Kỳ vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Nga

Thứ Hai, 20/05/2019, 15:48
Chuyến thăm Nga ngày 14-5 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được kỳ vọng như bước khởi đầu để cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc có ảnh hưởng lớn với thế giới.


Dù còn nhiều điều bất đồng song cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi được xem là chất xúc tác mở đường cho việc hàn gắn lại mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, vốn tiềm ẩn nhiều sóng gió trong suốt thời gian qua.

Ngỏ lời

Đặc biệt, Nga dường như là bên “chủ động” trong nỗ lực này. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, ông Lavrov mở lời: “Chúng tôi hiểu rằng giữa Nga và Mỹ còn tồn tại nhiều nghi kỵ và sự hiểu lầm tích tụ theo thời gian. Chẳng có ai được lợi gì khi phải đối mặt với tình thế này. Ngược lại sự lạnh giá trong mối quan hệ song phương sẽ chỉ làm tăng nguy cơ an ninh cho cả Nga và Mỹ, gây ra tình trạng báo động trong cộng đồng thế giới. Tôi tin rằng đã đến lúc phải gây dựng chất xúc tác mới mang tính xây dựng trong nhận thức về nhau. Chúng tôi đã sẵn sàng nếu phía Mỹ cũng thể hiện rõ thiện chí”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Tổng thống Putin sau đó thậm chí còn cho thấy một sự cởi mở hơn, khi nói rằng ông kỳ vọng 2 bên sẽ “khôi phục hoàn toàn” tình hữu nghị. “Như ông cũng biết, chỉ vài ngày trước đây, tôi đã có vinh hạnh được nói chuyện với ngài Tổng thống Mỹ qua điện thoại. Tôi có cảm giác rằng ngài Tổng thống có xu hướng tái thiết lập quan hệ Nga - Mỹ cũng như các mối liên hệ để cùng nhau giải quyết các vấn đề nằm trong lợi ích chung của chúng ta”, Tổng thống Putin nói với Ngoại trưởng Pompeo trong cuộc gặp tại thành phố Sochi hôm 14-5. “Về phần mình, chúng tôi đã hơn một lần nói rằng chúng tôi cũng muốn khôi phục hoàn toàn mối quan hệ (với Mỹ) và chúng tôi hy vọng rằng bây giờ đã đạt được các điều kiện để thực hiện điều đó”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết cải thiện quan hệ ngoại giao với Nga. Hai nước có thể không nhất trí với nhau về nhiều vấn đề song vẫn có chỗ cho hợp tác, đặc biệt là hợp tác chống khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Ông Pompeo nói: “Tôi cho rằng vẫn còn có chỗ cho hợp tác giữa Nga và Mỹ và xây dựng nhận thức chung giữa hai nước. Tôi cũng hy vọng rằng, chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ an ninh mang tính chiến lược như những gì đã được đề cập tại Phần Lan trước đây vài tuần. Tôi hy vọng nỗ lực này là một phần trong định hướng đã được Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đề cập trước đây. Điều này sẽ góp phần ổn định mối quan hệ và đưa nó trở lại quỹ đạo, qua đó mang lại lợi ích cho hai nước, người dân hai nước và thế giới”.

Sẽ vượt qua bất đồng?

Theo đánh giá của giới quan sát, nhìn nhận một cách khách quan, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ đã khá thành công, mở đường cho Mỹ và Nga cài đặt lại mối quan hệ này. Tuy nhiên, liệu 2 bên có thể vượt qua những bất đồng trong lịch sử và hiện nay để xây dựng một mối quan hệ hoàn toàn hữu nghị?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước khi bắt đầu cuộc họp ở Sochi, Nga, vào ngày 14-5.

Hiện Moskva và Washington đang đối chọi ở nhiều hồ sơ lớn toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Venezuela, tình hình tại Syria, Iran và Ukraine. Trong cuộc xung đột ở Syria, Nga ủng hộ cho lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Mỹ hậu thuẫn phe nổi dậy muốn lật đổ ông Assad. Những nỗ lực của Mỹ - Nga nhằm đưa ra một kết thúc mà Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho cuộc chiến bắt đầu từ năm 2011 đã thất bại vào năm 2016. 

Nhưng ông Pompeo nói với các phóng viên hôm 14-5, ông nghĩ rằng các quan chức Mỹ và Nga “giờ có thể làm việc với nhau” để bắt đầu quá trình đã đưa ra trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là kêu gọi một sự chuyển tiếp chính trị do Syria dẫn đầu với lệnh ngừng bắn, hiến pháp mới và bầu cử.

Tại Venezuela, Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, trong khi Mỹ ủng hộ phe nổi dậy đứng đầu bởi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido.

Ngoại trưởng Lavrov đáp trả lập trường của người đồng cấp Mỹ về Venezuela, rằng đối thoại giữa chính quyền của Tổng thống Maduro và phe nổi dậy là cách duy nhất để bảo đảm sự ổn định. “Dân chủ không thể đạt được bằng vũ lực. Những lời đe dọa mà chúng tôi nghe được nhằm vào chính quyền Maduro, những lời đe dọa phát ra từ miệng các quan chức Mỹ… những điều đó không liên quan gì tới dân chủ”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Phát biểu về Iran, đồng minh của Nga, ông Lavrov nói rằng Nga và Mỹ "có nhiều điểm khác biệt" và chỉ trích quyết định của Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này. 

Ông Pompeo nói rằng Mỹ sẽ đáp trả một cách thích hợp đối với bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran vào lợi ích của Mỹ, trong một tài liệu tham khảo rõ ràng về mối đe dọa của quân đội Iran nhằm đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mỹ nói thêm rằng đất nước ông không "tìm kiếm chiến tranh với Iran".

Mỹ gần đây đã thắt chặt các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran bằng cách thu hồi các miễn trừ trừng phạt quan trọng, một động thái phản đối kiên quyết của Moskva, trong một năm sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Nó cũng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với ngành kim loại của đất nước.

Liên quan tới vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Pompeo nói với người đồng cấp Nga rằng Mỹ sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014 và sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt mà Washington đã áp đặt lên Moskva. 

Ông Pompeo đề nghị Nga hợp tác với tân Tổng thống Ukraine trong việc mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga trả tự do cho các thủy thủ Ukraine. Ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng Mỹ và Nga có thể làm việc hướng tới điều mà ông nói rằng ông tin là mục tiêu chung của một Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Và nghi ngại?

Chuyến thăm của ông Pompeo thể hiện mối liên hệ cấp cao đầu tiên giữa Moskva và Washington kể từ khi Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller đệ trình báo cáo xem xét bản chất của vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. 

Cuộc điều tra của ông đã khiến cho mối quan hệ Nga - Mỹ trở nên nhạt nhẽo và các quan chức Nga đã bày tỏ hy vọng rằng Washington sẽ xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn với Moskva một khi mọi sự rõ ràng. 

Trong cuộc gặp với Pompeo, ông Putin đã ca ngợi báo cáo: "Bất chấp bản chất kỳ lạ của ủy ban của ông Mueller, về tổng thể, ông đã tiến hành một cuộc điều tra khá khách quan và xác nhận không có bất kỳ thông đồng nào giữa chính quyền Mỹ và Nga".

Dù vẫn còn nhiều bất đồng và nghi ngại, nhưng với những gì được giới chức Nga - Mỹ thể hiện trong các cuộc gặp tại Sochi, mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ có cơ hội hàn gắn lại, qua đó góp phần giải quyết nhiều hồ sơ ngoại giao lớn của thế giới. Điện Kremlin cho biết sẽ hoan nghênh yêu cầu chính thức của Washington về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Nga tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến vào tháng 6.

Một khi hai cường quốc này đứng chung một chiến tuyến, tin rằng những vấn đề xung đột toàn cầu sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng hơn hẳn so với trước đây.

Bàng Cương
.
.
.