Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội):

Làm rõ tội trạng, xử lý nghiêm trước pháp luật

Thứ Ba, 08/09/2020, 15:38
Ngày 7-9, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).


29 bị cáo bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức), trong đó 25 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung. 4 bị cáo còn lại gồm: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Những kẻ chống đối

Theo cáo trạng, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng đã được Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và Trung ương đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để người dân hiểu và yêu cầu nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng từ năm 2013, Lê Đình Kình (SN 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) đã cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số đối tượng tại địa bàn xã Đồng Tâm đã thành lập “tổ đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau. 

Các đối tượng này thường xuyên lôi kéo, kích động nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”.

Khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, Lê Đình Kình đã cùng với Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến, Đào Thị Kim, Lê Đình Quang, Bùi Văn Tiến, Lê Đình Uy, Trần Thị La, Lê Thị Loan, Mai Thị Phần, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Bét… góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Đầu tháng 1-2020, khi biết lực lượng Công an TP Hà Nội sẽ về xã Đồng Tâm, Lê Đình Kình đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà mình vào các ngày 6, 7 và 8-1-2020 để chỉ đạo chống đối. Chiều 8-1-2020, theo chỉ đạo của Lê Đình Kình, Công đã yêu cầu đồng bọn mang các hung khí gồm tuýp sắt có gắn dao bầu, gắn liềm, bom xăng, các bao chứa gạch đá tập trung tại nhà Lê Đình Kình để tấn công lại lực lượng Công an. 

Rạng sáng 9-1-2020, khi lực lượng Công an đến chốt cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà Lê Đình Kình khoảng 50m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra thì Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động. 

Các đối tượng dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng Công an, khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Công an là: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình. Chức bảo Doanh đổ xăng từ can ra chậu để Chức đổ xuống hố, nơi các đồng chí Thịnh, Huy và Quân rơi xuống và châm lửa đốt. Hậu quả là cả 3 đồng chí đã hi sinh do ngạt khí và bị thiêu cháy.

Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã bắn tiêu diệt. Cơ quan điều tra kết luận, hành vi của Lê Đình Kình cấu thành tội giết người nhưng do Lê Đình Kình đã chết nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Xác định rõ vai trò chủ mưu của Lê Đình Kình

Lê Đình Kình nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm và Bùi Viết Hiểu nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Đồng Tâm giai đoạn 1981 – 1982 nên biết rõ nguồn gốc đất ở cánh đồng Sênh là đất quốc phòng. 

Tuy nhiên, từ năm 2013, Lê Đình Kình đã cùng các đối tượng khác lập “tổ đồng thuận”, với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh để chia nhau. Để thực hiện mục đích này, các bị can trong nhóm chủ mưu, cầm đầu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân trong xã để lôi kéo, kích động khiếu kiện về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền các cấp; đồng thời hứa hẹn, ai tham gia “tổ đồng thuận” thì khi đòi được đất sẽ được chia đất theo nhân khẩu…

Bị can Mai Thị Phần cho biết: “Ông Kình hứa hẹn với người dân, đất trên đấy là đất ruộng, bán mỗi mét vuông được 6 triệu. Đất là của mình cứ đi mà đòi, đòi được mỗi người được chia 240m² giá trị hơn 1 tỷ. Còn nếu ai không đi thì không được chia đất”. 

Mai Thị Phần theo “tổ đồng thuận” từ năm 2017. Ban đầu, Phần được Lê Đình Kình nhờ cầm tiền cho “tổ đồng thuận”, số tiền ban đầu là 30 triệu đồng. Trong quá trình quản lý, Phần đã đưa cho Lê Thị Loan và Lê Đình Công 12 triệu đồng để đi làm đơn; số tiền còn lại 18 triệu đồng thì theo chỉ đạo của Lê Đình Kình đã đưa cho Lê Đình Công và Nguyễn Văn Tuyển. 

Khi Phần hỏi Lê Đình Kình về việc sử dụng tiền vào mục đích gì thì Lê Đình Kình không nói rõ... Sau đó, Công nói rằng sử dụng để chuẩn bị cho bà con giữ đất trên đồng Sênh và mua một ít vũ khí... Do còn thiếu tiền nên “tổ đồng thuận” đã huy động các thành viên tham gia đóng góp 500.000 đồng. 

Trong quá trình này, các thành viên của “tổ đồng thuận” tuyên truyền nếu không đóng góp thì không được chia đất. Bị can Mai Thị Phần hối hận: “Tôi nhận thấy đã sai trái, mong Nhà nước khoan hồng để chúng tôi đoàn tụ với gia đình”.

Cũng như Mai Thị Phần, bị can Đào Thị Kim khai: “Ông Kình trong “tổ đồng thuận”. Những năm 80 tranh chấp đất, ông đang đương thời nên bọn tôi cứ tin vào ông ấy biết rõ nguồn gốc đất nên theo ông ấy. Cũng do thiếu hiểu biết, lúc ấy chỉ lo mất đất nên nghe ông Kình, anh Công nói thế là bọn em cứ theo thôi”. 

Vũ khí, công cụ các đối tượng thu gom để phạm tội.

Đồng Tâm đã bình yên

Ông Nguyễn Văn Toán (SN 1959, trú tại xóm 5, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức), một trong 14 người dân nhận tiền đền bù và bị các đối tượng trong “tổ đồng thuận” cố ý gây thương tích vì không nghe theo sự lôi kéo của chúng. Theo lời ông Toán, năm 1987, do hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, ông và vợ đã về ở tại mảnh đất trên sân bay. Ông Toán nhớ rõ vào thời điểm mua mảnh đất này, trên giấy tờ ghi là đất sân bay. 

“Khi Bộ Quốc phòng thu hồi đất sân bay, tổ đồng thuận động viên tôi là không nhận tiền bồi thường và giữ lại đất. Tôi đã nói thẳng là gia đình tôi mua đất nằm trên đất quy hoạch làm sân bay nhưng chưa được bồi thường. Nhưng bây giờ Nhà nước lấy để làm an ninh quốc gia thì tôi trả Nhà nước. Sau đó họ nói rằng không đưa tôi vào tổ chống tham nhũng... Sau đó, các đối tượng bắt đầu đe dọa và hành hung”, ông Toán cho biết.

Cũng như những người dân đang sinh sống ở thôn Hoành, ông Toán mong muốn quê hương trở lại bình yên để ổn định cuộc sống. Nói về sự ổn định của Đồng Tâm gần một năm trở lại đây, ông Toán cho biết: “An ninh của Đồng Tâm đến thời điểm này đã bước đầu ổn định. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy đã bắt đầu được kiềm chế.... Khi Công an xã chính quy về xã thì an ninh thôn xóm yên ổn. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã yên tâm sinh sống, không còn lo sợ bị các đối tượng đe dọa”.

Ông Trần Ngọc Viễn, ở tổ 13, xã Đồng Tâm cho hay: “Sau khi biết đất đó là đất của Nhà nước, chúng tôi chấp hành. Chúng tôi nhận tiền đền bù và thứ hai là di rời về, không có vấn đề gì vướng mắc cả”. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trần Ngọc Viễn cho biết: “Đến giờ phút này, đại bộ phận bà con xã Đồng Tâm yên ổn, bà con đều hiểu và chấp hành tốt. Từ khi có Công an xã chính quy về địa phương đến nay, xã Đồng Tâm về cơ bản ổn định. Các vấn đề về ANTT cũng đều được Công an giải quyết, không có vấn đề gì gây khó khăn”.

Những ngày này, UBND xã Đồng Tâm đang triển khai các hạng mục đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Khu B, Trường mầm non, Trường Phổ thông cơ sở xã Đồng Tâm được xây mới. Nhiều tuyến đường đang được bê tông hóa như sân vận động xã đi chùa thôn Hoành; xóm 4 đi Thượng Lâm, 2 đoạn đường vào chợ thuộc xóm 1A, đoạn đường xóm 2, xóm 3 đi xóm 8... 

Tường bao nghĩa trang liệt sỹ đã được xây dựng hoàn thành. Không chỉ đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng có sự khởi sắc. Phong trào văn hóa, thể thao tại địa phương sôi động. Cho đến nay, hầu hết người dân địa phương đều tin tưởng và ủng hộ các hoạt động của bộ máy chính quyền, yên tâm lao động sản xuất. Cuộc sống của người dân trên địa bàn thực sự đã bình yên trở lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Sự, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm cho biết: “Thời gian trước đây, tình hình Đồng Tâm diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều hệ lụy trong công tác triển khai yêu cầu, nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị từ công tác Đảng, công tác chính quyền đến các hoạt động của đoàn thể... 

Được sự quan tâm của Trung ương, thành phố và của Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức, Đảng ủy, UBND xã Đồng Tâm đã tập trung giải quyết các vấn đề tồn động của xã. Và đặc biệt khi Quân đội đã thực hiện xây dựng tường rào là diện tích đất quốc phòng, nhân dân đã nhận thức được đầy đủ nội dung đó và bắt tay kiện toàn hệ thống chính trị để đảm bảo công tác triển khai yêu cầu, nhiệm vụ được tốt hơn''.

Xuân Mai- Nguyễn Hưng
.
.
.