Khi “bà cớm” lên cơn

Thứ Hai, 24/10/2016, 12:17
Ở Mỹ, cảnh sát bắn chết nghi can là chuyện thường ngày. Nhưng vụ này khiến dân chúng thấy mới lạ ở chỗ: người bị bắn không vũ trang, và người bắn là một nữ cảnh sát. Chuyện xảy ra tối 16-9 tại thành phố Tulsa (bang Oklahoma).

Chuyện rồi cũng phải ra tòa, phán xét công minh và nhanh chóng. Và lần này, có vẻ nữ cảnh sát thua. Hôm 22-9, nữ sĩ quan cảnh sát Betty Jo Shelby bị buộc tội ngộ sát cấp độ 1, bị bắt, nhốt đến sáng 23-9 thì được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại chờ ngày hầu tòa.

Bà có thể bị tù từ 4 năm đến chung thân, nếu bị tuyên phạm tội giết người. Trong một tuyên bố, nữ Thống đốc bang Mary Fallin nói hy vọng quyết định buộc tội ngộ sát đối với Shelby làm yên lòng gia đình Crutcher và kêu gọi người dân kiềm chế, chờ tòa xét xử.

“Anh ngố” cũng ghi hình vụ việc

Nạn nhân của Shelby là Terence Crutcher, một người đàn ông da màu. Vụ việc đã được một nhân chứng dùng điện thoại ghi hình, trong đó có tiếng hét của Shelby: “Đã bắn!”.

David Shelby, chồng Shelby cũng là cảnh sát, quan sát tình hình từ trực thăng cảnh sát và cũng thu hình nhưng cả hai đoạn phim đều mờ. Một thông tin đoạn băng ghi từ trực thăng nêu người chồng có trao đổi với một đồng nghiệp, và họ tin rằng vợ ông đã bắn súng phóng điện Taser. Một sĩ quan nói người chồng “như anh ngố”.

7 giờ 30 tối hôm ấy, một cuộc gọi điện thoại đến số khẩn cấp 911 của Sở Cảnh sát Tulsa, cảnh báo một chiếc xe đậu giữa đường “sắp nổ tung”. Cảnh sát trưởng cho biết Shelby đã kịp thời có mặt.

Trong video của nhân chứng ghi nhận Crutcher, 40 tuổi, giơ hai tay lên trời  nhưng vẫn tiến tới chiếc xe của ông ta đang đậu giữa đường và nổ máy. Phía sau là nhiều cảnh sát bám sát, súng chĩa lên. Crutcher tiến tới cửa bên tài xế, nhưng vài giây sau, ông ta té xuống đất chết. 

Luật sư của Shelby cho biết bà đã rút súng, lệnh cho Crutcher đứng lại, nhưng ông ta không tuân lệnh và bà nã đạn do đối tượng bắt đầu mở cửa xe, trong khi một nam cảnh sát đứng cạnh đã bắn súng phóng điện Taser vào người nạn nhân vì “tay trái Crutcher mở cửa xe”.

Ông cũng nói Shelby cho rằng Crutcher ứng xử như người vừa “phê” ma túy, và  một cảnh sát cho biết trong xe có loại ma túy phencyclidine (PCP). Một ống PCP có trong xe, theo cảnh sát.

Vị luật sư còn lưu ý nạn nhân phớt lờ lệnh của Shelby cấm Crutcher đưa tay vào túi: “Bị cáo sợ Crutcher có thể có súng”, đồng thời cho biết đã có nhiều cuộc điện thoại nặc danh dọa giết Shelby.

Nữ cớm có tiền sử hung hăng

Sau khi bị bắt. Shelby khai với nhân viên điều tra của FBI: bà tin rằng nghi phạm có vũ khí, nhưng thực chất thì Crutcher không hề có vũ khí trong người hoặc trong xe của anh ta.

Công tố viên Steve Kunzweiler cáo buộc Shelby hành động hung hăng hơn cả các nam sĩ quan đứng cạnh. Theo cáo trạng, Shelby bị kết tội phản ứng quá đáng với việc Crutcher không tuân lệnh, và bị nhận định là sợ chết dù bà không nhìn thấy chứng cứ nạn nhân xấu số có vũ khí.

Công tố viên viết: “Sĩ quan Shelby sợ nên có hành động không hợp lý, dù Crutcher không tuân lệnh và vẫn bước tiếp, dẫn đến việc bà ấy phản ứng quá mức. Dù có nam đồng nghiệp bắn súng Taser nhưng bà ấy vẫn rút súng bắn đạn thật”.

Shelby 42 tuổi, hành nghề cảnh sát được 5 năm nay, làm việc ở Sở Cảnh sát Tulsa từ tháng 5-2007  đến tháng 11-2011. Sở này cho biết Shelby liên quan đến một vụ sử dụng vũ lực khác, khi cùng các nhân viên cầm súng bước vào một ngôi nhà trong lúc muốn thực hiện một lệnh bắt.

Theo lý lịch trình Sở Cảnh sát Tulsa khi xin việc, Shelby cho biết đã hai lần lấy chồng, đang chuẩn bị lấy bằng đại học. Bà từng là quản lý một cửa hàng, làm trợ giảng và là học viên ở một đơn vị không quân thuộc Vệ binh quốc gia, trước khi bị loại do bị bong gân đầu gối.

Bà cũng xác nhận từng “chơi”ma túy hai lần khi 18 tuổi. Và năm 1993,mối quan hệ với một bạn trai của bà kết thúc, bằng vụ người này dùng cuốc đập xe của bà, và bà cũng dùng cuốc đập lại xe của bạn trai. Hai người đều xin lệnh cấm mỗi bên không được đến gần nhau nhưng đề xuất của họ đều bị bác. 

Năm 2000, Shelby cùng một người chồng cũ tranh nhau quyền nuôi con ở Tòa án tối cao bang Oklahoma. Năm 2002, vợ của chồng cũ yêu cầu được bảo vệ khỏi Shelby, tố cáo bà liên tục dùng điện thoại gây rối, nhưng một quan tòa bác.

Nữ cảnh sát khéo hơn dễ giải tỏa xung đột ?

Theo dữ liệu của Philip M.Stinson, giáo sư hình sự học ở Đại học Bowling Green (bang Ohio) thì mỗi năm Cảnh sát Mỹ bắn chết khoảng 1.000 người, chỉ một số ít nữ cảnh sát ra tay.

Từ năm 2005 có 77 cảnh sát bị buộc giết người hoặc ngộ sát thì chỉ có 3 nữ cảnh sát gồm bà Shelby. 2 người còn lại không bị tuyên án tù. Các lý do nữ cảnh sát ít giết người hơn đồng nghiệp nam đã là chủ đề của một nghiên cứu hạn chế, và được cho là có nhiều yếu tố, như họ chỉ chiếm 15% trong toàn lực lượng. Hiện có hơn 100.000 nữ cảnh sát ở Mỹ, trong số đó nhiều người giữ chức vụ cao ở các thành phố lớn.

Các lý do khác từ việc tương đối thiếu phụ nữ làm những việc nguy hiểm nhất của nghề cảnh sát - như theo dõi băng đảng tội phạm-cho đến lý do phổ biến nhưng chưa chứng minh được: nữ cảnh sát khéo léo ngoại giao hơn, ít đối đầu hơn nam đồng nghiệp. Từ những năm 1990, các sở cảnh sát Mỹ bắt đầu tuyển phụ nữ nhiều hơn, nhằm tìm cách giảm thiểu việc nam cảnh sát thường hành động quá tay.

Nhưng báo New York Times đã phỏng vấn nhiều nữ cảnh sát, dẫn lời họ rằng nam cảnh sát cũng giỏi tiếp xúc với nghi phạm, và nữ giới vì không có ưu thế về thể hình, nên họ tìm cách hóa giải tình hình ngay từ đầu, bằng nỗ lực đối thoại hơn là dùng đến sức mạnh.

Khi Penny Harrington trở thành nữ chỉ huy cảnh sát đầu tiên của một thành phố lớn (Sở Cảnh sát Portland) năm 1964, phụ nữ phải mặc thường phục và giấu súng trong bóp. Lúc đó, nữ cảnh sát ở Portland không được phép tuần tra đường phố. Nhưng khi càng có thêm nữ cảnh sát hồi những năm 1970, nhiều nam đồng nghiệp phàn nàn nữ cảnh sát không phù hợp với nghề - xét trên phương diện cảm xúc và họ sẵn sàng dùng vũ lực, vì họ nhỏ con hơn, không thể trấn áp đối tượng bằng cách biện pháp khác.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)
.
.
.