Khủng bố tại Nice, Pháp: Nhiều lỗ hổng an ninh

Thứ Ba, 02/08/2016, 15:23
Trưa 18-7, cả nước Pháp dành một phút mặc niệm để kết thúc 3 ngày quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công bằng xe tải trong đêm Quốc khánh 14-7 ở thành phố Nice.

Tổng thống Francois Hollande đã kêu gọi người dân đoàn kết sau vụ tấn công khủng bố tại Nice, khiến 84 người chết và 202 người bị thương, trong đó có 52 người bị thương nặng. Vì có hơn 50 người bị thương nặng nên số người thiệt mạng sẽ còn tăng.

Sát thủ Mohamed Lahouaiej Bouhlel

Mặc dù Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm (đăng trên cổng tin tức Amaq, kênh truyền hình Al Jazeera cũng đưa tin về vấn đề này) vụ tấn công bằng xe tải ở thành phố Nice tối 14-7, nhưng cơ quan chức năng Pháp vẫn đang khẩn trương điều tra vụ thảm sát này. 

Theo IS, sát thủ Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, người Pháp gốc Tunisia, là một trong những thành viên của chúng và tên này đã động thủ để đáp ứng lời kêu gọi nhắm mục tiêu vào liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, đang chiến đấu chống IS tại Iraq và Syria. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve từ chối xác nhận Mohamed Lahouaiej Bouhlel có liên hệ trực tiếp với IS hay không. Nhưng cảnh sát đang điều tra xem hắn có đồng phạm hay không. 

Tờ Le Figaro dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Pháp cho biết, cơ quan điều tra không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào cho thấy hung thủ đã tuyên thệ với IS. Tổng chưởng lý Paris, ông Fracois Molins cũng khẳng định, chưa có đầu mối nào đủ rõ ràng để chứng minh thủ phạm có liên hệ với các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Hiện trường vụ tấn công tại Nice.

Thủ tướng Manuel Valls nghi ngờ tên này liên quan tới chủ nghĩa cực đoan. Đồng thời cho biết, liên minh quốc tế chống IS sẽ tăng cường các nguồn lực quân sự sau vụ tấn công ở Nice. 

Theo ông Christian Estrosi, Chủ tịch Hội đồng vùng Provence-Alpes-Cote d'Azur (bao gồm Nice), khoảng 1.200 camera an ninh đã ghi đầy đủ hành trình của sát thủ. Trước khi bị bắn chết, có người nghe thấy Mohamed Lahouaiej Bouhlel hét lên "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại). 

Người thân và hàng xóm ở quê nhà của Mohamed Lahouaiej Bouhlel cho biết, hắn là người cô độc, trầm lặng, không giống người theo tôn giáo, chưa bao giờ đáp lại lời chào của mọi người và có dấu hiệu bị cực đoan hóa từ 4 năm trước. Còn cha tên này nói, con trai ông mắc chứng trầm cảm từ năm 2002. 

Cảnh sát đã khám xét nhà riêng của nghi phạm và bắt 4 người, trong đó có vợ Mohamed Lahouaiej Bouhlel (đã ly thân và đang chuẩn bị ly hôn).

Những thừa nhận muộn màng

Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 23h ngày 14-7 (theo giờ địa phương), khi chiếc xe tải màu trắng nặng 25 tấn lao (với tốc độ 60-70km) vào đám đông đang tụ tập bên bờ biển Promenade des Anglais ở thành phố Nice để xem pháo hoa nhân dịp Quốc khánh. Nghi phạm đỗ xe tải trên đại lộ Promenade des Anglais gần 9 giờ và nói với cảnh sát là "đang đi giao kem" trước khi thực hiện vụ tấn công khủng bố. 

Sau khi chiếc xe lao theo đường ziczac để tấn công bất cứ ai trong chặng đường dài 2 km, sát thủ đã nhảy ra ngoài và bắn vào đám đông trước khi bị cảnh sát tiêu diệt và chiếc xe này đã lĩnh ít nhất 40 viên đạn.

Tổng thống Francois Hollande tuyên bố, tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài thêm 3 tháng, thay vì kết thúc vào ngày 26-7 như kế hoạch. Đồng thời công bố kế hoạch Operation Sentinelle (chiến dịch canh phòng). Theo đó, 10.000 binh sĩ sẽ được triển khai trên khắp nước Pháp và sẵn sàng trợ giúp lực lượng cảnh sát và an ninh khi có biến. 

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã nâng cảnh báo an ninh lên mức "báo động bị tấn công" - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo an ninh của nước này. Và thừa nhận, khủng bố bằng xe tải là kiểu tấn công mới, cho thấy cuộc chiến chống khủng bố "vô cùng khó khăn".

Chứng minh nhân dân mang tên Mohamed Lahouaiej Bouhlel được tìm thấy tại hiện trường.

Vụ tấn công bằng xe tải ở Pháp cũng cho thấy, khủng bố có thể gây thương vong khủng khiếp như thế nào bằng những công cụ giết người giản đơn. Theo tờ The Telegraph, thủ phạm từng nằm trong danh sách của cảnh sát và đã thuê chiếc xe tải để gây án. Còn theo tờ Le Figaro, chiếc xe tải gây án đã được thuê trước vụ tấn công 2 ngày tại vùng Saint-Laurent-du-Var, thuộc thành phố Nice. 

Tờ The Guardian cho rằng, sau 36 tiếng diễn ra vụ khủng bố đẫm máu, lời xác nhận của IS đã làm tăng thêm áp lực điều tra đối với các cơ quan chức năng Pháp. Bởi việc này diễn ra chỉ 8 tháng sau vụ khủng bố tại Paris (tối 13-11-2015). 

Câu hỏi đặt ra là, tại sao vụ việc lại xảy ra, khi Pháp vẫn trong cảnh báo an ninh cao nhất gần 1 năm qua, tình hình an ninh vẫn được thắt chặt sau sự kiện Euro 2016? Và trước đó vài tháng, IS từng kêu gọi các thành viên dùng xe tải lớn tấn công đám đông như những gì đã xảy ra ở Nice.

Sẽ hợp nhất các cơ quan tình báo?

Giới bình luận cho rằng, vụ khủng bố tại Nice đang tác động tiêu cực tới tương lai chính trị của Tổng thống Francois Hollande bởi cuộc bầu cử chỉ còn hơn 9 tháng sẽ diễn ra. Sau thời gian quốc tang, Tổng thống Francois Hollande phải đối mặt với các cuộc tranh luận về cải cách cơ quan tình báo và chính sách bảo mật. Bởi ông Francois Hollande bị chỉ trích vì không tăng cường an ninh đủ mạnh, khiến 3 vụ khủng bố nghiêm trọng xảy ra chỉ trong 18 tháng. 

Chuyên gia chống khủng bố Aaron Cohen, cựu thành viên của đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ Israel coi vụ tấn công ở Nice là thất bại lớn về an ninh và tình báo của Pháp. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cũng thừa nhận, cơ quan tình báo không có thông tin về Mohamed Lahouaiej Bouhlel.

Hơn 10 ngày trước (5-7), Ủy ban điều tra của Nghị viện Pháp đã đưa ra 40 đề xuất nhằm cải tổ các cơ quan tình báo ở nước này. Trong đó có việc đề nghị sáp nhập một số cơ quan tình báo có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, cạnh tranh nhau, để xây dựng một cơ quan an ninh quốc gia mới theo mô hình như Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia mà Mỹ đã thiết lập sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001. 

Theo đó, cơ quan an ninh quốc gia mới sẽ báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng. Bên cạnh đó, xây dựng một cơ sở dữ liệu chia sẻ chung; giám sát chặt chẽ những nhà tù, nơi có tỉ lệ cực đoan hóa trong tù nhân cao và khắt khe hơn trong việc tuyên án các bị can phạm tội khủng bố. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi có báo cáo kết luận điều tra về 2 vụ khủng bố tại thủ đô Paris diễn ra trong năm 2015, khiến 147 nạn nhân tử vong.

Điểm đáng quan tâm nhất trong báo cáo hôm 5-7 là đánh giá về các thất bại của cơ quan tình báo, cũng như đưa ra một số câu hỏi về tính hiệu quả của tình trạng khẩn cấp mà Tổng thống Hollande tuyên bố hồi tháng 11-2015, và triển khai 10.000 binh sĩ trên cả nước. 

Theo ông Georges Fenech, Chủ tịch Ủy ban điều tra, chính sự bất cập của cơ quan tình báo là một trong những nguyên nhân khiến cho nước Pháp không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và hoạt động của khủng bố. Do đó, cần sáp nhập tất cả các cơ quan tình báo lại làm một, giống như Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia mà Mỹ đã thiết lập sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001. 

Còn theo ông Sebstien Pietrasanta, thành viên của Ủy ban điều tra cho rằng, nguyên nhân thất bại quan trọng nhất là sự thiếu phối hợp, hoạt động kém hiệu quả của cơ quan tình báo. 

Hơn 1 năm trước (5-5-2015), với tỷ lệ 438 phiếu thuận và 86 phiếu chống, dự luật tình báo mới đã được Hạ viện Pháp thông qua và nhiều điều khoản trong dự luật này từng gây chia rẽ lớn trong dư luận. 

Bởi dự luật mới cho phép cơ quan tình báo do thám hoạt động thông tin liên lạc kỹ thuật số và điện thoại di động của đối tượng tình nghi mà không cần xin phép thẩm phán tòa án. Đồng thời bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet và công ty viễn thông phải tiết lộ dữ liệu khách hàng khi có yêu cầu. 

Ngoài ra, cơ quan tình báo còn có quyền lắp camera và thiết bị ghi âm, ghi hình tại nhà riêng; cài phần mềm theo dõi bàn phím vào bất kỳ máy tính nào, cũng như có quyền giữ lại bản ghi âm, ghi hình trong 1 tháng và siêu dữ liệu máy tính trong 5 năm... 

Và khi đó, giới chuyên môn cũng như dư luận chung đều coi dự luật này là cần thiết để tăng cường khả năng đối phó với chủ nghĩa khủng bố tại Pháp.

Quỳnh Tuấn
.
.
.