Khi NSA không được nghe lén

Thứ Năm, 03/12/2015, 17:00
Kể từ 23h59’ ngày 28-11 (theo giờ Mỹ, tức 12h 59’ngày 29-11, theo giờ Việt Nam). Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của Mỹ phải chấm dứt chương trình theo dõi hàng triệu cuộc điện thoại mỗi ngày của người dân nước này.

Và việc này được thực hiện theo "Đạo luật nước Mỹ tự do" đã được Quốc hội Mỹ thông qua 6 tháng trước. Thay đổi này là thắng lợi của những người ủng hộ bảo vệ bí mật đời tư và các công ty công nghệ lo ngại chương trình do thám của chính phủ sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của họ. Và dư luận đang có những phản ứng khác nhau sau khi NSA chính thức bị "chặt hết móng vuốt".

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Ned Price coi luật này là một sự thỏa hiệp hợp lý cho phép cơ quan chức năng tiếp tục bảo vệ quốc gia, trong khi vẫn triển khai các cải cách. Giới chuyên môn coi đây là bước thụt lùi lớn nhất về khả năng do thám của Mỹ kể từ sau "sự kiện 11-9-2001".

Được biết, khối lượng dữ liệu thu thập trong 5 năm qua sẽ được lưu trữ tới ngày 29-2-2016 để bảo đảm tính toàn vẹn của hệ thống dữ liệu và NSA sẽ xử lý toàn bộ dữ liệu khi các kiện tụng đang tồn tại được giải quyết. Trong thông báo hôm 28-11 của Nhà Trắng, ngay khi chấm dứt chương trình bê bối kể trên, NSA sẽ thay thế bằng các phương thức mới và khi đó Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC) sẽ cấp phép theo dõi dữ liệu cuộc gọi của một cá nhân hay nhóm người bị tình nghi thông qua các nhà mạng trong thời hạn tối đa không quá 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu muốn thu thập dữ liệu điện thoại, NSA phải yêu cầu các công ty điện thoại hữu quan cung cấp và họ chỉ chấp hành khi có giấy phép của FISC.

Trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tại Fort Meade, bang Maryland, Mỹ.

Gần 1 tháng trước (9-11), Thẩm phán Richard Leon đã yêu cầu NSA lập tức chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu quy mô lớn gây tranh cãi hết hạn vào ngày 29-11. Trong phán quyết dài 43 trang, Thẩm phán Richard Leon khẳng định, mặc dù NSA đã thu hẹp quy mô của chương trình do thám, nhưng ông vẫn đưa ra yêu cầu này bởi hoạt động thu thập kéo dài dù chỉ một ngày cũng có thể gây ra tác hại nghiêm trọng.

Sau phán quyết của Thẩm phán Richard Leon, bà Elizabeth Goitein, người phụ trách Chương trình An ninh quốc gia và Quyền tự do của Trường Đại học New York đã coi chương trình do thám của NSA là bất hợp pháp, vi phạm quyền cá nhân của hàng triệu người Mỹ và không thể kéo dài thêm dù chỉ một phút. Hơn 1 tháng trước (27-10), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật an ninh mạng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên không gian mạng của nước này. Và đây là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của Quốc hội Mỹ nhằm đối phó với số vụ tấn công mạng ngày càng tăng nhằm vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ trong mấy năm qua.

Giới chuyên môn cho rằng, để có được phán quyết mang tính bước ngoặt kể trên, phải kể tới vai trò của cựu nhân viên CIA Edward Snowden. Bởi nếu không có những tài liệu do Edward Snowden cung cấp, người dân Mỹ nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung không thể hình dung mức độ do thám của NSA. Và hậu quả của việc này lớn tới mức cách đây mấy hôm cựu Giám đốc CIA James Woolsey còn cho rằng, bàn tay của Edward Snowden đã "vấy máu" trong cuộc tấn công kinh hoàng tối 13-11 tại Paris. Bởi theo ông James Woolsey, việc tiết lộ những bí mật tình báo của NSA đã làm suy yếu nỗ lực tình báo chung của phương Tây, tạo lỗ hổng cho các tổ chức khủng bố như IS có thể xâm nhập?! Trong tiết lộ mới đây, Edward Snowden cho rằng, IS là con đẻ của CIA. Và tiết lộ gây chấn động này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của IS tại Syria.

Trong khi đó, hãng Sputnik vừa dẫn đoạn video từ Hội Ủng hộ quyền tự do ngôn luận Mỹ cho biết, Edward Snowden đang dành thời gian phát triển một công nghệ kỹ thuật đảm bảo quyền riêng tư trong liên lạc thông tin cá nhân. Và việc này nhận được sự bảo trợ của Hiệp hội Tự do báo chí Mỹ. Trước đó, với 285 phiếu thuận và 281 phiếu chống, các nghị sĩ châu Âu cũng đã thông qua nghị quyết yêu cầu các nước thành viên gỡ bỏ cáo buộc chống lại Edward Snowden và không dẫn độ cựu nhân viên CIA về Mỹ.

Và theo nghị quyết này, các nghị sĩ châu Âu đã gọi Edward Snowden là "người bảo vệ nhân quyền". Viện Hàn lâm Văn học và Tự do Biểu đạt của Na Uy cũng mới trao giải thưởng Bjornson (trị giá 100.000 kroner, khoảng 12.700USD) mang tính tượng trưng cho Edward Snowden (6-9) vì những đóng góp trong việc bảo vệ quyền riêng tư và tiết lộ chương trình nghe lén gây tranh cãi của NSA. Cũng trong ngày 6-9, Liên minh châu Âu và Mỹ đã đạt thỏa thuận về bảo vệ và chia sẻ dữ liệu cá nhân phục vụ công tác điều tra chống khủng bố.

Thiện Lân
.
.
.