Lai Changxing: Kẻ đáng chết ba lần

Thứ Sáu, 07/08/2020, 20:33
Lai Changxing là kẻ từng bị truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc đã phải nhận án tù chung thân sau 12 năm sống lưu vong ở nước ngoài. Vậy con người này là người như thế nào mà khiến cho cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ phải thốt lên rằng: "Nếu Lai Changxing bị xử tử 3 lần thì vẫn không quá nhiều so với những gì hắn gây ra".


Lai là con cả trong một gia đình có tám người con tại Tấn Giang, Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi Lai ra đời vào năm 1958, Trung Quốc bước vào thời kì thực hiện chủ trương Đại nhảy vọt. Gia đình Lai may mắn thoát khỏi ảnh hưởng của nạn đói khi ấy nhờ sự chăm chỉ của người cha. Hoàn cảnh khó khăn đã thôi thúc ý chí làm giàu của Lai dù hắn không hề được học hành nhiều do ảnh hưởng của Cách mạng văn hóa.

Những bước chân đầu tiên trên con đường kinh doanh

Khi Lai 18 tuổi, ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền tại Trung Quốc, điều này khiến cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển nở rộ. Lai bắt đầu công việc tại một xí nghiệp cơ khí nông nghiệp. Sau đó hắn bắt đầu kinh doanh phụ tùng ô tô đơn giản. Việc kinh doanh vô cùng thuận lợi giúp Lai dần xây dựng đế chế của riêng mình. Trong vòng chỉ có 10 năm, y đã vươn lên trở thành ông trùm nhập khẩu xe hơi lớn nhất Trung Quốc.

Đến năm 1990, Lai cố gắng điều hành một doanh nghiệp nhập khẩu tivi miễn thuế do tận dụng chính sách mở cửa của Trung Quốc. Điều này giúp hắn kiếm được rất nhiều tiền.

Nhận thấy việc làm ăn của Lai thuận lợi, các quan chức địa phương mong muốn nhận được tiền "bảo kê". Lai từ chối khiến cho em gái hắn bị bắt và bị đánh đập đến mức phải nhập viện. Công ty của Lai cũng đối mặt với cáo buộc trốn thuế. Tuy Lai chiến thắng tại phiên toà nhưng việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đây Lai bắt đầu có ý thức dấn thân vào cuộc chơi chính trị.

Năm 1994, Lai thành lập tập đoàn Fairwell hay còn được biết đến với cái tên Yuanhua. Tập đoàn này đã tận dụng rất tốt sự bùng nổ kinh tế cũng như các chính sách ưu đãi dành cho đặc khu kinh tế Hạ Môn. Tập đoàn tham gia rất tích cực vào việc nhập khẩu kèm buôn lậu xe hơi, thuốc lá và dầu mỏ. Có thời điểm tập đoàn của Lai chiếm 1/6 tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc. Bản thân Lai cũng tạo ra thương hiệu thuốc lá Fairwell của riêng mình. Yuanhua còn đầu tư rất nhiều vào bất động sản, khách sạn cùng các cơ sở hạ tầng của thành phố.

Tạo sức ảnh hưởng

Vào giữa những năm 1990, Hạ Môn không có quy định về chiều cao tối đa của các công trình xây dựng. Nhiều doanh nhân giàu có đã cố gắng xây dựng những toà nhà chọc trời để chứng tỏ sự giàu sang, Lai cũng không phải ngoại lệ. Hắn đã cho xây toà tháp Yuanhua cao 88 tầng cùng khách sạn quốc tế Yuanhua (nay là khách sạn Sheraton Hạ Môn) lấy theo tên tập đoàn của mình. Buổi lễ ra mắt đã thu hút 2.000 quan khách tới dự. Mỗi người trong số họ đều nhận được phong bao 3.000 Nhân dân tệ đủ để thấy Lai giàu có cỡ nào.

Năm 1996, nhà ga số 2 sân bay Hạ Môn được Lai tài trợ là một trong những công trình sân bay lớn nhất cả nước. Năm 1998 Lai mạnh tay chi hai triệu Nhân dân tệ để mua đội bóng Quảng Châu nhằm thành lập đội bóng đá của thành phố Hạ Môn. Hắn thậm chí còn làm phim với bản thân là diễn viên chính vào vai một ngôi sao bóng đá nhằm đánh bóng tên tuổi.

Lai xây dựng một xưởng phim riêng có cả bản sao của Tử Cấm Thành tại Hạ Môn với kinh phí 20 triệu USD. Hắn đi lại bằng một chiếc Mercedes chống đạn. Chiếc xe được cho là sở hữu trước đây của Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân.

Tư gia của Lai là một toà nhà bảy tầng có tên là "Dinh thự Đỏ" được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng. Người trong toà nhà phải gọi Lai là "hoàng đế". Đây là nơi Lai dùng để đón tiếp các quan chức Chính phủ.

Với sức ảnh hưởng kinh tế cũng như địa vị của mình có được trên thương trường, Lai dần tạo ra sức ảnh hưởng chính trị tại địa phương. Lai có thời gian nằm trong Hội đồng cố vấn kinh tế Hạ Môn cũng như được Bí thư Thành uỷ Hạ Môn trao chứng nhận công dân danh dự vào năm 1997.

Lai đã chi cả tiền lẫn cung cấp "tình" cho các quan chức để nhận được giấy phép ưu đãi nhập khẩu cũng như không chịu sự kiểm tra hàng hoá khi buôn lậu. Tiền kiếm được từ buôn lậu hàng hoá sẽ lại được chi cho quan chức chính phủ.

Liên minh của Lai đã trốn tránh được ước tính 3,6 tỷ USD tiền thuế và phí khi ấy. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng và thiếu lành mạnh. Nhiều người còn lan truyền thông tin cho rằng, một số lần tàu chở hàng của Lai còn được tàu quân đội đi theo hộ tống. Chính phủ Trung Quốc không có bình luận với nguồn tin này cũng như cáo buộc việc Lai buôn bán vũ khí.

Cuộc sống tha hương

Cuộc sống của Lai xuống dốc vào năm 1999, khi đó hàng ngàn điều tra viên từ Bắc Kinh đã được cử xuống Hạ Môn để điều tra các hoạt động kinh doanh ở đây. Lực lượng điều tra viên này có tên là 420 do được thành lập vào ngày 20 tháng 4 năm 1999. Lúc đầu, Lai tưởng có thể mua chuộc được những điều tra viên này như cách hắn vẫn thường làm, tuy nhiên một sĩ quan cảnh sát cấp cao chơi với Lai nhiều năm cho hắn biết phe cánh chính trị đã thay đổi và không thể mua chuộc được.

Ảnh bìa The Time tháng 10 năm 2002 với hình Lai Changxing và chú thích đây là tội phạm Trung Quốc truy nã gắt gao nhất.

Lai lập tức lên tàu cao tốc sang Hồng Kông. Được sự chỉ dẫn của người bạn là sĩ quan cảnh sát, Lai nhanh chóng tìm đường từ Hồng Kông sang Canada.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè tại Hồng Kông, Lai cùng vợ con đã có hộ chiếu với tư cách công dân Hồng Kông để tới Canada vào tháng 8 năm 1999. Tại Canada, y đã trả 1 triệu USD cho một căn nhà ở Vancouver. Con của Lai học ở trường có mức học phí 4.000 USD/năm. Vợ của Lai thì mở một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng có số dư lên tới 1,5 triệu USD. Gia đình Lai sử dụng một chiếc SUV trị giá 90.000 USD. Còn bản thân Lai cũng là khách quen của những sòng bài với mức tiền cược có lúc lên tới 3 triệu USD.

Lai ly hôn vợ vào tháng 6 năm 2005. Tới năm 2009, chính phủ Trung Quốc vẫn bất lực trong việc đưa hắn về chịu tội vì những khủng hoảng ngoại giao bên lề. Lai còn được cấp giấy phép làm việc cho một công ty bất động sản ở Canada với tư cách một nhà tư vấn đầu tư.

Khủng hoảng ngoại giao trong vụ án Lai Changxing giữa Trung Quốc và Canada

Vụ án Lai Changxing không những làm rung chuyển hệ thống chính trị tại Phúc Kiến mà còn gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do Lai được chấp thuận quy chế tị nạn và được luật pháp Canada bảo vệ.

Dù Lai ở Canada nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn truy tố và không thôi mong muốn dẫn độ được Lai về nước. Y bác bỏ các cáo buộc và cho rằng việc truy tố mình mang động cơ chính trị.

Trung Quốc đã gặp phải khó khăn do luật của Canada không chấp thuận dẫn độ đến quốc gia mà nghi phạm có thể đối mặt với án tử hình. Thậm chí, năm 2001, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã phải gửi một ghi chú ngoại giao cam kết không xử tử Lai với Thủ tướng Canada khi đó là Jean Chértien.

Nhưng việc dẫn độ vẫn gặp phải rắc rối khi luật sư của Lai không yên tâm về những gì chính quyền Trung Quốc có thể làm với thân chủ của mình. Họ sợ rằng thân chủ sẽ không được xét xử một cách công bằng.

Đoạn kết của "ông trùm"

Sau nhiều khó khăn, cuối cùng đến tháng 7 năm 2011, tòa án liên bang tại Vancouver đã từ chối xem Lai là một người tị nạn và trục xuất khỏi Canada. Lai bị bắt và đến tháng 5 năm 2012 thì bị kết án chung thân, đảm bảo đúng lời hứa của chính quyền Trung Quốc với Canada khi đưa ra yêu cầu dẫn độ Lai về nước để xét xử.

Vụ án Lai Changxing được coi như một bài học xương máu đối với chính phủ Trung Quốc trong quá trình họ mở cửa nền kinh tế, phát triển đất nước.

Đỗ Tiến
.
.
.