Khó kiểm soát nạn buôn người và dòng người di cư

Chủ Nhật, 17/12/2017, 15:57
Để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng người di cư mới, Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka vừa công bố dự án chung của nước này với Hungary, Ba Lan và Slovakia. Theo đó, 4 quốc gia kể trên sẽ khởi động một dự án chung nhằm tăng cường bảo vệ biên giới Libya và cải thiện tình hình người tị nạn tại đây.

Việc đóng góp 1,66 triệu euro cho Quỹ ủy thác khẩn cấp của châu Âu cho châu Phi đã khiến Cộng hòa Czech trở thành một trong những quốc gia có mức đóng góp lớn nhất ở Trung và Đông Âu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về người di cư bị mua bán làm nô lệ ở Libya.

Việc này diễn ra sau khi Ủy ban châu Âu quyết định đưa Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu vì "không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý đối với việc phân bổ hạn ngạch người di cư". Trước đó, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech đã chính thức bị Ủy ban châu Âu trừng phạt vì từ chối tham gia chương trình phân bổ người tị nạn của khối.

Dòng người tị nạn vào châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Baszczak tuyên bố, an ninh quốc gia là điều quan trọng nhất và người Ba Lan mới là người quyết định ai sẽ đến sống cùng với họ chứ không phải bên ngoài. Thứ trưởng Ngoại giao Konrad Szymanski cũng khẳng định, không ai có thể thay thế Chính phủ Ba Lan đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn của người dân.

Còn cựu Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo cho biết, họ sẽ không khuất phục trước sức ép của EU. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Blaszczak coi chương trình của EU đang thu hút nhiều người tị nạn hơn về châu Âu. Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết, Chính phủ Hungary phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh này tại Tòa án Công lý châu Âu vì lợi ích và an ninh của người dân.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng nhấn mạnh, chương trình của EU không hiệu quả, và cáo buộc  Ủy ban châu Âu đang "tống tiền Hungary". Quốc vụ khanh Ales Chmelar tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Cộng hòa Czech, theo đó cơ chế phân bổ của EU không phải là giải pháp khả thi, mà ngược lại khuyến khích làn sóng di dân bất hợp pháp vào châu Âu.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka từng tuyên bố, nước này sẽ không thay đổi quan điểm của mình đối với vấn đề người di cư. Còn Bộ trưởng Nội vụ Czech Milan Chovanec cũng khẳng định, nước này không tiếp nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào từ Italia và Hy Lạp dựa trên hạn ngạch phân bổ của EU.

Và Liên Hợp Quốc, EU và Liên minh châu Phi (AU) cũng mới nhất trí về một kế hoạch khẩn cấp nhằm triệt phá các đường dây buôn người và hồi hương những người di cư không được xét quy chế tị nạn. Được biết, sau cuộc đàm phán với Bộ trưởng Nội vụ Italia Marco Minniti tại Tripoli, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj cho biết, họ đã đồng ý thành lập một trung tâm chung để ngăn chặn nạn buôn người và giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp.

Bộ trưởng Marco Minniti cam kết, Trung Âu sẽ cung cấp cho Libya 40 triệu USD để giúp quốc gia Bắc Phi này chống lại làn sóng di dân. Về phần mình, lực lượng chức năng Libya đã tiến hành tuần tra dọc biên giới phía Đông Nam nhằm kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu và buôn người.

Theo giới truyền thông, khu vực phía Nam Libya hiện đang là điểm đen của các hoạt động buôn lậu dầu và buôn bán người nhập cư. Libya là điểm khởi hành chính của hầu hết người di cư châu Phi tìm cách vượt biên tới châu Âu qua Địa Trung Hải.

Chính phủ Thụy Sĩ vừa đồng ý tiếp nhận 80 người tị nạn đặc biệt dễ bị tổn thương như một phần trong kế hoạch khẩn cấp của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) nhằm sơ tán khoảng 5.000 người từ các trung tâm ở Libya. UNHCR cũng cho biết, nhiều người di cư đang đối mặt với nguy cơ bị thiệt mạng và lạm dụng bởi họ vẫn phải dựa vào mạng lưới vận chuyển của bọn buôn người.

Mấy ngày trước (9-12), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Chính phủ Niger cho biết, họ bắt đầu hồi hương gần 4.000 người di cư Niger ở Libya, đây là những người tự nguyện trở về nước. Trước đó (8-12), IOM cho biết, 376 người di cư bất hợp pháp đã tình nguyện hồi hương từ Libya về Gambia và Nigeria.

IOM cũng vừa công bố báo cáo cho thấy, hơn 33.000 người di cư đã chết trên biển Địa Trung Hải trong lúc cố đến các bờ biển châu Âu kể từ năm 2000. Điều này đã khiến Địa Trung Hải trở thành biên giới chết chóc nhất thế giới. Và theo số liệu của IOM, từ đầu năm 2017 đến nay, khoảng 161.000 người di cư và tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển, trong đó khoảng 75% người đến Italia và những người còn lại đến Hy Lạp, Cyprus, Tây Ban Nha.

Trọng Hậu
.
.
.