Khu định cư Do Thái của Israel: Yếu tố đe dọa hòa bình Trung Đông

Thứ Sáu, 03/03/2017, 07:52
Không chỉ bất hợp pháp, các khu định cư của Israel ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (oPt) còn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ra đời của một Nhà nước Palestine độc lập, và do đó, đe dọa tới cả một nền hòa bình công bằng và lâu dài giữa người Palestine và Israel.


Những khu định cư này hạn chế sự liền kề lãnh thổ và khả năng tồn tại độc lập về kinh tế của oPt.

+ “Kế hoạch Allon”

Năm 1967, Phó Thủ tướng của Israel, sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao nước này Yigal Allon đã đề ra một kế hoạch mang tên “Kế hoạch Allon” nhằm duy trì sự kiểm soát của Tel Aviv tại Thung lũng Jordan ở Bờ Tây và một khu vực trải dài chạy qua Jerusalem tới sông Jordan. Phần còn lại của Bờ Tây được “trả về” cho Jordan. Kế hoạch này có tác động lớn đối với chính sách định cư của Israel. 

Cụ thể, từ năm 1967, Israel đã bắt đầu thuộc địa hóa oPt bằng cách chuyển một cách có hệ thống các bộ phận dân thường người Do Thái của họ vào Bờ Tây và Dải Gaza. Để những người này có chỗ ở, chính quyền Tel Aviv đã cho xây dựng trái phép một hệ thống những khu định cư với nhiều quy mô khác nhau, từ mới thành lập hay “khu định cư tiền đồn”, cho tới cả một thành phố với hàng chục nghìn người định cư. 

Tính tới nay, số người sinh sống tại các khu định cư này đã lên tới hơn 190.000 và Israel vẫn đang có kế hoạch xây dựng thêm các khu định cư mới. Mục đích và tác động của các dự án định cư này của Israel là nhằm thuộc địa hóa oPt, hay cụ thể hơn là nhằm thay đổi tình trạng của oPt cả về diện mạo và nhân khẩu học, để ngăn oPt được trả về cho người Palestine.

Một khu định cư Do Thái của Israel ở Bờ Tây.

Để làm được việc này, Chính phủ Israel đã đưa ra nhiều biện pháp phân biệt đối xử nhằm nâng đỡ các dự án định cư. Người Israel bị thu hút tới các khu định cư bởi một loạt ưu đãi từ chính phủ Israel như trợ cấp nhà ở, giảm thuế thu nhập, phân bổ ngân sách và trợ cấp kinh doanh không công bằng. 

Đối lập với tuyên bố “tăng trưởng tự nhiên” của Israel, các ưu đãi này đã dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng nhanh chóng trong dân số định cư – ở một số nơi cao hơn 3 tới 4 lần so với tỷ lệ tăng dân số ở Israel. 

Các khu định cư của Israel cũng được hưởng lợi từ các khoản đầu tư khổng lồ của Israel vào đường xá và các cơ sở hạ tầng khác. Các con đường định cư, bao gồm cả những con đường được gọi là “đường vòng”, nối các khu định cư với nhau và với Israel. Tuy nhiên, người Palestine thường bị hạn chế và đôi khi vị cấm sử dụng các con đường này. Việc này nằm trong cái gọi là “cơ chế đóng cửa” của Israel. Tel Aviv đã dựng lên hàng trăm trạm kiểm soát và chướng ngại vật. 

Phía Palestine bình luận rằng, trong khi đảm bảo sự tự do di chuyển và tiếp cận không hề bị kiểm soát cho người định cư Israel, “cơ chế đóng cửa” đã hạn chế nghiêm trọng sự di chuyển và tiếp cận của người Palestine, cô lập các cộng đồng của họ, ngăn cản sự mở rộng của họ, hạn chế sự tiếp cận đối với đất nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và phá hoại sự liền kề về lãnh thổ.

Chưa dừng lại ở đó, mùa hè năm 2002, Israel bắt đầu xây dựng một bức tường an ninh tại oPt, với chiều dài tổng cộng (như được phê duyệt ngày 30-4-2006) là 711km. Mặc dù Tel Aviv nói rằng việc này là vì mục đích an ninh, nhưng thực ra nó tạo nên một phần không tách rời trong cơ sở hạ tầng của các khu định cư của Israel. 

Bức tường bao quanh và uốn khúc khắp Bờ Tây, hợp nhất phần lớn các khu định cư và người định cư Israel ở “phía Israel” của Bức tường, đồng thời chiếm những dải đất lớn trên lãnh thổ của chúng tôi ðể xây thêm các khu định cư trong tương lai. Một lần nữa, người Palestine lại bị tách biệt ra khỏi đất đai, bị ngăn cản tiếp cận các dịch vụ xã hội và giáo dục; và bị lấy đi các nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

Họ nhấn mạnh, với việc chạy quanh các khu định cư bất hợp pháp đang tồn tại và những khu vực sẽ mở rộng trong tương lai, bức tường trên rõ ràng là một sự tước đoạt đất đai chứ không phải là một biện pháp an ninh. Trên thực tế, bức tường không phân tách nhà nước Israel khỏi lãnh thổ của Palestine, mà là chia cách giữa người Palestine với người Palestine.

+ Coi thường luật pháp quốc tế

Năm 1979, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ra Nghị quyết số 465 trong đó nhấn mạnh: “Chính sách và hành động Israel sắp xếp một bộ phận dân thường và những người mới nhập cư vào Palestine và các vùng lãnh thổ Arab khác bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm Jerusalem, là một sự vi phạm trắng trợn Công ước Geneva IV… và cản trở nghiêm trọng việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Trung Đông”. Nghị quyết kêu gọi Israel “phá bỏ các khu định cư hiện tại”. 

Nói đến Công ước Geneva IV, vốn được Israel phê chuẩn năm 1951, điều 49 của Công ước này nêu rõ: “Các Thế lực Chiếm đóng sẽ không trục xuất hoặc chuyển một bộ phận thường dân của mình vào vùng lãnh thổ mình chiếm đóng”.  Quy chế Rome năm 1988 của Tòa án Tội ác Quốc tế định nghĩa “việc Thế lực Chiếm đóng chuyển một bộ phận thường dân của mình vào lãnh thổ mình đang chiếm đóng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” là một tội ác chiến tranh có thể bị Tòa án Tội ác Quốc tế truy tố. 

Về bức tường an ninh của Israel, trong bản Ý kiến Tư vấn về Bức tường ngày 9-7-2004, Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng, bức tường, cùng với các khu định cư, đã vi phạm luật pháp quốc tế. Tòa án Công lý quốc tế kêu gọi Israel ngừng hoạt động xây dựng, dỡ bỏ những phần đã được xây và bồi thường cho người Palestine vì những thiệt hại đã gây ra.

Gần đây nhất, hồi tháng 12-2016, LHQ lại một lần nữa thông qua một nghị quyết kêu gọi Israel chấm dứt tất cả các hoạt động định cư trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Cụ thể, Nghị quyết 2334 của LHQ lên án các khu định cư của Israel là một “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. 

Mỹ, một đồng minh của Israel, đã lần đầu tiên bỏ rơi người bạn duy nhất tại Trung Đông, khi bỏ phiếu trắng tại HĐBA đối với nghị quyết này. Chưa hết, hôm 10-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thắn khẳng định rằng, ông không tin rằng việc gia tăng các khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine là “tốt cho hòa bình”.

Cho tới nay, tất cả những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, những đề xuất giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Palestine – Israel đều hướng tới mục tiêu trung tâm là nhà nước Israel và nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình. Chính vì thế việc xây dựng các khu định cư là đi ngược lại mục tiêu này và là hành động bất hợp pháp vì Bờ Tây được coi là vùng đất bị chiếm đóng. 

Theo phương pháp “đất đai đổi lấy hòa bình” được nêu trong các Nghị quyết 242 và 338 của HĐBA LHQ và là nền tảng của tiến trình hòa bình, Israel sẽ phải rút khỏi các vùng lãnh thổ mình chiếm đóng năm 1967 để đổi lấy nền hòa bình toàn diện và sự công nhận từ các quốc gia láng giềng. Do đó, Israel phải phá dỡ các khu định cư và tu sửa bất kỳ thiệt hại nào gây ra do sự chiếm đóng bất hợp pháp trên lãnh thổ của Palestine. 

Cụ thể, Tel Aviv cần chấm dứt toàn bộ các hoạt động xây dựng liên quan tới các khu định cư; xóa bỏ tất cả các khoản trợ cấp và ưu đãi về kinh tế cho các khu định cư và người định cư; ngừng mọi hoạt động lên kết hoạch cho các khu định cư; chấm dứt mọi hoạt động tịch thu đất đai, phá dỡ nhà cửa và phá hoại các tài sản khác; và ngừng di trú người định cư vào oPt.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.