Ác quỷ trên đất Mỹ

Kì II: Con quỷ đội lốt người

Thứ Tư, 07/01/2015, 18:00
Từ cậu bé da đen nghèo khổ, Mitchell đã vụt biến thành trọc phú trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi với chiêu bài tôn giáo. Nắm quyền lực trong tay cũng là lúc Mitchell ngày một chìm sâu vào bóng đen tội lỗi…
>> Ác quỷ trên đất Mỹ

Cuộc hành quyết đầu tiên

Mitchell ngày càng trở nên độc đoán và dã man. Không ai dám làm trái ý hắn bởi dù thế nào, hắn vẫn là “Đứa con của Chúa Trời”.“Ngôi đền yêu thương” cũng chính là biểu tượng cho thể chế thần quyền tuyệt đối của hắn. Những người dám thách thức hắn ta bị lôi đi nhạo báng tại những nơi công cộng. Có trường hợp, một người đàn ông trưởng thành bị bắt nằm sấp xuống ghế để những người phụ nữ thay phiên nhau giẫm lên anh. Trong trường hợp khác, một cô gái tuổi teen bị buộc phải cởi áo sơ mi và áo ngực của cô để Mitchell sàm sỡ. Bất cứ ai bất đồng với hắn bị gọi là "Bác Tom", hoặc tệ hơn, một “tên báng bổ”.

“Vòng tròn chữ Thập” giờ đây được trang bị dao và mã tấu, liên tục tuần tra trong khu vực trước đền. Họ cũng có nhiệm vụ giám sát những kẻ có biểu hiện chống đối Mitchell.

Tuy nhiên, một nhóm nhỏ những người bất đồng chính kiến với Mitchell đã tập hợp lại với nhau. Họ gặp nhau tại nhà của một thành viên Yahweh, người sống bên ngoài nhà kho và so sánh các ghi chú về những điều kỳ lạ đã diễn ra.

Những cuộc họp bí mật của họ bị bại lộ. Mitchell cấm họ giao tiếp với mọi người, xóa bỏ tên của họ trong “Cuốn sách cuộc sống”, và in một tờ rơi có tiêu đề "Cảnh báo những kẻ đạo đức giả trong Yahweh."

Tuy nhiên, mầm mống nổi loạn vẫn nổi lên liên tục, đe dọa trực tiếp đến đế chế của Mitchell. Những kẻ bất bình trở thành cái gai trong mắt hắn.

Hắn công khai đe dọa những con chiên của mình: "Ai không muốn tôi cai trị họ, đó là kẻ thù của tôi. Và nếu bạn là kẻ thù của tôi, bạn phải chết, phải bị giết chết... Tôi muốn nhìn thấy cảnh đó... Tôi muốn nhìn thấy đầu của những tên phản loạn lìa khỏi cổ. Tôi muốn nhìn thấy máu rỉ ra từ tĩnh mạch của chúng. Chúng sẽ không thể nhìn thấy máu mình chảy, nhưng chúng sẽ cảm nhận được điều đó khi thanh kiếm cắm cổ. Mọi kẻ thù của tôi đều chết dưới một thanh kiếm. Điều này mới thú vị làm sao!"

Những lời đanh thép sực mùi khủng bố của Mitchell được “Vòng tròn chữ Thập” khắc cốt ghi tâm. Và Aston Green trở thành nạn nhân đầu tiên.

Hulon Mitchell Jr - "Đức cha Mitchell".

Green vốn là một giáo viên vừa tròn 26 tuổi, tính đến ngày bị sát hại. Anh lấy tên Elijah Israel khi gia nhập giáo phái. Sau đó, anh đã đổi lại tên cũ khi rời bỏ giáo phái này. Bất chấp việc bị cấm giao lưu với những người ở nhà kho, Green vẫn thường xuyên quay trở lại đây để thăm bạn bè.

Vì thế, khi anh quay lại đây vào thứ 6 ngày 13, Mitchell quyết định trừ khử anh. Họ bắt Green tới một vùng hẻo lánh và đánh đập anh dã man. Trong lúc người đàn ông tội nghiệp bị hành hạ, một đứa trẻ đã vô tình trông thấy. Đứa bé bị đuổi đi ngay tắp lự. Sau này, chúng phải sơn lại sàn nhà màu đỏ để che lấp đi những vết máu của nạn nhân.

Chúng lôi Green lên một chiếc xe tải rồi lái xe đến gần mỏ khai thác đá, nơi anh cầu xin chúng rủ lòng thương bằng giọng điệu van lơn. Tuy nhiên, những tên sát thủ máu lạnh bỏ ngoài tai mọi điều anh nói. Green bị lôi xềnh xệch tới một mỏm đá. Ở đó, chúng tiến hành hành quyết anh. Tuy nhiên, vì lưỡi kiếm không đủ sắc nên chúng đã chém anh tới 20 lần mới mang được thủ cấp về.

"Khi chúng ta lấy đầu kẻ tiếp theo, chúng ta sẽ đặt thủ cấp của chúng trong một cái giỏ để toàn thành phố có thể nhìn thấy và biết cúi sợ trước Yahweh”, Mitchell nói.

Tin tức về cái chết của Green làm dấy lên làn sóng phản đối Mitchell mạnh mẽ. Một số quyết định báo cho cảnh sát biết những gì đang xảy ra bên trong khu phức hợp đổ nát tại thành phố này. Họ không biết rằng trong số họ có đám tay chân của Mitchell, chờ đợi để bán tin về sự phản bội này cho hắn.

Cơn khát máu điên dại

Lực lượng “hành pháp” của Mitchell đã chờ sẵn Carlton Carey, một cựu tín đồ Hồi giáo, khi ông vừa trở về nhà từ một cuộc phỏng vấn khá mệt mỏi với cảnh sát. Vợ ông, bà Mildred Banks, cũng có mặt cùng Carey khi bốn người đàn ông đeo mặt nạ trượt tuyết tấn công họ ngay lúc họ bước qua cánh cửa của ngôi nhà của mình. Họ bắn Carey cho đến chết. May mắn thay, Banks vẫn sống sót dù bị bắn vào ngực. Các tay súng bỏ mặc cô cho đến chết. Nhưng Banks dùng hết sức bình sinh còn sót lại, lết tới nhà của một người hàng xóm, người đã giúp cô báo cho cảnh sát.

Mặc dù đã hồi phục, thay tên, đổi họ và di chuyển đến một nơi bí mật, nhưng vết sẹo vòng cổ lởm chởm trên cổ vẫn luôn nhắc Banks nhớ tới cái đêm địa ngục ấy.

Lúc này, tại “Ngôi đền yêu thương”, Mitchell long trọng tổ chức tiệc ăn mừng cái chết của những kẻ ngoại đạo. Một số người tham dự không khỏi kinh hãi khi nghe hắn thông báo về cái chết của Carey. Tuy nhiên, không một ai dám để lộ điều đó ra ngoài. Đám lính gác đền theo dõi chặt chẽ hành động của các con chiên. Chúng đưa ánh mắt soi mói tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu phản kháng nào, dù là nhỏ nhất. Những người dân tội nghiệp không có sự lựa chọn ngoài việc vỗ tay khen ngợi Mitchell để bảo toàn mạng sống. Không ai muốn trở thành nạn nhân tiếp theo trong danh sách đen của Mitchell.

Sau khi vụ giết người xảy ra, cảnh sát mặc thường phục bắt đầu tuần tra khu nhà kho 24/24h. Do chưa có bằng chứng thuyết phục về đợt tấn công của giáo phái này nên cảnh sát chưa thể đột kích hợp pháp vào thánh đường của giáo phái. Tất cả những gì họ có thể làm là tiếp tục theo dõi sát sao. 14 người đứng đầu làn sóng nổi dậy đã lẩn trốn và không quên xóa sạch dấu vết phía sau họ. Điều này càng khiến cuộc điều tra trở nên khó khăn thêm muôn phần.

Cuối cùng, cuộc điều tra cũng có bước đột phá mới. Những người cảnh sát đã phát hiện ra một chiếc khăn quàng màu xanh lá cây được giắt ở thành ngôi đền. Chiếc khăn này giống hệt chiếc được tìm thấy trên thi thể nạn nhân Green. Điều tra viên Frank Wesolowski, người đứng đầu cục điều tra án mạng quyết định sẽ tới thăm chính thức ngôi đền.

Mitchell “nồng hậu” đón tiếp ngài thanh tra tại phòng làm việc của hắn với hai tên vệ sỹ to lớn bảo vệ hai bên. Hắn liên tục đánh trống lảng bằng cách giảng giải về xung đột giữa người da đen và người da trắng. “Áp bức, bóc lột là những gì các anh đã làm với chúng tôi suốt 400 năm qua. Giáo phái chúng tôi thì ngược lại. Chúng tôi hướng tới hòa bình và tình yêu chứ không phải sự chết chóc như các anh.” – Hắn nói với thanh tra Wesolowski.

Cuộc viếng thăm này không đem lại chút kết quả nào cho thanh tra Wesolowski.

Mặc cho những cuộc tàn sát man rợ vẫn diễn ra, giáo phái của Mitchell vẫn trên đà phát triển và tuyển chọn thêm những thành viên mới.

Hắn đã mở các nhà thờ tại 45 thành phố trên khắp cả nước, thu hút khoảng 10,000 tín đồ. Trong đó, 500 người trực tiếp sinh sống tại dãy nhà kho. Hắn còn mua lại những chiếc xe bus cũ của hạt Dade và thuê 4 người lái xe để phục vụ khách hành hương.

Trong số những người hành hương có Leonard Dupree, 22 tuổi, là võ sinh đai đen karate đến từ New Orleans. Bố mẹ anh không muốn Dupree gia nhập giáo phái kì quái này. Tuy nhiên, với ý chí sắt đá, cuối cùng, Dupree cũng thuyết phục được cha đi vay tiền để mình đi xe bus về “miền đất thánh”. Và anh không bao giờ trở về.

Dupree thu hút sự chú ý của những tên canh gác đền bởi anh tự ý tách ra khỏi lớp và lủi thủi một mình. Chúng bắt đầu nghi ngờ Dupree chính là sát thủ được cử tới để giết Mitchell. Mitchell nổi cơn tam bành trước “âm mưu ám sát” này.

Ngay trong buổi chiều hôm đó, Dupree đã đánh nhau với một tín đồ Yahweh khác trước đám đông khoảng 70 người.

Mitchell ngay lập tức có mặt tại hiện trường.

- “Có phải nhà ngươi muốn giết ta?” Mitchell lạnh lùng hỏi.

-  “Dạ không? Con chỉ muốn được hôn chân Người.” Dupree trả lời.

Không chút mảy may động lòng suy suyển, Mitchell buộc tội Dupree “âm mưu ám sát”. Đám đông điên loạn bắt đầu đùng đùng nổi giận. Họ xông vào đánh đập Dupree dã man.

Mitchell lệnh cho lính gác khóa cửa đền để không ai có thể rời đi rồi triệu tập tất cả mọi người: đàn ông, phụ nữ và trẻ em không trừ bất kì ai. Tất cả đều phải tham gia hành hạ Dupree, mặc cho anh hét lên trong đau đớn. Những tín đồ này đã bị ràng buộc với nhau bằng máu người. Ai cũng phải nhúng chàm. Không ai có thể tố cáo các vụ giết người cho chính quyền. Mọi chuyện diễn ra hệt như những gì Mitchell tuyên bố ban đầu: “Chúng ta cùng nhau giết người bởi chúng ta là một.”

Và Dupree đã ra đi đầy đau đớn như thế. Xác của anh bị chúng mang đi thủ tiêu và không ai có thể tìm thấy thi thể anh.

Kẻ độc tài man rợ

Để duy trì hoạt động quảng bá cho Yahweh, Mitchell phải tiêu tốn khá nhiều tiền của. Vì vậy, hắn tìm cách tiết kiệm chi phí trong khu đền. Hắn mở một công ty thực phẩm, doanh nghiệp kinh doanh nhà đất và một công ty đóng chai. Mọi thứ đồ uống không có nhãn của Yahweh đều bị cấm.

Những người bán hàng rong phải làm việc cật lực 18 tiếng một ngày. Doanh số bán hàng được ghi chép lại tỉ mỉ, chi tiết. Nếu không đạt được doanh thu yêu cầu, họ sẽ bị đưa đến “phòng cầu nguyện” – còn được biết đến là “phòng tra tấn”. Tại đây, những sinh linh khốn khổ bị bắt quỳ hàng tiếng đồng hồ. Nếu họ đứng dậy khi chưa được cho phép, những tên lính gác sẽ đánh đập họ bằng một chiếc roi da.

Những tín đồ Yahweh sinh sống ngoài khu vực đền thờ và vẫn có công việc ở bên ngoài được yêu cầu phải “đóng góp” toàn bộ tiền lương cho giáo phái.

Mitchell tiết kiệm tiền bằng cách bỏ đói và bóc lột sức lao động của các con chiên. Hắn dành tiền đầu tư vào bất động sản.

Mở rộng được tầm ảnh hưởng, Mitchell càng dễ dàng thâu tóm những khối bất động sản khổng lồ. Hắn sở hữu trong tay hàng loạt khu phức hợp nhà nghỉ, biệt thự và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Nhờ vậy, trị giá của “Ngôi đền yêu thương” cũng đạt mốc $8,5 triệu đô. Nơi đây trở thành một trong những tập đoàn có trị giá lớn nhất do người da đen sở hữu tại Mianmi.

Michell ngày càng trở nên hoang tưởng. Hắn thành lập một nhóm bí mật gọi là “hội anh em”, bao gồm những thanh niên trai tráng lực lưỡng được tuyển chọn cho những nhiệm vụ bí mật. Để trở thành hội viên “Hội anh em”, các ứng viên phải trải qua bài kiểm tra sát hạch là tự tay giết chết một “con quỷ da trắng” rồi đem một bộ phận của nạn nhân về để hắn kiểm chứng.

Robert Rozier, cựu cầu thủ bóng đá là kẻ đứng đầu đội quân giết người của Mitchell.

Rozier là gã đàn ông cao lớn, từng chơi bóng cho câu lạc bộ Saint Louis Cardinals và Oakland Raiders. Hắn từng bị cảnh sát Mỹ và Canada truy nã với tội danh lừa đảo. Sau sáu tháng nằm trại, hắn chuyển về sinh sống ở “Ngôi đền yêu thương” và đổi tên thành Neariah Israel.

Tháng 4/1986, hắn quyết định thử sức mình với “Hội anh em”.

Hắn đi bộ xuống phố Coconut Grove, khu phố của người đồng tính để tìm kiếm con mồi. Một người đàn ông say bí tỉ lọt vào “mắt xanh” của Rozier. Hắn lập tức bám theo ông ta. Khi người đàn ông tội nghiệp mở cửa nhà cũng là lúc mạng sống của anh ta bị tước mất. Rozier kết liễu người đàn ông với nhát dao chí mạng vào tim. Ở cùng nhà với người đàn ông xấu số là một người đàn ông da trắng nữa. Anh ta cũng bị Rozier sát hại. Rozier không tốn nhiều công sức để chặt đầu người đàn ông tội nghiệp. Tuy nhiên, hắn loay hoay không biết xử trí ra sao để mang được “chiến lợi phẩm” đó về. Rốt cuộc, hắn đành bỏ đi.

Tuy vậy, “Chiến công” của Rozier vẫn được Mitchell hết lời tán thưởng.

Sau này, Rozier thừa nhận mình đã giết chết bảy người và tình nguyện làm nhân chứng phơi bày tội ác của Mitchell tại tòa.

Năm 1986, giáo phái hắc ám này chiếm đóng bất hợp pháp một căn hộ ở thành phố nhỏ Opa-locka ở phía tây bắc Mianmi. Khi những người dân sống tại đây kháng cự, hai trong số họ đã bị nhóm Yahweh bắn chết.

Một nhân chứng đã báo tin cho cảnh sát về Rozier – kẻ trực tiếp ra tay sát hại. Hắn bị bắt vào lễ hội Halloween năm 1986 với tội danh giết người. Lúc đầu, hắn từ chối hợp tác với cảnh sát. Tuy nhiên, trước những chứng cứ không thể chối cãi, Rozier đã cúi đầu nhận tội. Hắn đồng ý giúp cảnh sát đưa giáo phái Yahweh ra ngoài ánh sáng để tránh án tử hình. Rozier bị kết án 22 năm tù giam.

Những con chiên sùng đạo.

Cảm nhận được những sóng gió sắp sửa ập đến với đế chế của mình, Mitchell cuống cuồng cải thiện hình ảnh giáo hội. Hắn thuê luật sư Ellis Rubin, chuyên gia đa phương tiện về làm người quảng bá hình ảnh Yahweh. Hắn tổ chức các ngày hội mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài. Trong những ngày đặc biệt đó, hắn ngụy trang đế chế bẩn thỉu với vẻ ngoài hào nhoáng: những tên lính gác trút bỏ vũ khí, thay vào đó là những tập tài liệu giới thiệu, quảng bá về Yahweh; trẻ em chơi đùa và học tập trên sàn nhà bóng loáng; người dân Yahweh mỉm cười thân thiện đón khách tham quan. Mitchell tự hào khẳng định: “Chúng tôi là đại gia đình hạnh phúc.”

Nhân dịp này, hắn còn lên tiếng chỉ trích những “luận điệu sai trái” về Yahweh.“Giáo hội Yahweh không phải là tổ chức giết chóc man rợ. Những gì Rozier nói là hoàn toàn dối trá. Một mình hắn tự gây nên chuyện, hoàn toàn không liên quan tới giáo hội”, Mitchell hùng hồn khẳng định.

Nhờ những hoạt động kể trên, Mitchell lại một lần nữa mở rộng ảnh hưởng của giáo hội thành công trong suốt vài năm sau đó. Ngày 7/10/1990, trong một sự kiện tại Miami Arena, thị trưởng thành phố Mianmi Xavier Suarez đã tuyên bố đây là ngày “Yahweh ben Yahweh”.

Trong khi đó, bồi thẩm đoàn liên bang đã nhận được bản cáo trạng 25 trang tố cáo hành vi tội ác của Mitchell và 15 đệ tử của hắn gây ra như giết người, tra tấn và kinh doanh bất chính.

Ngày càng nhiều người đàn ông da trắng, phần đông là người vô gia cư và nghiệp ngập bị sát hại trên đường phố Mianmi. Cảnh sát không thể ngờ, tất cả đều do một tay của “người lãnh đạo” cộng đồng người Mỹ da đen ở đây gây nên.

Phiên tòa kì lạ hay sự nương tay của chính quyền Mỹ

Mitchell chính thức bị đưa ra xét xử vào 1992 tại tòa án quận Fort Lauderdale, Mỹ. Chánh án Norman Roetgger cho biết, đây là tên tội phạm man rợ nhất từng được xét xử tại tòa án liên bang. Lo sợ rằng những phần tử cực đoan trong giáo hội của Mitchell sẽ làm loạn, các nhân viên của cục điều tra liên bang Mỹ buộc phải cấm đường tại các tuyến phố gần nơi xét xử. Lực lượng chống khủng bố cũng được điều động để chốt chặn tại các cứ điểm trọng yếu.

Trước những lời phủ nhận và bào chữa từ phía luật sư của bị cáo, bồi thẩm đoàn đã công bố những bức ảnh chụp thi thể của các nạn nhân xấu số, trong đó có cả nạn nhân Aston Green trong tình trạng đầu lìa khỏi xác để chỉ rõ những tội ác man rợ của Mitchell và đám tay chân.

Sau hàng năm dài im lặng, cuối cùng, những con chiên tỉnh ngộ giờ đã có cơ hội trừng trị tên bạo chúa trên tòa. Họ cung cấp thông tin tỉ mỉ, chi tiết về những việc làm độc ác, bẩn thỉu của giáo hội. Một người đàn ông còn cho biết, anh ta đã bất tỉnh nhân sự sau khi phải làm việc liên tục mười mấy tiếng đồng hồ mà không được ăn uống hay nghỉ ngơi.

“Tôi đã tận mắt chứng kiến con cái mình đói khát mà không thể làm gì được. Tôi đã bị hắn đánh đập. Hắn còn cưỡng bức hầu như tất cả phụ nữ trong đền, trong đó có cả vợ tôi”. Người đàn ông đau khổ thống thiết.

Hàng chục con chiên của hắn đã dũng cảm đứng lên làm chứng, tuy nhiên, Mitchell vẫn giữ bộ mặt điềm tĩnh và hoàn toàn vô cảm.

Mặc dù các nhân chứng đứng ra làm chứng về các vụ giết người nhưng điều đó vẫn chưa đủ để chứng minh rằng Mitchell là người đưa ra mệnh lệnh.

Cuộc chiến giữa chính quyền Mỹ và “Đứa con của Chúa” càng trở nên kì cụ hơn khi Mitchell bắt đầu tự bào chữa cho mình. Hắn tự nhận mình là người giữ cửa Thiên đàng, người kiến tạo nên vũ trụ. Hắn phủ nhận mọi tội lỗi đã bị cáo buộc. Hắn một mực khẳng định giáo hội của mình là về tình yêu thương chứ không phải sự chết chóc.

Sau cuộc điều tra kéo dài một thập kỷ, trải qua hàng loạt các phiên tòa trong suốt hơn 1 năm với 160 nhân chứng, bồi thẩm đoàn buộc phải đưa ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết này khiến mọi công tố viên đều choáng váng: bảy tên đệ tử không bị kết án giết người mà thay vào đó, chúng được khép vào tội âm mưu giết người. Mitchell cũng chỉ bị kết án vì phạm tội âm mưu giết người. Tòa án cũng không thể kết tội Mitchell về việc làm ăn phi pháp của hắn.

Thẩm phán Roetgger kết án 7 môn đệ của Mitchell mức án 15-16 năm tù cho từng tên. Mitchell được kết án 18 năm tù giam. Những con chiên ngoan đạo của Mitchell khóc òa trong niềm vui sướng. Trong khi đó, những nạn nhân của hắn nhỏ những giọt nước mắt thất vọng cay đắng nặng nề. Tên đồ tể đã thoát tội trót lọt.

Vào tháng 8/2001, Hulon Mitchell Jr, khi đó đã 65 tuổi, bước ra khỏi nhà tù, chính thức trở thành người tự do mặc dù hắn mới chấp hành án 10 năm. Ngay sau đó, hàng trăm tín đồ sùng đạo lại theo hắn, tái xuất tại một hội nghị ở Canada, “vùng đất hứa” mới của giáo phái man rợ này. Các tín đồ Yahweh giờ đây vẫn tích cực tuyển chọn thành viên mới trực tuyến tại trang web Yahwehbenyahweh.com.

Kết

Vẫn biết rằng Mỹ là đất nước tự do nhưng việc đảm bảo an toàn cho dân chúng vẫn phải là mục tiêu chú trọng hàng đầu.

Việc Mitchell và đám tay chân của hắn không bị trừng trị thích đáng khiến công chúng đặt dấu hỏi về hệ thống luật pháp của Mỹ. Khi những dị giáo cực đoan như Yahweh ben Yahweh vẫn mặc nhiên tồn tại ở xã hội văn minh này, hàng ngày hàng giờ đe dọa tới sự an toàn của công dân Mỹ, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc hệ thống pháp lý nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế.

Minh Nguyệt
.
.
.