Khi nhà sinh học quân sự sang nước ngoài làm việc

Thứ Ba, 21/07/2020, 08:42
Tháng 6/2019, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã tuyên bố đình chỉ công việc của các nhà sinh học quân sự Mỹ tại "Phòng thí nghiệm chuẩn mực trung ương" (CRL - một trong những phòng thí nghiệm khoa học tốt nhất của nước này)…


Tuyên bố của ông Tokayev nói về CRL, có địa điểm nằm cách Alma-Ata không xa là bao. CRL chỉ là một trong số những cơ quan thuộc màng lưới khoa học của Pentagon đặt ở Trung Á. "Cơ quan Ngăn chặn nguy cơ" (DTRA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ vốn đảm nhiệm việc nghiên cứu những vũ khí sát thương hàng loạt còn mở thêm 5 phòng thí nghiệm khác thuộc Trung tâm khoa học Kazakhstan và 2 phòng thí nghiệm nữa tại Uzbekistan. Các phòng thí nghiệm này được trang bị những thiết bị tối tân, cho nên đây là nơi Mỹ đã đầu tư một khoản tiền rất lớn.

Khoảng  400 triệu USD của DTRA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã đổ vào để tạo nên màng lưới phòng thí nghiệm sinh học ở Kazakhstan, và còn 165 triệu USD nữa - cho hai phòng thí nghiệm ở Uzbekistan. Chi phí lớn như thế đâu có được giải thích bởi mối quan tâm khoa học thuần túy.

Trong năm 2000, người Mỹ chủ yếu nhằm mục đích là chuyển các tài liệu lưu trữ và bộ sưu tập các mẻ vi trùng thu thập được bởi các viện nghiên cứu khoa học của Liên Xô tích cóp trong nhiều năm, về sau, DTRA chuyển chúng sang những nghiên cứu sinh học của riêng mình, tuy rằng những nhà sinh học tiến hành việc đó là quân nhân - tức là việc bí mật quân sự trong các nghiên cứu của họ không nhiều.

Ở Kazakhstan đã có "Phòng thí nghiệm chuẩn mực trung ương".

Các trường đại học phương Tây đòi hỏi ở các nhân viên một trình tự quy chuẩn về việc công bố, cho nên ngay cả các nhà khoa học làm việc theo các dự án quân sự cũng bắt buộc phải đăng ký trước những kết quả nghiên cứu của mình. Căn cứ vào những bài đã đăng, có thể đối chiếu một số hình dung về hoạt động của các nhà khoa học Mỹ ở Kazakhstan.

Theo thống kê về việc tài trợ cho các nghiên cứu được in trong những nguồn tin công khai, trong 8 năm qua ở Kazakhstan đã thực hiện không dưới 28 dự án theo đơn đặt hàng của quân đội Mỹ, trong đó không chỉ có các chuyên gia sở tại mà cả các quân nhân của Trung tâm Y tế Bộ Quốc phòng Mỹ (có trụ sở đặt tại tiểu bang Maryland vùng Trung Đại Tây Dương nước Mỹ), các nhân viên của Viện Vi trùng học Bundeswehr (tại München, CHLB Đức) và các phòng thí nghiệm quân sự tại Porton Down (một công viên khoa học ở Wiltshire, Anh).

Đề tài chủ yếu của các công trình tiến hành tại Trung Á là nghiên cứu những bệnh tiêu biểu trong khu vực gây nguy hiểm cho con người và các phương pháp lây truyền chúng qua hệ động vật địa phương. Trong số những mục tiêu nghiên cứu có dịch hạch, bệnh than, bệnh sốt làn sóng và coronavirus. Làm việc với động vật và côn trùng truyền nhiễm các bệnh ấy thì cần phải tiến hành công việc tại các địa phương.

Việc thu thập các mẻ vi trùng sau khi nghiên cứu sơ bộ tại địa phương sau đó mới chuyển đến các trung tâm nghiên cứu của các nước NATO. Những tài liệu, dữ liệu như thế có thể được sử dụng vào những mục đích khác nhau - có khi dân sự, hoặc có khi là không. Các vấn đề đụng chạm đến mục đích đã xuất hiện trong đầu các cư dân trong vùng từ khá là lâu, nhưng đã qua nhiều năm chỉ được xem xét "qua kẽ ngón tay".

Những sự trùng lặp?

Đầu tiên, lý do để nghi ngờ các chuyên gia nước ngoài thiếu cẩn thận trong việc tiếp xúc, bảo quản các vi trùng nguy hiểm đã xuất hiện từ năm 2007. Khi đó, tại Viện Vi trùng học ở Tashkent (Uzbekistan) đã mở một phòng thí nghiệm của Mỹ, Pentagon chu cấp một ngân sách quân sự cho việc nghiên cứu bệnh sốt làn sóng do vi khuẩn (brucella) ở Uzbekistan và Kazakhstan. Những dự án đó mang tên mật mã là UZ-4 ở Uzbekistan và KZ-2 Kazakhstan.

 Ngay vào năm sau, trên toàn khu vực ghi nhận sự bùng phát gay gắt của bệnh brucella và xuất hiện bệnh than. Đợt bùng phát tiếp theo của bệnh brucella ở Uzbekistan được ghi nhận khá cẩn thận sau khi khai trương các phòng thí nghiệm Mỹ tại Andijan và Fergana vào năm 2013.

Đúng năm đó ở Kazakhstan, trong khuôn khổ dự án KZ-29 bắt đầu triển khai nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) với sự tham gia của các chuyên gia từ Bộ Quốc phòng Mỹ và Công viên khoa học Porton Down (Anh). Các nhà sinh học đã nghiên cứu loài ve lan truyền bệnh này ở miền nam Kazakhstan tại căn cứ của "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm" ở Alma-Ata.

Chưa qua được một năm kể từ ngày triển khai nghiên cứu, tại miền nam Kazakhstan đã ghi nhận sự bùng phát dữ dội của chính căn bệnh này, mà kẻ gieo rắc bệnh chính là loài ve. Hơn thế nữa, đồng thời, sự bùng phát bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo được ghi nhận ở khu vực đặt "Trung tâm nghiên cứu sức khỏe xã hội mang tên Richard Lugar" của Mỹ đặt tại Gruzia.

Từ năm 2017, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga do nghi ngờ có liên can đến sự bùng phát dịch bệnh sốt cao ở miền nam đất nước đã cố gắng tiếp cận trung tâm này. Còn năm 2018 cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia Gruzia Igor Giorgadze tuyên bố rằng Mỹ đã có thể tiến hành những cuộc thí nghiệm bí mật trên con người ở đó.

Trong số hàng trăm hàng ngàn tài liệu được các bạn bè ở Gruzia chuyển cho phóng viên của Lenta.ru, chỉ cần nghiên cứu một phần cũng có thể xác nhận lời của cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia Gruzia là đúng. 

Còn một sự trùng hợp lạ lùng nữa được ghi nhận vào năm 2017. Trong khuôn khổ dự án KZ-33, Bộ Quốc phòng Mỹ còn tiến hành ở Kazakhstan những nghiên cứu về sự lây lan của coronavirus bởi loài dơi (nó không truyền sang người nhưng cũng như nhiều loại virus khác, chúng có khả năng biến tướng) tại căn cứ của Viện nghiên cứu khoa học Các vấn đề an toàn sinh vật. Các chuyên gia đã phát hiện những cá thể truyền nhiễm trong lần khảo sát hang động đầu tiên.

Đối với Kazakhstan, những động vật mang virus tiêu biểu thường gây ra các bệnh như bệnh than, sốt xuất huyết Crimean-Congo, brucella và dịch hạch.

Nước Mỹ không bao giờ bình luận về hoạt động ở các phòng thí nghiệm của mình tại Trung Á ở khía cạnh mối liên quan có thể có của mình với sự bùng phát những đại dịch đang nghiên cứu. Thực ra, sau một vài năm, trong những bài báo của các nhà sinh học quân sự Mỹ có đề cập vấn đề vận chuyển các mẫu vật từ dự án KZ-29 - tức là từ phòng thí nghiệm Mỹ ở Kazakhstan, nơi nghiên cứu virus gây bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) và trong khu vực đó xảy ra sự bùng phát căn bệnh đó đồng thời với với ở Gruzia. Từ ví dụ trên dự án KZ-29 có nhắc đến tầm quan trọng và tính phức tạp của việc nâng cao minh bạch khoa học thông qua con đường trao đổi các mẫu vật.

Còn một lý do nữa để cảm thấy bất an: năm 2018, một nhóm nhà khoa học phương Tây công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng Science một bài báo căn cứ vào những nguồn mở đã chứng minh rằng quân đội Mỹ đổ tiền vào các công trình nghiên cứu vũ khí sinh học, vi phạm công ước đã ký năm 1972. Điều này gián tiếp khẳng định tại sao Mỹ lại khăng khăng từ chối việc phê chuẩn Biên bản về cơ chế thanh tra những kết quả nghiên cứu sinh học của các nước thành viên. Vì thế cho nên các nước khu vực Trung Á có tất cả cơ sở để thử thách sự thiếu tin cậy, và coi các trung tâm thì nghiệm sinh học của Mỹ là nguy cơ quân sự.

Mối quan hệ quá ư chặt chẽ

Mới đây, Bộ Ngoại giao Kazakhstan đã bác bỏ quyền kiểm soát của Pentagon trên những phòng thí nghiệm do họ xây dựng, như vậy có nghĩa là Kazakhstan đã bắt đầu công nhận về mặt hình thức quyền sở hữu của những viện nghiên cứu và bộ ngành chức năng của mình. Song, có vẻ như Washington đang kiểm soát không chỉ cơ quan của riêng họ, mà cả những trung tâm khoa học mà người Mỹ đã chọn làm căn cứ.

Mới đầu, quản lý 6 phòng thí nghiệm DTRA ở Kazakhstan được thực hiện theo giao ước với hãng CH2M Hill (Colorado) và Jacobs Engineering Group (Texas) của Pentagon, hai hãng này rất có tai mặt trong hàng trăm đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ở Uzbekistan thì chức năng tương tự được thực hiện theo cam kết với hãng quốc phòng Mỹ Bechtel (có trụ sở đặt tại bang Virginia). Về sau, chức năng quản lý chuyển sang "Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung Á CDC" được mở bởi Đại sứ quán Mỹ tại Nur-Sultan (thủ đô của Kazakhstan từ năm 1998 đến năm 2019).

Đứng đầu trung tâm này là một người có tên Daniel Singer, được các nhà ngoại giao giới thiệu như là một tiến sĩ, dẫu rằng trong thực tế chính là commander (mang hàm trung tá) của cơ quan y tế quốc phòng thuộc Không lực Mỹ, đã có thời gian dài phục vụ cho công tác tình báo sinh học. Ông này nắm trong tay rất chắc không chỉ Phòng thí nghiệm y học ở Alma Ata mà Tổng thống Kazakhstan Tokayev vừa tuyên bố đóng cửa, còn nắm cả "Trung tâm Vi trùng đặc biệt nguy hiểm" là nơi đặt Phòng thí nghiệm.

Bây giờ các đại diện của cơ quan ông ta vẫn đang kiểm soát không chỉ những công việc đang tiến hành ở "Trung tâm Vi trùng đặc biệt nguy hiểm", mà còn tham gia kiểm tra tất cả các cơ sở điều trị và viết kiến nghị cho chính quyền Kazakhstan.

Thế nhưng điều đặc biệt là thông tin về người của ông Singer với những hoạt động tương tự lại không hề bị giấu đố, các chi tiết của nó được ông Giám đốc "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm" Toktasyn Erubayev hồn nhiên thông báo cho tất cả các nhà báo Kazakhstan. Ông ta kể rằng ngay từ đầu đại dịch COVID-19, các nhà khoa học của Trung tâm đã cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp Mỹ ở "Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung Á CDC" soạn thảo hệ thống xét nghiệm, cùng đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân của cơ quan điều trị tại các thành phố ở Kazakhstan và rà kiến nghị cho Bộ Y tế Kazakhstan.

Xin nhắc lại, CRL được xây dựng vào tháng 9-2017, các trang thiết bị đều từ nguồn tiền của Mỹ trong khuôn khổ chương trình phối hợp giảm thiểu các nguy cơ sinh học. Trong CRL có phòng thí nghiệm để tiến hành công việc với những bệnh có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt là với vi trùng gây ra bệnh sốt cao.

Các nhà sinh học Kazakhstan coi sự giám sát chặt chẽ của Mỹ là điều cần thiết, cũng như sự thanh tra của Ủy ban phối hợp quốc phòng của thượng viện Mỹ và Bộ Quốc phòng Kazakhstan. Cuộc thanh tra gần đây nhất đã diễn ra tại đó vào tháng 8-2019. Vấn đề ở chỗ: "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm" là thuộc cấp của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) đang chỉ huy các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Iraq và Syria - trong các tài liệu đã giải mật về 5 chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ 2017-2018 có ghi rõ ràng như thế.

Ngang bằng với "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm" ở Kazakhstan là Viện Vi trùng học Tashkent ở Uzbekistan, nơi DTRA tiến hành cuộc nghiên cứu gây tranh cãi về brucella trùng với sự bùng phát dịch trong vùng. Nhưng sự cộng tác với Pentagon không bị hạn chế: tháng 2-2020, lãnh đạo của Trung tâm ở Kazakhstan ký kết một thỏa thuận bí mật với Viện Vi trùng học Bundeswehr (tại München, CHLB Đức).

Tại Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm Alma-Ata.

Phải nói thẳng ra là việc các cơ quan nhà nước Kazakhstan bảo đảm không giấu đố cho các chiến dịch của Mỹ và NATO từ lâu đã gây lo ngại cho Trung Quốc, Nga và các nước Cộng hòa liên minh theo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB) - một liên minh quân sự giữa các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga với Tajikistan - và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 bởi lãnh đạo các quốc gia: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan).

Ngay từ năm 2018, Moskva đã thể hiện sự bất an đối với công việc không kiểm soát của các phòng thí nghiệm sinh học Mỹ đặt ngay sát sườn mình và đòi hỏi phải đưa ra được giấy phép đầy đủ cho các hoạt động nghiên cứu. Các cơ quan đặc nhiệm và giới khoa học của Nga phản ứng căng thẳng về sự xuất hiện của những "trung tâm thí nghiệm" ấy, họ không ngoại trừ rằng sau này chúng có thể được sử dụng vào việc chống lại Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phải lên tiếng phản đối nhưng không có hồi âm, cuối cùng, vào tháng 4-2020, Bộ Ngoại giao Nga không thể chờ đợi lâu hơn nữa và ra một tuyên bố gay gắt rằng Moskva không thể bỏ qua những mối nguy cơ sinh học xuất phát từ các mục tiêu quân sự Mỹ đặt cạnh biên giới với Nga.

Tuyên bố này trước hết đụng chạm đến "Trung tâm Richard Lugar" ở Gruzia, nhưng cũng nhắc nhở cả nhiều mục tiêu nữa của Mỹ đặt trên lãnh thổ của các nước Cộng hòa thuộc SNG. Về sau, quan điểm của Nga được Trung Quốc - một đối tác then chốt của Kazakhstan - hoàn toàn ủng hộ.

Mỹ đã đặt nhiều phòng thí nghiệm sinh học trên lãnh thổ các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng họ không hề có một lời về công việc, về sự bổ nhiệm những nhân vật, về hệ thống đảm bảo an toàn ở những cơ quan đó - điều này gây nên sự bất an nghiêm trọng.

Nur-Sultan cố phủ nhận sự hiện diện của các nhà sinh học Mỹ trong các phòng thí nghiệm và sự bảo trợ của nước ngoài, điều này có nghe thấy trong các thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Kazakhstan. Tuy nhiên Moskva không chịu để yên và tháng 5-2020 đã một lần nữa chỉ ra những điều đáng ngại.

Sau hội nghị của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể ODKB vào cuối tháng được thông báo là bàn về vấn đề an toàn sinh học, Tổng thống Kazakhstan Tokayev có quan điểm kiến tạo về vấn đề này. Ông hứa sẽ hợp tác với Moskva và sẽ ra điều luật mới về an toàn sinh học, thế nhưng ông không nhận thấy sai lầm của mình là để cho các nhà sinh học NATO vào trong khu vực và Bộ Ngoại giao của ông vận hành chậm trễ.

Tuy nhiên, sự nhân nhượng của Kazakhstan và việc rút các chuyên gia Mỹ khỏi CRL ở Alma-Ata liệu có đặt dấu chấm hết cho các dự án của NATO trong khu vực Trung Á? Vấn đề không chỉ ở chỗ Trung tâm đó chỉ là một phần của màng lưới phòng thí nghiệm Mỹ - NATO.

Những sợi dây vô hình

Ngoài sự lệ thuộc tài chính vào Mỹ của "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm" và những cơ quan khác, khoa học Kazakhstan còn liên kết chặt chẽ với những quan hệ riêng tư khác. Đối với những cộng tác viên sáng giá, họ có những "lưỡi câu" đại loại như cơ hội làm việc tại Mỹ, ví dụ, Kairrat Tabynov ở Viện nghiên cứu Các vấn đề an toàn sinh học, nơi người Mỹ nghiên cứu coronavirus - ông này đã có vài năm làm việc ở CH2M và Jacobs Engineering.

Rồi Lyazatt Musralina từ Viện Di truyền học đã từng làm việc tại AECOM - một hang Mỹ đã xây dựng CRL theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ - và đã cùng với nhóm các nhà khoa học Kazakhstan đi thực tập ở căn cứ Hải quân Mỹ tại Silver Spring. Cùng thực tập với người này còn có Talgat Nurmakhanov hiện là lãnh đạo phòng thí nghiệm những ổ virus gây nhiễm và "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm", có Gulnar Omasheva, lãnh đạo phòng thí nghiệm những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm ở một trung tâm khoa học khác. Những người đó về nước đã không chỉ một lần cộng tác với Allan Richards - trung úy hải quân, là một trong nhóm tác giả chuyên lo đặt những phòng thí nghiệm DTRA trên lãnh thổ các nước khác.

Ông giám đốc "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm" Toktasyn Erubayev cũng có quan hệ chặt chẽ với commander Singer và giữ mối liên lạc với đại tá Saba, với Trưởng ban Y tế của đặc nhiệm Mỹ J. Callahan, với John Mott quản trị của "Trung tâm Lugar" đặt tại Tbilisi. Vòng giao tiếp như thế phù hợp với quân nhân Mỹ hơn là với các nhà sinh học Kazakhstan và người phụ trách cơ quan nhà nước lo việc giữ gìn bí mật quốc gia.

Ngoài "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm", Mỹ còn sử dụng cơ quan Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc tế ở Nur-Sultan để che giấu các hoạt động nghiên cứu sinh học ở Trung Á. Trung tâm này có đại biểu của một số nước SNG và trên thực tế 95% ngân sách được các nước NATO tài trợ, trong đó trên phân nửa là do Mỹ đóng góp. Đứng đầu trung tâm là ông Ronald Lehman - từng làm lãnh đạo cơ quan kiểm soát vũ khí ở Washington, còn quyền Giám đốc Trung tâm là David Cleave kiêm một nghề không rõ ràng trong quân đội Anh, trước đây làm việc ở những nước thuộc thế giới thứ ba và Ukraina.

"Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc tế" là cơ quan trung gian thuận tiện để tổ chức nghiên cứu ở các nước liên minh với Nga theo hiệp ước ODKB. Ví dụ, Bộ Quốc phòng Anh bỏ ra 617 nghìn bảng cho nghiên cứu các phương pháp lây truyền bệnh brucellaà ở Tajikistan, nhưng các cơ quan, tổ chức nhà nước, ví dụ Viện Thú y Tajikistan vì nhiều nguyên nhân nên  không phải lúc nào cũng có thể nhận được tiền từ quân đội nước ngoài gửi đến, cho nên phải đi vòng qua Kazakhstan rồi mới vào Tajikistan như thể tiền của tổ chức quốc tế và đến Viện trong khuôn khổ dự án T-2199 của "Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc tế".

Quân đội Hoàng gia Anh tuy không được nhắc đến nhưng lại nhận được kết quả mong muốn, còn quân nhân Anh David Cleave thì cứ việc ngủ ngon với cảm giác làm tròn bổn phận. Tài chính đi qua con đường vòng vèo như thế không cho phép tiến hành những thí nghiệm mang tính phiêu lưu mạo hiểm như mở ra một cơ quan của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Kazakhstan. Mà việc thu hút các chuyên gia quân sự vào nghiên cứu thì khá là phức tạp. Thế nhưng quân đội các nước NATO lại nhận được dẫu chỉ là một phần những thông tin cần thiết về tình hình dịch tễ ở khu vực.

Quyết định rút người Mỹ khỏi Alma-Ata của Tổng thống Tokayev là một bước đi đúng đắn, nhưng vẫn còn chưa rõ số phận của 5 cơ quan tương tự ở những khu vực khác nữa trên đất nước Kazakhstan, bao gồm Viện nghiên cứu khoa học Các vấn đề an toàn sinh học ở Gvardeysk, nơi tiến hành nghiên cứu về coronavirus đã nhắc đến ở trên. Ngoài ra, thỏa thuận giữa "Trung tâm Những bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm" với Viện Vi trùng học Bundeswehr của Đức đã ký hồi tháng 2-2020 sẽ trao cơ hội cho NATO tiến hành chính những công việc đó, nhưng bây giờ là dưới ngọn cờ của nước Đức.

Nước Mỹ mở ra hàng chục phòng thí nghiệm di truyền học ở nước khác để làm gì?

Bộ luật mới về an toàn sinh học mà ông Tokayev dự báo, trên lý thuyết sẽ vẫn phải hạn chế sự xâm nhập của các nhà sinh học từ các nước NATO vào các viện nghiên cứu khoa học của Kazakhstan. Xem ra, các chuyên gia Kazakhstan sẽ đảm nhiệm công việc có liên quan đến Bộ Quốc phòng Mỹ - điều này tạo điều kiện cho mâu thuẫn quyền lợi và rất dễ xuất hiện những lỗ hổng trong quy tắc an toàn, còn ở "Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc tế" các nhà sinh học quân sự của Mỹ và Anh vẫn tiếp tục làm việc.

Để đảm bảo an toàn sinh học trên thực tế ở Trung Á, Kazakhstan, Uzbekistan, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể cần phải làm hơn thế nữa chứ không chỉ có hình thức tuyên cáo trang trọng đối với các chương trình quân sự của NATO.

Đã đến lúc phải nghĩ đến một chính sách hợp tác và hợp lý. Bởi vì rằng thái độ che chở cho những mục tiêu sinh học quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình chẳng khác nào tàng chứa vũ khí hạt nhân của người khác. Việc này có hậu quả nhỡn tiền trong quan hệ đối với các nước láng giềng cũng như đối với an ninh của bản thân trong trường hợp xảy ra bất kỳ mâu thuẫn quân sự nào.

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)
.
.
.