Khmer Đỏ với tội ác diệt chủng

Thứ Hai, 26/11/2018, 15:34
Ngày 16-11, lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo của chế độ Khmer Đỏ tàn bạo ở Campuchia đã bị kết tội diệt chủng.


Đó là Nuon Chea, 92 tuổi, cựu Chủ tịch Quốc hội và Khieu Samphan, 87 tuổi, cựu Chủ tịch nước trong chế độ Campuchia Dân chủ, đã bị tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Pol Pot- Khmer Đỏ ở Campuchia (ECCC), kết án tù chung thân.

Hai lãnh đạo Khmer Đỏ vừa bị kết tội diệt chủng ngày 16-11.

Cả hai đã bị xét xử với cáo buộc bổ sung tội ác chống lại loài người, diệt chủng liên quan đến giết hại các nhóm dân tộc thiểu số Chăm và người Campuchia. 

Phán quyết là sự thừa nhận chính thức đầu tiên rằng chế độ Pol Pot đã có hành vi diệt chủng, như được định nghĩa theo luật pháp quốc tế. 

Có tới 2 triệu người, phần lớn trong số họ là người Khmer, được cho là đã chết dưới chế độ Khmer Đỏ ngắn ngủi nhưng tàn bạo từ năm 1975 đến 1979.

Tội ác không thể dung tha

Các tội ác của Khmer Đỏ từ lâu đã được gọi là "tội diệt chủng Campuchia", nhưng các nhà nghiên cứu và nhà báo đã tranh luận trong nhiều năm về việc liệu họ có vi phạm tội ác đó hay không. Phóng viên BBC tại Đông Nam Á, Jonathan Head, nói rằng những vụ giết người quy mô lớn hơn đối người dân Campuchia không phù hợp với định nghĩa quốc tế về tội diệt chủng.

Diệt chủng được định nghĩa là "sự phá hủy có chủ ý và có hệ thống, toàn bộ hoặc một phần, đối với một dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, hay quốc gia". Mặc dù vậy, định nghĩa của "một phần" vẫn còn chưa rõ ràng và tiếp tục là chủ đề nhiều cuộc tranh luận của các học giả pháp lý.

Trong phiên tòa ngày 16-11, Thẩm phán Nil Nonn tuyên bố ông Nuon Chea bị kết án tội diệt chủng vì nỗ lực quét sạch người Chăm và người Campuchia gốc Việt, và ông Khieu Samphan bị kết án tội diệt chủng chống lại người dân tộc Kinh. Mặc dù người Chăm và người dân tộc thiểu số đã chết với số lượng lớn, các công tố viên tại tòa án phải chứng minh Khmer Đỏ đã có "ý định phá hủy, toàn bộ hoặc một phần” đối với các nhóm này. Một số chuyên gia trong đó có nhà viết tiểu sử Pol Pot Philip Short nói rằng Khmer Đỏ đã không làm như vậy.

Campuchia nổi tiếng với những "cánh đồng chết" từ thời Khmer Đỏ.

Trong phiên tòa, một bài phát biểu năm 1978 của Pol Pot đã được trích dẫn, trong đó ông Philip Short nói rằng không có "một hạt giống" của người Việt nào được tìm thấy ở Campuchia. Và các nhà sử học nói rằng thực sự một cộng đồng vài trăm nghìn người đã bị giảm xuống bằng không do bị trục xuất hoặc bị giết. Ngoài việc bị hành quyết hàng loạt, các nạn nhân Chăm nói rằng họ đã bị cấm theo tôn giáo của họ và buộc phải ăn thịt lợn theo lệnh của chế độ Pol Pot. 

Với những lập luận này, tòa án ngày 16-11 khẳng định chế độ Pol Pot chính xác đã tiến hành các  hành vi diệt chủng. Bản án ngày 16-11 có thể không kết thúc hoàn toàn những tranh luận, nhưng các nhóm nạn nhân từ lâu đã chờ biểu tượng của công lý này.

Nguồn gốc Khmer Đỏ

Được dẫn dắt bởi Saloth Sar, hay còn gọi là Pol Pot, Khmer Đỏ là một phong trào Maoist cấp tiến được thành lập bởi những người Campuchia trí thức du học ở Pháp. Khi Pol Pot giành được quyền lực họ tập trung vào ý tưởng thành lập một xã hội nông nghiệp thuần khiết. Pol Pot ảnh hưởng mạnh tới việc tuyên truyền chính sách này. 

Mọi người tin rằng ông ta bị ảnh hưởng bởi cách sống của các bộ tộc vùng rừng núi Đông Bắc. Ông đánh giá cao cách họ sống "không có Phật giáo, tiền bạc hay giáo dục" và quyết định rằng đây là một cách thức tốt để người dân Campuchia bắt đầu sống. Ông muốn các định chế xã hội phải bị xóa bỏ và thiết lập xã hội toàn nông nghiệp.  

Trong suốt thời gian cầm quyền, Khmer Đỏ đã xây dựng xã hội theo mô hình "Công xã nhân dân" cùng với khẩu hiệu "thanh lọc dân tộc" thực hiện cuộc tàn sát gần 2 triệu người Campuchia. Khmer Đỏ bắt buộc khoảng 2 triệu người từ các thành phố về nông thôn để làm việc trên các cánh đồng. Họ không chỉ buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa, mà sau đó còn tước bỏ của họ các quyền căn bản bằng cách kiểm soát mọi hoạt động của người dân và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Trong 4 năm nắm quyền (từ 1975 đến 1979), Khmer Đỏ đã tra tấn và giết chết tất cả những người được cho là kẻ thù, bao gồm trí thức, dân tộc thiểu số, cựu quan chức chính phủ và gia đình của họ. Quy mô và sự tàn bạo của các vụ giết người khẳng định đây là một trong những chế độ đẫm máu nhất trong thế kỷ 20.

Đông Văn
.
.
.