Khi Thủ tướng 'quyết đấu' với Tổng thống

Thứ Hai, 15/06/2015, 09:00
Tổng thống Klaus Iohannis đã đề nghị Thủ tướng Victor Ponta từ chức ngay sau khi các công tố viên quyết định mở cuộc điều tra hình sự đối với ông hôm 5/6. Nhưng ông Victor Ponta khẳng định, chỉ có Quốc hội mới có thể cách chức Thủ tướng của mình. 

Giới truyền thông cho biết, ngày 5/6, Thủ tướng Victor Ponta đã bị cáo buộc tội giả mạo, lừa tiền, xung đột lợi ích và trốn thuế. Ngay sau khi biết tin, Thủ tướng Victor Ponta không những bác bỏ mọi cáo buộc kể trên, mà còn coi đây là âm mưu của những kẻ thù chính trị của ông.

Phát biểu với giới truyền thông sau khi vào Văn phòng công tố chống tham nhũng sáng 5/6, Thủ tướng Victor Ponta nhấn mạnh: tôi đến cơ quan chống tham nhũng với tư cách một công dân bình thường, và không đưa ra bất cứ tuyên bố nào trước họ. Khi được hỏi về khả năng từ chức, Thủ tướng Victor Ponta tuyên bố: tại cơ quan chống tham nhũng, chúng tôi không làm chính trị.

Thủ tướng Victor Ponta.

Ngày 9/6, với 231 phiếu thuận và 120 phiếu chống, Quốc hội Romania đã phản đối việc tước quyền miễn trừ của Thủ tướng Victor Ponta. Trước đó (8/6), Ủy ban Tư pháp cũng bác việc mở cuộc điều tra tham nhũng đối với Thủ tướng Victor Ponta. Việc điều tra chủ yếu tập trung vào những hoạt động của ông Victor Ponta trong giai đoạn 2007-2011 khi là luật sư, nghị sỹ, và đã nhận khoảng 55.000 euro từ ông Dan Sova, nghị sỹ quốc hội bị tình nghi lạm dụng chức quyền trong 3 vụ án, nhưng không bị truy tố nhờ quyền miễn trừ.

Lời kêu gọi từ chức của Tổng thống Klaus Iohannis được đưa ra trong bối cảnh các công tố viên đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ đối với các quan chức cấp cao và một số thành viên nội các bị buộc tội tham nhũng. Gần 6 tháng trước (21/12/2014), ông Klaus Iohannis đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Romania, sau khi giành chiến thắng trước Thủ tướng Victor Ponta tại vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống hôm 16/11/2014.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Klaus Iohannis nhấn mạnh, Romania cần phải chặn đứng tệ nạn tham nhũng đang lây lan trong giới chức cấp cao. Ngày 18/11/2014, Tổng thống Klaus Iohannis tuyên bố, đảng Dân tộc-Tự do theo đường lối trung hữu của ông sẽ tìm cách hạ bệ chính quyền của Thủ tướng Victor Ponta vào năm sau.

Ngày 15/5, Bộ trưởng phát triển khu vực Liviu Dragnea đã bị tòa án kết tội chủ mưu mua chuộc và giả mạo phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để luận tội cựu Tổng thống Traian Basescu cách đây gần 3 năm (2012-2015), đồng thời tuyên phạt 1 năm tù án treo. Điều này đồng nghĩa với việc dù không phải ngồi tù, nhưng ông Liviu Dragnea sẽ bị cấm tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng phát triển khu vực.

Ông Liviu Dragnea có quyền kháng án lên tòa án phúc thẩm và là thành viên thứ hai trong nội các của Thủ tướng Victor Ponta phải ra đi do liên quan đến bê bối tham nhũng, nhận hối lộ. Gần 3 năm trước (tháng 7/2012), đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Victor Ponta và các đồng minh đã tìm mọi cách để hạ bệ Tổng thống Traian Basescu như thông qua việc trưng cầu dân ý nhằm luận tội ông về hành vi lạm dụng quyền lực.

Theo cáo trạng của các công tố viên, Bộ trưởng phát triển khu vực Liviu Dragnea khi đó là Tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội, đã chỉ đạo cho một số đồng minh thân cận để buộc người dân phải đi bỏ phiếu chống lại Tổng thống Traian Basescu, nhưng bất thành.

Gần 3 tháng trước (15/3), Bộ trưởng Tài chính Darius Valcov đã đệ đơn từ chức sau một loạt cáo buộc tham nhũng. Phát biểu trên kênh truyền hình tư nhân Antena 3, Thủ tướng Victor Ponta cho biết, Bộ trưởng Tài chính Darius Valcov bị cáo buộc nhận hối lộ 2 triệu euro khi đang giữ chức Thị trưởng thành phố Slatina (2010-2013), để hậu thuẫn một công ty tư nhân nhận được các hợp đồng công.

Tổng thống Klaus Iohannis.

6 tháng trước (14/12/2014), Thủ tướng Victor Ponta từng cải tổ nội các, và Bộ trưởng Tài chính Ioana Petrescu, cùng Bộ trưởng Năng lượng Razvan Nicolescu, phải ra đi. Khi đó, ông Darius Valcov là Bộ trưởng Ngân sách, là thành viên của đảng cầm quyền, nên được Thủ tướng Victor Ponta bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, sau khi sáp nhập 2 bộ này. Nhưng chỉ sau 3 tháng tại vị, Bộ trưởng Tài chính Darius Valcov đã phải ra đi.

Trước đó (11/2), cơ quan chống tham nhũng quốc gia thông báo, cựu Bộ trưởng Du lịch Elena Ydria (2008-2012) đã bị bắt vì tội lạm dụng quyền lực và rửa tiền. Cựu Bộ trưởng Du lịch Elena Udrea là thủ lĩnh đảng Phong trào Nhân dân đã bị bắt sau khi Quốc hội nhất trí bãi miễn vai trò nghị sỹ của bà để phục vụ công tác điều tra.

Gần 7 tháng trước (22/11/2014), giới truyền thông Romania cho biết, Trưởng công tố phụ trách các cuộc điều tra về khủng bố và tội phạm có tổ chức Alina Bica đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng, gây thất thoát cho chính phủ hơn 60 triệu euro. Liên minh châu Âu từng nhiều lần bày tỏ quan ngại trước vấn nạn tham nhũng trong chính quyền Romania sau khi nước này gia nhập EU năm 2007.

Tuệ Sỹ
.
.
.