Khó ngăn "vết dầu loang"

Thứ Năm, 23/02/2017, 19:44
Theo kiến nghị của thanh tra Walter Gutierrez, cần điều tra Công ty xây dựng Grana y Montero (lớn nhất của Peru) cùng nhiều đối tác khác ở Peru của Tập đoàn xây dựng Odebrecht (lớn nhất của Brazil) về các khoản hối lộ lên tới 29 triệu USD.


Tuyên bố tại cuộc họp báo với sự tham gia của truyền thông quốc tế hôm 16-2 của thanh tra Peru Walter Gutierrez đang gây chấn động khu vực Mỹ Latinh. Bởi theo kiến nghị của thanh tra Walter Gutierrez, cần điều tra Công ty xây dựng Grana y Montero (lớn nhất của Peru) cùng nhiều đối tác khác ở Peru của Tập đoàn xây dựng Odebrecht (lớn nhất của Brazil).

Thanh tra Walter Gutierrez nhấn mạnh, không thể dựa vào lời khai của Grana y Montero bởi trước đó Công ty xây dựng này từng nhiều lần khẳng định, không biết về các khoản hối lộ lên tới 29 triệu USD mà Odebrecht thừa nhận đã chi để nhận các gói thầu ở Peru trong giai đoạn từ 2005 tới 2014.

Theo giới kinh tế, Công ty xây dựng Grana y Montero là đối tác của Odebrecht trong nhiều dự án, trong đó có 2 hợp đồng xây dựng đường cao tốc, 1 hợp đồng xây dựng đường xe điện ngầm và 1 hợp đồng đường ống dẫn khí tự nhiên. Và giá trị cổ phiếu của Công ty xây dựng Grana y Montero đã sụt giảm khoảng 37% kể từ khi Odebrecht đồng ý công khai các khoản hối lộ từng chi tại các nước Mỹ Latinh.

Đứng trước tình trạng này, Công ty xây dựng Grana y Montero kiến nghị giới chức có thẩm quyền tôn trọng thái độ tự nguyện hợp tác của họ và cho phép luật sư nghiên cứu kỹ vụ việc.

Công ty xây dựng Grana y Montero.

Tuyên bố của thanh tra Walter Gutierrez được đưa ra khi công tố viên 15 nước Mỹ Latinh đang nhóm họp tại Thủ đô Brasilia của Brazil (từ 16 đến 17-2) để bàn về những vấn đề có liên quan tới vụ bê bối tại Tập đoàn xây dựng Odebrecht.

Cuộc họp kể trên được tiến hành dưới sự chủ trì của Tổng Công tố Brazil Rodrigo Janot. Sự tham dự của công tố viên 15 nước Mỹ Latinh (Antigua và Barbuda, Argentina, Chile, Colombia, Cộng hòa Dominicana, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Mexico, Mozambique, Panama, Peru, Bồ Đào Nha, Venezuela và Brazil) cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ bê bối tham nhũng tại Odebrecht, giống như "vết dầu loang" không ai có thể ngăn cản.

Được biết, gần 80 giám đốc của Odebrecht đã ký thỏa thuận cung cấp thông tin liên quan đến hành động phi pháp của tập đoàn này với các công tố viên Brazil để đổi lấy sự khoan hồng.

Giới truyền thông cho biết, công tố viên hàng đầu đến từ Brazil, Argentina, Chile, Colomia, Ecuardo, Mexico, Peru, Cộng hòa Dominica, Venezuela, Panama đã ký thỏa thuận thành lập lực lượng đặc nhiệm để chia sẻ thông tin về cuộc điều tra vụ hối lộ của Odebrecht liên quan đến các dự án xây dựng trong khu vực Mỹ Latinh. Theo thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ, Odebrecht khai đã chi gần 800 triệu USD hối lộ để thắng thầu tại 12 quốc gia, chủ yếu ở khu vực Mỹ Latinh.

Hãng Reuters vừa dẫn thông tin từ Văn phòng Bộ Tư pháp Peru cho biết, ngày 15-2, họ đã gửi thêm thông tin cho Mỹ và tiếp tục yêu cầu Washington bắt dẫn độ cựu Tổng thống Peru Alejandro Toledo.


Một dự án của tập đoàn Odebrecht ở Rio de Janeiro, Brazil.

Bộ trưởng Nội vụ Peru Carlos Basombrio cho biết, Washington đã yêu cầu Lima gửi thêm tài liệu có liên quan tới cáo buộc ông Alejandro Toledo tham nhũng để có thể bắt cựu Tổng thống.

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Peru, mặc dù Lima đã ra lệnh truy nã đối với ông Alejandro Toledo, nhưng Washington vẫn không bắt cựu Tổng thống. Do đó, Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski đang gây sức ép với Tổng thống Donald Trump, xem xét khả năng bắt và dẫn độ ông Alejandro Toledo về Lima, để điều tra về cáo buộc tham nhũng 20 triệu USD.

Peru cũng đã yêu cầu Interpol ra lệnh truy nã cựu Tổng thống tại hơn 190 nước và treo thưởng 30.000 USD cho những ai cung cấp thông tin về nơi ẩn náu của ông Alejandro Toledo.

Luật sư Heriberto Benitez, người đại diện pháp lý cho ông Alejandro Toledo phủ nhận thông tin cho rằng, thân chủ của mình đang chạy trốn, nhưng cho biết đã khuyên cựu Tổng thống không nên về nước.

Cựu Tổng thống Alejandro Toledo vừa tuyên bố (trên Twitter hôm 13-2), không trốn chạy luật pháp và khẳng định, Thẩm phán Richard Concepcion không có đủ bằng chứng khi quy kết cho ông những tội không phạm phải.

Đây là phản ứng công khai đầu tiên của ông Alejandro Toledo sau khi Bộ Tư pháp Peru tuyên bố, đã có đủ bằng chứng và ra lệnh bắt giam 18 tháng đối với cựu Tổng thống để điều tra một số cáo buộc về tham nhũng, rửa tiền và lợi dụng chức quyền, liên quan đến vụ bê bối với Odebrecht.

Theo lời khai của Jorge Barata, nguyên Giám đốc Odebrecht ở Peru, đã thương lượng chi 35 triệu USD để ông Alejandro Toledo giúp thắng thầu 2 hợp đồng xây dựng hệ thống xa lộ năm 2005, nhưng tập đoàn này chỉ chi 20 triệu USD vì cựu Tổng thống không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.

Dư luận cũng khá quan tâm tới quyết định của Chính phủ Venezuela khi tiến hành khám xét (14-2) văn phòng của Odebrecht tại Thủ đô Caracas để làm rõ các cáo buộc tham nhũng, hối lộ và xác định những dự án mà tập đoàn này đã ký hoàn thành hay chưa. Bởi theo giới truyền thông, Odebrecht đã chi 98 triệu USD cho các quan chức và những tổ chức trung gian ở Venezuela để giành nhiều hợp đồng béo bở.
Thiện Lân
.
.
.