Khi những cường quốc trở nên bé nhỏ

Thứ Bảy, 09/05/2020, 13:35
Khác với các bộ phim bom tấn của Hollywood, chẳng có siêu anh hùng cứu rỗi nào xuất hiện trong thảm họa. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang giáng những đòn choáng váng vào nước Mỹ - siêu cường số 1, và tình cảnh mà họ đang phải trải qua cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh đối với bất cứ cường quốc nào, kể cả nước Nga, với rất nhiều khác biệt so với thế giới phương Tây.


Triệt hạ

Vị thế một cường quốc trong thế giới đang vận hành theo xu hướng toàn cầu hóa hiện đại, nghĩa là tầm ảnh hưởng địa chính trị với sức nặng quyền lực mềm của cường quốc đó, đầu tiên sẽ được xác lập dựa trên sức mạnh kinh tế.

Nước Mỹ vẫn đang là nền kinh tế có quy mô lớn nhất toàn cầu và có lẽ chưa địch thủ nào đủ sức soán ngôi họ trong tương lai gần. Kẻ thách thức hùng mạnh nhất - Trung Quốc, vừa chịu những thương tổn nặng nề qua hai năm chiến tranh thương mại với Mỹ, lại cũng vừa bị đại dịch COVID-19 "vùi dập" nặng nề.

Dù là ''địch thủ'', nhưng Nga và Mỹ vẫn phải hợp tác với nhau nhằm ứng phó với những hệ lụy của đại dịch Covid-19.

Bắt đầu là tử khí bao trùm thành phố Vũ Hán, tiếp nối với sự tê liệt của cả một nền kinh tế được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", đến lúc này, việc hàng loạt tập đoàn đa quốc gia cân nhắc việc tháo chạy đến những vùng đất khác đang đe dọa đẩy lùi sự phát triển của Trung Quốc đến cả thập kỷ.

Nhưng chưa hết, ngày 3/5/2020, nước Mỹ vẫn đòi hỏi Trung Quốc thực thi nghiêm chỉnh cam kết về việc tăng lượng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với năm 2017, trong vòng hai năm, nếu không muốn những hàng rào thuế quan khắc nghiệt lại được hạ xuống chắn trước dòng hàng hóa và sản phẩm Trung Quốc đang hướng đến thị trường Mỹ. "Nếu họ không mua hàng, chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận. Rất đơn giản!" - ông chủ Nhà Trắng hiện thời, Donald Trump kết luận ngắn gọn và dứt khoát.

Một cú ra đòn lạnh lùng đến tàn khốc. Có điều, đó cũng chính là điều nước Mỹ bắt buộc phải thực hiện, để tự cứu nền kinh tế của mình, cũng như xử lý những hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội đang diễn ra.

Những cảnh báo gay gắt

Liên tiếp trong tháng 4 và đầu tháng 5, Washington phải đối diện với những tin tức u ám, trong những vòng xoáy khắc nghiệt của diễn biến đại dịch COVID-19.

Tháng 3-2020, nền kinh tế Mỹ mất 701.000 việc làm - mức cao nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Không ít chuyên gia uy tín, như Beth Ann Bovino hay Gregory Daco, thẳng thừng nhận định: "Kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái và có vẻ sẽ càng lúc càng sâu, mà chưa biết bao giờ có thể phục hồi trở lại".

Người dân Mỹ mang cả súng xuống đường biểu tình đòi dỡ bỏ phong tỏa.

Điều này cũng có nghĩa là những thành tựu về cải thiện nạn thất nghiệp cho công dân Mỹ mà đương kim tổng thống Donald Trump cùng chính quyền của mình tự hào thực hiện được kể từ khi tiếp nhiệm xem như đã bị xóa sạch.

Nó không chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn tiềm tàng trong xã hội Mỹ (đã từng dẫn đến cuộc phản kháng mang tên Chiếm lĩnh phố Wall vào năm 2011), mà sẽ còn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình tranh cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay, của mọi ứng cử viên. 

Gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD được kích hoạt, như giải pháp "chữa cháy" bù lại cho sự hời hợt mà chính quyền cũng như cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện lúc đầu, khi xem COVID-19 chỉ có thể gây tác hại không hơn gì dịch cúm mùa.

Nhưng đến ngày 28/4, khi nước Mỹ đã phải tiến hành phong tỏa còn nhu cầu tiêu dùng của cả thế giới nói chung và nội địa nói riêng đều suy giảm đến tận đáy, Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thâm hụt xuất khẩu hàng hóa lên tới 64,2 tỷ USD. Chỉ số hoạt động sản xuất quốc gia, do Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố, cũng giảm xuống 41,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4-2009, khi toàn thế giới cũng đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế. 

Ngày 30/4, các cơ quan quản lý Mỹ ghi nhận hơn 30 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Cục Dự trữ Liên bang (FED) buộc phải duy trì mức lãi suất thấp gần bằng 0, và cảnh báo về một tương lai đầy rủi ro. Các chuyên gia nhận định: Trong quý I, GDP của Mỹ có thể đã giảm tới 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngày 4/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng họ buộc phải vay một khoản với trị giá kỷ lục 2.999 tỷ USD, nhằm cấp vốn cho các chương trình cứu trợ ứng phó với COVID-19.

Nước Mỹ vẫn là một người khổng lồ. Song, trước COVID-19, đôi chân của người khổng lồ ấy đã và đang lộ ra những vệt đất sét.

Trong một thế giới phẳng

Dịch bệnh bắt đầu từ một thành phố nằm sâu trong đại lục châu Á, nhưng hiện tại, bên kia Thái Bình Dương, nước Mỹ hiện mới là quốc gia dẫn đầu về số lượng các ca tử vong bởi virus SARS-Cov-2 (74.121 ca, số liệu tính đến 6h sáng ngày 7/5, giờ Việt Nam). Có lẽ chưa lúc nào, những ý niệm về "thế giới phẳng" lại hiện lên rõ rệt và kinh hoàng đến như vậy.

Hơn 3,8 triệu ca nhiễm và hơn 264.000 ca tử vong toàn cầu. Chừng đó, cộng thêm thông tin ghê rợn về những nghĩa trang phải đào sẵn hàng trăm hố mai táng, hoặc những cơ sở tổ chức tang lễ không còn đủ khả năng nhận thêm dịch vụ ở chính cường quốc số 1 thế giới, cũng đã đủ khiến những ánh hào quang vẫn được thêu dệt quanh nước Mỹ phụt tắt. Chưa hết, Viện đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME) cảnh báo: Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, số ca tử vong ở Mỹ sẽ còn tăng vọt.

Kinh tế sụt giảm kéo theo sự tê liệt của các hoạt động quân sự - "chân đế" quan trọng tiếp theo tạo nên vị thế "độc bá" của nước Mỹ. Từ tháng 4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải tuyên bố tạm đình chỉ việc điều động các binh sĩ Mỹ, do lo ngại khả năng lây lan của COVID-19. Cho đến khi bệnh dịch thực sự bị đẩy lùi, có lẽ không chính khách Mỹ nào đủ dũng cảm liều với sinh mệnh chính trị của mình, để đòi hỏi đưa những hành động đó trở lại mức độ bình thường. Nói cách khác, nước Mỹ đang bị COVID-19 "trói tay trói chân" tại các điểm nóng quốc tế.

Ở một diễn biến khác, việc giá dầu thô thế giới lao dốc xuống đến tận mức âm trong tháng 4 cũng khiến Mỹ phải "đấu dịu" với một kình địch nhằm tìm ra giải pháp vực dậy: Nước Nga. Quả thực, sau cuộc trao đổi của hai vị tổng thống quyền lực nhất thế giới ấy, giá dầu đã nhích lên, đủ để đưa cả guồng máy kinh tế thế giới rời xa một chút khỏi lằn ranh tuyệt vọng.

Tuy nhiên, về uy tín và thể diện quốc tế, nước Mỹ cũng vẫn phải đối diện với những làn sóng phản đối gay gắt. Chuyện Washington tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo đó cũng đang quay cuồng với COVID-19 bị chính Liên Hợp Quốc đánh giá là "có thể làm trầm trọng hơn tình cảnh của người dân Iran", đồng thời tô đậm điều Ngoại trưởng Iran Mahammad Javad Zarif từng gọi thẳng thừng là "chủ nghĩa khủng bố y tế" (medical terrorism). 

Chưa hết, "cử tọa" toàn cầu còn phải chứng kiến sự "dứt áo" đầy "dằn dỗi" của nước Mỹ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khi bất cứ ai để tâm suy nghĩ cũng hiểu rằng bất kể thế nào, WHO cũng vẫn đang là cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm chính về việc giúp đỡ những sinh mệnh bị COVID-19 đe dọa tại các quốc gia nghèo và thiếu thốn nguồn lực.

Nước Nga có thể học được gì từ những vết thương của nước Mỹ không? Có, dĩ nhiên. Và còn hơn thế, nếu không hành động thật cẩn trọng, nước Nga cũng hoàn toàn có thể đi đúng vào những vết xe đổ ấy.

Đến sáng 7/5, mặc dù vẫn là rất ít so với Mỹ, nước Nga cũng đã có 165.929 ca nhiễm virus SARS-Cov-2, cùng 1.537 người tử vong. Khi các quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Ý… đi qua đỉnh dịch, rất có thể vị trí của nước Nga vẫn sẽ còn "bị cải thiện", theo cách không hề mong muốn.

Moskva, như nhiều chuyên gia lo ngại, có thể trở thành một bản sao của New York, với mật độ dân cư đông, khả năng lây nhiễm cao và hệ thống y tế dễ dàng quá tải. Đó hoàn toàn có thể là đốm lửa khởi đầu bùng lên để tàn phá "giấc mơ siêu cường" mà Tổng thống Vladimir Putin đang làm tất cả để hiện thực hóa.

Quân đội Nga hùng mạnh không kém gì quân đội Mỹ. Xã hội Nga (có lẽ) ổn định hơn xã hội Mỹ. Nhưng, nền kinh tế Nga vẫn còn kém xa cả về quy mô lẫn tiềm lực so với nền kinh tế Mỹ, khi ngành công nghiệp mũi nhọn là khai thác dầu mỏ bị ảnh hưởng trầm trọng. Ngân hàng hàng Trung ương Nga dự báo GDP của Nga năm 2020 có thể giảm tới 6%, đồng nghĩa với việc những "đại dự án" quân sự và ngoại giao cũng sẽ bị tác động nặng nề, do thiếu nguồn lực. 

Tam giác Mỹ - Nga - Trung đã được chờ đợi sẽ là những nhân tố chủ chốt định hình thế giới trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, lúc này, đối diện COVID-19, ai cũng có thể cảm nhận được những cơn run rẩy từ mọi đại cường…

Thiên Thư
.
.
.