Làm giả cổ vật để lừa đảo

Thứ Ba, 21/07/2015, 12:00
Bọn chúng dùng xảo thuật, lấy đất ruộng đắp lên những bức tượng bằng đồng để giả cổ, lừa đảo các nạn nhân kiếm bộn tiền. Đáng trách thay, ngay cả cửa chùa bọn chúng cũng không buông tha. Ngày giữa tháng 7, khi các đối tượng đang múa lưỡi, cò kè giá hời với một nhà sư về những bức tượng phật cổ "vừa tìm thấy được" thì lực lượng Công an xuất hiện. Bộ mặt thật và chiêu lừa đảo chuyên nghiệp của nhóm "khảo cổ" gồm 8 đối tượng  này đã bị Công an TP Huế vạch trần.  

Đem tượng phật giả cổ đến cửa chùa lừa đảo

Theo tố giác của các nạn nhân tại TP Huế đến cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thì: Trung tuần đầu tháng 7/2015, một nhóm thanh niên tự xưng là công nhân quê ở các tỉnh phía Nam ra Thừa Thiên Huế nhưng thiếu tiền chi tiêu. Vì vậy, muốn bán lại một số cổ vật quý gồm tượng phật, mẫu vật bằng đồng cổ vừa mới đào được với giá rất bèo so với giá trị thật của món đồ.

Để minh chứng, các đối tượng này đã bày nhiều mẫu tượng cổ quý bằng đồng, có phủ lớp bùn đất lấm lem để chào hàng. Đồng thời, bằng sự xảo biện, kẻ tung người hứng khiến không ít nạn nhân mau chóng sập bẫy, thỏa thuận giá cả và rước ngay món "đồ quý" về nhà. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại chất lượng của cổ vật vừa mới mua thì mới tóa hỏa phát hiện cổ vật mua được chỉ là những đồ đồng đúc giả cổ, được ngụy tạo dưới một lớp bùn đặc. Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, những kẻ bán đồ cổ này cũng ngay lập tức biến mất…

Điều đáng nói, những nạn nhân mà nhóm đối tượng lừa đảo này nhắm đến lại là các nhà sư trụ trì tại một số chùa trên địa bàn TP Huế. Cụ thể, vào chiều 13/7, một thanh niên trẻ tuổi, nói giọng miền Nam đã tìm đến chùa H. Đ (tại phường Trường An, TP Huế) lân la tìm mối bán tượng phật. Được một nhà sư của chùa nhã nhặn tiếp chuyện, như vớ được vàng, gã thanh niên lập tức chém gió và "khoe" một bức tượng phật Quan Thế Âm bằng đồng.

8 đối tượng lừa đảo và những cổ vật giả bị thu giữ tại cơ quan điều tra TP Huế.

Đối tượng còn chia sẻ câu chuyện đầy liêu trai chí dị, "tình cờ đào đất gặp tượng phật bằng đồng cổ hiển linh". Và cũng chiêu bài: Hiện rất cần tiền, một phần vì đức tin, muốn những vật quý của nhà Phật phải được lưu giữ tại chùa. Vì vậy, đề nghị nhà sư của chùa H. Đ "xá hỉ" mà mua lại vật quý. Tuy nhiên, mọi sự khoa môi múa mép gã người lạ không thể qua được con mắt am tường của nhà sư…

Từ nghi ngờ, sư thầy đã bí mật điện báo sự việc đến Công an phường Trường An, TP Huế. Và khi cuộc "giao dịch" của gã thanh niên lạ mặt đang xúc tiến thì bất ngờ lực lượng chức năng xuất hiện, mời đối tượng về trụ sở Công an phường làm việc. Sau một hồi kêu oan, kể khổ loanh quanh chối tội, cuối cùng đối tượng khai nhận: Hắn tên Nguyễn Minh Sang (SN 1983, trú tỉnh Tây Ninh). Bức tượng mà hắn rao bán cho sư thầy là đồ đồng đúc giả cổ, được hắn mua với giá chỉ từ 800 đến một triệu đồng từ hai đối tượng khác rồi đem đến các chùa đóng kịch, lừa đảo nhà sư để kiếm lợi bất chính.

Tiếp tục đấu tranh, mở rộng điều tra, truy xét Công an TP Huế đã phát hiện nguồn cung cấp những tượng, cổ vật giả cho Sang do hai đối tượng tên Thiện và Trường chi phối. Qua kiểm tra khẩn cấp nhà nghỉ Bình An tại thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), các điều tra viên còn phát hiện ngoài hai đối tượng có tên Trần Văn Thiện (SN 1980) và Đặng Văn Trường (SN 1984), còn có 5 đối tượng khác đồng phạm, cùng hội cùng thuyền khác trú tại các huyện Gò Dầu, Hiệp Thành và huyện Dương Minh của tỉnh Tây Ninh, gồm: Lê Hoài Phong (SN 1981), Lê Đức Thành (SN 1982), Nguyễn Lộc Tuyên (SN 1984), Phạm Văn Bích (SN 1984) và Nguyễn Văn Chung (SN 1984).

Trong nhóm này, Sang được đồng bọn phân công đóng vai công nhân của một công trình xây dựng A, B, C… rảo khắp các chùa tìm người mua tượng đồng cổ, bằng câu chuyện trong lúc thi công đã đào được tượng phật bằng đồng rất cần bán để kiếm lời. Không may cho Sang, tại chùa H. D, tưởng vớ bở đúng như kịch bản, nhưng sư thầy lại rất cảnh giác, đã phối hợp với lực lượng Công an lật mặt chiêu lừa đảo của các đối tượng.

Vòng quay giá hời của những pho tượng giả cổ

Qua đấu tranh, hai đối tượng Thiện và Trường đã khai nhận: Từ ngày 3/7 đến ngày 13/7,  chúng đã đưa 23 hồ lô lớn nhỏ, 6 cái bình tích và 22 tượng phật các loại đều bằng đồng, giá từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một hiện vật từ Bình Định ra Huế bán kiếm lời. Bằng phương thức trát đất vào các tượng phật để giả cổ, dùng áo quần công nhân, sau đó thay nhau đến các chùa chiền ở Huế bán lừa khách hàng với giá từ 4-6 triệu đồng một hiện vật.

Tượng phật bằng đồng đúc giả cổ được nhóm đối tượng lừa đảo, kiếm lợi bất chính.

Ngoài ra, lực lượng Công an còn thu giữ của nhóm đối tượng kể trên một số bộ quần áo công nhân ngành điện lực và 27 cuộn dây điện. Các đối tượng này còn thừa nhận đã được Võ Văn Phong (trú tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) hướng dẫn ra Huế bán tượng phật bằng đồng giả cổ "rất được giá", còn nguồn hàng sẽ do Phong chuyển ra sau. Từ ngày 3 đến ngày 13/7, các đối tượng đã nhận hàng của Phong chuyển ra 3 lần, gồm 11 tượng quan âm nhỏ, 7 tượng quan âm lớn, 4 tượng phật tổ lớn, 18 hồ lô nhỏ, 5 hồ lô lớn, 6 ấm trà (bình tích), tất cả đều làm bằng đồng.

Để lừa bán được với giá cao, ngoài việc dùng đất ruộng lấy gần nơi thuê trọ ở Bến xe phía Bắc bôi trát lên các tượng đồng giả cổ... khi "tác nghiệp", nhóm đối tượng này "sắm vai" bằng cách mặc áo quần công nhân bẩn… xưng là công nhân tại các công trình xây dựng vừa đào tượng phật cổ và đem các tượng phật làm giả này đến các chùa... vờ hỏi rằng mình vừa đào được các bức tượng phật ở công trình xây dựng, có đưa về nhà thờ được không. Khi một số sư thầy ở các chùa bảo rằng đó là đồ cửa phật, chỉ để ở chùa thờ tự, không nên đưa về nhà thờ cúng, thì các đối tượng được đà gạ gẫm bán với giá rẻ dưới cái mác "tượng đồng cổ" nhằm thu lợi bất chính.

Theo thông tin ban đầu, chỉ trong thời gian 10 ngày lưu lại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, các đối tượng đã bán được nhiều món hàng làm bằng đồng dưới cái mác "đồ cổ" vừa đào được và số tiền chênh lệch từ việc bán được các đối tượng cùng nhau chia lãi. 

Hiện cơ quan điều tra Công an TP Huế đã thu giữ của nhóm đối tượng nói trên gần 30 triệu đồng, nhiều món đồ đồng giả cổ, 6 điện thoại di động, 3 xe máy, cùng 27 cuộn dây điện và nhiều bộ quần áo, mũ của thợ điện mà các đối tượng dùng để đóng giả thợ điện đang thi công công trình còn dư đem bán. Đồng thời, làm việc với các bị hại, xác định nguồn gốc số tài sản và thành lập hội đồng giám định định giá số hàng hóa nói trên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hoài Thu
.
.
.