Bộ trưởng Y tế Bolivia bị bắt giữ vì đội giá máy thở.

Một quốc gia châu Mỹ khác là Argentina cũng đang nỗ lực chống tham nhũng bằng cách yêu cầu chính phủ địa phương phải công khai các hợp đồng mua bán trên Internet. Chính từ đây, hai phi vụ mua bán trong mùa dịch hết sức đáng nghi đã được lôi ra ánh sáng, gồm một công ty chỉ có vốn điều lệ 1.500 USD đoạt được hợp đồng sản xuất 15.000 chiếc khẩu trang với giá 40 USD/chiếc - cao gấp hàng chục lần giá thị trường, và một hợp đồng cung cấp cơ sở cách ly người bệnh cực kì béo bở ở khách sạn thuộc quyền sở hữu của… chị gái ông Horacio Rodriguez Larreta, Thị trưởng Bueno Aires.

"Đại dịch" tham nhũng còn lan tới tận châu Âu. Tại Rumani - đất nước đứng thứ 61 trên 180 trong bảng xếp hạng tham nhũng toàn thế giới và hạng 4 nếu chỉ tính các nước thuộc Liên minh châu Âu. Chính phủ Rumani đã tạm huỷ bỏ quá trình đấu thầu thông thường để gia tăng tốc độ thu mua hàng cứu trợ, tuy nhiên đây chính là mảnh đất màu mỡ cho nạn đội giá. 

Cụ thể hơn, Công ty Romwine and Coffee SRL - một công ty cỡ vừa tọa lạc ở ngoại ô thủ đô Bucharest, chuyên sản xuất cà phê và thuốc lá - vừa giành được hai hợp đồng cấp nhà nước bán… khẩu trang và vật tư y tế với mức giá đắt gấp đôi bình thường. 

Giám đốc Công ty vật tư y tế Sanimed International là ông Câtlin Hideg khi trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết Sanimed International kí hai hợp đồng này thông qua Romwine and Cofffee SRL vì Sanimed vẫn còn… nợ thuế nên không thể tham gia đấu thầu. 

Ông Hideg khăng khăng cho rằng chuyện này chẳng có gì bất thường vì có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã kí hợp đồng thông qua các công ty nhỏ lẻ hơn: "Tôi từng biết một công ty chỉ có 3 nhân viên và 3 cái máy tính xách tay đấu thầu thắng những hợp đồng xây đường quốc lộ, cầu phà… trị giá hàng trăm triệu euro".

Một quốc gia khác cũng đang bị lên án dữ dội vì một loạt bê bối tham nhũng là Bangladesh. Vào giữa tháng 3-2020, 29 lãnh đạo cấp địa phương của đảng chính trị Awani đã bị bắt giữ ở Bangladesh do biển thủ thực phẩm cứu trợ của dân nghèo rồi đem bán lại với giá cắt cổ. Theo như báo chí Bangladesh đưa tin, 29 nghi phạm đã "phù phép" 4.617 bao gạo nặng khoảng 200 tấn giữa lúc người dân nghèo ở Bangladesh đổ ra đường biểu tình đòi cái ăn.

Người dân Bangladesh nhận đồ cứu trợ.

Vấn nạn tham nhũng hoành hành nhiều nơi

Báo cáo về COVID-19 của Văn phòng Liên hiệp quốc về chống ma tuý và tội phạm (UNODC) đã phác họa rõ nét vấn nạn tham nhũng trong thời đại dịch. Theo như báo cáo, để có thể hỗ trợ nhân dân một cách kịp thời và ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế quốc gia, các chính phủ vừa phải bỏ ra một khoản ngân sách khổng lồ, vừa phải tạm thời cho qua nhiều thủ tục giấy tờ cũng như liên tục kiếm tìm "đường tắt" để đảm bảo tiến độ công việc, và chính những sơ hở này cùng món ngân sách hấp dẫn đã tạo ra nạn biển thủ, tham nhũng và cả hối lộ… đặc biệt là khi một đất nước có bộ máy quản lý chưa được vững vàng. Thêm vào đó, các gói cứu trợ nước ngoài cũng dễ dàng trở thành mục tiêu cho nạn tham nhũng.

 Nạn thổi giá vật tư y tế, ăn bớt thực phẩm cứu trợ để bán lại với giá cao hơn, phân phối quỹ cứu trợ không đúng nơi đúng người, ép bệnh nhân trả thêm tiền cho việc khám chữa bệnh trong khi thực ra mọi chi phí đều đã được thanh toán bởi các tổ chức nhân đạo quốc tế… là các vấn nạn đã xuất hiện ở các đại dịch trước chứ không chỉ ở COVID-19. 

Chính vì vậy, theo UNODC, các cơ quan chính trị vững mạnh, minh bạch và trong sạch, cũng như các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông cần phải đẩy mạnh nhiệm vụ giám sáng nguồn ngân sách và khui ra các vụ tham nhũng. 

Một phương pháp phòng chống tham nhũng và biển thủ khác nữa là công khai mọi tư liệu cho nhân dân, đồng thời cho phép nhân dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương lao động di cư, lao động làm công việc phi chính thức, phụ nữ… tham gia vào quá trình đưa ra chính sách của chính phủ ở cả cấp địa phương lẫn quốc gia. Cụ thể hơn, UNODC gợi ý 15 gợi ý như sau.

Đầu tiên, các bộ phận khác nhau của chính phủ nên hợp tác để có thể phát hiện và chống tham nhũng một cách hiệu quả. Ngoài ra, chính phủ nên cân nhắc kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân để đẩy mạnh sự trung thực trong kinh doanh, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế, cũng như số hoá thông tin và dịch vụ. 

Nhà nước cũng nên bồi đắp nguồn lực và khả năng lãnh đạo của tầng lớp thanh niên, đặc biệt là trong hoàn cảnh nhiều trường học các cấp phải tạm nghỉ dịch vì thanh niên là nguồn lực tối quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng và chống dịch. 

Tiếp theo đó, chính phủ nên quan tâm và đảm bảo quyền con người của nhân dân bao gồm quyền được giáo dục, được khám chữa bệnh và lựa chọn một biện pháp dựa trên nhân quyền để chống tham nhũng. Việc đưa tin về tình hình dịch bệnh đúng, đủ và nhanh cùng với việc thành lập một kênh thông tin liên lạc hiệu quả giữa lãnh đạo và nhân dân cũng được UNODC liệt vào danh sách biện pháp chống tham nhũng. 

Chính phủ cũng cần phải hợp tác với các ngân hàng trên toàn quốc để phát hiện và truy tìm nguồn tiền bất minh, sau đó bổ sung những điều khoản thật minh bạch về các quỹ cứu trợ COVID-19, ví dụ như ai đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ cụ thể sẽ ra sao…UNODC cũng cho rằng, chính phủ vẫn nên đảm bảo các thủ tục đấu thầu nghiêm ngặt và nên số hoá phương thức hỗ trợ cho nhân dân.

Huyền Thi
.
.
.