Kỷ nguyên mới Malaysia

Thứ Năm, 24/05/2018, 15:45
Lần đầu tiên kể từ khi giành độc lập từ tay người Anh (năm 1957), Malaysia không còn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Tổ chức Quốc gia Malaysia Thống nhất (UMNO). Chiến thắng của Liên minh Hy vọng (PH) hôm 9-5 thực sự mang lại nhiều hy vọng cho Malaysia, đặc biệt về một nền chính trị mới mẻ sau 61 năm dài đằng đẳng.


Bỏ qua hận thù

Dù theo thể chế dân chủ đa nguyên đa đảng, nhưng kể từ khi độc lập đến nay, thế lực duy nhất nắm quyền lãnh đạo Malaysia chính là UMNO nằm trong Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN). Nói cách khác, 61 năm qua ở Malaysia chỉ có một đảng cầm quyền.

Thực trạng này là hệ quả của sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Malaysia, quốc gia có nhiều sắc tộc như Mã Lai, Trung Quốc, Ấn Độ cùng nhiều dân tộc thiểu số khác. 

Trong đó, tộc người Mã Lai có dân số đông đảo nhất, chiếm tới 2/3 dân số Malaysia. Chính sự vượt trội về cơ cấu dân số của người Mã Lai đã mang lại ưu thế tuyệt đối cho Liên minh BN trong suốt 61 năm qua, vì liên minh này đại diện cho tộc người Mã Lai. 

Những nhóm người còn lại, vì quá khác biệt về tôn giáo, chính trị và quan niệm xã hội, nên mãi vẫn không thể tập hợp lại được. Vì vậy trong suốt hàng thập kỷ qua, họ bị xem là các nhóm ngoài lề xã hội, liên tục bị đàn áp và bị gạt ra khỏi quá trình quyết sách.

Đến năm 1999, những nhóm thiểu số này mới thành lập được một liên minh, gọi là Liên minh Nhân dân (PR). Đây chính là tiền thân của Liên minh Hy vọng vừa giành chiến thắng hôm 9-5. 

Một điều khá thú vị, nếu cách đây 20 năm chính ông Mahathir Mohamad là người đã khiến các nhóm thiểu số “tức nước vỡ bờ” dẫn đến việc thành lập liên minh đối lập, thì nay cũng chính ông là người đại diện cho liên minh đối lập ra tranh cử và giành chiến thắng trước liên minh cầm quyền.

Thủ tướng Mahathir Mohamad vừa trở thành nhà lãnh đạo quốc gia lớn tuổi nhất thế giới.

Cách đây hơn 20 năm, theo sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông Mahathir (khi đó là Thủ tướng) đã có xung đột với Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim về cách thức giải quyết khủng hoảng. Thêm vào đó, do ám ảnh bởi vụ lật đổ Suharto tại nước láng giềng Indonesia trước đó, ông Mahathir quyết định sa thải ông Anwar vì lo ngại bị tiếm quyền. 

Ông Anwar nhanh chóng kêu gọi một phong trào Reformasi đòi cải cách chính trị với hơn 200.000 người tham gia biểu tình tại Kuala Lumpur vào năm 1998. 

Ông Anwar đã bị cảnh sát bắt giữ và tra tấn dã man. Sau đó, họ còn khép ông vào tội “loạn dâm” với cáo buộc ông có quan hệ tình dục với một người đồng giới. Từ đó, vợ của Anwar thay mặt chồng nắm quyền lãnh đạo phe đối lập.

Trong cuộc bầu cử lần này, gia đình Anwar đã bỏ qua thù cũ, đưa ông Mahathir đại diện phe đối lập. Chính khao khát muốn mang lại một nền dân chủ đã giúp 2 cựu thù đứng về cùng một phe, cũng như đã kết nối các nhóm thiểu số vốn mang những quan điểm rất khác nhau về vấn đề tôn giáo và chính trị.

Kỳ vọng dân chủ

Trở lại năm 1999, sau những trò đàn áp người bất đồng chính kiến của chính quyền Mahathir, người dân đã thể hiện sự bất bình qua việc giành tới 40% số phiếu cho liên minh đối lập trong cuộc bầu cử năm đó, giúp phe đối lập nắm được 1/5 số ghế trong Quốc hội.

Lo sợ trước cơn “tức nước vỡ bờ” của người dân, liên minh cầm quyền đã dùng nhiều mánh khóe và thủ đoạn để củng cố vị trí, như đơn phương bổ sung thêm 26 ghế trong Quốc hội, phân chia lại khu vực bầu cử, và đổ tiền vào hàng loạt chính sách dân túy để lấy lòng người dân, hứa hẹn chống tham nhũng và cải cách chính trị... Những chiêu trò này của BN đã tỏ ra có tác dụng, khi người dân quay trở lại ủng hộ mạnh mẽ liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2004.

Tuy nhiên, người dân lại một lần nữa phải thất vọng với BN, khi chính quyền của Thủ tướng Abdullah bin Ahmad Badawi tỏ ra bất lực trong việc thanh lọc bộ máy chính trị. 

Theo giới quan sát, các nhóm lợi ích của BN đã bám rễ quá sâu trong bộ máy, nên ông Abdullah phải chịu cảnh “lực bất tòng tâm”, chẳng thể làm gì. Mỗi khi ông có những chính sách hay động thái đụng chạm đến quyền lợi của họ, thì họ sẽ ra tay phong tỏa các chính sách gần như ngay lập tức. 

Đứng trước tình cảnh đó, người dân Malaysia hiểu ra rằng, không thể nào có một cải cách nội bộ trong BN, và họ chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc lật đổ BN, hoặc phải chấp nhận hiện trạng chính trị.

Người ủng hộ ông Mahathir Mohamad.


Hàng loạt cuộc biểu tình đã bùng phát ở Kuala Lumpur từ năm 2005 đến 2007. Nhu cầu cải cách bầu cử đã trở thành một điểm nhấn của Malaysia. Một liên minh gồm hơn 60 nhóm xã hội dân sự có tên Bersih (Liên minh vì các cuộc Bầu cử trong sạch và công bằng) đã được thành lập với hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn kêu gọi dân chủ trong suốt 10 năm trở lại đây. 

Cùng với sự gia tăng của các phong trào dân chủ, liên minh đối lập như hổ mọc thêm cánh, lần lượt giành những thắng lợi chưa từng có trong bầu cử, như đạt 82 ghế trong tổng số 222 ghế của Quốc hội vào năm 2008, giành 51%  số phiếu phổ thông năm 2013.

Và kỳ bầu cử năm 2018 chính là kết quả rõ ràng nhất của phe dân chủ. Liên minh đối lập đã chính thức đánh bại liên minh cầm quyền BN vốn đã thao túng chính trường Malaysia hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp việc BN sở hữu một bộ máy tuyên truyền chuyên nghiệp với nguồn tiền khổng lồ dành cho các chính sách dân túy. 

Chiến thắng của Liên minh đối lập PH trước liên minh cầm quyền thâm căn cố đế và hùng mạnh đã cho thấy câu ngạn ngữ lưu truyền từ ngàn xưa “quan nhất thời, dân vạn đại” là luôn luôn đúng. Người dân Malaysia ngày nay có thể hy vọng Liên minh Hy vọng sẽ mang lại một tương lai tươi sáng, dân chủ hơn.

Vẫn còn nghi ngại

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nghi ngại trong bình minh đổi mới của Malaysia. Thứ nhất, dù ông Mahathir nay đã “giác ngộ” và “đổi phe”, nhưng nói gì thì nói ông đã từng là một “bàn tay sắt” trong suốt 22 năm cầm quyền của mình. Hiện ông đã hứa sẽ nhường ghế lại cho ông Anwar 1-2 năm nữa, nhưng chưa ai dám chắc điều gì có thể xảy ra.

Ngoài ra, một số nhà phê bình cho rằng chiến thắng của ông Mahathir và Liên minh PH vừa qua cũng đến từ nhiều chiêu trò dân túy, như hứa hẹn những cải cách nhắm vào quyền lợi trực tiếp của người dân, gồm: giảm giá nhà đất, cắt giảm thuế hàng hóa dịch vụ (GST), bỏ phí cầu đường, trợ cấp xăng trở lại... Mặc dù PH đã thực hiện tốt việc quản trị ở cấp tiểu bang trong 5 năm qua, song họ thiếu một nghị trình kinh tế vĩ mô rõ ràng. Một Mahathir dày dặn kinh nghiệm cũng không đủ để gồng gánh cả một liên minh còn đầy bỡ ngỡ.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng thế giới đã bày tỏ lo ngại về các đề xuất của PH. Dịch vụ nhà đầu tư của Moody cảnh báo vào ngày 14-5 rằng các chính sách như vậy sẽ là "tín dụng tiêu cực" đối với đất nước, rằng có một chút "thiếu rõ ràng" về chương trình nghị sự kinh tế của lãnh đạo mới. Fitch Ratings lưu ý rằng GST đã đóng góp 18% cho các kho bạc của chính phủ vào năm 2017, nên việc cắt giảm thuế GST có thể dẫn đến mức thâm hụt cao hơn tương ứng. 

Việc ông Mahathir có kế hoạch quay trở lại mô hình cũ, được gọi là Malaysia Inc - công ty Malaysia, không khỏi khiến người ta lo ngại rằng ông không có sáng kiến gì mới, và một mô hình cũ dẫu đã từng thành công chưa chắc sẽ phù hợp với hiện tại.

Bàng Cương
.
.
.