Kyrgyzstan: Có thể mới chỉ là khởi đầu

Thứ Ba, 13/10/2020, 09:06
Một Thủ tướng mới và một Chủ tịch Quốc hội mới đã được bầu. Song, chừng đó có lẽ vẫn là chưa đủ để khẳng định rằng: Bất ổn thực sự đã đi qua, và tình hình đã thực sự nằm trở lại trong tầm kiểm soát, tại Kyrgyzstan.


Lửa trên đường phố

Chỉ trong vòng vài ngày, những biến động rung chuyển đã liên tục xuất hiện tại quốc gia Trung Á ấy, để từ một địa danh ít được nhắc tới, Kyrgyzstan trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát toàn cầu.

Tối 5-10, sau khi kết quả bầu cử sơ bộ Quốc hội được công bố, hàng nghìn người đã tràn xuống đường, và một cuộc biểu tình phản đối bùng nổ, bắt đầu tại quảng trường trung tâm thủ đô Bishkek. Những người tham gia biểu tình, trong đó có lãnh đạo các đảng thất bại trong cuộc bầu cử, đã kêu gọi cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả bỏ phiếu bầu Quốc hội. Đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, khiến nhiều người bị thương, với những con số dao động rất khác nhau giữa các nguồn.

Sau đó, một số người biểu tình đã di chuyển tới tòa nhà Quốc hội gần quảng trường và tìm cách phá hàng rào bảo vệ, thậm chí sử dụng cả bom xăng. Lực lượng cảnh sát buộc phải sử dụng vòi rồng, lựu đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông. Cuộc "giao tranh" này diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ.

Không chỉ vậy, đám đông còn tràn vào tòa nhà Ủy ban An ninh quốc gia, nơi giam giữ cựu Tổng thống Almazbek Atambayev, và phóng thích ông cùng cựu Thủ tướng Sapar Isakov và giành kiểm soát Bộ Nội vụ. Đồng thời, lực lượng biểu tình và đại diện các đảng đối lập đã bổ nhiệm ông Jooshbek Koenaliev là "thị trưởng nhân dân của Bishkek" cho đến khi Thị trưởng mới được bầu.

Ngày 6-10, Chủ tịch Quốc hội Kyrgyzstan Dastan Jumabekov và Thủ tướng Kubatbek Boronov đồng loạt từ chức phản đối kết quả bầu cử. Ủy ban Bầu cử trung ương Kyrgyzstan buộc phải tuyên bố quyết định hủy bỏ kết quả bầu cử ngày 4-10.

Một cuộc họp khẩn cấp bất thường đã được Quốc hội Kyrgyzstann triệu tập, cho dù không đủ số đại biểu do quá eo hẹp về thời gian. Cho đến chiều 6-10, nhiều cuộc biểu tình khác cũng đã nổ ra ở các tỉnh bên ngoài thủ đô Bishkek. Theo các số liệu thống kê, đã có ít nhất một người thiệt mạng, và gần 700 người bị thương sau những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.

Trong cuộc họp bất thường đó, chính trị gia đối lập Sadyr Zhaparov được bầu làm tân Thủ tướng, còn Phó Chủ tịch Quốc hội Myktybek Abdyldayev cũng đã được bầu làm tân Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, các nhà lãnh đạo mới đã phải cùng "đồng liêu" tháo chạy khỏi khách sạn, nơi được chọn để họp khẩn cấp thay thế cho tòa nhà Quốc hội đã bị tấn công, bởi lại có những đoàn người cầm gạch đá và gậy gộc xông vào.

Mặc dù vậy, cuối ngày 6-10, Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov vẫn khẳng định tình hình đã được kiểm soát. Tuyên bố của Phủ Tổng thống nêu rõ Tổng thống đã kiểm soát được tình hình, và kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân. Trong một tuyên bố khác, Tổng thống Jeenbekov cho biết ông đã ra lệnh cho các cơ quan thực thi pháp luật không được nổ súng hoặc gây đổ máu, tránh gây nguy hiểm tới tính mạng người dân.

Trước tình hình đó, Nga - quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Kyrgyzstan và hiện có một căn cứ không quân tại đây, bày tỏ lo ngại và hy vọng các bên sớm tìm ra giải pháp nhằm ổn định tình hình. Từ New York, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đang theo dõi sát sao các diễn biến, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh kích động bạo lực.

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng, nêu rõ Washington đề nghị tất cả các bên kiềm chế bạo lực và giải quyết bất đồng bầu cử thông qua các biện pháp hòa bình. Uzbekistan, nước láng giềng gần gũi nhất và cũng là đối tác chiến lược của Bishkek, hy vọng Kyrgyzstan sẽ có giải pháp hòa bình phù hợp với hiến pháp và luật pháp quốc gia. Tashkent nhấn mạnh: Sự ổn định tại Kyrgyzstan là yếu tố quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của toàn bộ khu vực Trung Á.

Người biểu tình tràn vào trụ sở cơ quan công quyền.

Trước đó kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội ngày 4-10 cho thấy các đảng thân chính phủ là Birimdik (Thống nhất) và Đảng Mekenim Kyrgyzstan (Kyrgyzstan Quê hương) đã nhận được đa số phiếu ủng hộ. Có bốn đảng hội đủ số phiếu để có ghế trong Quốc hội, số còn lại không vượt qua ngưỡng 7% số phiếu ủng hộ. Những người ủng hộ các đảng này cáo buộc đã có nhiều vi phạm bầu cử. Và họ xuống đường.

Bão tố chính trường

Việc phản đối kết quả bầu cử Quốc hội chỉ là những hiện tượng bên ngoài. Sâu thẳm bên trong, những xung đột quan điểm và mâu thuẫn lợi ích mới thực sự là nguyên nhân dẫn đến việc các đường phố hỗn loạn ở Bishskek lập tức bị đặt dưới những góc nhìn nhuốm màu lo ngại từ giới phân tích.

Trong chuỗi diễn biến cho đến hết ngày 6-10, có một điểm đáng chú ý: những người biểu tình trả tự do cho cựu Tổng thống ông Almazbek Atambayev đang bị giam giữ. Ngày 23-6 vừa qua, ông đã bị kết án hơn 11 năm tù, bị tịch thu tài sản và tước bỏ mọi danh hiệu nhà nước, do liên quan đến việc trả tự do trái phép một trùm tội phạm - Aziz Batukayev. Batukayev được phóng thích sớm năm 2013, trong bối cảnh tội phạm có tổ chức đang hoành hành dữ dội. Sau đó, cơ quan điều tra phát hiện ra rằng các tài liệu y tế làm cơ sở cho việc trả tự do cho Batukayev được làm giả mạo.

Ông Atambayev luôn phủ nhận việc dính líu đến sự vụ này. Nhưng không chỉ vậy, ông còn phải đối mặt với một loạt cáo buộc, gồm cả tội danh giết người, trong một phiên xử khác liên quan đến các cuộc xung đột bạo lực giữa những người ủng hộ ông và lực lượng an ninh năm 2019.

Người biểu tình tràn xuống đường phố thủ đô Bishkek.

Khi quyền kiểm soát đất nước đang dần tuột khỏi tay đương kim Tổng thống Sooronbai Jeenbekov, việc ông Atambayev được phóng thích bởi những người biểu tình có thể là một tiền đề cho những đợt sóng bất ổn mới. Nó cũng chính là chỉ dấu cho thấy những nhóm lợi ích ở Kyrgystan đối kháng với nhau gay gắt đến mức độ nào.

Chỉ trong 15 năm, đã có hai Tổng thống bị lật đổ sau các cuộc nổi dậy và một người ngồi tù. Quan trọng hơn, hai đảng liên minh cầm quyền của Tổng thống Sooronbai Jeenbekov từ lâu đã trong tình trạng "bằng mặt, không bằng lòng" khi có sự rạn nứt rõ nét về quan điểm chính trị khác biệt về sắc tộc, tôn giáo. Hơn thế, sự áp đảo của hai lực lượng chính trị này trong Quốc hội khiến cơ hội chiến thắng của các đảng phái chính trị khác là không nhiều

Trong khi đó, các chiến lược đối ngoại của Bishkek cũng không rõ ràng. Về vị trị địa lý, Kyrgyzstan có đường biên giới giáp Trung Quốc, song từng là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Điều khiến Bishkek thường xuyên trở thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa Moscow, Bắc Kinh và cả Washington. Hiện Kyrgyzstan duy trì quan hệ chính trị gần gũi với Nga, mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, song lại tỏ ra cứng rắn với thiện chí đến từ Mỹ.

Bạo lực xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình.

Đáng ngại nhất, và có lẽ cũng là yếu tố mang tính quyết định khuất lấp sau những lý do chính trường để những cuộc biểu tình bùng nổ, đời sống xã hội tại Kyrgyzstan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.  Ngân hàng Châu Âu về Tái thiết và Phát triển ước tính GDP của Kyrgyzstan giảm 9,5%, và dự kiến sẽ mất nhiều năm để phục hồi.

Cuộc sống mỗi lúc một khó khăn khiến người dân đánh mất niềm tin vào tầng lớp lãnh đạo. Họ sẵn sàng biểu thị đòi hỏi về những đổi thay trên thượng tầng chính trị đất nước của mình, chỉ cần một cái cớ.

Và bây giờ, với quá nhiều thách thức đặt ra như vậy, liệu lực lượng chính trị nào ở quốc gia Trung Á này sẽ đủ uy tín để nhận lãnh vai trò dàn xếp những khúc mắc, xoa dịu những bất đồng, hàn gắn những mâu thuẫn, xóa mờ những xung đột, kết hợp những đối lập thành một khối thống nhất, vì mục tiêu chung là sự phát triển của đất nước? Ai có thể làm điều đó, khi các đại biểu Quốc hội vừa họp bầu tân Thủ tướng và tân Chủ tịch Quốc hội xong đã phải tháo chạy khỏi nơi họp để tự bảo vệ mình?

Không phải ngẫu nhiên, đã có những nhà quan sát thậm chí còn hình dung ra các kịch bản tiếp nối mang màu sắc Maidan ở Ukraine (năm 2014), khi sự tôn nghiêm của nhà nước và pháp luật bị phá hủy hoàn toàn.

Thiên Thư
.
.
.