Lái xe sẽ không được cộng dồn điểm tích luỹ sang năm sau

Thứ Ba, 08/09/2020, 15:30
Chính phủ thống nhất quy định về việc giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Chuyên đề CSTC đã phỏng vấn Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2020. 

Trong nghị quyết này, đáng chú ý là việc Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công an trong dự thảo Luật bảo đảm TTATGT đường bộ quy định về điểm của giấy phép lái xe khi thảo luận về dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Trong đó, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Chuyên đề CSTC đã phỏng vấn Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.

Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Cục trưởng, vì sao chúng ta lại quy định trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX)?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Quy định trừ điểm GPLX, được các nước thế giới đã làm rất lâu, phổ biến. Ở Việt Nam trước đây cũng đã áp dụng bấm lỗ GPLX. Mục đích là nhằm theo dõi chấp hành pháp luật về giao thông song song với xử phạt vi phạm hành chính. 

Hiện nay Luật của Việt Nam quy định hình thức xử phạt là phạt tiền, hình thức phạt bổ sung có thể  tước  GPLX. Khi hết thời hiệu xử lý vi phạm thì sẽ được trả lại GPLX, người vi phạm coi như là chưa vi phạm. 

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy việc theo dõi hoạt động của người tham gia giao thông là quá trình. Hệ thống này ra đời thì các hành vi bị tước GPLX có thể giảm đi, thay vào đó là phạt tiền và song song là hệ thống theo dõi điểm phạt, trừ điểm và thông báo cho người tham giao thông biết mình bị trừ bao nhiêu điểm, còn bao nhiêu điểm để chấp hành tốt hơn.

Đại tá Đỗ Thanh Bình.

Phóng viên: Vậy tiêu chí để xây dựng quy định về điểm của GPLX như thế nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện nay, việc trừ điểm trên thế giới có 2 hình thức, một là trừ điểm gắn với vi phạm (kể cả vi phạm hình sự). Thứ 2 là song song với xử lý vi phạm. Ở Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đây là hình thức xử lý song song với xử lý vi phạm. 

Để thực hiện, chúng ta cũng phải dựa vào các lỗi vi phạm để biết rằng lỗi đó theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nào thì hệ thống theo dõi điểm sẽ có mức tương ứng. Ví dụ, hành vi vượt đèn đỏ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ bị phạt tiền và tước GPLX tạm thời. 

Theo quy định trừ điểm thì hành vi đó sẽ quy đổi mất mấy điểm để cộng các lần vi phạm. Trong 1 năm, nếu trừ đến bằng 0 thì người vi phạm sẽ mất quyền lái xe. Việc này, chính là tạo cho người tham gia giao thông biết rằng mình phải chấp hành tốt để bảo vệ điểm của mình, để mình được lái xe.

Vấn đề nữa chúng tôi cũng đang nghiên cứu, đó là điểm GPLX cũng là một trong những căn cứ để nhà nước xây dựng chính sách bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ 3 của chủ xe cơ giới. Nếu những lái xe có nguy cơ rủi ro cao thì mức bảo hiểm sẽ cao. 

Ngược lại, nếu lái xe chấp hành tốt thì sẽ có lợi trong việc tham gia bảo hiểm. Như vậy, sẽ phù hợp với xu thế phát triển chung, ứng dụng CNTT để hoàn toàn có thể công khai minh bạch để người dân tự kiểm tra được. Ví dụ, lái xe vi phạm vượt đèn đỏ sẽ biết trong hệ thống theo dõi mình bị mất bao nhiêu điểm.

CSGT kiểm tra xe vi phạm.

Phóng viên: Việc cấp điểm, trừ điểm sẽ được thực hiện như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện nay Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT đang tiến hành và triển khai đồng bộ triển khai phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm này ra đời, sẽ hoạt động trên phạm vi toàn quốc thì toàn bộ phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm sẽ có trong hệ thống phần mềm này. Khi ra quyết định phạt thì đều phải nhập dữ liệu vào hệ thống này, đó là dữ liệu rất quan trọng để theo dõi song song với dữ liệu quản lý cấp, cấp đổi GPLX. Công tác này không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người dân.

Sự kết nối thông qua CNTT giữa CSGT với người dân sẽ dễ dàng hơn. Người dân hoàn toàn yên tâm, đây là hệ thống quản lý song song chứ không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.  Tôi nhắc lại, mục tiêu là để theo dõi cả quá trình lái xe của từng người, để chính người đó thấy là phải chấp hành thì sẽ không mất quyền lái xe của mình.

Việc trừ điểm sẽ được áp dụng đối với cả GPLX ôtô và môtô, xe gắn máy. Các phương tiện giao thông có động cơ đều là nguồn nguy hiểm cao độ nên đều phải được quản lý. Trên thực tế, người điều khiển xe máy vi phạm rất nhiều lỗi như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... gây ra rất nhiều vụ tai nạn đau lòng. Chính vì vậy, việc trừ điểm đối với GPLX môtô, xe máy là rất cần thiết. Nếu bị trừ hết điểm thì người vi phạm không được phép điều khiển phương tiện nữa.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều kiển phương tiện.

Phóng viên: Nếu quy định trừ điểm thì các hành vi bị tước GPLX đến 2 năm như vi phạm nồng độ cồn hoặc các hành vi phải xử lý hình sự thì việc trừ điểm có lợi hơn vì nếu trừ hết cả 12 điểm sẽ chỉ bị cấm lái xe trong 1 năm?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Quy định trong Nghị định 100/CP về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe ôtô có thể  bị tước GPLX lên đến 24 tháng. Sau khi hết thời gian xử lý hành vi này, người vi phạm sẽ được trả lại GPLX, được tiếp tục sử dụng để điều khiển phương tiện. Đối với quy định trừ điểm, người vi phạm bị thu hồi GPLX thì người vi phạm sẽ phải thi lại. Theo quy định thì sau 6 tháng kể từ khi bị thu hồi GPLX mới được thi lại để lấy GLPX mới. 

Chúng tôi đang tính toán quy điểm, ví dụ đối với hành vi thu hồi GPLX sẽ tính toán 2 năm thì sẽ phải trừ điểm của 2 năm, tức là trong 2 năm đó cũng không được lái xe. Không chỉ thế, khi bị thu hồi GPLX thì trong vòng 6 tháng người vi phạm mới được thi lại GPLX. Như vậy, thời gian không được lái xe sẽ bị tăng lên thành ít nhất 30 tháng chứ không chỉ 24 tháng như hiện nay. 

...Và lập biên bản lái xe vi phạm.

Phóng viên: Vậy trong trường hợp 12 tháng lái xe không bị trừ điểm nào hoặc bị trừ không hết 12 điểm thì có được cộng số điểm còn lại sang năm sau hay không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Trong một năm mà tài xế không vi phạm thì sẽ không được cộng tích luỹ điểm sang năm kế tiếp. Tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại GPLX. 

Tôi lấy ví dụ trong năm 2020, bạn không vi phạm, không bị trừ điểm nào thì năm 2021 bạn vẫn chỉ được cấp 12 điểm chứ không được cộng dồn điểm của năm 2020 thành 24 điểm. Điều này sẽ tránh được việc nhiều người có GPLX nhưng không điều khiển phương tiện, nếu cộng dồn điểm sang năm sau thì người đó vẫn không có kỹ năng lái xe thực tế. 

Chúng tôi đang đề nghị theo hướng, nếu lái xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT thì sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn. Lái xe bị trừ điểm nhiều – tức là có nguy cơ mất an toàn cao hơn thì sẽ phải mua bảo hiểm với giá cao hơn.

Hệ thống tính điểm được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất lâu, ở Việt Nam cũng đã có lịch sử bấm lỗ GPLX. Nhưng hiện nay, chúng ta đang rất thiếu sự liên kết giữa đào tạo, sát hạch GPLX và quản lý quá trình của người điều khiển phương tiện. 

Vì vậy, đây là vấn đề chúng tôi cho rằng cần phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu làm sao hành vi của con người tham giao giao thông, chúng ta phải cung cấp cho họ đủ kỹ năng để tham gia giao thông nhưng nếu họ không thực hiện đúng thì phải xử lý theo quy định của  pháp luật. Nếu bị trừ điểm thì phải biết mình còn bao nhiêu điểm để chấp hành tốt hơn. 

Đây cũng là cơ sở để cung cấp thông tin khi chúng ta có hệ thống bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ tạo thành hệ thống đồng bộ từ phòng ngừa, quá trình thực hiện, giảm thiểu rủi ro và gắn trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức... Mục tiêu sẽ giảm TNGT và ùn tắc giao thông.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Cục trưởng!

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.