Kiên quyết dẹp bỏ những “chợ vũ khí” công khai trên mạng

Thứ Tư, 10/01/2018, 14:22
Một kho “hàng nóng” vừa bị Công an TP HCM triệt phá, thu giữ hàng nghìn súng điện, súng bắn đạn bi, roi điện, đao, kiếm, mã tấu, bình xịt hơi cay… Thực trạng công khai rao bán trên mạng những loại hung khí, công cụ hỗ trợ mà không được cấp giấy phép, cũng không hề rõ nguồn gốc xuất xứ rất đáng lo ngại


Công khai mua bán “hàng nóng” trên mạng

Chiều tối 6-1-2018, Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm (Đội 3) - Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Công an huyện Củ Chi triệt phá một kho “hàng nóng” gồm công cụ hỗ trợ, súng điện, súng bắn đạn bi, dao, kiếm… với số lượng lớn nhất từ trước đến nay của hai vợ chồng Phạm Thành Long (34 tuổi) và Vũ Thị Diệp (28 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).

Để có thể “cất vó” thành công như vậy, các trinh sát hình sự đặc nhiệm đã mất gần 7 tháng theo dõi, đeo bám đã lần ra được đầu mối chuyên cung cấp các loại công cụ hỗ trợ, súng điện, dao kiếm… ra thị trường với số lượng lớn trên địa bàn huyện Củ Chi.

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, khuya ngày 5-1, các trinh sát hình sự đặc nhiệm cùng Công an huyện Củ Chi bất ngờ ập vào kiểm tra hành chính căn nhà nằm trên đường số 23 ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi bắt quả tang vợ chồng Long và Diệp đang tàng trữ một kho dao kiếm, súng điện, súng bắn đạn bi… 

Cuộc vây ráp bất ngờ khiến hai vợ chồng Diệp - Long không kịp trở tay. Qua khám xét căn nhà, cơ quan Công an thu giữ tang vật gồm 2.547 cây đao, kiếm, dao, lưỡi lê, mã tấu các loại, hơn 700 súng điện, roi điện, 93 súng bắn đạn bi và hàng trăm bình xịt hơi cay.

Số “vũ khí nóng” bán trên mạng bị Công an thu giữ trong một vụ án.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận bắt đầu buôn bán các loại hung khí trên từ tháng 7-2017. Tất cả số hàng trên được chúng mua lại của một người tên H. ở phía Bắc (chưa rõ lai lịch). 

Sau khi nhập hàng về, Diệp, Long cùng đồng phạm rao bán trên mạng xã hội cho những khách hàng có nhu cầu nhằm hưởng lợi. Do quen biết nhiều với giới giang hồ phía Bắc đang hoạt động tại thành phố nên vợ chồng Long có khá nhiều khách hàng, nhưng chủ yếu là những thanh niên ở khắp các tỉnh, thành.

Theo các trinh sát, băng nhóm này sẵn sàng giao hàng bất cứ vào thời điểm nào trong ngày, gần như hàng nào cũng có. Tuy nhiên, các đối tượng rất cảnh giác, mọi giao dịch đều thực hiện qua mạng xã hội, chuyển khoản qua ngân hàng xong sẽ nhận được hàng; mỗi lần giao dịch là một số tài khoản khác nhau… 

Để theo dõi mọi biến động của băng nhóm này, trinh sát phải nhiều đêm thức trắng, mật phục theo dõi. Diệp và Long rất cảnh giác, phải “test thử” để chắc chắn không phải Công an trà trộn mới giao hàng.

Do tàng trữ số lượng lớn vũ khí để bán ra thị trường và rao bán trên mạng có phần khá công khai nên đôi vợ chồng này dùng các thủ đoạn để liên tục di chuyển kho hàng qua nhiều địa bàn như quận Thủ Đức, quận Gò Vấp… và cuối cùng là ở đường số 23, ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Ngoài ra, để tránh bị cơ quan Công an phát hiện, hai vợ chồng này đã lập hai tài khoản facebook mang tên “Lì Ham Vui” và “Tự Vệ Miền Tây” để quảng bá “hàng nóng” và giao dịch với những người có nhu cầu.

Theo Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội 3, Phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh, để triệt phá băng nhóm này, các trinh sát phải lần theo những manh mối trên mạng xã hội, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm mới từng bước lên kế hoạch triệt phá…

Cách đây chưa lâu, vào gần cuối tháng 11-2017, Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm hướng Nam, Phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh, cũng bắt giữ đối tượng Bùi Đức Hoàng (24 tuổi, ngụ TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, tạm trú phường Thạnh Lộc, quận 12) điều hành đường dây tàng trữ mua bán trái phép các loại súng ngắn trong phạm vi cả nước. Sau đó, đối tượng này đã được bàn giao cho Công an quận 6 để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Qua công tác điều tra nắm địa bàn, từ đầu tháng 10-2017, trinh sát hình sự đặc nhiệm phát hiện Hoàng là đối tượng chuyên đăng tải lên các trang mạng xã hội để bán hàng trăm khẩu súng cho nhiều đối tượng trên phạm vi cả nước. Thấy việc mua bán trái phép các loại súng trên mạng lại lợi nhuận cực cao, Hoàng tiếp tục mở rộng “thị trường”, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh.

Khoảng 15h ngày 16-11, tổ trinh sát Đội Hình sự Đặc nhiệm hướng Nam đã bắt giữ Hoàng khi đang điều khiển xe máy đi giao hàng cho khách ở địa bàn quận 6. Tại cơ quan Công an, bước đầu Hoàng khai một mình trực tiếp từ Tây Ninh đến tỉnh Lạng Sơn giao du và móc nối với các đối tượng tại đây để lấy hàng và vận chuyển về Hà Nội tập kết tại một tiệm Internet. Sau khi có được các loại “hàng”, Hoàng bắt đầu đăng lên các trang mạng xã hội để chào hàng cho tất cả các khách hàng trên cả nước.

Điều đáng nói, kho tang vật thu giữ từ Hoàng khiến nhiều người “rùng mình” gồm: 14 khẩu súng bắn đạn bi, 20 hộp tiếp đạn, 3.600 viên đạn bi bằng kim loại, 37 bình ga các loại và nhiều tang vật có liên quan đến vụ việc. Phần lớn các loại súng của Hoàng sử dụng đạn bi bằng kim loại sắt và dùng bình gas CO2 để nạp nhiên liệu. Đây là loại súng do Trung Quốc sản xuất, tỷ lệ sát thương rất cao.

Đối tượng Bùi Đức Hoàng điều hành đường dây tàng trữ mua bán trái phép các loại súng ngắn trong phạm vi cả nước.

Người sử dụng mạng xã hội cũng cần vào cuộc

Theo quy định của pháp luật, vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và các loại công cụ hỗ trợ được xác định là phương tiện đặc biệt, trang bị cho một số lực lượng chức năng sử dụng để giữ gìn an ninh, trật tự, trấn áp tội phạm... Tuy nhiên thời gian qua, trên mạng xã hội, các đối tượng tội phạm đã công khai rao bán nhiều loại vũ khí nguy hiểm và các công cụ hỗ trợ. 

Các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán khá phong phú về chủng loại cũng như giá cả và thường được che đậy dưới vỏ bọc “vũ khí tự vệ”, trong đó, phần lớn là các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với khả năng gây sát thương cao như: Súng tự chế, súng điện, mã tấu, kiếm, đao, dùi cui điện, roi điện,... thậm chí cả vũ khí quân dụng. Không chỉ đăng hình ảnh cụ thể từng loại vũ khí, những chủ tài khoản này còn công khai số điện thoại để người mua có thể giao dịch trực tiếp.

Có thể nói, thực trạng này rất đáng lo ngại và nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm. Thực tế việc mua bán, trao đổi các loại công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm trên mạng khá phức tạp, có thể tạo điều kiện cho tội phạm gia tăng mức độ nguy hiểm.

Vào cuối tháng 10-2017, một băng cướp 6 đối tượng với tuổi đời còn rất trẻ chuyên dùng mã tấu, bình xịt hơi cay và roi điện tấn công người đi đường, gây ra hàng loạt vụ cướp trên quốc lộ 13 và tỉnh lộ 43, khu vực giáp ranh giữa thị xã Thuận An (Bình Dương) với TP Hồ Chí Minh đã bị Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương triệt phá. Tài sản mà băng nhóm này chủ đích cướp gồm điện thoại, tiền, nữ trang…

Tại cơ quan Công an, nhóm thanh niên gồm: Võ Nguyễn Thanh Mến, Nguyễn Vũ Kha (19 tuổi, quê Bạc Liêu), Huỳnh Thanh Sang (17 tuổi, quê Bến Tre), Võ Quang Huy (17 tuổi, quê Cà Mau), Lê Thành Văn (20 tuổi, quê Sóc Trăng), Nguyễn Hoàng Hận (23 tuổi, quê Hậu Giang) khai nhận từ ngày 24-9 đến khi bị bắt (tức chưa đầy một tháng) chúng đã gây ra 15 vụ cướp ở địa bàn thị xã Thuận An (Bình Dương), quận Thủ Đức và quận 12 của TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài việc chặn xe máy của người đi đường, băng nhóm này còn chặn xe khách, xe tải trên quốc lộ 13 rồi đập kính hoặc dùng mã tấu đe dọa tài xế buộc họ phải đưa tiền. Đáng nói là khi chặn xe người đi đường, nếu nạn nhân chống cự hoặc la hét sẽ bị nhóm cướp vung mã tấu chém vào người. Riêng ngày 13-10-2017, nhóm này đã dùng mã tấu chém gây thương tích một người phụ nữ và cướp được 10 triệu đồng.

Vợ chồng Diệp - Long công khai số điện thoại trên mạng để mua bán “hàng nóng”.

Một thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, từ năm 2012 đến tháng 6-2017, cả nước xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan mua bán vũ khí. Hầu hết các vụ việc vi phạm về tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ đều do các đối tượng, nhóm đối tượng manh động, liều lĩnh thực hiện và có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng. 

Trên thực tế, có không ít vụ cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ,... xảy ra và nhiều đối tượng đã sử dụng súng, kiếm và công cụ hỗ trợ là phương tiện gây án như vụ việc điển hình kể trên.

Dù vậy, việc xử lý các đối tượng tàng trữ, mua bán “hàng nóng” trên mạng cũng đang gặp không ít khó khăn như khó xác định danh tính, địa chỉ cả người bán lẫn người mua; một số mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài. 

Bên cạnh đó còn có một số vướng mắc do quy định của pháp luật. Trong đó có việc nhiều loại vũ khí như súng săn, súng bắn cồn, bắn ga... có thể gây chết người nhưng chỉ có thể xử lý hành chính chứ không thể khởi tố hình sự. Chưa kể đến tính chất lưu manh, liều lĩnh, trắng trợn ngày càng tăng của những nhóm tội phạm tàng trữ, buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép…

Do đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn trước thực trạng này. Điều cần chú ý là tăng cường công tác tuyên truyền để các cá nhân có ý định mua bán, sử dụng vũ khí “nóng” nhận thức được đó là hành vi phạm pháp và sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Cùng với việc kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng trái phép, cơ quan chức năng cần phát hiện, chặn đứng nguồn cung, xử lý nghiêm các vi phạm.

Không chỉ các cơ quan chức năng mà người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức để thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ. Sự hợp tác của người dân sẽ góp phần tích cực ngăn chặn hiểm họa từ những “chợ vũ khí” bất hợp pháp trên mạng hiện nay.

Phú Lữ
.
.
.