Khủng bố bóng đen bao trùm thế giới năm 2015

Thứ Năm, 11/02/2016, 08:00
2015 được coi là một năm đen tối đối với Pháp khi khởi đầu bằng vụ thảm sát tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris hôm 7-1-2015 khiến 12 người chết và kết thúc bằng loạt vụ khủng bố tối 13-11-2015 khiến 130 người chết và 350 người bị thương.


Tạp chí Charlie Hebdo đã quyết định phát hành gần một triệu bản cho số đặc biệt (dày 32 trang, xuất bản ngày 6-1-2016) đánh dấu 1 năm xảy ra vụ khủng bố kể trên. Và vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập hôm 31-10-2015, khiến 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng càng khiến cho cuộc chiến chống khủng bố trở nên cấp thiết.

Châu Âu gia tăng cảnh giác

Trong khi nhiều nước trên thế giới như Bỉ, Nhật Bản... phải hủy chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới thì Nga tuyên bố đóng cửa Quảng trường Đỏ, còn Mỹ đóng cửa Quảng trường Thời đại. Những quốc gia khác tuy không thay đổi chương trình đón năm mới theo thông lệ, nhưng đã tăng cường kiểm soát an ninh ở cấp độ chưa từng có tiền lệ như Đức. 

Ngày 31-12-2015, công tố viên Bỉ cho biết, cảnh sát nước này đã bắt 6 đối tượng trong chiến dịch bố ráp ở thủ đô Brussels liên quan tới cuộc điều tra về âm mưu tấn công tại thành phố này vào đêm giao thừa. Cảnh sát Bỉ còn bắt Ayoub, nghi phạm thứ 10 bị bắt giữ tại nước này vì có liên quan tới vụ khủng bố ở thủ đô Paris tối 13-11-2015. Trước đó, lực lượng chức năng Bỉ cũng phối hợp với cảnh sát châu Âu để truy bắt các đối tượng cực đoan, có liên quan tới khủng bố. 

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh, sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, London đã quyết định cấp thêm 34 triệu bảng Anh để củng cố khả năng chiến đấu của cảnh sát, cùng với khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả hơn đối với các vụ tấn công có súng. Theo đó, sĩ quan chỉ huy sẽ quyết định số cảnh sát được phép mang súng. Đồng thời gia tăng cảnh báo nhằm phòng ngừa bất trắc.

Trong thông điệp gửi tới người dân Pháp nhân dịp năm mới 2016, Tổng thống Francois Hollande đã nhấn mạnh tới nguy cơ xảy ra các vụ khủng bố mới, và đó là nguyên do Paris phải tăng cường các cuộc không kích ở Syria và Iraq nhằm tấn công vào hang ổ của cái ác. Pháp đã triển khai hơn 100.000 cảnh sát và hủy bỏ nhiều hoạt động chào đón năm mới do lo ngại an ninh. 

Ông Francois Hollande cũng từng kêu gọi hình thành một liên minh rộng rãi chống IS với sự tham gia của Nga, đồng thời thuyết phục Washington và Moskva cùng hợp tác trong nỗ lực này. 

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường kiểm soát và phát hiện những trường hợp sử dụng hộ chiếu Syria giả để vào châu Âu, đặc biệt là tại Hy Lạp và Italia. Đồng thời cho biết, hiện có 571 người Pháp tham gia tổ chức khủng bố ở Iraq, Syria và 246 người đã trở về nước, trong số này có 138 đối tượng đã bị truy tố, bị bỏ tù, bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp. Và đây là những nguy cơ, thách thức không nhỏ đối với Pháp.

Ngày 1-1-2016, cảnh sát Đức đã dỡ bỏ cảnh báo khủng bố ở thành phố Munich, thủ phủ bang Bayern, vài giờ sau khi sơ tán 2 nhà ga bị dọa đánh bom tự sát vào đêm giao thừa. Cảnh sát trưởng Munich Hubertus Andrae cho biết, giới chức Đức thận trọng trước nguồn tin "rất đáng tin" về các cuộc tấn công liều chết đã được lên kế hoạch ở các nhà ga của thành phố vào đêm giao thừa. Cảnh sát Đức đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng bố, sau khi nhận được nguồn tin cụ thể về việc này. 

Trong khi đó, Chủ tịch Tổ chức Công đoàn cảnh sát Đức Rainer Wendt xác nhận, giới chức an ninh và cảnh sát nước này đã tăng cường các biện pháp chống khủng bố. Nghị sỹ Sahra Wagenknecht, đồng thời là Trưởng đoàn nghị sỹ đảng Cánh tả (die Linke) trong Quốc hội Đức cho rằng, chính sách của phương Tây ở Trung Đông đã dẫn tới sự nổi lên của IS.

Giới chuyên môn cho rằng, 2015 là một năm nhiều sóng gió, trong đó cuộc khủng hoảng nhập cư là gay cấn nhất. Bởi IS đã lợi dụng việc này để cài người của chúng xâm nhập châu Âu, tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Và cuộc khủng hoảng di cư là chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hồi trung tuần tháng 12-2015; trong đó nhấn mạnh tới việc triển khai kiểm soát biên giới tại các quốc gia thành viên. Hãng AFP từng dẫn tuyên bố gây sốc của Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman khi ông gọi làn sóng người tị nạn tới châu Âu hiện nay là "một cuộc xâm lăng có tổ chức".

Châu Á và Mỹ tăng cường phòng chống

Chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với nguy cơ khủng bố lan rộng, không giới hạn về địa lý và mức độ tàn bạo như hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, chống khủng bố là nhân tố điều chỉnh bàn cờ quốc tế năm 2015, đồng thời cảnh báo về nguy cơ IS "vươn vòi bạch tuộc" tới châu Á.

Ngày 31-12-2015, cảnh sát Indonesia đã bắt 3 đối tượng bị tình nghi có quan hệ với IS. Vụ bắt giữ này diễn ra sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta gửi thông điệp khẩn tới công dân Mỹ, cảnh báo về các mối đe dọa an ninh tiềm tàng tại các bãi biển du lịch trên hòn đảo Lombok trong dịp năm mới. 

Giới chức chống khủng bố cho rằng, có ít nhất 1.000 người ủng hộ IS ở Indonesia. Tổng Chưởng lý Australia George Brandis từng cảnh báo, IS muốn biến Indonesia thành "đế chế phương xa" bởi đây là quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới.

Chiều 27-12-2015, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật chống khủng bố đầu tiên của nước này, bất chấp chỉ trích của Mỹ về vấn đề này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối lời mời tham gia trung tâm thông tin chung do Nga, Iran, Iraq, Syria thiết lập tại thủ đô Baghdad (Iraq) để phối hợp hoạt động chống IS. 

Còn người phát ngôn của Taliban ở Afghanistan tuyên bố, không cần sự hỗ trợ của Nga để đánh bại IS. Nhật Bản cũng đã thành lập đơn vị trực thuộc chính phủ có nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan đến khủng bố. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed khuyến báo, IS đang muốn lập chi nhánh ở Đông Nam Á. Trong khi đó, giới truyền thông cho biết, IS đã chọn Philippines là địa bàn hoạt động mới.

Ngày 31-12-2015, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Emanuel Lutchman, 25 tuổi, tự nhận cải sang đạo Hồi, đã bị bắt vì lên kế hoạch tấn công một nhà hàng ở thành phố Rochester vào đêm đón năm mới. Đối tượng này bị cáo buộc âm mưu hỗ trợ vật chất cho IS. Trước đó, hãng CNN dẫn cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama về các mối đe dọa tiềm ẩn trong dịp nghỉ lễ cuối năm trước khi ông đi nghỉ ở Hawaii. 

Giám đốc Sở Cảnh sát New York James O'Neill cho biết, đã huy động ít nhất 6.000 cảnh sát tuần tra các khu vực xung quanh Quảng trường Thời đại để kiểm soát an ninh trật tự. Hàng nghìn máy quay được lắp tại các ga tàu điện ngầm, trong khi một số tuyến đường ra vào thành phố bị phong tỏa. Song song với công tác thắt chặt an ninh, giới chức Mỹ còn tăng cường điều tra âm mưu tấn công khủng bố của IS. 

Từ giữa tháng 11-2015, thành phố New York đã thành lập một đơn vị mang tên Đội Phản ứng khẩn cấp gồm 500 lính chuyên đấu tranh chống khủng bố. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ tuyên bố, các hành động tàn bạo của IS là diệt chủng. 

Theo kết quả khảo sát mới do hãng CNN công bố cho thấy, người Mỹ đang bất mãn về nỗ lực chống khủng bố của nước này, khi gần 3/4 người dân Mỹ chỉ trích nỗ lực chống khủng bố của chính phủ và có tới 40% người được hỏi nói rằng, khủng bố đang chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ. Hãng Reuters từng dẫn các tài liệu mà giới chức Mỹ có được cho thấy, IS đã thành lập bộ phận xử lý "chiến lợi phẩm chiến tranh". Và tài liệu này giúp liên minh chống IS xác định được điểm yếu của nhóm khủng bố này.

Những cảnh báo khác

Theo nhận định của nhà tiên tri mù Baba Vanga (qua đời năm 1996 ở tuổi 85), châu Âu sẽ "sụp đổ" vào năm 2016 bởi một loạt thảm họa lớn ập xuống lục địa này, và những kẻ xâm lăng Hồi giáo sẽ chinh phục các nước châu Âu cũ vào năm 2043. Giới chức Iraq đã bắt "Bộ trưởng Tài chính" của IS khi tên này đang tìm cách chạy trốn khỏi thành phố Ramadi ở tỉnh Anbar. Trước đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố, sẽ đánh bại IS trong năm 2016. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trật tự thế giới đã thay đổi sau một năm bất ổn. Bởi trong năm 2015, thế giới phải chứng kiến nhiều bất trắc, biến động khôn lường, nhất là các vụ tấn công khủng bố với quy mô và cấp độ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay. 

Lầu Năm Góc vừa tiết lộ, Mỹ đã chi hơn 5,36 tỷ USD cho các chiến dịch tiêu diệt IS tại Iraq và Syria (tính từ tháng 9-2014 đến cuối tháng 11-2015), theo đó trung bình Mỹ tốn 11 triệu USD/ngày. Nhưng ngày 28-12-2015, khi trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố, Mỹ chỉ chống IS "bằng võ mồm" và từ chối cung cấp cho Moskva dữ liệu về các mục tiêu khủng bố tại Syria. 

Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Michelle Baldanza cho biết, Mỹ không có ý định chia sẻ thông tin về các mục tiêu IS với Nga chừng nào Moskva không thay đổi chính sách đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trịnh Huyền My
.
.
.