Khởi tố nhiều cán bộ liên quan đề án hỗ trợ người dân tộc Ơ Đu tại Nghệ An

Thứ Năm, 06/08/2020, 10:47
Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An được Chính phủ phê duyệt với tổng nguồn vốn 120 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2016 - 2020 và giai đoạn 2 từ 2021 - 2025.

Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 108 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 12 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện tại bản Đửa, xã Lượng Minh và bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương) do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An xây dựng, quản lý thực hiện đề án, phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Tương Dương chỉ đạo, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã lộ rõ nhiều sai phạm…

Sai từ quá trình xây dựng đề án

Trong báo cáo “Phần quá trình xây dựng Đề án" của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thì bản Đửa, xã Lượng Minh và bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương) là hai xã được chọn thực hiện đề án. Trong đó, bản Đửa có 45 hộ với 231 nhân khẩu người Ơ Đu sinh sống. 

Thế nhưng, đầu năm 2019 khi “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025" sắp triển khai ở bản Đửa thì phát hiện tại bản này không có người Ơ Đu sinh sống. Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định rút bản Đửa ra khỏi đề án.

Trên thực tế, cả xã Lượng Minh chỉ có hơn 20 nhân khẩu là người Ơ Đu sống rải rác ở vài bản. Nhưng tại bản Đửa, xã Lượng Minh không có một người Ơ Đu nào sinh sống mà chỉ có 86 hộ với 378 khẩu đều là dân tộc Thái. Vậy câu hỏi đặt ra, việc thành lập các đoàn công tác, khảo sát, thẩm định về người Ơ Đu tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Văn Sơn và Nguyễn Đình Thịnh, PGĐ Công ty CP Xây dựng Văn Sơn bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 Để dẫn chứng cụ thể hơn về việc lập danh sách sai của Ban dân tộc, ông Vi Xuân Đồng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho biết: “Trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy xã từ năm 1983 và sinh sống qua nhiều đời, thế hệ, tôi khẳng định riêng bản Đửa không có người dân tộc Ơ Đu sinh sống ở đây mà chủ yếu là người Thái. Nên việc xác định có người dân tộc Ơ Đu sống ở đây trước và sau này là hoàn toàn không có cơ sở và sai hoàn toàn”.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, đề án được xây dựng trên cơ sở kế thừa số liệu khảo sát từ năm 2010 đến 2015 và niên giám thống kê huyện Tương Dương năm 2010 ở xã Lượng Minh. 

Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế mà phóng viên thu thập được thì đề án này không trực tiếp khảo sát ở xã Lượng Minh mà chủ yếu thống kê trên giấy tờ. Bất hợp lý ở đây là trong quá trình khảo sát người dân tộc Ơ Đu thì xã cũng như huyện Tương Dương đều không biết về vấn đề này.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho biết: “Cả xã Lượng Minh chỉ có hơn 20 nhân khẩu là người Ơ Đu nằm rải rác ở vài bản trong xã. Tôi nhận công tác đến nay, xã cũng không trình, không báo cáo số liệu, đề xuất về hỗ trợ người dân tộc Ơ Đu”.

Xây chuồng bò giá gần 510 triệu đồng/ chuồng

Đáng chú ý, trong mục hỗ trợ phát triển sản xuất này có mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12,4 tỷ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương). Trong đó, 5,1 tỷ đồng (bao gồm kinh phí vaccine tiêm phòng). 

Số tiền còn lại dành cho hỗ trợ sản xuất gồm: Hỗ trợ 280 con bê (cả kinh phí vaccine tiêm phòng) hơn 4,3 tỷ đồng; Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất với kinh phí gần 5,3 tỷ đồng; Hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm hơn 1,5 tỷ đồng…

Với số tiền trên, chủ đầu tư đã cho xây dựng 67 chuồng nuôi nhốt bò giống cho 77 hộ. Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. 

Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng. Kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m. Trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn... 

Sau khi lựa chọn được 77 hộ đủ điều kiện nuôi bò, 280 con bò giống đã được cấp phát cho các hộ ở đây nuôi. Như vậy, với 280 con bò giống, mỗi con bò giống có giá trị 15 triệu đồng được trao đến từng hộ dân.

Việc xây dựng chuồng bò thiếu khoa học khiến người dân khó khăn trong việc dọn phân và tưới chuồng trại.

Thế nhưng, nhiều người dân tại bản Văng Môn lại đang băn khoăn về giá tiền cũng như cân nặng của bò được cấp phát. Theo đề án, bò giống được duyệt 15 triệu đồng/con, nhưng nhiều hộ dân cho biết bò này bán ra thị trường chỉ có… 5 triệu đồng/con. 

Ông Lo Văn Trung - bản Văng Môn, xã Nga My, cho biết: “Mỗi con bò dự án được thông báo là 15 triệu đồng, tuy nhiên sau khi nhận được thì người dân thắc mắc tại sao bò nhỏ, nếu tính con to nhất trong đàn giá chỉ được 5 triệu đồng theo giá thị trường”.

Cũng theo đề án này, tiêu chuẩn bò giống phải có trọng lượng 130 kg trở lên. Tuy nhiên, có hộ dân cho rằng, trong 4 con bò được cấp phát thì chỉ  có 1 con đủ trọng lượng, nhiều con dưới 100kg. Nhiều người dân thắc mắc, với số tiền trên để mua con giống liệu có đúng với thực tế trong đề án hỗ trợ hay không?

Nói về hạng mục hỗ trợ con giống, đơn vị cung ứng là Công ty cổ phần Xây dựng Văn Sơn, có địa chỉ tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, lý giải bò giống không đủ trọng lượng như tiêu chuẩn 130 kg trở lên là do khu nuôi nhốt của công ty chật, do dịch COVID-19 dài nên có thể bò ăn uống không được như lúc bò mới mua về(?). Bò giống được cấp thành 3 đợt, cán bộ thú y làm các thủ tục đúng quy trình như: bấm tai, tiêm phòng, lấy mẫu máu, nghiệm thu… trước khi bàn giao cho bà con.

Nhiều cán bộ bị khởi tố

Sau khi báo chí phản ánh, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có văn bản giải trình và thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An. Với nhiều tình tiết có dấu hiệu tội phạm hình sự, Công an Nghệ An đã vào cuộc xác minh làm rõ.

Ngày 23-7-2020, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố bị can Kim Văn Bốn, cán bộ Phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, về hành vi “Tham ô tài sản”.

Ngày 30-7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố 3 bị can, gồm: Nguyễn Tâm Long, Quyền Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An; Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Văn Sơn; Nguyễn Đình Thịnh, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Văn Sơn.

Cán bộ cơ quan Cảnh sát điều tra đọc quyết định khởi tố Nguyễn Tâm Long (ảnh trên) và Kim Văn Bốn (ảnh dưới) -hai cán bộ Ban dân tộc tỉnh.

Ngày 31-7-2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An mở rộng vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và đã có các quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can đối với Nguyễn Tâm Long, Quyền Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cơ quan Công an, trong quá trình thực hiện đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, Kim Văn Bốn lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án. Cơ quan điều tra xác định số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.

Hiện tại, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Tâm Long và Lê Văn Sơn; cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Đình Thịnh. Vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục  điều tra, làm rõ. 

Bảo Linh
.
.
.