Xét xử đại án Phạm Công Danh - Trầm Bê:

Khi các bị cáo "làm xiếc", thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Thứ Năm, 18/01/2018, 17:46
Những diễn biến tại phiên tòa cũng cho thấy một bức tranh khá rõ ràng về những lỗ hổng “cực lớn” để các bị cáo lợi dụng “làm xiếc” với hàng ngàn tỷ đồng, gây thiệt hại nặng nề cho các ngân hàng và nền kinh tế đất nước.


Khi hàng ngàn tỷ đồng bị  "làm xiếc"

Phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) giai đoạn 2, với 46 bị cáo; tòa còn triệu tập 200 người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan với 73 luật sư tham gia bào chữa. Phòng xử án chỉ đủ chỗ cho bị cáo và một số luật sư; phía bên ngoài, nhiều luật sư, thư ký và các đương sự phải theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi.

Theo cáo trạng và qua theo dõi những ngày diễn ra phiên tòa vừa qua, có thể thấy nổi rõ một điều là hàng ngàn tỷ đồng đã được “làm xiếc” một cách quá dễ dàng. Nhóm bị cáo ngân hàng thì cho nhau vay hàng nghìn tỷ đồng, nhập vào, rút ra cũng hết sức thoải mái. Tiền tỷ tạm ứng, nói để xây dựng công trình nhưng sử dụng cho việc khác bất chấp hậu quả…

Nói một cách khách quan thì phiên tòa xét xử giai đoạn 2, dù bị cáo chính vẫn là ông Phạm Công Danh, tuy nhiên nhân vật gây sự chú ý lớn của dư luận lại là Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank). Lý do vì xung quanh nhân vật này có khá nhiều điều đặc biệt.

Điều đáng nói là sau 3 tháng bị bắt tạm giam, đại gia một thời - Trầm Bê xuất hiện trước tòa với gương mặt khá tươi tắn. Trong khi đó, bị cáo chính Phạm Công Danh ra tòa lần này trong tình trạng sức khỏe yếu hơn so với phiên tòa lần trước vào tháng 1-2017.

Ngay từ những ngày đầu xét xử, các ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- BIDV), Trần Quý Thanh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) là những cái tên (có nghĩa vụ liên quan) được chờ đợi sẽ xuất hiện tại phiên tòa. Tuy nhiên, cả ba đại gia này đều vắng mặt. Chỉ có ông Trần Quý Thanh và Trần Bắc Hà cử người đại diện theo ủy quyền tham gia.

Theo các luật sư, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền gây thiệt hại của ông Phạm Công Danh và đồng phạm lên đến 6.127 tỷ đồng. Vì vậy, việc có mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là rất cần thiết để giúp HĐXX làm rõ các tình tiết xung quanh của vụ án. 

Chủ tọa phiên tòa cho biết, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập nhưng vắng mặt khá nhiều. Tuy nhiên, những người này đã khai báo đầy đủ, rõ ràng tại cơ quan điều tra nên HĐXX vẫn tiếp tục làm việc.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Song Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSND) lại cho rằng sự vắng mặt của những người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến đại án Phạm Công Danh - Trầm Bê có thể ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên tòa. Do vậy, Viện KSND đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), Trần Lục Lang (Phó Tổng giám đốc BIDV)…

Đặc biệt, ông Trần Bắc Hà bị cho có liên quan vụ án Phạm Công Danh khi ký chủ trương cho 12 công ty do ông Danh lập nên vay vốn với số tiền lên tới 4.700 tỷ đồng và giao cho 4 chi nhánh thực hiện việc cho vay. 

Tuy nhiên, hồ sơ công bố trước tòa nhận định: “Kết quả điều tra cho thấy không đủ căn cứ xác định ông Trần Bắc Hà và các thành viên Phân ban của BIDV đồng phạm với ông Phạm Công Danh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự ông Trần Bắc Hà và các thành viên”.

Nhắc đến ông Phạm Công Danh, dư luận bức xúc về số tiền gây thiệt hại lên đến hơn 9.000 tỷ đồng mà TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vào tháng 1-2017 và cấp phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm đối với Phạm Công Danh 30 năm tù về hai tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, Phạm Công Danh còn liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - Oceanbank) gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng và bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vào cuối tháng 8-2017.

Như vậy, với phiên tòa xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2, cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB 6.127 tỷ đồng đang diễn ra, với khung truy tố tội danh cho Phạm Công Danh như nêu trên thì tổng hợp các hình phạt từ nhiều vụ án do Phạm Công Danh gây ra với số tiền thiệt hại cực lớn là hơn 15.600 tỷ đồng nhưng có lẽ lĩnh chung hình phạt vẫn là… 30 năm tù(?).

Chỉ sau hai lần gặp, Trầm Bê đã quyết định cho vay 1.800  tỷ đồng?

Điều đáng nói là tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2 này, Phạm Công Danh giải thích lý do mình sai phạm cố ý làm trái… là do áp lực tăng vốn điều lệ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên 4.500 tỷ đồng nên cần lượng tiền rất lớn.

Theo bị cáo Danh, vào thời điểm tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (Trustbank - sau đổi tên là VNCB), tình trạng của ngân hàng này đã rất xấu. Trong các cuộc họp với NHNN, Phạm Công Danh khai rằng mình đã xin giãn tiến độ tăng vốn điều lệ, để có thời gian xử lý, giúp ngân hàng thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên và vực dậy hoạt động nhưng không được chấp thuận.

Và sau đó để có tiền nâng vốn điều lệ cho VNCB và trả lãi ngoài lên tới hàng ngàn tỷ đồng cho ông Trần Quý Thanh, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã làm giả nhiều bộ hồ sơ, gặp lãnh đạo các ngân hàng BIDV, Sacombank… để thuyết phục, vay hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Danh cũng thừa nhận hành vi lập 12 công ty (không hoạt động trên thực tế, nhờ nhân viên, bảo vệ, lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên làm giám đốc) để vay tiền các ngân hàng là sai, nhưng ông khẳng định nếu NHNN không thúc ép thì ông sẽ không làm những việc như vậy để vay 4.700 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB.

Sau khi được BIDV chấp nhận giải ngân cho vay 4.700 tỷ đồng thì 4.000 tỷ đồng đã được Danh cho chuyển vào tài khoản VNCB để tăng vốn điều lệ. Sau khi giải ngân, các công ty vay vốn do Danh lập ra đều không kinh doanh theo phương án trả nợ nên phải lấy một phần tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và VNCB phải dùng tiền gửi bảo lãnh trả nợ thay, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê.

Nói về nguồn gốc khoản tiền bảo lãnh 3.070 tỷ đồng để vay tiền, theo bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), phần lớn cân đối trên nguồn tiền từ thị trường 1 (huy động từ các tổ chức và dân cư). Số tiền này được gửi qua Ngân hàng BIDV, ký hợp đồng bảo lãnh. Bị cáo Mai khai xét về bản chất, nó như một khoản bảo lãnh còn trên hợp đồng thì nó là tiền gửi có kỳ hạn.

Về số tiền vay 4.700 tỷ đồng, bị cáo Mai cho biết dùng 4.500 tỷ đồng để tăng vốn cho VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng theo yêu cầu của NHNN. Con số 200 tỷ đồng còn lại có thể được dùng để chi chăm sóc khách hàng.

Và khi được HĐXX hỏi tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đứng tên các công ty “ma” này đều khẳng định chỉ biết ký tên, không biết nội dung gì, không được hưởng lợi gì. Đáng nói, có bị cáo lương hơn 3 triệu/tháng, nhưng được bị cáo Danh nhờ đứng tên chủ doanh nghiệp, ký tên vay hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, nhóm bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới Ngân hàng BIDV, khi được HĐXX hỏi đều trả lời đã “làm đúng” quy định và cho rằng “có thiếu sót cũng chỉ là sơ suất chứ không cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” (!?). 

Các bị cáo thuộc nhóm này khẳng định, hồ sơ vay vốn của các công ty - doanh nghiệp mà Phạm Công Danh “đạo diễn” đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Và theo đó họ đã “làm đúng, chỉ hơi chủ quan, thiếu sót” (!?)

Về trách nhiệm của bị cáo Trầm Bê trong việc đồng ý cho Phạm Công Danh vay khoản tiền tín dụng lớn - 1.800 tỷ đồng tại Ngân hàng Sacombank, ông Trầm Bê cho biết có tiếp xúc với ông Danh mỗi lần khoảng 23-30 phút và tổng cộng có gặp ông Danh hai lần. “Khoản cho vay 1.800 tỷ đồng là hạn mức tín dụng thuộc cấp độ tôi được xử lý nên tôi phải gặp khách hàng. Không chỉ riêng ông Danh mà những khách hàng thuộc phạm vi xử lý của tôi thì tôi gặp”, ông Bê trả lời HĐXX.

Bị cáo Trầm Bê cũng nhấn mạnh quan điểm cho vay của ông là bắt buộc phải có tài sản thế chấp là bất động sản hoặc tiền gửi thì mới cho vay. Sau đó, ông đã tin tưởng giao cho Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) tổ chức thực hiện cho ông Danh vay theo quy định.

Với số tiền vay được tại Ngân hàng Sacombank thì có hơn 1.600 tỷ đồng bị cáo Danh dùng để trả nợ khoản vay trước đó tại BIDV và chuyển về tài khoản cá nhân Danh để chi tiêu hơn 160 tỷ đồng. (Ngoài ra, số tiền vay tại Ngân hàng Tiên Phong - TPbank gần 1.700 tỷ đồng tiếp tục được Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cũ tại các ngân hàng khác và chi tiêu cá nhân).

Theo cáo trạng, kết quả giám định của NHNN xác định, việc Sacombank cho 6 công ty “ma” của ông Phạm Công Danh vay khoản tiền 1.800 tỷ đồng đã vi phạm vào Luật Tín dụng. 

Cụ thể, Sacombank đã quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng. Ngoài ra, việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn tại Sacombank cũng đã gây thiệt hại cho chính VNCB số tiền là hơn 1.800 tỷ đồng.

Điều đáng nói, theo cáo trạng, dù ông Trầm Bê hầu tòa nhưng trong vụ án thì Sacombank không những thu hồi được nợ, mà còn thu được lãi từ Phạm Công Danh.

Cũng theo cáo trạng, Viện KSND đã đề nghị tòa làm rõ kết luận giám định thiệt hại thuộc về Ngân hàng VNCB nên trong quá trình điều tra, Viện KSND đã có yêu cầu về việc thu hồi số tiền hơn 6.127 tỷ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả. 

Nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện. Bởi tại tòa, điều tra viên phụ trách vụ án của Cục C46 cho biết các khoản tiền gửi tại các ngân hàng đã tất toán. Hành vi gửi tiền chưa có kết luận sai, tất toán cũng chưa có kết luận sai nên không có cơ sở để thu hồi làm bằng chứng, vật chứng của vụ án…

Dù việc xét xử đại án này còn kéo dài đến ngày 7-2-2018, tuy nhiên, với những diễn biến tại phiên tòa cũng cho thấy một bức tranh khá rõ ràng về những lỗ hổng “cực lớn” để các bị cáo và những người liên quan lợi dụng “phù phép, làm xiếc” với hàng ngàn tỷ đồng, gây thiệt hại nặng nề cho các ngân hàng và nền kinh tế đất nước. 
Phú Lữ
.
.
.